Hệ thống pháp luật

Chương 3 Công ước về an toàn hạt nhân

Chương 3:

HỘI NGHỊ CÁC QUỐC GIA THÀNH VIÊN

Điều 20. Họp đánh giá báo cáo

1. Các Bên thành viên tham gia các cuộc họp (sau đây gọi là họp đánh giá báo cáo) để xem xét các báo cáo được trình lên theo quy định tại điều 5 và theo trình tự, thủ tục quy định tại điều 22.

2. Nếu không trái với quy định tại điều 24, có thể thành lập một số tiểu ban bao gồm đại diện của các Bên thành viên trong thời gian diễn ra các phiên họp đánh giá báo cáo, nếu cần thiết, để xem xét những vấn đề đặc biệt được nêu ra trong các báo cáo.

3. Mỗi Bên thành viên có thể tranh luận về bản báo cáo của các Bên thành viên khác và yêu cầu giải thích về những vấn đề có liên quan.

Điều 21. Lịch trình

1. Một cuộc họp trù bị giữa các Bên thành viên sẽ được tổ chức trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày Công ước này có hiệu lực.

2. Trong cuộc họp trù bị, các Bên thành viên ấn định ngày tổ chức cuộc họp đánh giá báo cáo đầu tiên. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức trong thời gian sớm nhất có thể, nhưng không quá 30 tháng kể từ ngày Công ước này có hiệu lực.

3. Trong mỗi lần họp đánh giá báo cáo, các Bên thành viên sẽ ấn định ngày tổ chức cuộc họp tiếp theo. Khoảng cách giữa hai lần họp đánh giá báo cáo không quá 3 năm.

Điều 22. Thoả thuận về trình tự, thủ tục

1. Trong cuộc họp trù bị được tổ chức theo quy định tại điều 21, các Bên thành viên soạn và thông qua theo nguyên tắc đồng thuận bản Quy chế về thủ tục và Quy chế tài chính. Đặc biệt, theo trình tự quy định tại Quy chế về thủ tục, các Bên thành viên ấn định những vấn đề sau đây:

i) Các nguyên tắc chỉ đạo về hình thức và cơ cấu của các bản báo cáo quy định tại điều 5;

ii) Ngày nộp báo cáo;

iii) Trình tự, thủ tục đánh giá báo cáo

2. Trong các lần họp đánh giá báo cáo, các Bên thành viên, tuỳ theo nhu cầu, có thể xem xét lại các vấn đề đã được thoả thuận theo quy định tại khoản i) và ii) trên đây và thông qua các phương án sửa đổi theo nguyên tắc đồng thuận, trừ trường hợp trái với quy định tại Quy chế về thủ tục. Các Bên thành viên có thể sửa đổi, bổ sung Quy chế về thủ tục và Quy chế tài chính theo phương thức đồng thuận.

Điều 23. Cuộc họp bất thường

Họp bất thường giữa các Bên thành viên được tổ chức trong các trường hợp sau đây:

i) Khi được quyết định bởi đa số các Bên thành viên có mặt và tham gia biểu quyết trong một lần họp, các thành viên bỏ phiếu trắng được coi là đã tham gia biểu quyết;

ii) Theo yêu cầu bằng văn bản của một Bên thành viên, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày yêu cầu đó được gửi cho các Bên thành viên và Ban thư ký quy định tại điều 28 được thông báo rằng đa số các Bên thành viên đã ủng hộ yêu cầu đó.

Điều 24. Tham gia

1. Mỗi Bên thành viên cử một người đại diện đến tham gia cuộc họp của các Bên thành viên; mỗi Bên thành viên có thể cử một số đại biểu dự khuyết, chuyên gia và cố vấn, nếu thấy cần thiết.

2. Các Bên thành viên có thể đồng thuận mời bất kỳ một tổ chức liên chính phủ nào có năng lực về những vẫn đến quy định trong Công ước đến tham dự cuộc họp hoặc một số phiên làm việc với tư cách là quan sát viên. Các quan sát viên phải chấp nhận trước bằng văn bản các quy định tại điều 27.

Điều 25. Báo cáo tổng hợp

Các Bên thành viên thông qua, theo nguyên tắc đồng thuận, và phổ biến một tài liệu trong đó trình bày các vấn đề đã được xem xét, thảo luận và các kết luận đã được rút ra tại cuộc họp.

Điều 26. Ngôn ngữ

1. Ngôn ngữ sử dụng trong các cuộc họp bao gồm tiếng Anh, tiếng A-rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Nga, trừ trường hợp Quy chế về thủ tục quy định khác.

2. Mỗi Bên thành viên trình bày báo cáo theo quy định tại điều 5 bằng ngôn ngữ chính thức của nước mình hoặc bằng một thứ tiếng duy nhất được chỉ định theo quy định của Quy chế về thủ tục. Trong trường hợp báo cáo được trình bày bằng ngôn ngữ chính thức của một Bên thành viên không phải là ngôn ngữ được chỉ định, Bên thành viên đó phải cung cấp một bản dịch báo cáo bằng ngôn ngữ được chỉ định.

3. Không trái với quy định tại khoản 2, nếu được trả kinh phí, Ban thư ký sẽ đảm nhận việc dịch thuật các bản báo cáo mình nhận được từ bất kỳ ngôn ngữ nào khác sang ngôn ngữ được chỉ định.

Điều 27. Bảo mật

1. Các quy định tại Công ước này không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các Bên thành viên trong việc bảo mật thông tin theo quy định của nước mình. Theo quy định tại điều này, khái niệm thông tin cơ bản bao gồm:

i) Thông tin có tính chất cá nhân;

ii) Thông tin được bảo vệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc pháp luật về bảo mật thông tin công nghiệp, thương mại; và

iii) Thông tin liên quan đến an ninh quốc gia hoặc đến việc bảo vệ vật chất các nguyên liệu, công trình hạt nhân.

2. Khi một Bên thành viên cung cấp thông tin theo quy định của Công ước này và nêu rõ là các thông tin mà mình cung cấp được bảo vệ theo quy định tại khoản 1, các thông tin đó sẽ chỉ được sử dụng vào đúng mục đích đã được quy định trước và tính bí mật của thông tin phải được tôn trọng.

3. Nội dung các cuộc thảo luận khi đánh giá báo cáo của các Bên thành viên trong mỗi lần họp phải được giữ bí mật.

Điều 28. Ban thư ký

1. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (sau đây gọi là Cơ quan) đảm nhận chức năng thư ký cho các phiên họp của các Bên thành viên.

2. Ban thư ký :

i) triệu tập các Bên thành viên, đảm nhận công tác chuẩn bị và cung cấp dịch vụ cho các cuộc họp;

ii) gửi cho các Bên thành viên những thông tin mà mình nhận được hoặc thu thập được theo quy định của Công ước này.

iii) Kinh phí thực hiện các công việc quy định tại các điểm i) và ii) trên đây được lấy từ ngân sách hoạt động của Cơ quan.

3. Các Bên thành viên có thể đồng thuận yêu cầu Cơ quan cung cấp các dịch vụ khác cho các cuộc họp của các Bên thành viên. Tuỳ theo khả năng của mình, Cơ quan có thể cung cấp các dịch vụ này trong khuôn khổ chương trình và ngân sách hoạt động của mình. Nếu không, Cơ quan có thể cung cấp các dịch vụ này nếu nhận được kinh phí từ một nguồn khác.

Công ước về an toàn hạt nhân

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 20/09/1994
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/10/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH