Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4877/CT-TTHT
V/v trả lời chính sách thuế.

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2018

 

Kính gửi: Công ty TNHH Haseko HimlamBC
(Đ/c: Khu CT1, dự án khu nhà ở Tư Đình - Q. Long Biên - Hà Nội) MST: 0106731803

Trả lời công văn số 21/2017-CV ngày 08/03/2017 của Công ty TNHH Haseko HimlamBC, Cục thuế Thành phố Hà Nội có ý kiến như sau:

Căn cứ Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) quy định:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt..

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ...

b) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính).

c) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp theo chế độ quản lý tài sản cố định và hạch toán kế toán hiện hành.

d) Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.

Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển,... không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản nêu trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm.

đ) Khấu hao đối với tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị.

e) Một số trường hợp cụ thể được xác định như sau:

- Không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: Phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ: ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô); phần trích khấu hao đối với tài sản cố định là tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.

Doanh nghiệp phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu...

Căn cứ Điều 9 Thông tư 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ quy định nguyên tắc:

"1. Tất cả TSCĐ hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, trừ những TSCĐ sau đây...

2. Các khoản chi phí khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

9. Việc trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà TSCĐ tăng hoặc giảm. Doanh nghiệp thực hiện hạch toán tăng, giảm TSCĐ theo quy định hiện hành về chế độ kế toán doanh nghiệp.

…"

Căn cứ các quy định trên và theo nội dung trình bày trong công văn đơn vị hỏi, trường hợp Công ty TNHH Haseko Himlam BC kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng ở có sẵn đồ đạc thì khoản chi phí trích khấu hao TSCĐ, phân bổ chi phí mua sắm công cụ dụng cụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty được hạch toán theo nguyên tắc sau:

1. Quy định về trích khấu hao, phân bổ giá trị công cụ dụng cụ

Tất cả TSCĐ hiện có của Công ty đều phải trích hoặc thôi trích khấu hao TSCĐ bắt đầu từ ngày TSCĐ tăng hoặc giảm. Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định thì chi phí mua tài sản được phân bổ vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm.

2. Điều kiện để được hạch toán vào chi phí hợp lí

Khoản chi phí trích khấu hao TSCĐ, phân bổ giá trị công cụ dụng cụ cho những vật dụng của các căn hộ phục vụ hoạt động cho thuê phòng ở của Công ty đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 và trong mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định thì được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Trong quá trình thực hiện nếu còn vướng mắc, đề nghị đơn vị liên hệ với Phòng Kiểm tra thuế số 1 để được hướng dẫn cụ thể.

Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty TNHH Haseko Himlam BC được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng Pháp chế;
- Phòng Kiểm tra thuế số 1;
- Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Mai Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 4877/CT-TTHT năm 2018 về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp do Cục thuế Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 4877/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/01/2018
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hà Nội
  • Người ký: Mai Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản