Hệ thống pháp luật

Chương 2 Công ước về an toàn hạt nhân

Chương 2:

NGHĨA VỤ

A- ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 4. Các biện pháp thực hiện

Mỗi Bên thành viên sẽ ban hành trong nội luật của nước mình các quy định pháp quy và hành chính và các biện pháp cần thiết khác nhằm thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định tại Công ước này.

Điều 5. Trình báo cáo

Trước ngày tổ chức mỗi cuộc họp theo quy định tại điều 20, mỗi Bên thành viên phải nộp một bản báo cáo về các biện pháp mình đã thực hiện để đảm bảo việc các nghĩa vụ quy định tại Công ước này, để xem xét tại cuộc họp.

Điều 6. Các Công trình hạt nhân hiện có

Mỗi Bên thành viên sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để cho phép tiến hành kiểm tra sớm nhất có thể sự an toàn của các Công trình hạt nhân hiện có vào thời điểm Công ước này có hiệu lực đối với Bên đó. Trong trường hợp cần thiết theo quy định của Công ước này, Bên thành viên phải tiến hành khẩn cấp các biện pháp cải tạo thích hợp nhằm tăng cường an toàn cho các Công trình hạt nhân. Nếu không thể cải tạo an toàn thì cần phải lên kế hoạch chấm dứt hoạt động của công trình đó ngay khi điều kiện thực tế cho phép. Khi lập kế hoạch chấm dứt hoạt động, có thể tính đến tổng thể bối cảnh thực tế về năng lượng, các giải pháp thay thế cũng như những tác động đối với xã hội, môi trường và kinh tế.

B– PHÁP LUẬT VÀ CƠ QUAN ĐIỀU TIẾT

Điều 7. Khuôn khổ pháp lý

1. Mỗi Bên thành viên thiết lập và duy trì một khuôn khổ pháp lý để quản lý vấn đề an toàn của các Công trình hạt nhân.

2. Khuôn khổ pháp lý đó phải quy định những vấn đề sau đây:

i) Ban hành các quy định và quy chế quốc gia về an toàn ;

ii) Thiết lập cơ chế cấp phép cho các Công trình hạt nhân và cấm khai thác Công trình hạt nhân mà không có giấy phép;

iii) Thiết lập cơ chế thanh tra và đánh giá các Công trình hạt nhân nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các điều kiện quy định trong giấy phép;

iv) Các biện pháp đảm bảo pháp luật và các điều kiện quy định trong giấy phép được tuân thủ, kể cả biện pháp tạm đình chỉ hoạt động, thay đổi hay rút giấy phép.

Điều 8. Cơ quan điều tiết

1. Mỗi Bên thành viên thành lập hay chỉ định một cơ quan điều tiết. Cơ quan điều tiết phụ trách việc áp dụng pháp luật theo quy định tại điều 7 và được trao các quyền hạn, thẩm quyền, được cấp một nguồn kinh phí và nhân lực thích đáng để thực thi công việc được giao.

2. Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo tách biệt thực sự chức năng của cơ quan điều tiết và cơ quan hay tổ chức phụ trách việc phát triển hay sử dụng năng lượng hạt nhân.

Điều 9. Trách nhiệm của người được cấp phép

Mỗi Bên thành viên phải đảm bảo sao cho trách nhiệm hàng đầu đối với sự an toàn của một Công trình hạt nhân phải thuộc về người được cấp giấy phép cho công trình đó và áp dụng các biện pháp thích hợp để những người được cấp phép đảm nhận trách nhiệm của mình.

C– QUY ĐỊNH CHUNG VỀ AN TOÀN

Điều 10. Ưu tiên vấn đề an toàn

Mỗi Bên thành viên áp dụng các biện pháp thích hợp sao cho tất cả các tổ chức có hoạt động liên quan trực tiếp đến các Công trình hạt nhân thiết lập các chiến lược trong đó dành ưu tiên cho vấn đề an toàn hạt nhân.

Điều 11. Nguồn kinh phí và nhân lực

1. Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp sao cho mỗi Công trình hạt nhân được cấp một nguồn kinh phí thích đáng cho việc đảm bảo an toàn của công trình trong suốt quá trình vận hành của công trình đó.

2. Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo có được một đội ngũ nhân lực lành nghề, đã được đào tạo, luyện tập và bồi dưỡng đầy đủ để tiến hành các hoạt động liên quan đến sự an toàn, được thực hiện trong hoặc cho các Công trình hạt nhân, trong suốt quá trình hoạt động của Công trình hạt nhân đó.

Điều 12. Nhân tố con người

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để có thể tính đến khả năng và giới hạn hoạt động của con người trong suốt quá trình hoạt động của một Công trình hạt nhân.

Điều 13. Bảo đảm về chất lượng

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp sao cho các chương trình bảo đảm chất lượng được thiết lập và thực hiện nhằm đảm bảo rằng mọi quy định về các hoạt động quan trọng đối với sự an toàn hạt nhân phải được thực hiện đầy đủ trong suốt quá trình hoạt động của một Công trình hạt nhân.

Điều 14. Đánh giá và kiểm tra tính an toàn

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo:

i) Tiến hành đánh giá kỹ càng và triệt để vấn đề an toàn trước khi xây dựng và cho vận hành một Công trình hạt nhân và trong suốt quá trình hoạt động của công trình đó. Việc đánh giá phải được thực hiện dựa trên các cơ sở vững chắc và được cập nhật sau này, căn cứ vào kinh nghiệm khai thác và các thông tin quan trọng mới về an toàn. Việc đánh giá phải đặt dưới sự chỉ đạo của cơ quan điều tiết;

ii) Thực hiện việc kiểm tra thông qua phân tích, giám sát, thử nghiệm và thanh tra nhằm đảm bảo tình trạng vật lý và việc khai thác Công trình hạt nhân phù hợp với thiết kế ban đầu, với các quy định hiện hành của nước mình về an toàn và với các giới hạn và điều kiện khai thác.

Điều 15. Chống phóng xạ

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng, trong điều kiện vận hành bình thường, mức độ bức xạ mà người lao động và người dân chỉ phải chịu từ một Công trình hạt nhân được giữ ở mức thấp nhất có thể đạt được một cách hợp lý và không ai phải chịu mức độ bức xạ vượt quá mức giới hạn theo quy định của quốc gia.

Điều 16. Tổ chức các trường hợp khẩn cấp

1. Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo thiết lập các phương án khẩn cấp bên trong và bên ngoài cho các Công trình hạt nhân, được tập dượt thường xuyên, trong đó dự trù các hoạt động cần tiến hành trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp.

Đối với mỗi Công trình hạt nhân mới, các phương án trên phải được lập và tập dượt cho mỗi Công trình hạt nhân mới xây dựng, trước khi công trình đó bắt đầu vận hành trên mức công xuất thấp đã được cơ quan điều tiết phê duyệt.

2. Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo sao cho người dân của mình và cơ quan có thẩm quyền của các Quốc gia gần khu vực Công trình hạt nhân được cung cấp thông tin cần thiết để triển khai các phương án và hành động can thiệp khẩn cấp, trong trường hợp họ có khả năng bị ảnh hưởng bởi các tình trạng phóng xạ khẩn cấp.

3. Những Bên thành viên không có Công trình hạt nhân trên lãnh thổ của mình thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm xây dựng và tập dượt các phương án khẩn cấp cho lãnh thổ của mình, trong đó dự trù các hoạt động cần tiến hành trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp, nếu có khả năng bị ảnh hưởng bởi các tình trạng phóng xạ khẩn cấp từ một Công trình hạt nhân của nước láng giềng.

D– SỰ AN TOÀN CỦA CÁC CÔNG TRÌNH HẠT NHÂN

Điều 17. Lựa chọn địa điểm xây dựng

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp cần thiết để quy định và thực hiện một thủ tục thích hợp cho phép:

i) Đánh giá mọi yếu tố liên quan đến địa điểm xây dựng, có khả năng ảnh hưởng đến sự an toàn của Công trình hạt nhân trong suốt quá trình vận hành của công trình đó;

ii) Đánh giá các tác động mà một Công trình hạt nhân đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng có thể gây ra đối với sự an toàn của con người, xã hội và môi trường;

iii) Đánh giá lại tất cả các yếu tố quy định tại các điểm i) và ii), , tuỳ theo nhu cầu, nhằm đảm bảo rằng việc xây dựng Công trình hạt nhân là có thể chấp nhận được, xét về khía cạnh an toàn;

iv) Tham khảo ý kiến các Bên thành viên gần khu vực dự án xây dựng Công trình hạt nhân nếu công trình đó có khả năng ảnh hưởng đến họ và, nếu được yêu cầu, phải cung cấp cho các Quốc gia này những thông tin cần thiết cho phép họ tự xem xét, đánh giá về tác động mà Công trình hạt nhân có thể gây ra đối với sự an toàn trên lãnh thổ nước mình.

Điều 18. Thiết kế và xây dựng

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng:

i) Trong quá trình thiết kế và xây dựng một Công trình hạt nhân, phải dự trù nhiều cấp độ và phương thức bảo vệ hiệu quả (bảo vệ có chiều sâu) chống lại sự đào thải các chất phóng xạ nhằm ngăn ngừa tai nạn và hạn chế hậu quả phóng xạ nếu xảy ra tai nạn;

ii) Công nghệ sử dụng trong thiết kế và xây dựng Công trình hạt nhân đã được chứng tỏ chất lượng qua kinh nghiệm thực tế, qua thử nghiệm hoặc phân tích;

iii) Công trình hạt nhân được thiết kế sao cho có thể vận hành an toàn, ổn định, dễ kiểm soát, trong đó đặc biệt phải tính đến nhân tố con người và sự giao tiếp giữa con người và máy móc.

Điều 19. Khai thác

Mỗi Bên thành viên thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo:

i) Giấy phép khai thác cấp lần đầu cho một Công trình hạt nhân phải căn cứ vào kết quả phân tích vấn đề an toàn được tiến hành một cách hợp lý và vào một chương trình vận hành mà kết quả cho thấy Công trình hạt nhân, trong tình trạng như đã được xây dựng, đáp ứng được các yêu cầu về thiết kế và về an toàn;

ii) Các giới hạn và các điều kiện khai thác, được xác định trên cơ sở phân tích vấn đề an toàn và, thử nghiệm và kinh nghiệm vận hành trên thực tế, phải được quy định và sửa đổi khi cần thiết nhằm giới hạn phạm vi trong đó việc khai thác được đảm bảo an toàn.;

iii) Việc khai thác, bảo dưỡng, kiểm tra và thử nghiệm một công trình hạt nhân phải được đảm bảo phù hợp với các trình tự, thủ tục đã được phê chuẩn;

iv) Xác định quy trình giải quyết các sự cố có thể dự tính trước trong quá trình vận hành và các tai nạn;

v) Đảm bảo sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết về mặt kiến thức và công nghệ trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến vấn đề an toàn, trong suốt quá trình vận hành của Công trình hạt nhân;

vi) Người được cấp giấy phép phải thông báo kịp thời các biến cố đáng kể đối với vấn đề an toàn cho cơ quan điều tiết;

vii) Thiết lập các chương trình thu thập và phân tích các dữ kiện về kinh nghiệm vận hành; đảm bảo các kết quả và kết luận thu được phải được sử dụng, thông qua các cơ chế hiện hành để chia sẻ những kinh nghiệm quan trọng với các cơ quan quốc tế, tổ chức hoạt động khai thác và cơ quan điều tiết;

viii) số lượng rác thải phóng xạ sinh ra từ hoạt động của một Công trình hạt nhân phải được giảm đến mức thấp nhất có thể, căn cứ vào phương thức đang được sử dụng, kể cả về hoạt động và về khối lượng, và khi thực hiện các hoạt động cần thiết để xử lý và lưu trữ tạm thời các nhiên liệu phóng xạ và chất thải có liên quan trực tiếp đến hoạt động của công trình ngay tại địa điểm đặt Công trình hạt nhân, thì phải tính đến việc đóng gói và việc lưu trữ vĩnh viễn.

Công ước về an toàn hạt nhân

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 20/09/1994
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/10/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH