Hệ thống pháp luật

Chương 4 Luật hợp tác xã 1996

Chương 4:

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ

Điều 26. Đại hội xã viên

1- Đại hội xã viên có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã.

2- Hợp tác xã có nhiều xã viên thì có thể tổ chức Đại hội đại biểu xã viên; việc bầu đại biểu xã viên đi dự Đại hội đại biểu do Điều lệ hợp tác xã quy định. Đại hội đại biểu xã viên và Đại hội toàn thể xã viên (gọi chung là Đại hội xã viên) có nhiệm vụ, quyền hạn như nhau.

3- Đại hội xã viên thường kỳ họp mỗi năm một lần do Ban quản trị triệu tập trong vòng ba tháng, kể từ ngày khoá sổ quyết toán năm.

4- Đại hội xã viên bất thường do Ban quản trị hoặc Ban kiểm soát của hợp tác xã triệu tập để quyết định những vấn đề cần thiết vượt quá quyền hạn của Ban quản trị hoặc của Ban kiểm soát.

Trong trường hợp có ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số xã viên cùng có đơn yêu cầu triệu tập Đại hội xã viên gửi lên Ban quản trị hoặc Ban kiểm soát, thì trong vòng mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ đơn, Ban quản trị phải triệu tập đại hội xã viên; nếu quá thời hạn này mà Ban quản trị không triệu tập Đại hội thì Ban kiểm soát phải triệu tập Đại hội xã viên bất thường để giải quyết các vấn đề nêu trong đơn.

Điều 27. Nội dung của Đại hội xã viên

Đại hội xã viên thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây:

1- Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong năm của hợp tác xã, báo cáo hoạt động của Ban quản trị và của Ban kiểm soát;

2- Báo cáo công khai tài chính - kế toán, dự kiến phân phối thu nhập và xử lý các khoản lỗ;

3- Phương hướng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kế hoạch hoạt động và huy động vốn cho năm tới của hợp tác xã;

4- Tăng, giảm vốn điều lệ; trích lập các quỹ của hợp tác xã;

5- Bầu, bãi miễn Chủ nhiệm hợp tác xã; bầu, bầu bổ sung hoặc bãi miễn các thành viên khác của Ban quản trị và Ban kiểm soát;

6- Thông qua việc kết nạp xã viên mới và cho xã viên ra hợp tác xã; quyết định khai trừ xã viên;

7- Hợp nhất, chia tách, giải thể hợp tác xã;

8- Sửa đổi Điều lệ, nội quy hợp tác xã;

9- Mức thù lao cho Chủ nhiệm và các thành viên khác của Ban quản trị, Ban kiểm soát và các chức danh khác của hợp tác xã;

10- Những vấn đề khác do Ban quản trị, Ban kiểm soát hoặc có ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số xã viên đề nghị.

Điều 28. Quy định về số lượng đại biểu và biểu quyết trong đại hội xã viên

1- Đại hội xã viên phải có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số xã viên hoặc đại biểu xã viên tham dự. Nếu không đủ số lượng quy định trên thì phải tạm hoãn Đại hội; Ban quản trị hoặc Ban kiểm soát phải triệu tập lại Đại hội.

2- Quyết định sửa đổi Điều lệ, hợp nhất, chia tách, giải thể hợp tác xã được thông qua khi có ít nhất 3/4 (ba phần tư) tổng số xã viên hoặc đại biểu xã viên có mặt tại Đại hội biểu quyết tán thành. Các quyết định về những vấn đề khác được thông qua khi có quá (một phần hai) tổng số đại biểu có mặt tại Đại hội biểu quyết tán thành.

3- Việc biểu quyết tại Đại hội xã viên và các cuộc họp xã viên không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của xã viên trong hợp tác xã. Mỗi xã viên hoặc đại biểu xã viên chỉ có một phiếu biểu quyết.

Điều 29. Thông báo triệu tập Đại hội xã viên

Chậm nhất là mười ngày, trước khi khai mạc Đại hội xã viên, cơ quan triệu tập Đại hội phải thông báo thời gian, địa điểm họp và chương trình Đại hội cho từng xã viên hoặc đại biểu xã viên. Đại hội xã viên chỉ thảo luận và quyết định những vấn đề đã ghi trong chương trình Đại hội và những vấn đề phát sinh khi có ít nhất 1/3 (một phần ba) tổng số xã viên đề nghị.

Điều 30. Ban quản trị hợp tác xã

1- Ban quản trị là cơ quan quản lý và điều hành mọi công việc của hợp tác xã do Đại hội xã viên bầu trực tiếp, gồm Chủ nhiệm hợp tác xã và các thành viên khác. Số lượng thành viên Ban quản trị do Điều lệ hợp tác xã quy định. Những hợp tác xã có số xã viên dưới mười lăm người thì có thể chỉ bầu Chủ nhiệm hợp tác xã để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản trị. Hợp tác xã có quy mô lớn được bầu Hội đồng quản trị để thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của Ban quản trị quy định trong Luật này.

2- Nhiệm kỳ của Ban quản trị hợp tác xã do Điều lệ hợp tác xã quy định, nhưng tối thiểu là hai năm và tối đa không quá năm năm.

3- Ban quản trị họp ít nhất mỗi tháng một lần, do Chủ nhiệm hoặc thành viên Ban quản trị được Chủ nhiệm uỷ quyền triệu tập và chủ trì. Các cuộc họp của Ban quản trị được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên Ban quản trị tham dự. Ban quản trị hoạt động theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số. Trong trường hợp biểu quyết mà có số phiếu tán thành và không tán thành ngang nhau, thì số phiếu biểu quyết của bên có người chủ trì cuộc họp là quyết định.

Điều 31. Tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị

Thành viên Ban quản trị phải là xã viên hợp tác xã, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực quản lý hợp tác xã.

Thành viên Ban quản trị không được đồng thời là thành viên Ban kiểm soát, kế toán trưởng, thủ quỹ của hợp tác xã và không phải là cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em ruột của họ; các tiêu chuẩn khác (nếu có) do Điều lệ hợp tác xã quy định.

Điều 32. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản trị

1- Ban quản trị có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Chọn cử kế toán trưởng, quyết định cơ cấu tổ chức các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn của hợp tác xã;

b) Tổ chức thực hiện nghị quyết của Đại hội xã viên;

c) Chuẩn bị báo cáo về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và huy động vốn của hợp tác xã, báo cáo hoạt động của Ban quản trị trình Đại hội xã viên;

d) Chuẩn bị chương trình nghị sự của Đại hội xã viên và triệu tập Đại hội xã viên;

đ) Đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã; duyệt báo cáo quyết toán tài chính để trình Đại hội xã viên;

e) Xét kết nạp xã viên mới và giải quyết việc xã viên ra hợp tác xã (trừ trường hợp khai trừ xã viên) và báo cáo để Đại hội xã viên thông qua;

g) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác do Điều lệ hợp tác xã quy định.

2- Ban quản trị chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trước Đại hội xã viên và trước pháp luật.

Điều 33. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ nhiệm hợp tác xã

1- Chủ nhiệm hợp tác xã có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Đại điện hợp tác xã trước pháp luật;

b) Tổ chức thực hiện kế hoạch và điều hành mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã;

c) Triệu tập và chủ trì các cuộc họp Ban quản trị, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đại hội xã viên và các quyết định của Ban quản trị;

d) Tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của hợp tác xã quy định tại các điều 8 và 9 của Luật này.

2- Chủ nhiệm hợp tác xã chịu trách nhiệm trước Đại hội xã viên và Ban quản trị về công việc được giao.

Khi vắng mặt, Chủ nhiệm hợp tác xã được uỷ quyền cho Phó chủ nhiệm hoặc một thành viên Ban quản trị điều hành công việc của hợp tác xã.

3- Chức danh Phó chủ nhiệm hợp tác xã do Điều lệ hợp tác xã quy định.

Điều 34. Ban kiểm soát

1- Ban kiểm soát là cơ quan giám sát và kiểm tra mọi hoạt động của hợp tác xã theo đúng pháp luật và Điều lệ hợp tác xã.

2- Ban kiểm soát do Đại hội xã viên bầu trực tiếp. Số lượng thành viên do Điều lệ hợp tác xã quy định, Ban kiểm soát bầu một trưởng ban để điều hành các công việc của Ban; hợp tác xã có ít xã viên có thể chỉ bầu một kiểm soát viên.

3- Tiêu chuẩn thành viên Ban kiểm soát được áp dụng như tiêu chuẩn thành viên Ban quản trị. Thành viên Ban kiểm soát không được đồng thời là thành viên Ban quản trị, kế toán trưởng, thủ quỹ của hợp tác xã và không phải là cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em ruột của họ.

4- Nhiệm kỳ của Ban kiểm soát theo nhiệm kỳ của Ban quản trị.

Điều 35. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm soát

Ban kiểm soát có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ, nội quy hợp tác xã và nghị quyết của Đại hội xã viên;

2- Giám sát hoạt động của Ban quản trị, Chủ nhiệm hợp tác xã và xã viên theo đúng pháp luật và Điều lệ, nội quy hợp tác xã;

3- Kiểm tra về tài chính, kế toán, phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ, sử dụng các quỹ của hợp tác xã, sử dụng tài sản, vốn vay và các khoản hỗ trợ của Nhà nước;

4- Tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công việc của hợp tác xã;

5- Được dự các cuộc họp của Ban quản trị;

6- Thông báo kết quả kiểm tra cho Ban quản trị hợp tác xã và báo cáo trước Đại hội xã viên; kiến nghị với Ban quản trị, Chủ nhiệm hợp tác xã khắc phục những yếu kém trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã và giải quyết những vi phạm Điều lệ, nội quy hợp tác xã;

7- Yêu cầu những người có liên quan trong hợp tác xã cung cấp tài liệu, sổ sách, chứng từ và những thông tin cần thiết để phục vụ công tác kiểm tra, nhưng không được sử dụng các tài liệu, thông tin đó vào mục đích khác;

8- Chuẩn bị chương trình nghị sự và triệu tập Đại hội xã viên bất thường khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Khi có hành vi vi phạm pháp luật, Điều lệ, nội quy hợp tác xã và nghị quyết Đại hội xã viên, Ban kiểm soát đã yêu cầu mà Ban quản trị không thực hiện hoặc thực hiện không có kết quả các biện pháp ngăn chặn;

b) Ban quản trị không triệu tập Đại hội xã viên bất thường theo yêu cầu của xã viên quy định tại khoản 4 Điều 26 của Luật này.

Luật hợp tác xã 1996

  • Số hiệu: 47-L/CTN
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 20/03/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 31/07/1996
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH