Hệ thống pháp luật

Chương 1 Luật Tài nguyên nước 1998

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Sở hữu tài nguyên nước

1. Tài nguyên nước thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý.

2. Tổ chức, cá nhân được quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho đời sống và sản xuất, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật. Nhà nước bảo hộ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Tài nguyên nước quy định trong Luật này bao gồm các nguồn nước mặt, nước mưa, nước dưới đất, nước biển thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nước biển, nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa được quy định tại các văn bản pháp luật khác. Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên do Luật khoáng sản quy định.

2. Luật này áp dụng đối với việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Nguồn nước" chỉ các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng được, bao gồm sông, suối, kênh, rạch; biển, hồ, đầm, ao; các tầng chứa nước dưới đất; mưa, băng, tuyết và các dạng tích tụ nước khác.

2. "Nước mặt" là nước tồn tại trên mặt đất liền hoặc hải đảo.

3. "Nước dưới đất" là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới mặt đất.

4. "Nước sinh hoạt" là nước dùng cho ăn uống, vệ sinh của con người.

"Nước sạch" là nước đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước sạch của Tiêu chuẩn Việt Nam.

5. "Nguồn nước sinh hoạt" là nguồn có thể cung cấp nước sinh hoạt hoặc nước có thể xử lý thành nước sạch một cách kinh tế.

6. "Nguồn nước quốc tế" là nguồn nước từ lãnh thổ Việt Nam chảy sang lãnh thổ các nước khác, từ lãnh thổ các nước khác chảy vào lãnh thổ Việt Nam hoặc nằm trên biên giới giữa Việt Nam và nước láng giềng.

7. "Phát triển tài nguyên nước" là biện pháp nhằm nâng cao khả năng khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước và nâng cao giá trị của tài nguyên nước.

8. "Bảo vệ tài nguyên nước" là biện pháp phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, bảo đảm an toàn nguồn nước và bảo vệ khả năng phát triển tài nguyên nước.

9. "Khai thác nguồn nước" là hoạt động nhằm mang lại lợi ích từ nguồn nước.

10. "Sử dụng tổng hợp nguồn nước" là sử dụng hợp lý, phát triển tiềm năng của một nguồn nước và hạn chế tác hại do nước gây ra để phục vụ tổng hợp cho nhiều mục đích.

11. "Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước" là vùng phụ cận khu vực lấy nước từ nguồn nước được quy định phải bảo vệ để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

12. "Ô nhiễm nguồn nước" là sự thay đổi tính chất vật lý, tính chất hoá học, thành phần sinh học của nước vi phạm tiêu chuẩn cho phép.

13. "Giấy phép về tài nguyên nước" bao gồm giấy phép thăm dò nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép về các hoạt động phải xin phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

14. "Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước" là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của nguồn nước.

15. "Lưu vực sông" là vùng địa lý mà trong phạm vi đó nước mặt, nước dưới đất chảy tự nhiên vào sông.

16. "Quy hoạch lưu vực sông" là quy hoạch về bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong lưu vực sông.

17. "Công trình thuỷ lợi" là công trình khai thác mặt lợi của nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái.

18. "Phân lũ, chậm lũ" là việc chủ động chuyển một phần dòng nước lũ theo hướng chảy khác, tạm chứa nước lại ở một khu vực để giảm mức nước lũ.

19. "Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn" là địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có kết cấu hạ tầng chưa phát triển, vùng có điều kiện tự nhiên không thuận lợi.

20. "Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" là địa bàn vùng dân tộc thiểu số ở miền núi cao, hải đảo, vùng có kết cấu hạ tầng yếu kém, vùng có điều kiện tự nhiên rất không thuận lợi.

Điều 4. Quản lý tài nguyên nước

1. Nhà nước có chính sách quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra nhằm bảo đảm nước cho sinh hoạt của nhân dân, cho các ngành kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

2. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước và mọi hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trong phạm vi cả nước.

3. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước tại địa phương.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và giám sát việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước.

5. Cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi cá nhân có trách nhiệm thi hành pháp luật về tài nguyên nước.

Điều 5. Bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

1. Việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải tuân theo quy hoạch lưu vực sông đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm tính hệ thống của lưu vực sông, không chia cắt theo địa giới hành chính.

2. Việc bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước phải gắn với việc bảo vệ, phát triển rừng và khả năng tái tạo nguồn nước; xây dựng và bảo vệ công trình thủy lợi; phòng, chống ô nhiễm nguồn nước; thực hiện khai thác, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm, an toàn và có hiệu quả nguồn nước.

3. Trong việc phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải có kế hoạch và biện pháp chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ, hạn chế tác hại do nước gây ra; bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích của cả nước với các vùng, các ngành; giữa khoa học, công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân và phù hợp với khả năng của nền kinh tế.

4. Các dự án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra phải góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phải có các biện pháp bảo đảm đời sống dân cư, quốc phòng, an ninh; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh và môi trường.

Điều 6. Chính sách đầu tư phát triển tài nguyên nước

1. Nhà nước đầu tư cho việc điều tra cơ bản về tài nguyên nước, xây dựng hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin dữ liệu, nâng cao khả năng dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, tràn và các tác hại khác do nước gây ra.

2. Nhà nước có kế hoạch ưu tiên đầu tư để giải quyết nước sinh hoạt cho dân cư các vùng đặc biệt khan hiếm nước; đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước.

3. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước đầu tư vốn vào việc phát triển tài nguyên nước; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để phát triển tài nguyên nước và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.

Điều 7. Chính sách tài chính về tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có nghĩa vụ tài chính và đóng góp công sức, kinh phí cho việc xây dựng công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.

2. Nhà nước thực hiện chính sách miễn, giảm thuế tài nguyên nước, phí tài nguyên nước đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 8. Quan hệ quốc tế về tài nguyên nước

Nhà nước khuyến khích mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra nhằm phát triển tài nguyên nước theo nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các bên cùng có lợi và phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm

Nghiêm cấm mọi hành vi làm suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn nước; ngăn cản trái phép sự lưu thông của nước; phá hoại công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra và cản trở quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân.

Luật Tài nguyên nước 1998

  • Số hiệu: 08/1998/QH10
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 20/05/1998
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 31/07/1998
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH