Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3587/TCHQ-TXNK
V/v vướng mắc về phân loại hàng hóa và xử lý thuế

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2019

 

Kính gửi:

- Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố;
- Cục Thuế Xuất nhập khẩu;
- Cục Kiểm định Hải quan;
- Cục Kiểm tra sau thông quan.

Trong quá trình triển khai thực hiện công tác phân tích, phân loại hàng hóa và xử lý thuế hiện nay tại các đơn vị Hải quan đang phát sinh một số vướng mắc. Để xử lý những vướng mắc này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Đối với các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

(i) Về công tác phân loại.

- Khi làm thủ tục hải quan, công chức hải quan phải kiểm tra chi tiết mô tả hàng hóa, mã số, mức thuế theo quy định tại điều 3, điều 4 Quy trình 1921/QĐ-TCHQ ngày 28/6/2018 của Tổng cục Hải quan. Trong đó lưu ý hàng hóa khai báo phải được mô tả rõ ràng, đầy đủ thành phần, hàm lượng, tính chất, cấu tạo, đặc điểm và công dụng, đáp ứng các tiêu chí về tên gọi, mô tả hàng hóa tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Chủ động xây dựng cẩm nang tra cứu đối với các nhóm hàng, mặt hàng thường xuyên làm thủ tục tại đơn vị về mã số phân loại, phổ biến đến từng công chức để xác định chính xác và thống nhất mã số hàng hóa khi thực hiện thủ tục hải quan.

- Thành lập nhóm công tác chuyên sâu về phân loại hàng hóa ở cấp Cục để tư vấn, xác định chính xác và thống nhất mã số phân loại đối với những mặt hàng phức tạp. Chú trọng nâng cao năng lực của nhóm chuyên sâu tại các lớp đào tạo chuyên sâu về phân loại.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp đào tạo, tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao nhận thức về lĩnh vực phân loại hàng hóa để chia sẻ, phối hợp những khó khăn trong công tác phân loại, đảm bảo các doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan thực hiện khai báo đầy đủ, mô tả hàng hóa chi tiết, đủ thông tin làm cơ sở xem xét mã số mặt hàng.

- Trường hợp có vướng mắc khi áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực phân loại hàng hóa dẫn tới các quan điểm khác nhau về mã số thì phải nêu rõ vướng mắc và quan điểm của đơn vị kèm đầy đủ hồ sơ để Tổng cục có hướng dẫn cụ thể.

(ii) Về công tác kiểm tra rà soát mã số và xử lý thuế.

- Khi sử dụng các Thông báo kết quả phân loại hay văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc tổ chức truy thu thuế cần đảm bảo chính xác, theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều 24 Thông tư 38/2015/TT-BTCKhoản 2 Điều 28 Quy trình phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 1921/QĐ-TCHQ ngày 28/6/2018 “Khi áp dụng thông báo kết quả phân loại, công văn hướng dẫn về mã số cho một mặt hàng cụ thể của Tổng cục Hải quan đ xác định mã s cho các lô hàng khác thì phải đảm bảo về bản chất hàng hóa của hai lô hàng này giống hệt nhau (hai lô hàng có cùng mô t hàng hóa, thành phần, tính chất lý hóa, tính năng, công dụng, nhập khẩu từ cùng một nhà sản xuất) theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Không áp dụng phân loại hàng hóa chỉ dựa theo tên gọi hay các thông tin thương mại của hàng hóa”.

- Chủ động nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp phát sinh tại đơn vị mình theo đúng chức năng thẩm quyền. Đồng thời, trong tổ chức truy thu thuế phải xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, trách nhiệm của cơ quan hải quan tránh gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp.

2. Đối với Cục Thuế xuất nhập khẩu.

- Tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn, phổ biến các tài liệu về phân loại hàng hóa cho công chức hải quan và cộng đồng doanh nghiệp.

- Phối hợp với Cục Giám sát quản lý để chuẩn hóa các Danh mục quản lý chuyên ngành.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên hệ thống, kịp thời có các văn bản hướng dẫn đối với những mặt hàng dễ lẫn, khó phân loại.

3. Đối với Cục Kiểm định Hải quan.

- Nghiên cứu đề xuất giải pháp để giảm lượng mẫu phân tích, khắc phục tình trạng tồn đọng mẫu phân tích.

- Tăng cường rà soát, kiểm tra để không có tình trạng cùng một mặt hàng mà có hai kết quả phân tích khác nhau.

4. Đối với Cục Kiểm tra sau thông quan.

- Thông qua công tác Kiểm tra sau thông quan phát hiện và phản ánh kịp thời với Tổng cục các bất cập trong công tác phân tích, phân loại, xử lý thuế.

- Kết nối lực lượng kiểm tra sau thông quan trong toàn ngành, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ trong thực hiện nghiệp vụ.

Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TCT Nguyễn Văn Cẩn (để báo cáo);
- Các Phó Tổng cục trưởng (để chỉ đạo);
- Cục Giám sát quản lý (để phối hợp);
- Lưu: VT, TXNK-PL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Dương Thái

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 3587/TCHQ-TXNK năm 2019 vướng mắc về phân loại hàng hóa và xử lý thuế do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 3587/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 03/06/2019
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Dương Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản