Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 219/CT-UBND

Hà Giang, ngày 17 tháng 02 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CÁC CẤP TRONG CÔNG TÁC CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Thời gian vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được việc kiểm soát TTHC và giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp của cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: việc xây dựng, trình ban hành các quyết định công bố TTHC chưa kịp thời. Trong quá trình giải quyết TTHC còn có tình trạng thu thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định; còn tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC tại cơ quan, đơn vị. CBCCVC tiếp nhận hồ sơ chưa thể hiện được vai trò là chuyên gia tư vấn hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình làm hồ sơ TTHC; tình trạng CBCCVC nhũng nhiễu, tiêu cực gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư; cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp chưa quán triệt sâu sắc và chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác này cả trong các khâu xây dựng, kiểm soát việc ban hành và thực hiện TTHC.

Để nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC và tiếp tục khẳng định việc thực hiện cải cách TTHC, xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thực hiện cải cách hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác cải cách TTHC trong phạm vi sở, ban, ngành, địa phương (gọi chung là cơ quan, đơn vị) về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu cải cách TTHC đã được Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao năm 2020 và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

a) Tổ chức rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý và hiệu quả của các TTHC; trên cơ sở đó phải cắt giảm hoặc đề xuất cắt giảm tối đa các TTHC rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí tuân thủ TTHC.

b) Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh kiểm soát nghiêm ngặt việc ban hành mới các TTHC thông qua việc đánh giá tác động, tham gia ý kiến, thẩm định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến đó trong tờ trình trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản.

c) Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc rà soát, xây dựng, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố TTHC kịp thời, đầy đủ, chính xác theo quy định và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND về tính chính xác của TTHC.

d) Nghiêm cấm việc tiếp nhận và trả kết quả tại cơ quan, đơn vị đối với các TTHC quy định tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa các cấp; không để xảy ra các trường hợp thu thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết TTHC, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về TTHC.

đ) Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện xây dựng quy trình nội bộ TTHC đối với các TTHC đã đăng ký thực hiện theo phương án “5 tại chỗ”; việc gửi hồ sơ liên thông giữa các cơ quan để xin ý kiến góp ý, thẩm định hoặc giải quyết được thực hiện 100% qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử.

e) Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện chuẩn hóa lại toàn bộ TTHC, dịch vụ công trực tuyến do ngành quản lý; nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến.

g) Kịp thời xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng CBCCVC không chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, còn đi muộn, về sớm, làm việc riêng và sử dụng mạng xã hội để làm việc riêng trong giờ hành chính; làm việc cầm chừng, thoái thác trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất dẫn đến chất lượng và hiệu quả công việc thấp; trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp còn nhũng nhiễu, tiêu cực, trễ hẹn, phiền hà, chưa tuân thủ quy trình hoặc thiếu linh hoạt, hướng dẫn chưa tận tình, chu đáo... Ngoài việc xử lý trách nhiệm CBCCVC trực tiếp làm nhiệm vụ, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó cũng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm.

h) Chỉ đạo bố trí và bảo đảm đầy đủ kinh phí để triển khai các hoạt động cải cách TTHC.

3. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh có trách nhiệm tăng cường chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC và cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC và tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ UBND tỉnh giao về công tác cải cách TTHC. Thực hiện nghiêm việc kiểm tra công tác cải cách TTHC.

4. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước các cấp, nhất là trong giải quyết TTHC; cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.

5. Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ; xử lý theo thẩm quyền CBCCVC, cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm việc giải quyết TTHC theo quy định tại Quyết định này.

6. Giám đốc Bưu điện tỉnh phối hợp với Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

7. Tổng Biên tập Báo Hà Giang, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Giang chỉ đạo cơ quan tích cực tuyên truyền, phổ biến về hoạt động cải cách TTHC, xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh; tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giảm chi phí tuân thủ TTHC và hạn chế tiếp xúc trực tiếp nhằm phòng ngừa dịch bệnh.

8. Kết quả cải cách TTHC là cơ sở để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Giám đốc các sở, ban, ngành; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị, định kỳ 6 tháng báo cáo tình hình, kết quả thực hiện lên Chủ tịch UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCTUBND tỉnh;
- Các Ban thuộc Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Các cơ quan ngành dọc TW tại tỉnh;
- UB mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Bưu điện tỉnh, VNPT tỉnh; CT điện lực tỉnh;
- Hội doanh nghiệp tỉnh;
- Báo Hà Giang; Đài PT-TH tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Các phòng, đơn vị thuộc Văn phòng;
- Cổng TTĐT, Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, PVHCC.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn