Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015

Chương II

CHẾ ĐỘ PHỤC VỤ CỦA QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

Mục 1. TUYỂN CHỌN, TUYỂN DỤNG QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

Điều 14. Tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp

1. Đối tượng tuyển chọn:

a) Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong trường hợp thay đổi tổ chức, biên chế mà chức vụ đang đảm nhiệm không còn nhu cầu bố trí sĩ quan;

b) Hạ sĩ quan, binh sĩ hết thời hạn phục vụ tại ngũ, đang phục vụ trong ngạch dự bị của quân đội;

c) Công nhân và viên chức quốc phòng.

2. Đối tượng tuyển dụng:

Công dân Việt Nam không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, thường trú trên lãnh thổ Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên.

3. Điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn, tuyển dụng gồm:

a) Có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch rõ ràng và tự nguyện phục vụ quân đội;

b) Có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với chức danh của quân nhân chuyên nghiệp.

4. Hình thức tuyển chọn, tuyển dụng là xét tuyển hoặc thi tuyển. Trường hợp tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi, xuất sắc hoặc có trình độ kỹ thuật nghiệp vụ bậc cao thì được tuyển chọn, tuyển dụng thông qua xét tuyển.

Điều 15. Xếp loại, nâng loại, chuyển vị trí chức danh quân nhân chuyên nghiệp

1. Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với tiêu chuẩn chức danh đảm nhiệm, được xếp loại như sau:

a) Loại cao cấp nhóm I gồm quân nhân chuyên nghiệp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; loại cao cấp nhóm II gồm quân nhân chuyên nghiệp có bằng tốt nghiệp cao đẳng;

b) Loại trung cấp gồm quân nhân chuyên nghiệp có bằng tốt nghiệp trung cấp;

c) Loại sơ cấp gồm quân nhân chuyên nghiệp có chứng chỉ sơ cấp.

2. Quân nhân chuyên nghiệp được xét nâng loại khi hoàn thành tốt hoặc xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có văn bằng phù hợp do quân đội cử đi đào tạo và có năng lực đảm nhiệm chức danh tương ứng với loại quân nhân chuyên nghiệp cao hơn trong cùng ngành chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ.

3. Khi quân đội có nhu cầu, quân nhân chuyên nghiệp có thể được xét chuyển vị trí chức danh mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí chức danh đó.

Mục 2. QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP PHỤC VỤ TẠI NGŨ

Điều 16. Cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp

1. Cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương, gồm:

a) Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp;

b) Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;

c) Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp;

d) Đại úy quân nhân chuyên nghiệp;

đ) Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp;

e) Trung úy quân nhân chuyên nghiệp;

g) Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp.

2. Bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp gồm:

a) Loại cao cấp là Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp;

b) Loại trung cấp là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp;

c) Loại sơ cấp là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương của từng loại.

Điều 17. Thời hạn và hạn tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp

1. Thời hạn phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp trong thời bình như sau:

a) Phục vụ có thời hạn ít nhất là 06 năm kể từ ngày quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp;

b) Phục vụ cho đến hết hạn tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm:

a) Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi;

b) Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi;

c) Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

3. Quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ cao, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khoẻ và tự nguyện, nếu quân đội có nhu cầu thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 05 năm.

4. Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Danh mục chức danh chiến đấu viên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 18. Phong, thăng quân hàm quân nhân chuyên nghiệp

1. Hạ sĩ quan, binh sĩ tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ tại các cơ sở giáo dục đào tạo của quân đội; đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 của Luật này được tuyển chọn, tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp thì được xếp lương và phong quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng mức lương.

2. Quân nhân chuyên nghiệp được thăng cấp bậc quân hàm khi có mức lương tương ứng với mức lương của cấp bậc quân hàm cao hơn.

Điều 19. Biệt phái quân nhân chuyên nghiệp

1. Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ được biệt phái đến công tác ở cơ quan, tổ chức ngoài quân đội, do cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Quân nhân chuyên nghiệp biệt phái được hưởng chế độ, chính sách như đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại ngũ.

3. Cơ quan, tổ chức nhận biệt phái có trách nhiệm giao nhiệm vụ và bảo đảm các chế độ cho quân nhân chuyên nghiệp biệt phái theo quy định của pháp luật.

Mục 3. THÔI PHỤC VỤ TẠI NGŨ CỦA QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP

Điều 20. Trường hợp thôi phục vụ tại ngũ

Quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Hết hạn phục vụ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 của Luật này;

2. Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 của Luật này, sau 06 năm kể từ ngày có quyết định chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp, nếu có nguyện vọng thôi phục vụ tại ngũ và được cấp có thẩm quyền đồng ý;

3. Hết hạn tuổi cao nhất theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;

4. Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật này mà quân đội không thể bố trí sử dụng;

5. Do thay đổi tổ chức biên chế mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng;

6. Phẩm chất chính trị, đạo đức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ 02 năm liên tiếp theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 của Luật này;

7. Không còn đủ tiêu chuẩn về sức khỏe.

Điều 21. Hình thức thôi phục vụ tại ngũ

1. Nghỉ hưu.

2. Phục viên.

3. Nghỉ theo chế độ bệnh binh.

4. Chuyển ngành.

Điều 22. Điều kiện thôi phục vụ tại ngũ

1. Quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Khi hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên;

b) Nam quân nhân chuyên nghiệp có đủ 25 năm, nữ quân nhân chuyên nghiệp có đủ 20 năm phục vụ trong quân đội trở lên do thay đổi tổ chức biên chế mà quân đội không còn nhu cầu bố trí sử dụng;

c) Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật này.

2. Quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ theo chế độ bệnh binh khi sức khỏe bị suy giảm theo quy định của pháp luật.

3. Quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ tại ngũ được chuyển ngành khi được cấp có thẩm quyền đồng ý và được cơ quan, tổ chức nơi đến tiếp nhận.

4. Quân nhân chuyên nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì được phục viên.

Mục 4. QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP PHỤC VỤ TRONG NGẠCH DỰ BỊ

Điều 23. Hạn tuổi cao nhất phục vụ trong ngạch dự bị của quân nhân chuyên nghiệp

1. Cấp úy quân nhân chuyên nghiệp: 54 tuổi.

2. Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: 56 tuổi.

3. Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: 58 tuổi.

Điều 24. Đối tượng đăng ký quân nhân chuyên nghiệp dự bị

1. Quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ còn trong độ tuổi phục vụ trong ngạch dự bị quy định tại Điều 23 của Luật này.

2. Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu của quân đội.

3. Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa phục vụ tại ngũ, tốt nghiệp đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp yêu cầu của quân đội.

Điều 25. Huấn luyện quân nhân chuyên nghiệp dự bị

1. Quân nhân chuyên nghiệp dự bị phải tham gia huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong đơn vị dự bị động viên với tổng thời gian không quá 12 tháng.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định số lượng gọi quân nhân chuyên nghiệp dự bị tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu hàng năm.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định phân bổ chỉ tiêu gọi quân nhân chuyên nghiệp dự bị cho các đơn vị quân đội; quy định số lần và thời gian huấn luyện của mỗi lần; giữa các lần huấn luyện được gọi quân nhân chuyên nghiệp dự bị tập trung để huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu trong thời gian không quá 07 ngày. Trường hợp cần thiết được quyền giữ quân nhân chuyên nghiệp dự bị ở lại huấn luyện không quá 02 tháng nhưng tổng số thời gian không quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 26. Phong, thăng quân hàm quân nhân chuyên nghiệp dự bị

Phong, thăng quân hàm quân nhân chuyên nghiệp dự bị thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 18 của Luật này.

Điều 27. Giải ngạch quân nhân chuyên nghiệp dự bị

Quân nhân chuyên nghiệp dự bị hết hạn tuổi quy định tại Điều 23 của Luật này hoặc không còn đủ sức khoẻ phục vụ trong ngạch dự bị thì được giải ngạch theo quyết định của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015

  • Số hiệu: 98/2015/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 26/11/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1261 đến số 1262
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH