Hệ thống pháp luật

Chương 8 Luật hợp tác xã 1996

Chương 8:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ

Điều 50. Nội dung quản lý nhà nước của Chính phủ đối với hợp tác xã

1- Chính phủ thống nhất thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hợp tác xã trong phạm vi cả nước theo những nội dung sau đây:

a) Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hợp tác xã trong phạm vi cả nước;

b) Căn cứ vào Luật hợp tác xã để ban hành Điều lệ mẫu cho các loại hình hợp tác xã phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân;

c) Căn cứ vào yêu cầu phát triển hợp tác xã và đặc điểm của từng ngành hoặc từng địa bàn cụ thể, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho hợp tác xã về đất đai, thuế, tín dụng, đầu tư, xuất nhập khẩu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thông tin khoa học - công nghệ; có chính sách giảm hoặc miễn thuế lợi tức đối với hợp tác xã ở một số ngành, nghề hoặc địa bàn có nhiều khó khăn;

d) Tạo điều kiện để Liên minh các hợp tác xã ở trung ương và địa phương hoạt động theo quy định của pháp luật;

đ) Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về quản lý nhà nước đối với hợp tác xã;

e) Thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

2- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giúp Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hợp tác xã trong lĩnh vực được giao.

Điều 51. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp đối với hợp tác xã.

1- Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương, biện pháp về xây dựng và phát triển hợp tác xã ở địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hợp tác xã; giám sát việc thực hiện pháp luật về hợp tác xã.

2- Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình:

a) Hướng dẫn thi hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Luật hợp tác xã, Điều lệ mẫu và các văn bản pháp luật khác có liên quan;

b) Tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển hợp tác xã thuộc địa phương mình;

c) Hướng dẫn, vận động các hợp tác xã phối hợp cùng hoạt động vì lợi ích của nhân dân ở địa phương;

d) Giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và các hành vi vi phạm pháp luật về hợp tác xã;

đ) Thực hiện các nội dung khác về quản lý nhà nước đối với hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

3- Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân các cấp, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hợp tác xã trong lĩnh vực được giao.

Điều 52. Mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và vai trò của các tổ chức này đối với hợp tác xã.

1- Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc tổ chức thi hành pháp luật về hợp tác xã.

2- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng và phát triển hợp tác xã; tham gia với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chính sách và giám sát thi hành pháp luật về hợp tác xã.

Luật hợp tác xã 1996

  • Số hiệu: 47-L/CTN
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 20/03/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 31/07/1996
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH