Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 757/LĐTBXH-VPQGGN
V/v hướng dẫn phạm vi, đối tượng phân bổ vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững năm 2018

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2018

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện thông báo vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 8759/BKHĐT-TH ngày 25/10/2017), Bộ Tài chính (Quyết định số 2465/QĐ-BTC ngày 29/11/2017), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn số 4087/LĐTBXH-VPQGGN ngày 27/9/2017 và công văn số 4266/LĐTBXH-VPQGGN ngày 10/10/2017 về việc phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2018 cho các tỉnh, thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp và đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2017/QH14 ngày 14/11/2017 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Trên cơ sở ý kiến của một số địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh/thành phố chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phạm vi, đối tượng phân bổ vốn của các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2018 từ nguồn ngân sách trung ương, cụ thể như sau:

I. Nguyên tắc phân bổ kinh phí

- Kinh phí bố trí để thực hiện các dự án, hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2018 nhằm tác động thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo được Quốc hội, Chính phủ thông qua.

- Bố trí kinh phí tập trung, không dàn trải, ưu tiên cho những địa bàn tỷ lệ nghèo cao nhất, các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi. Trung ương hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, các huyện nghèo theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi theo Quyết định được phê duyệt của cấp có thẩm quyền vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng.

- Việc bố trí kinh phí phải phát huy được tính chủ động của địa phương, huy động được các nguồn lực tham gia thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

II. Tiêu chí, định mức phân bổ

- Căn cứ Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

- Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

III. Phạm vi và đối tượng phân bổ

1. Dự án 1: Chương trình 30a

1.1. Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo

- 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP;

- 23 huyện nghèo được hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018 là năm cuối cấp vốn cho 23 huyện nghèo này, đề nghị địa phương ưu tiên bố trí cấp đủ vốn theo định mức giao trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp duy tu bảo dưỡng. Tuy nhiên, theo tổng vốn duy tu được phê duyệt tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg , vốn duy tu bảo dưỡng giai đoạn 2018-2020 bằng 4,85% vốn đầu tư phát triển (do đã giao vượt định mức vốn duy tu bảo dưỡng năm 2016 và năm 2017).

1.2. Tiểu dự án 2: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Quyết định 131/QĐ-TTg).

Theo Quyết định 131/QĐ-TTg , vốn năm 2018 phân bổ cho 289/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của giai đoạn 2016-2020 (không bao gồm xã Quảng Cư và xã Quảng Vinh thuộc thị xã Sm Sơn, tỉnh Thanh Hóa do đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 thông qua tại Nghị quyết số 386/NQ-UBTVQH14 ngày 19/4/2017 về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa).

Theo quy định tại Quyết định số 1559/QĐ-TTg ngày 05/8/2016, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 là các xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, tình trạng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh còn thấp kém, hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo sinh kế của người dân trên địa bàn; khi các xã này đã được chuyển đổi thành phường, thị trấn hoặc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ thuộc khu vực thành thị hoặc xã nông thôn kiểu mới, có trình độ phát triển cao hơn, vì vậy không đáp ứng được các tiêu chí quy định và không còn thuộc danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020. Đề nghị các địa phương tạm thời không phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp duy tu bảo dưỡng năm 2018 cho các xã được công nhận lên phường, thị trấn hoặc các xã đạt chuẩn nông thôn mới từ ngày 31/12/2017 trở về trước theo danh sách các xã được phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐ-TTg trong khi chờ xin ý kiến của cấp có thẩm quyền.

1.3. Tiểu dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

a) Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo

- 64 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP;

- 23 huyện nghèo theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018 là năm cuối cấp vốn sự nghiệp cho 23 huyện này, đề nghị địa phương ưu tiên bố trí cấp đủ vốn theo định mức giao trung hạn giai đoạn 2016-2020.

- Ưu tiên bố trí đủ vốn hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo nhằm tạo sinh kế bền vững trước khi bố trí kinh phí cho các nội dung hỗ trợ khác như khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng, giao đất để trồng rừng...

b) Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo

- Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ (trừ các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã lên phường, thị trấn từ ngày 31/12/2017 trở về trước).

Cơ cấu vốn giữa hoạt động phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo là 80% và 20%, đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển do nguồn kinh phí hỗ trợ thấp nên lựa chọn hình thức hoạt động phù hợp để triển khai.

1.4. Tiểu dự án 4: Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài

- 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP;

- 23 huyện nghèo theo theo Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ;

- Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ (trừ các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã lên phường, thị trấn từ ngày 31/12/2017 trở về trước).

- Lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động cư trú dài hạn trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên đối tượng lao động là thanh niên chưa có việc làm, đặc biệt là thanh niên thuộc hộ dân tộc thiểu số nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

2. Dự án 2. Chương trình 135

2.1. Tiểu dự án 1. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn và Tiểu dự án 3. Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn (do Ủy ban Dân tộc trực tiếp hướng dẫn).

2.2. Tiểu dự án 2. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn

- Các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo, đồng thời bố trí đủ kinh phí hỗ trợ tạo đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất sản xuất nhằm tạo sinh kế bền vững trước khi bố trí kinh phí cho các nội dung hỗ trợ khác...

3. Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135

Do nguồn kinh phí bố trí cho dự án có hạn nên các địa phương chủ động triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, xã khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, và các xã khác.

Cơ cấu vốn giữa hoạt động phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là 40% và 60%.

4. Dự án 4. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin

- Truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

- Xây dựng, củng cố hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân.

- Cơ cấu vốn giữa hoạt động “Truyền thông về giảm nghèo” và hoạt động “Giảm nghèo về thông tin”: ưu tiên bố trí từ 60% - 65% kinh phí cho hoạt động “Giảm nghèo về thông tin” (riêng đối với các tỉnh: Lào Cai, Thái Bình, Quảng Bình, Đắk Lắk, Bình Phước, An Giang ưu tiên bố trí từ 60% - 65% kinh phí cho hoạt động “Giảm nghèo về thông tin” sau khi đã trừ hệ số D được trung ương phân bổ riêng cho tỉnh).

Đối với các tỉnh: Lào Cai, Thái Bình, Quảng Bình, Đắk Lắk, Bình Phước, An Giang năm 2018 được ưu tiên bố trí hệ số D do trung ương hỗ trợ riêng cho tỉnh là “nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch, đề án về sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền phục vụ chung cho khu vực và kế hoạch, đề án xóa nghèo về thông tin đối với đối tượng ưu tiên thuộc địa bàn được cơ quan quản lý dự án chấp thuận” thuộc hoạt động “Giảm nghèo về thông tin”, đề nghị các tỉnh nói trên xây dựng kế hoạch triển khai gửi Bộ Thông tin và Truyền thông thỏa thuận trước khi triển khai, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Kế hoạch của địa phương phải thể hiện được một số nội dung chính sau: Sự cần thiết; nội dung chủ đề; hình thức thông tin, tuyên truyền; quy mô, phạm vi; phương án phát hành, đăng tải, phát sóng (bao gồm cả ở các địa phương khác thuộc khu vực được hưởng thụ sản phẩm); kinh phí thực hiện; tổ chức thực hiện; phân tích hiệu quả.

5. Dự án Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình

- Đối với hoạt động nâng cao năng lực: đối tượng là cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp (cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín), ưu tiên nâng cao năng lực cho cán bộ nữ.

- Đối với công tác giám sát đánh giá: cơ quan chủ trì Chương trình các cấp, các cơ quan chủ trì các dự án thành phần/nội dung trong các dự án thành phần các cấp và các cán bộ được phân công phụ trách và tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá.

IV. Bố trí ngân sách địa phương năm 2018 thực hiện Chương trình

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình theo tỷ lệ quy định tại Điều 6 Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

V. Chế độ báo cáo kết quả phân bổ ngân sách

Thực hiện theo quy định tại Điều 9 Chương III Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Thông tư số 39/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, có vấn đề vướng mắc, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (qua Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo - Ngõ số 7 Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, ĐT: 0243.7478677) để giải quyết và hướng dẫn kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông;
- Ủy ban Dân tộc;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Website giảm nghèo;
- Lưu: VT, Vụ KHTC, VPQGGN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 757/LĐTBXH-VPQGGN về hướng dẫn phạm vi, đối tượng phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 757/LĐTBXH-VPQGGN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/03/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Lê Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản