Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2018/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2018

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 36/2014/TT-NHNN NGÀY 20 THÁNG 11 NĂM 2014 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC QUY ĐỊNH CÁC GIỚI HẠN, TỶ LỆ BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 36/2014/TT-NHNN).

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN

1. Bổ sung khoản 25 vào Điều 3 như sau:

25. Tỷ giá để tính toán các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn tại Thông tư này (sau đây gọi là tỷ giá) được quy định như sau:

a) Tỷ giá quy đổi các loại ngoại tệ sang đồng Việt Nam:

(i) Vào ngày làm việc không phải ngày làm việc cuối tháng, cuối quý, cuối năm: áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá hạch toán tại Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng;

(ii) Vào ngày làm việc là ngày làm việc cuối tháng, cuối quý, cuối năm: áp dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá quy đổi Bảng cân đối tài khoản kế toán tháng, quý, năm bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng đồng tiền hạch toán là đồng Việt Nam hoặc tỷ giá chuyển đổi báo cáo tài chính bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng đồng tiền hạch toán là ngoại tệ tại Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng và Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng;

b) Tỷ giá quy đổi các loại ngoại tệ khác sang đô la Mỹ do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định.”

2. Điểm bđiểm c khoản 2 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Tỷ lệ dự trữ thanh khoản được xác định theo công thức sau:

Tỷ lệ dự trữ thanh khoản (%)

=

Tài sản có tính thanh khoản cao

x

100

Tổng Nợ phải trả

Trong đó:

- Tài sản có tính thanh khoản cao được quy định tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này;

- Tổng Nợ phải trả là khoản mục Tổng Nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán, trừ đi:

+ Khoản tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức khoản chiết khấu giấy tờ có giá, khoản vay được cầm cố bằng giấy tờ có giá (trừ đi khoản tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành); khoản vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng; khoản bán có kỳ hạn giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước.

+ Khoản cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác dưới các hình thức bán có kỳ hạn, chiết khấu, tái chiết khấu và khoản vay được cầm cố: (i) các loại giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước; (ii) các loại trái phiếu, tín phiếu do Chính phủ các nước, Ngân hàng Trung ương các nước phát hành hoặc bảo lãnh thanh toán, được tổ chức xếp hạng quốc tế (Standard & Poor’s, Fitch Rating) xếp hạng từ mức AA hoặc tương đương trở lên hoặc thang thứ hạng tương ứng của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập khác.

c) Tài sản có tính thanh khoản cao và tổng Nợ phải trả được tính theo đồng Việt Nam, bao gồm đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi khác quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá quy định tại điểm a khoản 25 Điều 3 Thông tư này.”.

3. Điểm a khoản 3 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tính toán và duy trì tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày đối với đồng Việt Nam (bao gồm đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi khác quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá quy định tại điểm a khoản 25 Điều 3 Thông tư này) và tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày đối với ngoại tệ (bao gồm đô la Mỹ và các ngoại tệ khác được quy đổi sang đô la Mỹ theo tỷ giá quy định tại điểm b khoản 25 Điều 3 Thông tư này);”

4. Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo đồng Việt Nam (bao gồm đồng Việt Nam, các loại ngoại tệ được quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá quy định tại điểm a khoản 25 Điều 3 Thông tư này) theo công thức sau đây:

A (%)

=

B

x

100

C

Trong đó:

- A: Tỷ lệ của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.

- B: Tổng dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn quy định tại khoản 2 Điều này trừ đi tổng nguồn vốn trung hạn, dài hạn quy định tại khoản 3 Điều này.

- C: Nguồn vốn ngắn hạn quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Tổng dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn bao gồm:

a) Dư nợ các khoản sau đây có thời hạn còn lại trên 01 (một) năm:

(i) Các khoản cho vay, cho thuê tài chính (bao gồm cả khoản cho vay, cho thuê tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam), trừ:

- Khoản cho vay, cho thuê tài chính bằng nguồn ủy thác của Chính phủ, cá nhân và của tổ chức khác (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam; ngân hàng mẹ, chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng mẹ) mà các rủi ro liên quan đến khoản cho vay, cho thuê tài chính này do Chính phủ, cá nhân và tổ chức này chịu;

- Khoản cho vay các chương trình, dự án bằng nguồn vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(ii) Các khoản ủy thác cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác cho vay, cho thuê tài chính mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ủy thác chịu rủi ro;

(iii) Các khoản mua, đầu tư vào giấy tờ có giá (bao gồm cả trái phiếu do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành), trừ giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước;

(iv) Đối với khoản cho vay, cho thuê tài chính, ủy thác quy định tại tiết (i) và tiết (ii) điểm này có nhiều khoản nợ tương ứng với kỳ hạn trả nợ khác nhau thì thời hạn còn lại để tính vào dư nợ cho vay trung, dài hạn được xác định đối với từng khoản nợ tương ứng với kỳ hạn trả nợ của khoản nợ đó.

b) Dư nợ gốc bị quá hạn của khoản cho vay, ủy thác cho vay, cho thuê tài chính, số dư mua, đầu tư giấy tờ có giá.

3. Nguồn vốn trung hạn, dài hạn bao gồm số dư có thời hạn còn lại trên 01 (một) năm của các khoản sau đây:

a) Tiền gửi của cá nhân;

b) Tiền gửi của tổ chức trong nước và nước ngoài, trừ tiền gửi các loại của Kho bạc Nhà nước;

c) Tiền vay tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài (trừ tiền vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam);

d) Tiền vay Chính phủ dưới hình thức vốn tài trợ ủy thác đầu tư mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu rủi ro;

đ) Tiền vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đầu mối trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia cho vay lại đối với các dự án tài trợ, ủy thác đầu tư và các rủi ro liên quan đến khoản cho vay do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu;

e) Tiền huy động từ phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu;

g) Vốn điều lệ, vốn được cấp, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển, và quỹ dự phòng tài chính còn lại sau khi trừ đi giá trị nguyên giá của các khoản mua, đầu tư tài sản cố định, góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật;

h) Thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận không chia còn lại sau khi mua cổ phiếu quỹ;

i) Tiền vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam đối với trường hợp tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

k) Tiền gửi của quỹ tín dụng nhân dân đối với trường hợp ngân hàng hợp tác xã.

4. Nguồn vốn ngắn hạn bao gồm số dư có thời hạn còn lại đến 01 (một) năm (bao gồm cả các khoản tiền gửi không kỳ hạn) của các khoản sau đây:

a) Tiền gửi của cá nhân, trừ tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng;

b) Tiền gửi của tổ chức trong nước và nước ngoài, trừ các khoản sau đây:

(i) Tiền gửi các loại của Kho bạc Nhà nước;

(ii) Tiền ký quỹ và tiền gửi vốn chuyên dùng của khách hàng;

(iii) Tiền gửi của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam.

c) Tiền vay tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài (trừ tiền vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam);

d) Tiền vay Chính phủ dưới hình thức vốn tài trợ ủy thác đầu tư mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu rủi ro;

đ) Tiền vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đầu mối trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia cho vay lại đối với các dự án tài trợ, ủy thác đầu tư và các rủi ro liên quan đến khoản cho vay do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu;

e) Tiền huy động từ phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu;

g) Tiền gửi, tiền vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam đối với trường hợp tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

h) Tiền gửi của quỹ tín dụng nhân dân đối với trường hợp ngân hàng hợp tác xã.

5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình sau đây:

a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018:

(i) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 45%;

(ii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%.

b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2019:

(i) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 40%;

(ii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%.”

5. Khoản 1 Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi theo đồng Việt Nam (bao gồm đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ được quy đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá quy định tại điểm a khoản 25 Điều 3 Thông tư này) được xác định theo công thức sau:

LDR

=

L

x

100%

D

Trong đó:

- LDR: Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.

- L: Tổng dư nợ cho vay quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

- D: Tổng tiền gửi quy định tại khoản 4 Điều này.”

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 7 năm 2018.

2. Bãi bỏ khoản 15, khoản 16, khoản 17khoản 22 Điều 1 Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN./.


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Lưu: VP, Vụ PC, TTGSNH5.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Đồng Tiến

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 16/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 16/2018/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/07/2018
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 843 đến số 844
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản