Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59211/CT-TTHT
V/v lập hóa đơn GTGT đối với hoạt động kinh doanh siêu thị bán lẻ

Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty TNHH Bán lẻ Fujimart Việt Nam
(Đ/c: Số 142 Lê Duẩn, Phường Khâm Thiên, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội
MST: 0108432911)

Trả lời công văn số 05/07/FUJI đề ngày 05/07/2019 của Công ty TNHH Bán lẻ Fujimart Việt Nam (sau đây gọi là Công ty) hỏi về chính sách thuế đối với hóa đơn, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Điều 16 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/05/2010 của Chính phủ quy định hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:

“Điều 16. Bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn

1. Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu nhận hóa đơn.

2. Hàng hóa, dịch vụ bán không phải lập hóa đơn quy định tại khoản 1 Điều này được theo dõi trên bảng kê.

3. Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn ghi số tiền bán hàng hóa dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua tại cuống, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tên người mua trong hóa đơn này được ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn.”.

- Căn cứ Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

Tại khoản 2 Điều 16 quy định:

“Điều 16. Lập hóa đơn

...2. Cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn

a) Tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn

Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền...”

Tại Điều 20 quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hướng dẫn xử lý đối với hóa đơn đã lập:

“1. Trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai

2. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hóa đơn đã lập và giao cho người mua, người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hóa đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hóa đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hóa đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hóa đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.

3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng..., tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số..., ký hiệu... Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”

Tại điểm 2.8 phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 quy định:

“2.8. Tổ chức cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT.

Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.”

- Căn cứ tiết b Khoản 7 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về Thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

“Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ như sau:

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:

b) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 16 như sau:

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ mã số thuế.

Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hóa đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hóa đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày...”

Căn cứ các quy định trên và công văn của Công ty, Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn như sau:

1. Về việc lập hóa đơn GTGT đối với trường hợp bán hàng hóa có giá trị bán hàng từng lần từ 200.000 đồng trở lên:

Về nguyên tắc, trường hợp Công ty bán hàng hóa cho người tiêu dùng có giá trị bán hàng từng lần từ 200.000 đồng trở lên thì Công ty thực hiện lập hóa đơn theo định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC, tiết b khoản 7 Điều 3 Thông 26/2015/TT-BTC nêu trên.

2. Đối với đề nghị của Công ty về việc cuối ngày xuất chung một hóa đơn; cho các trường hợp khách hàng không lấy hóa đơn, xuất hóa đơn cho giao dịch khách hàng trả lại của Công ty, Cục Thuế TP Hà Nội đang có công văn xin ý kiến Tổng cục Thuế. Khi có văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ hướng dẫn Công ty thực hiện.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Bán lẻ Fujimart Việt Nam được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TKT2;
- Phòng DTPC;
- Lưu: VT, TTHT(2).

CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 59211/CT-TTHT năm 2019 về lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh siêu thị bán lẻ do Cục Thuế thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 59211/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 29/07/2019
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Mai Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản