Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 61/2015/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương II

VẬN TẢI HÀNG HÓA ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 5. Nghĩa vụ của người kinh doanh vận tải hàng hóa

1. Lập giấy vận chuyển theo mẫu tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư này sau khi hàng hóa đã xếp xong xuống phương tiện.

2. Vận tải hàng hóa đến điểm đến và bảo đảm thời gian vận tải theo hợp đồng đã ký với người thuê vận tải.

3. Các nghĩa vụ khác được quy định tại khoản 2 Điều 87 Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Điều 6. Quyền của người kinh doanh vận tải hàng hóa

1. Yêu cầu người thuê vận tải hàng hóa mở bao, kiện để kiểm tra trong trường hợp nghi ngờ về tính xác thực của việc khai báo chủng loại hàng hóa.

2. Từ chối vận tải những bao, kiện chứa hàng hóa không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này và các loại hàng hóa bị cấm vận chuyển.

3. Yêu cầu trả tiền lưu hàng hóa trên phương tiện do lỗi của người thuê vận tải, người nhận hàng gây ra.

4. Các quyền khác được quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Điều 7. Nghĩa vụ của người thuê vận tải hàng hóa

1. Cung cấp giấy tờ, tài liệu và các thông tin cần thiết khác về hàng hóa và đảm bảo tính pháp lý của hàng hóa.

2. Cử người trực tiếp giao, nhận hàng hóa với người kinh doanh vận tải hàng hóa, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Trường hợp có người đi áp tải hàng hóa, người áp tải phải có hiểu biết về đặc tính hàng hóa, biện pháp xử lý đối với hàng hóa trong quá trình vận tải và chấp hành nội quy của phương tiện.

4. Xác định thủy phần của hàng hóa tại nơi xếp và nơi dỡ hàng hóa để tính trọng lượng hàng hóa đối với những hàng hóa có độ ẩm ảnh hưởng đến trọng lượng hàng hóa, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

5. Các nghĩa vụ khác được quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Điều 8. Quyền của người thuê vận tải hàng hóa

1. Yêu cầu người kinh doanh vận tải có biện pháp bổ sung, gia cố thêm để đảm bảo tính ổn định, an toàn của hàng hóa.

2. Yêu cầu người kinh doanh vận tải xác nhận số lượng, niêm phong đối với hàng hóa mà mình gửi đi.

3. Các quyền khác được quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Điều 9. Thời gian vận tải

Thời gian vận tải một chuyến tính từ khi hàng hóa được xếp xong xuống phương tiện, người thuê vận tải hoàn chỉnh đầy đủ hóa đơn và các giấy tờ khác có liên quan đến hàng hóa và giao cho người kinh doanh vận tải, người kinh doanh vận tải lập giấy vận chuyển có xác nhận của người thuê vận tải đến khi phương tiện đến nơi trả hàng hóa, người kinh doanh vận tải đã hoàn tất các thủ tục vào cảng, bến và người thuê vận tải đã nhận được thông báo của người kinh doanh vận tải phương tiện đến cảng, bến.

Điều 10. Giải quyết các phát sinh trong quá trình vận tải

1. Trường hợp phát hiện hàng hóa có hiện tượng tự bốc cháy, rò rỉ, đổ vỡ thì người kinh doanh vận tải phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn để bảo vệ người, hàng hóa và phương tiện, kể cả việc phải dỡ bỏ một phần hay toàn bộ hàng hóa; đồng thời phải lập biên bản có xác nhận của người áp tải (nếu có người đi áp tải hàng hóa), chứng nhận của chính quyền địa phương hoặc Cảnh sát giao thông đường thủy hoặc Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc Cảng vụ hàng hải (sau đây gọi chung là Cảng vụ) nơi xảy ra phát sinh và thông báo cho người thuê vận tải biết. Chi phí phát sinh do bên có lỗi chịu trách nhiệm. Nếu các bên không có lỗi hoặc do nguyên nhân bất khả kháng thì chi phí và thiệt hại phát sinh của bên nào do bên đó tự chịu trách nhiệm.

2. Trường hợp phát hiện hàng hóa không đúng với kê khai của người thuê vận tải

a) Phát hiện trước khi vận tải: nếu là hàng hóa thuộc loại nguy hiểm, hàng hóa cấm lưu thông thì phải đưa lên bờ và người kinh doanh vận tải phải thông báo cho Cảng vụ hoặc hoặc cơ quan có thẩm quyền biết để xử lý theo quy định của pháp luật. Người thuê vận tải phải chịu trách nhiệm và thanh toán mọi chi phí phát sinh;

b) Phát hiện trên đường vận tải: nếu là hàng hóa thông thường thì người kinh doanh vận tải thông báo cho người thuê vận tải biết và tiếp tục vận tải đến nơi trả hàng, mọi chi phí phát sinh (nếu có) người thuê vận tải phải thanh toán; nếu là hàng hóa thuộc loại nguy hiểm, hàng hóa cấm lưu thông thì người kinh doanh vận tải thông báo cho người thuê vận tải biết để giải quyết; người thuê vận tải phải thanh toán các chi phí và tổn thất phát sinh cho người kinh doanh vận tải và phải chịu mọi chi phí khác do vận chuyển hàng nguy hiểm gây ra, đồng thời người kinh doanh vận tải thông báo cho Cảng vụ hoặc cơ quan có thẩm quyền tại cảng, bến nơi đến biết để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Phương tiện vận tải bị trưng dụng do lệnh của cơ quan có thẩm quyền thì thuyền trưởng, người lái phương tiện phải thông báo cho người kinh doanh vận tải, người thuê vận tải biết để phối hợp thực hiện. Những phát sinh do phương tiện bị trưng dụng được giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 11. Thủ tục phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng

1. Tổ chức, cá nhân nộp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến: Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc Chi Cục Đường thủy nội địa khu vực (đối với phương tiện thủy nội địa rời cảng thủy nội địa và hành trình trên tuyến đường thủy liên tỉnh), Sở Giao thông vận tải (đối với phương tiện thủy nội địa rời cảng thủy nội địa và hành trình trên tuyến đường thủy nội địa nội tỉnh), Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục Hàng hải (đối với phương tiện thủy nội địa rời bến cảng biển) (sau đây gọi tắt là Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng trên đường thủy nội địa theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Phương án vận tải hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng theo các nội dung tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và xử lý như sau:

a) Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo thời hạn quy định; nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại ngay và hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ;

b) Trường hợp hồ sơ nhận qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời gian 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có văn bản gửi tổ chức, cá nhân yêu cầu bổ sung, hoàn thiện lại hồ sơ;

c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, phê duyệt phương án vận tải hàng hóa siêu trường, hàng hóa siêu trọng theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này và gửi cho tổ chức, cá nhân để thực hiện. Trường hợp không phê duyệt phương án phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do. Tổ chức, cá nhân không phải nộp phí hoặc lệ phí đối với việc phê duyệt phương án vận tải.

Thông tư 61/2015/TT-BGTVT quy định về vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 61/2015/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/11/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: 25/11/2015
  • Số công báo: Từ số 1145 đến số 1146
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH