Hệ thống pháp luật

Chương 3 Luật Tài nguyên nước 1998

Chương 3:

KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 20. Điều hòa, phân phối tài nguyên nước

1. Việc điều hoà, phân phối tài nguyên nước cho các mục đích sử dụng phải căn cứ vào quy hoạch lưu vực sông, tiềm năng thực tế của nguồn nước, bảo đảm nguyên tắc công bằng, hợp lý và ưu tiên về số lượng, chất lượng cho nước sinh hoạt.

2. Trong trường hợp thiếu nước, việc điều hoà, phân phối phải ưu tiên cho mục đích sinh hoạt; các mục đích sử dụng khác được điều hòa, phân phối theo tỷ lệ quy định trong quy hoạch lưu vực sông và bảo đảm nguyên tắc công bằng, hợp lý.

Chính phủ quy định cụ thể việc điều hoà, phân phối tài nguyên nước.

Điều 21. Chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác

1. Việc xây dựng dự án chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác phải căn cứ vào chiến lược quốc gia về tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực các sông có liên quan, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong lưu vực sông có liên quan và phải tính toán đầy đủ khả năng của các nguồn nước, nhu cầu dùng nước và tác động môi trường.

2. Thẩm quyền phê duyệt dự án chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác được thực hiện theo quy định tại Điều 59 của Luật này; trường hợp có liên quan đến nguồn nước quốc tế thì việc phê duyệt dự án còn phải thực hiện theo các quy định tại Điều 53 của Luật này.

Điều 22. Quyền của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có những quyền sau đây:

1. Được quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, khai khoáng, phát điện, giao thông thủy, nuôi trồng thủy, hải sản, sản xuất muối, thể thao, giải trí, du lịch, y tế, an dưỡng, nghiên cứu khoa học và các mục đích khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;

2. Được hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước; được chuyển nhượng, cho thuê, để thừa kế, thế chấp tài sản đầu tư vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phát triển tài nguyên nước theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;

3. Được bồi thường thiệt hại trong trường hợp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước bị thu hồi trước thời hạn vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;

4. Khiếu nại, khởi kiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các lợi ích hợp pháp khác;

5. Được Nhà nước bảo hộ quyền lợi hợp pháp trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Điều 23. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có những nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước;

b) Sử dụng nước đúng mục đích, tiết kiệm, an toàn và có hiệu quả;

c) Cung cấp thông tin để kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước khi có yêu cầu;

d) Không gây cản trở hoặc làm thiệt hại đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

đ) Bảo vệ tài nguyên nước đang được khai thác, sử dụng;

e) Thực hiện nghĩa vụ tài chính; bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong các trường hợp phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải thực hiện các quy định ghi trong giấy phép.

Điều 24. Cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các trường hợp không phải xin phép:

a) Khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình cho sinh hoạt;

b) Khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thủy điện và cho các mục đích khác;

c) Khai thác, sử dụng nguồn nước biển với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình cho sản xuất muối và nuôi trồng hải sản;

d) Khai thác, sử dụng nước mưa, nước mặt, nước biển trên đất đã được giao, được thuê theo quy định của pháp luật về đất đai, quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;

đ) Các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Chính phủ quy định việc cấp phép và việc khai thác, sử dụng nguồn nước với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình nói tại Điều này.

Điều 25. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt

1. Nhà nước ưu tiên việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho mục đích sinh hoạt bằng các biện pháp sau đây:

a) Đầu tư, hỗ trợ các dự án cấp nước sinh hoạt, nước sạch, ưu tiên đối với vùng đặc biệt khan hiếm nước, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có nguồn nước bị ô nhiễm nặng;

b) Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước đầu tư khai thác nguồn nước sinh hoạt.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án cấp nước sinh hoạt, nước sạch; thực hiện biện pháp khẩn cấp để bảo đảm nước sinh hoạt trong trường hợp có thiên tai hoặc sự cố gây ra thiếu nước.

3. Tổ chức, cá nhân được cấp nước sinh hoạt, nước sạch có trách nhiệm tham gia đóng góp công sức, tài chính cho việc khai thác, xử lý nước sinh hoạt, nước sạch theo quy định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều 26. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp

1. Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước để sản xuất nông nghiệp.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước để sản xuất nông nghiệp phải có biện pháp tiết kiệm nước, phòng, chống chua mặn, lầy thụt, xói mòn đất và không gây ô nhiễm nguồn nước.

3. Tổ chức, cá nhân chỉ được khai thác, sử dụng nước thải khi đã bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nước theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sản xuất nông nghiệp.

Điều 27. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sản xuất muối và nuôi trồng thuỷ, hải sản

1. Nhà nước khuyến khích đầu tư khai thác, sử dụng nước biển để sản xuất muối. Tổ chức, cá nhân sử dụng nước biển để sản xuất muối không được gây xâm nhập mặn và làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng nước thải khi đã bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nước theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho nuôi trồng thủy, hải sản. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản không được làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, cản trở dòng chảy, hư hại công trình thuỷ lợi, gây trở ngại cho giao thông thuỷ, gây nhiễm mặn nguồn nước và đất nông nghiệp.

Điều 28. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sản xuất công nghiệp, khai khoáng

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sản xuất công nghiệp phải tiết kiệm nước, được khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn, dùng lại nước và không được gây ô nhiễm nguồn nước.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho khai khoáng sau khi sử dụng nước phải có biện pháp xử lý và đưa nước vào nguồn theo quy hoạch.

Điều 29. Khai thác, sử dụng nguồn nước cho thuỷ điện

1. Nhà nước khuyến khích việc khai thác, sử dụng nguồn nước cho thủy điện.

2. Việc xây dựng các công trình thủy điện phải tuân theo quy hoạch lưu vực sông và quy định về bảo vệ môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nguồn nước cho thuỷ điện phải tuân theo quy trình vận hành điều tiết nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm sử dụng tổng hợp nguồn nước, trừ trường hợp khai thác, sử dụng nguồn nước cho thủy điện với quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình.

Điều 30. Khai thác, sử dụng nguồn nước cho giao thông thuỷ

1. Nhà nước khuyến khích khai thác, sử dụng nguồn nước để phát triển giao thông thủy.

2. Hoạt động giao thông thuỷ không được gây ô nhiễm nguồn nước, cản trở dòng chảy, gây hư hại lòng, bờ nguồn nước và các công trình trên nguồn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Việc xây dựng công trình, quy hoạch tuyến giao thông thuỷ phải tuân theo quy hoạch lưu vực sông và quy hoạch phát triển các vùng ven biển.

4. Việc xây dựng và quản lý các công trình khác liên quan đến nguồn nước phải bảo đảm an toàn và hoạt động bình thường cho các phương tiện giao thông thuỷ và không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Điều 31. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích khác

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho nghiên cứu khoa học, y tế, an dưỡng, thể thao, giải trí, du lịch, làm nhà trên mặt nước và cho các mục đích khác phải sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; không được gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, cản trở dòng chảy, xâm nhập mặn và các ảnh hưởng xấu khác đến nguồn nước.

Điều 32. Gây mưa nhân tạo

Việc gây mưa nhân tạo phải căn cứ vào nhu cầu về nước của vùng thiếu nước và điều kiện cho phép để quyết định biện pháp, quy mô hợp lý và phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 33. Quyền dẫn nước chảy qua

Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước hợp pháp được quyền dẫn nước chảy qua đất hoặc bất động sản liền kề thuộc quyền quản lý, sử dụng của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này và của Bộ luật dân sự.

Điều 34. Thăm dò, khai thác nước dưới đất

1. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều 24 của Luật này.

2. Việc cấp phép khai thác nước dưới đất phải căn cứ vào kết quả điều tra cơ bản, thăm dò nước dưới đất và tiềm năng, trữ lượng nước dưới đất.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc khoan điều tra, khảo sát địa chất, thăm dò, thi công công trình khai thác nước dưới đất phải có giấy phép hành nghề.

Điều 35. Bổ sung, thay đổi mục đích, quy mô khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Tổ chức, cá nhân được phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước khi bổ sung, thay đổi mục đích, quy mô khai thác, sử dụng thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật Tài nguyên nước 1998

  • Số hiệu: 08/1998/QH10
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 20/05/1998
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 31/07/1998
  • Số công báo: Số 21
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH