Hệ thống pháp luật

Chương 1 Luật hợp tác xã 1996

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Định nghĩa hợp tác xã

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ do những người lao động có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện cùng góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật để phát huy sức mạnh của tập thể và của từng xã viên nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều 2. Tổ hợp tác

Các tổ hợp tác có hình thức tổ chức, tên gọi khác nhau được Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ và có chính sách khuyến khích phát triển để trở thành hợp tác xã khi có đủ điều kiện.

Điều 3. Phạm vi điều chỉnh

Luật này áp dụng đối với hợp tác xã trong các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

Điều 4. Điều lệ mẫu

Điều lệ mẫu của hợp tác xã nông nghiệp và của các ngành, nghề khác do Chính phủ ban hành theo quy định của Luật này để làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng Điều lệ hợp tác xã phù hợp với đặc điểm của từng loại hình hợp tác xã. Điều lệ mẫu phải quy định rõ số lượng xã viên tối thiểu.

Điều 5. Chính sách Nhà nước đối với hợp tác xã

Nhà nước bảo hộ quyền lợi hợp pháp của hợp tác xã, bảo đảm quyền bình đẳng của hợp tác xã trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; ban hành các văn bản pháp luật và chính sách khuyền khích phát triển hợp tác xã; thông qua hợp tác xã để thực hiện các chính sách giúp đỡ, hỗ trợ xã viên xoá đói, giảm nghèo, thực hiện bình đẳng, công bằng và tiến bộ xã hội. Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã, không can thiệp vào việc quản lý và hoạt động hợp pháp của hợp tác xã.

Điều 6. Giải thích từ ngữ

Trong luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- Vốn góp tối thiểu là số tiền hoặc tài sản được quy ra tiền mà xã viên bắt buộc phải góp khi gia nhập hợp tác xã.

2- Góp sức là việc xã viên tham gia trực tiếp dưới dạng lao động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc tham gia quản lý hợp tác xã và được trả thù lao theo sự đóng góp do Điều lệ hợp tác xã quy định.

3- Vốn điều lệ của hợp tác xã là tổng số vốn do các xã viên đóng góp và được ghi vào Điều lệ hợp tác xã.

4- Biểu tượng của hợp tác xã là ký hiệu riêng của mỗi hợp tác xã để phản ánh đặc trưng riêng biệt của hợp tác xã và phân biệt hợp tác xã đó với các hợp tác xã và doanh nghiệp khác.

5- Dịch vụ của hợp tác xã đối với xã viên là việc hợp tác xã cung ứng cho xã viên hàng hoá, dịch vụ dưới dạng vật chất hoặc phí vật chất mà xã viên phải trả tiền cho hợp tác xã.

6- Mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã là tỷ lệ giá trị dịch vụ mà hợp tác xã cung ứng cho từng xã viên trong tổng số giá trị dịch vụ của hợp tác xã cung ứng cho toàn bộ xã viên của hợp tác xã.

7- Cam kết kinh tế giữa hợp tác xã và xã viên là thoả thuận nêu rõ những ràng buộc về kinh tế giữa hợp tác xã và xã viên.

Điều 7. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã

Hợp tác xã tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc sau đây:

1- Tự nguyện gia nhập và ra hợp tác xã: mọi công dân Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định của Luật này, tán thành Điều lệ hợp tác xã đều có thể trở thành xã viên hợp tác xã; xã viên có quyền ra hợp tác xã theo quy định của Điều lệ hợp tác xã;

2- Quản lý dân chủ và bình đẳng: xã viên hợp tác xã có quyền tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát hợp tác xã và có quyền ngang nhau trong biểu quyết;

3- Tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi: hợp tác xã tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tự quyết định về phân phối thu nhập, bảo đảm hợp tác xã và xã viên cùng có lợi;

4- Chia lãi bảo đảm kết hợp lợi ích của xã viên và sự phát triển của hợp tác xã; sau khi làm xong nghĩa vụ nộp thuế, lãi được trích một phần vào các quỹ của hợp tác xã, một phân chia theo vốn góp và công sức đóng góp của xã viên, phần còn lại chia cho xã viên theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã do Đại hội xã viên quyết định;

5- Hợp tác và phát triển cộng đồng: xã viên phải phát huy tinh thần tập thể, nâng cao ý thức hợp tác trong hợp tác xã và trong cộng đồng xã hội; hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau ở trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Quyền của hợp tác xã

Hợp tác xã có các quyền sau đây:

1- Lựa chọn ngành, nghề, lĩnh vực, quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và địa bàn hoạt động phù hợp với khả năng của hợp tác xã;

2- Quyết định hình thức và cơ cấu tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã;

3- Xuất khẩu, nhập khẩu, liên doanh, liên kết với các tổ chức và cá nhân ở trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

4- Thuê lao động trong trường hợp xã viên không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hợp tác xã theo quy định của pháp luật;

5- Quyết định kết nạp xã viên mới, giải quyết việc xã viên ra hợp tác xã, khai trừ xã viên theo quy định của Điều lệ hợp tác xã;

6- Quyết định việc phân phối thu nhập, xử lý các khoản lỗ của hợp tác xã;

7- Quyết định khen thưởng những cá nhân có nhiều thành tích xây dựng và phát triển hợp tác xã; thi hành kỷ luật những xã viên vi phạm Điều lệ hợp tác xã; buộc xã viên bồi thường các thiệt hại đã gây ra cho hợp tác xã;

8- Vay vốn ngân hàng và huy động các nguồn vốn khác, cho xã viên vay vốn theo quy định của pháp luật;

9- Được bảo hộ bí quyết công nghệ theo quy định của pháp luật;

10- Từ chối yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trái với quy định của pháp luật.

Hợp tác xã còn có các quyền khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Nghĩa vụ của hợp tác xã

Hợp tác xã có các nghĩa vụ sau đây:

1- Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đúng ngành, nghề, mặt hàng đã đăng ký;

2- Thực hiện đúng chế độ kế toán, thống kê do Nhà nước quy định và chấp hành chế độ kiểm toán của Nhà nước;

3- Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;

4- Bảo toàn và phát triển vốn hoạt động của hợp tác xã, quản lý và sử dụng đất được Nhà nước giao quyền sử dụng theo quy định của pháp luật;

5- Chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ khác bằng toàn bộ vốn và tài sản thuộc sở hữu của hợp tác xã;

6- Bảo vệ môi trường, môi sinh, cảnh quan, di tích lịch sử và các công trình quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

7- Bảo đảm các quyền của xã viên và thực hiện các cam kết kinh tế đối với xã viên;

8- Thực hiện các nghĩa vụ đối với xã viên trực tiếp lao động cho hợp tác xã và người lao động do hợp tác xã thuế; khuyến khích và tạo điều kiện để người lao động trở thành xã viên hợp tác xã;

9- Đóng bảo hiểm xã hội cho xã viên theo quy định của pháp luật;

10- Chăm lo giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, cung cấp thông tin để mọi xã viên tích cực tham gia xây dựng hợp tác xã;

11- Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị - xã hội được pháp luật công nhận hoạt động trong hợp tác xã.

Điều 10. Tên, biểu tượng của hợp tác xã

Hợp tác xã được tự chọn tên và biểu tượng của mình phù hợp với quy định của pháp luật.

Con dấu, băng hiệu và giấy tờ giao dịch của hợp tác xã phải có ký hiệu "HTX".

Tên, biểu tượng (nếu có) của hợp tác xã phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Tổ chức Đảng và đoàn thể trong hợp tác xã

Tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam trong hợp tác xã hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quy định của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tổ chức công đoàn, hội nông dân, các tổ chức chính trị - xã hội khác và tổ chức dân quân tự vệ trong hợp tác xã hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của các tổ chức này.

Luật hợp tác xã 1996

  • Số hiệu: 47-L/CTN
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 20/03/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: 31/07/1996
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1997
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH