Hệ thống pháp luật

Chương 4 Công ước về an toàn hạt nhân

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH VÀ CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 29. Giải quyết bất đồng

Trong trường hợp có sự bất đồng giữa hai hay nhiều Bên thành viên về việc giải thích hay áp dụng Công ước này, các Bên thành viên sẽ cho ý kiến nhằm giải quyết bất đồng đó trong khuôn khổ một cuộc họp giữa các Bên thành viên.

Điều 30. Ký kết, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt, gia nhập

1. Công ước này được mở cho các quốc gia ký kết tại trụ sở của Cơ quan tại thành phố Viên, từ ngày 20-9-1994 đến khi Công ước có hiệu lực.

2. Công ước này phải được phê chuẩn, chấp thuận hoặc phê duyệt bởi các quốc gia đã ký kết.

3. Sau khi có hiệu lực, mọi quốc gia đều có thể gia nhập Công ước này.

4.

i) Công ước này được mở cho các tổ chức khu vực có tính chất hội nhập hay tính chất khác ký kết và gia nhập, với điều kiện tổ chức đó phải được hình thành từ các quốc gia có chủ quyền và có thẩm quyền đàm phán, ký kết và áp dụng điều ước quốc tế trong các lĩnh vực có liên quan đến Công ước này.

ii) Trong phạm vi thẩm quyền của mình, các tổ chức này tự mình thực hiện các quyền và đảm nhận các nghĩa vụ mà Công ước này quy định cho các Bên thành viên.

iii) Khi trở thành thành viên của Công ước này, tổ chức nói trên nộp cho người giữ lưu chiểu quy định tại điều 34 một bản tuyên bố trong đó chỉ rõ tên các Quốc gia là thành viên của mình, những điều khoản nào của Công ước được áp dụng đối với mình và phạm vi thẩm quyền của mình trong các lĩnh vực được điều chỉnh bởi các điều khoản đó.

iv) Tổ chức nói trên không có lá phiếu riêng ngoài số lá phiếu dành cho các Quốc gia là thành viên của mình.

5. Các văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay gia nhập được nộp cho người giữ lưu chiểu.

Điều 31. Hiệu lực

1. Công ước này có hiệu lực vào ngày thứ 90 sau ngày văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt thứ 22 được nộp cho người giữ lưu chiểu, với điều kiện đã có văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hay phê duyệt của 17 quốc gia mà mỗi quốc gia có ít nhất một Công trình hạt nhân trong đó một lò phản ứng đã hoạt động.

2. Đối với các Quốc gia hay tổ chức khu vực có tính chất hội nhập hay tính chất khác khi phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay gia nhập Công ước này sau ngày văn kiện cuối cùng được nộp để thoả mãn các điều kiện quy định tại khoản 1, Công ước này có hiệu lực sau 90 ngày, kể từ ngày văn kiện của Quốc gia hoặc tổ chức đó được nộp cho người giữ lưu chiểu.

Điều 32. Sửa đổi Công ước

1. Các Bên thành viên có quyền đề xuất sửa đổi, bổ sung Công ước này. Đề xuất sửa đổi, bổ sung được xem xét trong một cuộc họp đánh giá báo cáo hoặc một cuộc họp bất thường.

2. Nội dung đề xuất và căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung đó được nộp cho người giữ lưu chiểu sau đó người giữ lưu chiểu gửi cho các Bên thành viên trong thời hạn sớm nhất có thể nhưng muộn nhất là 90 ngày trước ngày diễn ra cuộc họp trong đó đề xuất được đưa ra xem xét. Mọi nhận xét về đề xuất đều được người giữ lưu chiểu thông báo cho các Bên thành viên.

3. Sau khi xem xét đề xuất, các Bên thành viên quyết định có thông qua đề xuất đó theo nguyên tắc đồng thuận hay không hoặc, nếu không đạt được sự đồng thuận, đưa đề xuất đó ra hội nghị ngoại giao. Quyết định đưa một đề xuất sửa đổi, bổ sung Công ước ra hội nghị ngoại giao chỉ được thông qua khi có ít nhất 2/3 trên tổng số các Bên thành viên có mặt và có tham gia biểu quyết tại cuộc họp tán thành, với điều kiện ít nhất một nửa số Bên thành viên có mặt vào thời điểm biểu quyết. Các thành viên bỏ phiếu trắng được coi là đã tham gia biểu quyết.

4. Hội nghị ngoại giao phụ trách xem xét và thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung Công ước được triệu tập bởi người giữ lưu chiểu và được tổ chức trong thời hạn một năm sau khi có quyết định tổ chức hội nghị theo quy định tại khoản 3 của điều này. Hội nghị ngoại giao sẽ cố gắng hết khả năng để nội dung sửa đổi, bổ sung được thông qua theo nguyên tắc đồng thuận. Nếu không, sửa đổi, bổ sung có thể được thông qua khi được 2/3 trên tổng số các Bên thành viên tán thành.

5. Nội dung sửa đổi, bổ sung Công ước đã được thông qua theo quy định tại khoản 3 và 4 của điều này phải được các Bên thành viên phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay khẳng định và có hiệu lực đối với các Bên thành viên này vào ngày thứ 90 kể từ ngày người giữ lưu chiểu nhận được văn kiện tương ứng của ít nhất ¾ Bên thành viên. Đối với Bên thành viên phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay khẳng định sau đó, nội dung sửa đổi bổ sung sẽ có hiệu lực đối với Bên thành viên đó vào ngày thứ 90 sau ngày nộp văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay khẳng định tương ứng.

Điều 33. Rút khỏi Công ước

1. Mỗi Bên thành viên có thể rút khỏi Công ước này bằng cách thông báo bằng văn bản cho người giữ lưu chiểu .

2. Quyết định rút khỏi Công ước có hiệu lực sau 1 năm kể từ ngày người giữ lưu chiểu nhận được văn bản thông báo rút khỏi Công ước hoặc vào bất kỳ thời điểm nào sau đó được nêu trước trong văn bản thông báo.

Điều 34. Người giữ lưu chiểu

1. Tổng Giám đốc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử là người giữ lưu chiểu Công ước này.

2. Người giữ lưu chiểu thông báo cho các Bên thành viên về:

i) Việc ký kết Công ước này và việc nộp các văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hay gia nhập theo quy định tại điều 30;

ii) Ngày Công ước bắt đầu có hiệu lực theo quy định tại điều 31;

iii) Các thông báo bãi bỏ Công ước theo quy định tại điều 33 và ngày thông báo bãi bỏ;

iv) Các dự thảo sửa đổi, bổ sung Công ước do các Bên thành viên đề xuất, các sửa đổi, bổ sung đã được thông qua tại hội nghị ngoại giao tương ứng hoặc tại cuộc họp của các Bên thành viên, và ngày các sửa đổi, bổ sung đó có hiệu lực theo quy định tại điều 32.

Điều 35. Bản gốc

Bản gốc của Công ước này được lập bằng tiếng Anh, tiếng A-rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Nga đều có giá trị pháp lý như nhau và được lưu giữ bởi người giữ lưu chiểu. Người giữ lưu chiểu gửi bản sao chứng thực cho các Bên thành viên

ĐỂ làm bẰng, đại diện toàn quyền của các Chính phủ ký tên dưới đây đã ký vào Công ước này.

Làm tại Viên, ngày 20 tháng 9 năm 1994.

Công ước về an toàn hạt nhân

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 20/09/1994
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/10/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH