Hệ thống pháp luật

Chương 5 Luật hợp tác xã 1996

Chương 5:

TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH CỦA HỢP TÁC XÃ

Điều 36. Vốn góp của xã viên

1- Khi gia nhập hợp tác xã, xã viên phải góp vốn theo quy định tại Điều 24 của Luật này.

Xã viên có thể góp vốn một lần ngay từ đầu hoặc nhiều lần; mức, hình thức và thời hạn góp vốn do Điều lệ hợp tác xã quy định.

Vốn góp của xã viên được điều chính theo quy định của Đại hội xã viên.

2- Xã viên được trả lại vốn góp trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và e khoản 1 Điều 25 của Luật này. Việc trả lại vốn góp của xã viên căn cứ vào thực trạng tài chính của hợp tác xã tại thời điểm trả lại vốn sau khi hợp tác xã đã quyết toán năm và đã giải quyết xong các quyền lợi, nghĩa vụ về kinh tế của xã viên đối với hợp tác xã. Hình thức, thời hạn trả lại vốn góp cho xã viên do Điều lệ hợp tác xã quy định.

Điều 37. Huy động vốn

1- Hợp tác xã được vay vốn của Ngân hàng theo quy định của pháp luật.

2- Hợp tác xã được huy động vốn góp của xã viên theo quyết định của Đại hội xã viên.

3- Hợp tác xã được vay vốn của xã viên, của các tổ chức theo điều kiện do hai bên thoả thuận, nhưng không trái với các quy định của pháp luật.

4- Hợp tác xã được nhận và sử dụng vốn, trợ cấp của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước do các bên thoả thuận và theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Vốn hoạt động của hợp tác xã

Vốn hoạt động của hợp tác xã được hình thành từ vốn góp của xã viên, vốn được tích luỹ thuộc sở hữu của hợp tác xã, vốn vay và các nguồn vốn huy động khác.

Vốn hoạt động của hợp tác xã được quản lý và sử dụng theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật và Điều lệ hợp tác xã.

Điều 39. Quỹ của hợp tác xã

1- Lãi của hợp tác xã được ưu tiên lập quỹ phát triển sản xuất và quỹ dự phòng, còn các quỹ khác do Điều lệ hợp tác xã và Đại hội xã viên quy định phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hợp tác xã.

2- Mục đích, phương thức quản lý và sử dụng các quỹ của hợp tác xã do Điều lệ hợp tác xã quy định.

Điều 40. Tài sản của hợp tác xã

1- Tài sản của hợp tác xã là tài sản thuộc sở hữu của hợp tác xã được hình thành từ vốn hoạt động của hợp tác xã.

2- Việc quản lý, sử dụng các tài sản của hợp tác xã được thực hiện theo quy định của Điều lệ hợp tác xã và các quy định khác của pháp luật. Trong mọi trường hợp, hợp tác xã không được chia cho xã viên: vốn do Nhà nước trợ cấp, công trình công cộng, kết cấu hạ tầng phục vụ chung cho cộng đồng dân cư.

Điều 41. Xử lý tài sản và vốn của hợp tác xã khi giải thể

Khi giải thể, hợp tác xã phải chuyển giao cho chính quyền địa phương các tài sản không được chia theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này để quản lý và sử dụng chung cho cộng động dân cư.

Đất đai do Nhà nước giao quyền sử dụng cho hợp tác xã được xử lý theo quy định của pháp luật về đất đai.

Sau khi thanh toán hết các khoản nợ của hợp tác xã và các chi phí cho việc giải thể, hợp tác xã được chia cho xã viên các tài sản, vốn, quỹ khác còn lại.

Điều 42. Phân phối lãi

1- Sau khi làm xong nghĩa vụ nộp thuế, lãi của hợp tác xã được phân phối như sau:

a) Trả bù các khoản lỗ của năm trước (nếu có);

b) Trích lập các quỹ của hợp tác xã; chia lãi theo vốn góp và công sức đóng góp của xã viên; phần còn lại chia cho xã viên theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã.

2- Căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, Đại hội xã viên quyết định tỷ lệ phân phối lãi hàng năm.

Điều 43. Xử lý các khoản lỗ

Các khoản lỗ của hợp tác xã do nguyên nhân khách quan gây ra được lấy lãi của kỳ quyết toán sau để bù hoặc được trừ vào quỹ của hợp tác xã, vốn góp của xã viên do Đại hội xã viên quyết định; nếu lỗ do nguyên nhân chủ quan của cá nhân gây ra, thì tuỳ theo mức độ thiệt hai, cá nhân gây ra phải bồi thường theo quyết định của Đại hội xã viên.

Luật hợp tác xã 1996

  • Số hiệu: 47-L/CTN
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 20/03/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 31/07/1996
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH