Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 61/2015/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương IV

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, BỒI THƯỜNG

Điều 19. Trường hợp do lỗi của người kinh doanh vận tải

1. Trường hợp phương tiện không xuất bến đúng thời gian quy định thì người kinh doanh vận tải có trách nhiệm thông báo cho người thuê vận tải, người áp tải hàng hóa (nếu có) biết và chịu mọi chi phí phát sinh trong quá trình phương tiện lưu lại tại vùng nước cảng, bến.

2. Trường hợp phương tiện đang hành trình nếu bị hỏng, không tiếp tục hành trình được, thuyền trưởng phải tìm mọi biện pháp đưa phương tiện, hàng hóa tới cảng, bến gần nhất bảo đảm an toàn, thông báo cho người kinh doanh vận tải biết và thực hiện theo các quy định sau đây:

a) Nếu phương tiện phải sửa chữa và vẫn có khả năng giao hàng đúng thời gian thỏa thuận thì người kinh doanh vận tải phải có trách nhiệm thông báo cho người thuê vận tải và chịu mọi chi phí phát sinh;

b) Nếu phương tiện phải sửa chữa và không có khả năng giao hàng đúng thời gian thỏa thuận thì người kinh doanh vận tải phải thông báo cho người thuê vận tải và người nhận hàng biết; người kinh doanh vận tải thỏa thuận lại với người thuê vận tải và người nhận hàng về thời gian nhận giao hàng và chịu mọi chi phí phát sinh, bồi thường do việc không thực hiện đúng hợp đồng vận chuyển;

c) Nếu phải chuyển hàng hóa sang phương tiện khác, người kinh doanh vận tải phải thông báo cho người thuê vận tải và người nhận hàng biết; người kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khối lượng, chất lượng hàng hóa trong quá trình chuyển đổi phương tiện, mọi chi phí phát sinh, hậu quả pháp lý người kinh doanh vận tải hàng hóa phải chịu theo hợp đồng và theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Trường hợp do lỗi của người thuê vận tải

Người kinh doanh vận tải đã hoàn tất các thủ tục vào cảng, bến và người thuê vận tải đã nhận được thông báo phương tiện đến cảng, bến mà người thuê vận tải không xếp, dỡ hàng hóa theo thời gian thỏa thuận thì người thuê vận tải phải thanh toán dôi nhật cho người kinh doanh vận tải theo hợp đồng thỏa thuận hai bên ký kết.

Điều 21. Trường hợp bất khả kháng

1. Khi phương tiện chưa xuất cảng, bến người kinh doanh vận tải phải thông báo ngay cho người thuê vận tải và người nhận hàng việc tạm dừng việc vận chuyển hàng; trường hợp hủy bỏ việc vận chuyển hàng hóa, người kinh doanh vận tải phải hoàn lại toàn bộ tiền cước vận tải đã được thanh toán trước.

2. Khi phương tiện đang hành trình

a) Trường hợp phương tiện phải đi trên tuyến khác dài hơn thì người kinh doanh vận tải không được thu thêm tiền cước được ghi trong hợp đồng hoặc giấy vận chuyển;

b) Trường hợp phải chuyển hàng hóa sang phương tiện khác, người kinh doanh vận tải phải thông báo cho người thuê vận tải và người nhận hàng biết. Người kinh doanh vận tải chịu mọi chi phí phát sinh;

c) Trường hợp không thể hành trình tiếp, phương tiện phải quay về cảng, bến gần nhất hoặc cảng, bến xuất phát thì người thuê vận tải hoặc người nhận hàng không phải trả thêm tiền cước đoạn đường quay về; người kinh doanh vận tải phải hoàn lại tiền cước tương ứng với đoạn đường chưa đi (nếu đã được nhận trước); các chi phí khác phát sinh được xử lý theo hợp đồng đã thỏa thuận hoặc xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 22. Bồi thường hàng hóa bị mất mát, hư hỏng

1. Trường hợp hàng hóa hư hỏng, mất mát do lỗi của người kinh doanh vận tải hoặc người xếp dỡ hoặc người bảo quản hàng hóa thì phải bồi thường theo các quy định sau đây:

a) Đối với hàng hóa có khai giá trị trong giấy vận chuyển, bồi thường theo giá trị đã khai; trường hợp người kinh doanh vận tải chứng minh được giá trị thiệt hại thực tế thấp hơn giá trị đã khai thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế.

b) Đối với hàng hóa không khai giá trị trong giấy vận chuyển, bồi thường theo giá trung bình của hàng hóa cùng loại trong khu vực nơi trả hàng;

c) Theo mức do hai bên thỏa thuận.

2. Hàng hóa bị hư hỏng, mất mát một phần do lỗi của người kinh doanh vận tải hoặc người xếp dỡ hoặc người bảo quản hàng hóa thì bồi thường phần hư hỏng, mất mát đó; trường hợp phần hư hỏng, mất mát dẫn đến hư hỏng hoặc không sử dụng được toàn bộ thì phải bồi thường toàn bộ.

3. Ngoài việc bồi thường thiệt hại theo các quy định tại khoản 1 Điều này, người kinh doanh vận tải, người xếp dỡ, người bảo quản còn phải hoàn lại cho người thuê vận tải, người thuê xếp dỡ, người thuê bảo quản tiền cước hoặc phụ phí của số hàng hóa bị tổn thất.

Điều 23. Giải quyết tranh chấp

1. Trong quá trình vận tải hàng hóa đường thủy nội địa nếu phát sinh sự cố làm ảnh hưởng đến lợi ích của các bên thì các bên giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải.

2. Trường hợp không thỏa thuận được, các bên có quyền yêu cầu Trọng tài giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thông tư 61/2015/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 61/2015/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/11/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: 25/11/2015
  • Số công báo: Từ số 1145 đến số 1146
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH