Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 456/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 26 tháng 5 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 29 tháng 4 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1267/SKHĐT-DN ngày 18 tháng 5 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 (có Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh;
- Như Điều 3;
- Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Lưu VT, KTTH.TK.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lê Ngọc Tuấn

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)

 

MỤC LỤC

PHẦN I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

PHẦN II

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

2. Mục tiêu cụ thể

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Đối tượng hỗ trợ

2. Phạm vi hỗ trợ

3. Nguyên tắc hỗ trợ

III. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DNNVV

1. Nhóm chính sách hỗ trợ chung

1.1. Hỗ trợ tiếp cận tín dụng

1.2. Hỗ trợ thuế, kế toán

1.3. Hỗ trợ mở rộng thị trường

1.4. Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý

1.4.1. Hỗ trợ thông tin cho DNNVV

1.4.2. Hỗ trợ tư vấn cho DNNVV

1.4.3. Hỗ trợ pháp lý cho DNNVV

1.5. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực

1.5.1. Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh

1.5.2. Hỗ trợ đào tạo nghề

1.5.3. Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại DNNVV

- Khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp có tối thiểu 10 học viên

1.6. Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung

1.7. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

2. Nhóm chính sách hỗ trợ trọng tâm

2.1. Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh

2.1.1. Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp:

2.1.2. Hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, công bố thông tin doanh nghiệp:

2.1.3. Hỗ trợ thẩm định, cấp phép kinh doanh lần đầu:

2.1.4. Hỗ trợ lệ phí môn bài:

2.1.5. Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán:

2.2. Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo

2.2.1. Nội dung hỗ trợ:

2.2.2. Điều kiện hỗ trợ:

2.2.3. Phương thức lựa chọn doanh nghiệp

2.2.4. Trình tự, thủ tục lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ:

2.3. Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị

2.3.1. Nội dung hỗ trợ:

2.3.2. Điều kiện hỗ trợ:

IV. KINH PHÍ, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện

1.1. Kinh phí ngân sách nhà nước bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ

1.2. Kinh phí thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV thường xuyên hàng năm

1.3. Nguồn vốn xã hội hoá

2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến năm 2025.

V. CƠ CHẾ QUẢN LÝ, GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Cơ chế quản lý, giám sát

2. Đánh giá kết quả thực hiện

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan Thường trực thực hiện Đề án

3. Sở Tài chính

4. Sở Công thương

5. Sở Khoa học và Công nghệ

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

7. Sở Nội vụ

8. Sở Tư pháp

9. Sở Thông tin và Truyền thông

10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

11. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội

12. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

13. Cục thuế tỉnh

14. Quỹ đầu tư phát triển tỉnh

15. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kon Tum

16. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

17. Thanh tra tỉnh

18. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

19. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

20. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh

21. Các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh

BIỂU 01: TỔNG HỢP DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN HỖ TRỢ DNNVV TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

BIỂU 01A: DỰ KIẾN KINH PHÍ HỖ TRỢ SỬ DỤNG DỊCH VỤ TƯ VẤN THUỘC MẠNG LƯỚI TƯ VẤN VIÊN

BIỂU 01B: DỰ KIẾN KINH PHÍ HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÁC DNNVV

BIỂU 01C: DỰ KIẾN KINH PHÍ HỖ TRỢ DNNVV KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO

BIỂU 01D: DỰ KIẾN KINH PHÍ HỖ TRỢ DNNVV THAM GIA CỤM LIÊN KẾT NGÀNH, CHUỖI GIÁ TRỊ

 

PHẦN I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14; Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13;

Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021;

Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp;

Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Thông tư số 06/2019/TT-BKHĐT ngày 29 tháng 3 năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên;

Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Thông tư số 54/2019/TT-BTC ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên.

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Kinh tế tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tế đã chứng minh, nhiều doanh nghiệp đã thúc đẩy động lực tăng trưởng của nền kinh tế và trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP”.

Xác định được vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. Cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, trong đó có DNNVV dần được hoàn thiện, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được chú trọng góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Nhiều nội dung hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đã được cụ thể hóa tại một số các văn bản như: Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ và các Nghị quyết hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia.

Nhằm triển khai tốt Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XV đã ban hành Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 12 tháng 10 năm 2017 về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban Kế hoạch số 3398/KH-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2017, trong đó đặt ra mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2020 có từ 2.500-3.000 doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 4.000 doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 5.000 doanh nghiệp. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 30%, năm 2025 đạt khoảng 35%, đến năm 2030 khoảng 45-50%; Đến năm 2020, hỗ trợ khoảng 500 dự án, ý tưởng khởi nghiệp, trong đó ít nhất 20% dự án, ý tưởng huy động vốn thành công từ các nhà đầu tư. Hỗ trợ phát triển khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm thương mại”. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum đã tổ chức triển khai các cơ chế chính sách khác có liên quan nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Qua đó các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và DNNVV nói riêng đã được hưởng cơ chế chính sách miễn giảm tiền thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh; hỗ trợ khởi nghiệp từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh; hỗ trợ khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh; hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh; hỗ trợ đầu tư phát triển dược liệu theo Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh,…

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng qua các năm, cụ thể: Năm 2020 số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập là 374 với số vốn đăng ký đạt 3.121 tỷ đồng (tăng 29,4% về số lượng doanh nghiệp và 14,3 % về tổng vốn đăng ký so với năm 2019); năm 2019 số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập là 289 với số vốn đăng ký đạt 2.730,1 tỷ đồng (tăng 17% về số lượng doanh nghiệp và 53,8 % về tổng vốn đăng ký so với năm 2018). Vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của doanh nghiệp năm 2018 đạt 32.402 tỷ đồng (tăng 14,6% so với năm 2017), năm 2019 đạt 42.266 tỷ đồng (tăng 30,3%  so với năm 2018); giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp năm 2018 đạt 13.641 tỷ đồng (tăng 63% so với năm 2017), năm 2019 đạt 24.420 tỷ đồng (tăng 79% so với năm 2018); doanh thu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2018 đạt 26.644 tỷ đồng (tăng 5,3% so với năm 2017), năm 2019 đạt 34.479 tỷ đồng (tăng 29,4% so với năm 2018).

Đóng góp của khu vực doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước trung ương, địa phương quản lý, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế ngoài quốc doanh) vào thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt 1.312,35 tỷ đồng chiếm 40,3% tổng thu ngân sách; khu vực doanh nghiệp chiếm 19,83% trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2018. Cộng đồng doanh nghiệp đã tạo ra thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong doanh nghiệp năm 2018 đạt 5,722 triệu đồng (tăng 13,4% so với năm 2017), năm 2019 đạt 9,111 triệu đồng (tăng 59,2% so với năm 2018).

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đạt được kết quả cao. Theo số liệu và kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã công bố, chỉ số PCI của tỉnh Kon Tum năm 2020 đạt 62,02 điểm (giảm 1,52 điểm) so với năm 2019, đứng thứ 56/63 tỉnh, thành cả nước (so với 5 tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum đứng thứ 4).

So với kết quả PCI năm 2019 có 03([1]) chỉ số thành phần tăng điểm và 04([2]) chỉ số thành phần tăng bậc xếp hạng các tỉnh, thành phố; Có 02 chỉ số thành phần (Chỉ số Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất và chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin) có điểm số tốt hơn điểm trung vị năm 2020. Ngoài một số chỉ số có thứ hạng cao như: Chỉ số tiếp cận đất đai đứng thứ 12/63 tỉnh thành, Chỉ số Tính minh bạch đứng thứ 29/63 tỉnh thành, Chỉ số Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp đứng thứ 33/63 tỉnh thành, Chỉ số Đào tạo lao động đứng thứ 37/63 tỉnh thành. Thì hầu hết các chỉ số đều chưa đạt thứ hạng tốt: Chỉ số Chi phí gia nhập thị trường đứng thứ 42/63 tỉnh thành; Chỉ số Chi phí thời gian đứng thứ 62/63 tỉnh thành; Chỉ số Chi phí không chính thức đứng thứ 41/63 tỉnh thành; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng đứng thứ 58/63 tỉnh thành; Chỉ số Tính năng động đứng thứ 51/63 tỉnh thành; Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đứng thứ 47/63 tỉnh thành.

Các chính sách hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thật sự phù hợp với doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV. Các Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay thương mại còn gặp khó tiếp do không đáp ứng được các điều kiện vay như không có hoặc thiếu tài sản đảm bảo. Các nguồn tài chính khác như Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh tuy đã được thành lập, nhưng DNNVV cũng gặp khó khăn vướng mắc khi tiếp cận, chưa kể vốn của các quỹ này cũng còn khá hạn hẹp. Công tác bố trí quỹ đất sạch phục vụ cho sản xuất kinh doanh của DNNVV trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt quỹ đất sạch ngoài Khu kinh tế, khu công nghiệp; việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp vẫn mang tính tự phát; chưa có chính sách phù hợp để khuyến khích các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi lên thành doanh nghiệp.

Hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là DNNVV có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, năng lực quản trị, điều hành kinh doanh còn yếu, thiếu chiến lược kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp của Doanh nghiệp thấp, năng suất lao động và giá trị gia tăng cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn rất thấp, các doanh nghiệp chưa chú trọng việc tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, kỹ năng và tay nghề lao động trong các doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất kinh doanh còn thấp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có khoảng 3.415 doanh nghiệp (trên 97,7% là DNNVV), trong đó có 2.750 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp còn lại trong tình trạng tạm ngừng hoạt động, bị khóa. Vốn điều lệ bình quân/doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2020 chỉ đạt 8,34 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình của cả nước 14,34 tỷ đồng. Vốn sản xuất kinh doanh bình quân/doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh năm 2018 ở mức 22,6 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình cả nước 54,5 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế bình quân/doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh năm 2018 là 0,12 tỷ đồng, thấp hơn mức trung bình cả nước 1,12 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 0,7%, thấp hơn mức trung bình cả nước 3,8%.

Thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh năm 2018 là 5,722 triệu đồng, thấp hơn mức trung bình của cả nước 8,816 triệu đồng.

Từ những lý do trên, việc xây dựng Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 nhằm khuyến khích, phát triển DNNVV và thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay.

PHẦN II

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhằm đẩy mạnh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để khuyến khích các hộ kinh doanh có tiềm năng chuyển đổi thành doanh nghiệp theo quy định; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu năm 2021 thành lập mới thêm 380 doanh nghiệp và đến hết năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum có hơn 4.900 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

- Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khoảng 35%.

- 100% doanh nghiệp có nhu cầu thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh ban hành được hướng dẫn, hỗ trợ lập hồ sơ đề xuất theo quy định.

- Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Kon Tum; xây dựng cơ sở ươm tạo hoặc khu làm việc chung để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Đến năm 2025, hình thành được các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh (gồm: sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; Gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ; Điện; Du lịch sinh thái Măng Đen).

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Đối tượng hỗ trợ

Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng các tiêu chí theo quy định Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Phạm vi hỗ trợ

Các Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

3. Nguyên tắc hỗ trợ

Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Điều 4 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.

III. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DNNVV

1. Nhóm chính sách hỗ trợ chung

1.1. Hỗ trợ tiếp cận tín dụng

- Mở rộng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp trên địa bàn; trong đó, khuyến khích bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV theo quy định tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.

- Rà soát, cải tiến quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa, ứng dụng công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi để DNNVV dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

- Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. Triển khai các chương trình, gói tín dụng cho DNNVV trên địa bàn tỉnh với lãi suất hợp lý.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn từ Quỹ phát triển DNNVV theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.

1.2. Hỗ trợ thuế, kế toán

- Cơ quan quản lý thuế hướng dẫn và tuyên truyền trong công tác quản lý thuế, hạch toán và kê khai thuế theo phương pháp đơn giản đối với những doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp siêu nhỏ. Đảm bảo luôn cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các chính sách về thuế và thủ tục hành chính về thuế, giải đáp kịp thời những khó khăn vướng mắc về thuế trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm kế toán và dịch vụ kế toán để triển khai các chương trình tặng phần mềm kế toán và hỗ trợ công tác kế toán miễn phí đối với các doanh nghiệp mới thành lập trong giai đoạn 2021-2025.

1.3. Hỗ trợ mở rộng thị trường

- DNNVV được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giao thương kết nối trong và ngoài nước, hỗ trợ kinh phí tham gia vào kết nối doanh nghiệp quốc tế, hội chợ triển lãm, hội thảo giới thiệu sản phẩm công nghệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường.

- DNNVV được giới thiệu chia sẻ thông tin thị trường trong nước và quốc tế một cách kịp thời, chính xác bằng nhiều hình thức trợ giúp các doanh nghiệp định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

1.4. Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý

1.4.1. Hỗ trợ thông tin cho DNNVV

Nội dung hỗ trợ thông tin cho DNNVV theo quy định tại Điều 12 Nghị định 39/2018/NĐ-CP, cụ thể: DNNVV được miễn phí truy cập thông tin quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hỗ trợ DNNVV trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý và trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

1.4.2. Hỗ trợ tư vấn cho DNNVV

a) Nội dung hỗ trợ tư vấn cho DNNVV theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 39/2018/NĐ-CP, cụ thể: DNNVV được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn (nhưng không bao gồm tư vấn về thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành) thuộc mạng lưới tư vấn viên.

- Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 03 triệu đồng một năm;

- Doanh nghiệp nhỏ được giảm tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 05 triệu đồng một năm;

- Doanh nghiệp vừa được giảm tối đa 10% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 10 triệu đồng một năm;

b) Điều kiện hỗ trợ: DNNVV đáp ứng điều kiện về hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.

1.4.3. Hỗ trợ pháp lý cho DNNVV

- Hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cung cấp, phổ biến về các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp và các thông tin khác hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin văn bản pháp luật đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh và các, sở ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- DNNVV được tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; được tham gia đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật.

1.5. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực

1.5.1. Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh

Học viên của DNNVV có trụ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum, DNNVV do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khóa đào tạo.

1.5.2. Hỗ trợ đào tạo nghề

Nội dung hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 39/2018/NĐ-CP, cụ thể: DNNVV khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng thì được miễn chi phí đào tạo. Các chi phí còn lại do DNNVV và người lao động thỏa thuận. Lao động tham gia khóa đào tạo phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Đã làm việc trong DNNVV tối thiểu 06 tháng liên tục.

- Không quá 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ.

1.5.3. Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại DNNVV

Nội dung hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại DNNVV theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 39/2018/NĐ-CP, cụ thể:

- DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhưng không quá 01 lần một năm.

- Khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp có tối thiểu 10 học viên.

1.6. Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung

- Đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các DNNVV; khuyến khích việc hợp tác và chia sẻ công nghệ giữa các doanh nghiệp.

- Hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng quốc tế; khuyến khích doanh nghiệp tham gia các chương trình liên kết ngành, liên kết vùng, chuỗi giá trị và phát triển công nghệ hỗ trợ.

- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, tham gia nghiên cứu sáng chế công nghệ cải tiến hoạt động sản xuất kinh doanh; chuyển giao ứng dụng thương mại hóa các đề tài, đề án, phát minh, sáng kiến; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi sản phẩm.

- Hình thành và phát triển mô hình vườn ươm doanh nghiệp, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung ở nhiều lĩnh vực theo hình thức đối tác công tư với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ các DNNVV nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản phẩm thử nghiệm thành công và có thể thương mại hóa.

- Cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung được hưởng các hỗ trợ: Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật; Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

1.7. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ, tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử. Nghiên cứu, đề xuất cắt giảm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục trong quy trình khởi sự kinh doanh thông qua việc tích hợp các thủ tục: đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp, công bố mẫu dấu, đăng ký tài khoản ngân hàng, đăng ký mã số bảo hiểm xã hội.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như: Đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... theo hướng đơn giản, giảm bớt thời gian và các thủ tục không cần thiết, từng bước đem lại sự thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân.

- Nâng cao trình độ, năng lực công tác, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hỗ trợ, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Quán triệt tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục gia nhập thị trường.

- Triển khai hiệu quả chỉ đạo của Tỉnh ủy “về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; đồng thời, cải thiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó tập trung các chỉ số: Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Tính năng động; Chỉ số thiết chế pháp lý và an toàn trật tự; Chi phí không chính thức. Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

2. Nhóm chính sách hỗ trợ trọng tâm

2.1. Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh

DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hỗ trợ DNNVV (trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật; Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục ít nhất là 01 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) được hỗ trợ theo Mục 1 chương IV Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, cụ thể:

2.1.1. Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp:

a) Hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp được tư vấn, hướng dẫn miễn phí:

- Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp.

- Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (nếu có).

b) Hồ sơ để DNNVV được hưởng hỗ trợ bao gồm:

- Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh.

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế.

- Bản sao chứng từ nộp lệ phí môn bài, các loại thuế và khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có), tờ khai thuế trong thời hạn 01 năm trước khi chuyển đổi.

2.1.2. Hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, công bố thông tin doanh nghiệp:

DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện về hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh; miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

2.1.3. Hỗ trợ thẩm định, cấp phép kinh doanh lần đầu:

- DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn phí thẩm định, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

- DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện mà không thay đổi về quy mô thì cần có đơn gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được cấp lại giấy phép. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp lại giấy phép trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn.

Trường hợp DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh vẫn sản xuất kinh doanh ngành nghề kinh doanh, có điều kiện mà thay đổi về quy mô thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn miễn phí về quy trình, thủ tục việc cấp phép lần đầu.

2.1.4. Hỗ trợ lệ phí môn bài:

DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

2.1.5. Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán: DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh được tư vấn hướng dẫn miễn phí về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

2.2. Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo

2.2.1. Nội dung hỗ trợ:

a) Hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ:

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng không quá 05 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ nhưng không quá 15 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế nhưng không quá 20 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý nhưng không quá 05 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm.

b) Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới:

- Cung cấp thông tin miễn phí về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm.

- Giảm 50% phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; giảm 50% phí kiểm định, hiệu  chuẩn,  thử  nghiệm  phương  tiện  đo,  chuẩn  đo  lường;  giảm  50%  chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng trên một lần thử và không quá một lần trên năm.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tự tổ chức đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm.

- Giảm 50% phí thử nghiệm về chất lượng hàng hóa tại hệ thống thử nghiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước nhưng không quá 10 triệu đồng trên một lần thử và không quá một lần trên năm.

c) Hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ:

Hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng không quá 100 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm.

d) Hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa:

- Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo chuyên sâu về các nội dung sau: Xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học. Chi phí hỗ trợ không quá 20 triệu đồng trên một khóa đào tạo và không quá một khóa đào tạo trên năm.

- Miễn phí tra cứu, khai thác, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về sáng chế, thông tin công nghệ, kết quả nghiên cứu.

- Hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tại Hội trợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; được ưu tiên tham gia Chương trình xúc tiến thương mại có sử dụng ngân sách nhà nước.

- Miễn phí cung cấp thông tin, truyền thông về kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

đ) Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung:

- Hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV nhưng không quá 50 triệu đồng trên một doanh nghiệp.

- Hỗ trợ 50% nhưng không vượt quá 5 triệu đồng/tháng/DNNVV khởi nghiệp sáng tạo phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

2.2.2. Điều kiện hỗ trợ:

DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Là DNNVV được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

- Có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

- Chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.

2.2.3. Phương thức lựa chọn doanh nghiệp

DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn tham gia Đề án theo một trong các phương thức quy định tại Điều 20 của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, cụ thể:

- Được đầu tư, lựa chọn bởi các cơ quan, tổ chức bao gồm:

Các khu làm việc chung quy định tại Điều 12 Luật Hỗ trợ DNNVV;

Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, đáp ứng các tiêu chí sau: Người đứng đầu có ít nhất 01 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; tổ chức có ít nhất 01 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 01 tỷ đồng cho các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam;

Các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Điều 18 Luật Hỗ trợ DNNVV.

- Được nhận các giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo hoặc sản phẩm, dự án về đổi mới sáng tạo.

- Được cấp Giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ đối với sáng kiến, sáng chế.

- Được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.

- Được lựa chọn trực tiếp bởi Hội đồng.

Hội đồng do cơ quan chủ trì Đề án thành lập và hoạt động đảm bảo nguyên tắc sau:

Số lượng thành viên Hội đồng và cơ chế làm việc của Hội đồng do cơ quan chủ trì Đề án quyết định;

Có tối thiểu 50% thành viên tham gia Hội đồng là đại diện từ các chuyên gia tư vấn độc lập trong nước và quốc tế, hiệp hội liên quan và các cá nhân khác;

Các thành viên của Hội đồng từ đại diện các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm;

Hội đồng hoạt động liên tục trong toàn bộ thời gian của Đề án và tự giải thể sau khi kết thúc Đề án.

2.2.4. Trình tự, thủ tục lựa chọn doanh nghiệp hỗ trợ:

a) Thành phần hồ sơ:

- Mẫu xác định DNNVV quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ.

- Tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện được hỗ trợ theo mục 2.2.2.

- Tài liệu tương ứng đối với các phương thức lựa chọn tại mục 2.2.3 (trừ trường hợp được lựa chọn trực tiếp bởi Hội đồng).

- Tài liệu tương ứng với nội dung đề nghị hỗ trợ.

b) Trình tự thực hiện:

- DNNVV nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký nhận hỗ trợ tại Sở Khoa học và Công nghệ bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, căn cứ phương thức lựa chọn DNNVV khởi nghiệp sáng tạo tham gia Đề án, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ (trường hợp được lựa chọn trực tiếp bởi Hội đồng, Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo Hội đồng lựa chọn doanh nghiệp tham Đề án được thành lập theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ (gọi tắt là Hội đồng hỗ trợ). Hội đồng hỗ trợ căn cứ nguyên tắc lựa chọn, đối tượng, điều kiện hỗ trợ để xem xét, quyết định lựa chọn doanh nghiệp để hỗ trợ). Quyết định hỗ trợ bao gồm các nội dung: Thông tin doanh nghiệp được hỗ trợ, nội dung, mức hỗ trợ, thông tin khác có liên quan (nếu có).

- Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện hỗ trợ, Sở Khoa học và Công nghệ căn cứ kết quả thẩm định để hướng dẫn cụ thể đảm bảo doanh nghiệp chỉ phải sửa hồ sơ một lần, hồ sơ không phải trả lại nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện hỗ trợ.

- Căn cứ Quyết định hỗ trợ, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện việc thanh toán kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp theo quy định pháp luật.

- Sở khoa học và Công nghệ và Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm công khai thông tin hỗ trợ DNNVV chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định hỗ trợ doanh nghiệp.

2.3. Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị

2.3.1. Nội dung hỗ trợ:

a) Hỗ trợ 50% chi phí đối với các khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên biệt tại hiện trường nhưng không quá 30 triệu đồng trên 01 khóa đào tạo cho một doanh nghiệp và không quá 01 khóa đào tạo trên năm.

b) Hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thúc đẩy liên kết trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng các dự án liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm.

c) Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường

- Hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tại Hội trợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; được ưu tiên tham gia Chương trình xúc tiến thương mại có sử dụng ngân sách nhà nước.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh nhưng không quá 05 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm.

- Hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành nhưng không quá 20 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm.

d) Tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng

- Cung cấp thông tin miễn phí về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm.

- Giảm 50% phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; giảm 50% phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; giảm 50% chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng trên 01 lần thử và không quá một lần trên năm.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp tự tổ chức đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm.

đ) Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng

- Hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhưng nhưng không quá 10 triệu đồng trên một lần thử và không quá một lần trên năm.

- Hỗ trợ sử dụng các phòng thử nghiệm về chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

- Giảm 50% phí thử nghiệm về chất lượng hàng hóa tại hệ thống thử nghiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước nhưng không quá 10 triệu đồng trên một lần thử và không quá một lần trên năm;

- Hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng trên một lần và không quá một lần trên năm.

2.3.2. Điều kiện hỗ trợ:

Các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh (gồm: sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao; sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; Gỗ và các sản phẩm sản xuất từ gỗ; Điện; Du lịch sinh thái Măng Đen) được hỗ trợ nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

- Tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành.

- Có đổi mới sáng tạo về quy trình công nghệ, vật liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị.

- Tạo việc làm cho người lao động.

2.3.3. Trình tự, thủ tục lựa chọn doanh nghiệp, hỗ trợ:

a) Thành phần hồ sơ:

- Mẫu xác định DNNVV quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ

- Tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện được hỗ trợ theo mục 2.3.2.

- Tài liệu tương ứng với nội dung đề nghị hỗ trợ.

b) Trình tự thực hiện:

- DNNVV nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký nhận hỗ trợ tại Sở Công thương bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Công thương thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định hồ sơ.

- Trường hợp hồ sơ đảm bảo đủ điều kiện hỗ trợ, Sở Công thương căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Quyết định hỗ trợ bao gồm các nội dung: Thông tin doanh nghiệp được hỗ trợ, nội dung, mức hỗ trợ, thông tin khác có liên quan (nếu có).

- Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện hỗ trợ, Sở Công thương căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng để hướng dẫn cụ thể đảm bảo doanh nghiệp chỉ phải sửa hồ sơ một lần, hồ sơ không phải trả lại nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện hỗ trợ.

- Căn cứ Quyết định hỗ trợ, Sở Công thương thực hiện việc thanh toán kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.

- Sở Công thương và Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm công khai thông tin hỗ trợ DNNVV chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định hỗ trợ doanh nghiệp.

IV. KINH PHÍ, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện

Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 31.450 triệu đồng, trong đó:

1.1. Kinh phí ngân sách nhà nước bố trí thực hiện chính sách hỗ trợ

Kinh phí ngân sách nhà nước dự kiến bố trí trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 12.700 triệu đồng (ngân sách địa phương 3.250 triệu đồng; ngân sách trung ương 9.450 triệu đồng). Trong đó:

- Hỗ trợ tư vấn cho DNNVV: Khoảng 1.800 triệu đồng.

- Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV: Khoảng 5.250 triệu đồng.

- Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Khoảng 3.250 triệu đồng.

- Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị: Khoảng 2.400 triệu đồng.

1.2. Kinh phí thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV thường xuyên hàng năm

Kinh phí thực hiện các nội dung hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của Đề án (gồm: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ thuế, kế toán; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin cho DNNVV; Hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh) được các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, đơn vị xây dựng và thực hiện từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị được cấp có thẩm quyền duyệt hàng năm (dự kiến kinh phí giai đoạn 2021-2025 khoảng 15.500 triệu đồng).

1.3. Nguồn vốn xã hội hóa

Ngoài kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, Đề án khuyến khích huy động nguồn kinh phí từ khu vực tư nhân, tổ chức, cá nhân, hiệp hội liên quan nhằm xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ, giảm áp lực lên nguồn ngân sách nhà nước (dự kiến nguồn xã hội hóa giai đoạn 2021-2025 khoảng 3.250 triệu đồng).

2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2021 đến năm 2025.

V. CƠ CHẾ QUẢN LÝ, GIÁM SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Cơ chế quản lý, giám sát

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai có hiệu quả Đề án. Định kỳ sáu tháng (trước ngày 25 tháng 6) và hàng năm (trước ngày 20 tháng 12) hoặc đột xuất khi có yêu cầu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Đề án.

- Các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Trong đó, nêu rõ các mục tiêu, chỉ tiêu; nhiệm vụ, giải pháp, sản phẩm cụ thể; cơ quan, đơn vị thực hiện; thời gian hoàn thành.

Định kỳ sáu tháng (trước ngày 20 tháng 6) và hàng năm (trước ngày 15 tháng 12) hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện đối với các nhiệm vụ được giao trong Đề án.

2. Đánh giá kết quả thực hiện

- Đánh giá giữa kỳ sẽ thực hiện vào giữa năm 2023 nhằm đánh giá sơ bộ kết quả đạt được của Đề án, trên cơ sở đó tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Đề án (nếu có) đối với thời gian còn lại, đảm bảo đạt được mục tiêu của Đề án.

- Đánh giá cuối kỳ sẽ thực hiện trong năm 2025 nhằm mục đích đánh giá kết quả thực hiện Đề án và rút ra bài học kinh nghiệm để vận dụng vào việc xây dựng và thực hiện hoạt động hỗ trợ DNNVV giai đoạn (2026-2030).

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai thực hiện các nội dung trong Đề án liên quan đến Sở, ban, ngành, cơ quan mình phụ trách.

- Tuyên truyền, phổ biến về chính sách khuyến khích, nội dung hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh theo Luật Hỗ trợ DNNVV và Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025.

- Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính của doanh nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; tư vấn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho Hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu kinh doanh.

- Thực hiện công khai nội dung, chương trình, kết quả thực hiện hỗ trợ DNNVV và các thông tin khác có liên quan. Việc công khai thông tin hỗ trợ DNNVV thực hiện theo Điều 29 Luật Hỗ trợ DNNVV.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan Thường trực thực hiện Đề án

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn triển khai, thực hiện Đề án.

- Thực hiện tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh đến thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp đúng hoặc sớm hơn thời gian quy định.

- Phát triển, nâng cấp Trang thông tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum là đơn vị trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư trở thành đầu mối cung cấp thông tin, các chương trình, kế hoạch hỗ trợ DNNVV; cung cấp thông tin về mạng lưới chuyên gia, tư vấn viên phù hợp với DNNVV; tiếp nhận các đăng ký hỗ trợ của các DNNVV trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng hồ sơ mẫu, biểu liên quan đến thành lập các loại hình doanh nghiệp công khai lên Trang thông tin điện tử của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum. Thực hiện tích hợp các dịch vụ tiện ích như: Đăng ký doanh nghiệp, đăng ký tài khoản ngân hàng, công bố mẫu dấu, đăng ký mã số bảo hiểm xã hội. Đẩy mạnh tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, tăng cường đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử mức độ 4.

- Chủ trì thực hiện hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn cho DNNVV. Tư vấn, hướng dẫn miễn phí trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp cho hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp. Thực hiện miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu, miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho hộ kinh doanh đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp.

- Chủ trì thực hiện hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh; hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại DNNVV.

- Chủ trì tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; cải thiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

- Chủ trì, phối hợp với Sở nội vụ thẩm định, tổng hợp hồ sơ từ các đơn vị, địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Thi đua – Khen thưởng) xem xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Đề án trong Hội nghị đánh giá giữa kỳ (2023) và Hội nghị đánh giá cuối kỳ (2025).

- Phối hợp với đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn của Quỹ phát triển DNNVV theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Chính Phủ.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai Đề án theo quy định tại Điều 26, Điều 27 Nghị định 39/2018/NĐ-CP.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tổ chức có hiệu quả Thông báo số 98/TB-UBND ngày 12 tháng 5 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức chương trình “Cà phê Doanh nghiệp - Doanh nhân”.

3. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp, thẩm định dự toán, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí để triển khai các nhiệm vụ của Đề án.

- Hướng dẫn các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện quy trình, thủ tục thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ triển khai các chính sách, chương trình của tỉnh.

4. Sở Công Thương

- Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp về các hoạt động xúc tiến thương mại; hướng dẫn xây dựng chương trình, thực hiện chương trình khuyến công và phát triển thương mại điện tử; giải pháp khuyến khích sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu; phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá thương hiệu sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.

- Chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan thực hiện Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

- Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn liên kết cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ DNNVV.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, triển khai các cơ chế, giải pháp về xây dựng phát triển chuỗi giá trị, chuỗi phân phối, các cơ chế chính sách, giải pháp về hỗ trợ chi phí hoạt động khảo sát, nghiên cứu thị trường để đổi mới sản phẩm của DNNVV; đồng thời hỗ trợ chi phí hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp của DNNVV.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các DNNVV; hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng.

- Hỗ trợ doanh nghiệp xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, mã số mã vạch, áp dụng hệ thống truy suất nguồn gốc; tham gia nghiên cứu cải tiến công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh; chuyển giao ứng dụng các kết quả nghiên cứu, công nghệ mới, phát minh, sáng kiến,…

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

- Chủ trì rà soát, nghiên cứu hình thành và phát triển mô hình vườn ươm doanh nghiệp, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung ở nhiều lĩnh vực theo hình thức đối tác công tư với sự tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì rà soát, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng, tạo thuận lợi cho DNNVV trong tiếp cận đất đai.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý và sử dụng đất đai của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thống kê và thu hồi đất hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích để tạo quỹ đất cho các DNNVV thuê đất, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí quỹ đất phù hợp vào Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020-2030 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2020-2025) để hình thành, phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông lâm sản, thủy sản tập trung cho DNNVV.

7. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ đối với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là các cơ quan thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội đất đai, cấp giấy phép hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện và các thủ tục hành chính khác liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp.

- Hàng năm lấy công tác đánh giá đối với các cơ quan, địa phương về thực hiện Đề án là một trong những tiêu chí để xếp loại phong trào thi đua toàn diện về thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của các cơ quan, địa phương; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp việc thực hiện Đề án của các đơn vị để thực hiện bổ sung vào kết quả đánh giá phân loại hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo chức, năng, nhiệm vụ được giao.

- Trong Hội nghị đánh giá giữa kỳ (năm 2023) và Hội nghị đánh giá cuối kỳ kết quả thực hiện Đề án (năm 2025), Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng (hình thức bằng khen) cho các tập thể, các nhân thực hiện tốt Đề án.

8. Sở Tư pháp

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức khác và cá nhân có liên quan xây dựng và đề xuất chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong phạm vi địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Chủ trì thực hiện đào tạo, tập huấn phổ biến pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, các cơ quan báo chí trung ương thường trú tại địa phương tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ DNNVV; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung hỗ trợ của Đề án; thông tin các văn bản chỉ đạo, chủ trương, chính sách của các cấp về việc thực hiện Đề án.

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin bài, phóng sự phù hợp để phổ biến nội dung của Đề án và tuyên truyền hướng dẫn cho các hộ kinh doanh về lợi ích và sự cần thiết khi thực hiện chuyển đổi thành doanh nghiệp, bám sát theo yêu cầu nội dung của Đề án.

10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Thực hiện hỗ trợ giống phát triển một số loài dược liệu chủ lực và Hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho DNNVV theo Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2018, Nghị quyết số 64/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 8 năm 2016 và Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Sở Công Thương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn liên kết cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ DNNVV.

11. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban ngành liên quan thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho các lao động làm việc tại các DNNVV trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động làm việc trong doanh nghiệp.

- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn.

12. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

- Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kon Tum nhằm đáp ứng tốt nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức có hiệu quả chương trình “Cà phê Doanh nghiệp – Doanh nhân” và tổ chức các buổi làm việc giữa Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh (nếu cần).

13. Cục thuế tỉnh

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn và tuyên truyền trong công tác quản lý thuế, kê khai quyết toán thuế và chấp hành các chính sách, pháp luật về thuế; các thủ tục hành chính về thuế, hướng dẫn thực hiện các thủ tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu tiên của Luật Hỗ trợ DNNVV; hỗ trợ tập huấn về các dịch vụ thuế điện tử đối với doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu các đại lý thuế đủ điều kiện hoạt động tham gia thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đối với doanh nghiệp thành lập mới được chuyển đổi từ hộ kinh doanh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và đối với DNNVV mới thành lập trong giai đoạn 2021-2025.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh có liên quan tổ chức các khóa đào tạo về chính sách thuế và kế toán cho doanh nghiệp mới thành lập.

- Giới thiệu các đơn vị cung cấp phần mềm, dịch vụ kế toán doanh nghiệp để triển khai các chương trình hỗ trợ miễn phí đối với các doanh nghiệp mới thành lập trong giai đoạn 2021-2025.

- Rà soát lại các chính sách thuế đối với doanh nghiệp và chính sách thuế đối với hộ kinh doanh để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất với các cơ quan Trung ương nghiên cứu, sửa đổi, áp dụng chính sách thuế phù hợp, tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

- Giao Chi cục thuế các huyện, thành phố tuyên truyền chính sách thuế và vận động hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, xử lý các trường hợp hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên nhưng không thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

14. Quỹ đầu tư phát triển tỉnh

Tạo điều kiện cho các DNNVV trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn vay của đơn vị để đầu tư phát triển DNNVV.

15. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Kon Tum

- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh vay với lãi suất ưu đãi nhằm giúp doanh nghiệp ổn định và có điều kiện phát triển; cải tiến quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay và nghiên cứu xây dựng tiêu chí cho vay phù hợp đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; xây dựng các gói tín dụng để hỗ trợ phân khúc khách hàng này.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp.

- Tuyên truyền và hướng dẫn DNNVV có nhu cầu vay vốn nắm được đầy đủ các thông tin liên quan đến khoản vay như hồ sơ, thủ tục, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.

16. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

- Chủ trì hỗ trợ cung cấp, hướng dẫn thông tin và thủ tục đầu tư đối với các DNNVV, doanh nghiệp mới thành lập khi có nhu cầu thuê lại mặt bằng sản xuất tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

- Phối hợp với các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế rà soát các diện tích cho thuê còn lại tại các khu công nghiệp trên địa bàn để phổ biến công khai cho các doanh nghiệp biết để tìm kiếm mặt bằng sản xuất.

- Đầu tư, khai thác hiệu quả các khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt, tạo nguồn cung sẵn có về mặt bằng sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý; khuyến khích, định hướng để doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tại khu công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

17. Thanh tra tỉnh

Chủ trì tổng hợp, rà soát kế hoạch thanh tra của các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2018 về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.

18. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể khác tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hỗ trợ DNNVV; khuyến khích hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Đồng thời, chủ động, tích cực triển khai các có hiệu quả Đề án, Kế hoạch về khởi nghiệp do các Đoàn thể tỉnh chủ trì (nếu có).

19. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Đẩy mạnh tuyên truyền đến các tổ dân phố, cụm dân cư trên địa bàn về các chính sách khuyến khích, hỗ trợ liên quan đến thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ DNNVV. Vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và hộ kinh doanh chuyển đổi, thành lập doanh nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh tốc độ phát triển doanh nghiệp.

- Kiểm tra, rà soát, thống kê số lượng hộ kinh doanh trên địa bàn có sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên; lập danh sách gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư và yêu cầu các hộ chuyển đổi thành doanh nghiệp theo quy định.

- Tổ chức khảo sát đánh giá tình hình hoạt động, nhu cầu thành lập doanh nghiệp của các hộ kinh doanh trên địa bàn. Lập danh sách các hộ kinh doanh có  nhu cầu chuyển đổi thành doanh nghiệp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để hướng dẫn và hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Chi cục thuế huyện, thành phố giải quyết các thủ tục chấm dứt hoạt động của các hộ kinh doanh trong 02 ngày làm việc.

- Có trách nhiệm đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh và hướng dẫn tiếp cận đất đai tại các cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy hoạch. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

20. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành lập và tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh; thông tin phổ biến vận động hội viên tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện Đề án; thực hiện việc kết nối cộng đồng doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện Đề án; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp kịp thời kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh để tháo gỡ, tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

21. Các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh

- Cung cấp thông tin, tài liệu về thành lập doanh nghiệp đầy đủ, kịp thời, chính xác theo yêu cầu của cơ quan chức năng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin, tài liệu đã cung cấp.

- Tuân thủ các quy định của pháp luật; thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước: tiếp nhận, phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ. Chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh./.

 

BIỂU 01

TỔNG HỢP DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN HỖ TRỢ DNNVV TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2021 – 2025

(Kèm theo Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 )

STT

Nội dung hỗ trợ

Đơn vị chủ trì thực hiện hỗ trợ

Chia theo giai đoạn

(Triệu đồng)

Chia theo nguồn vốn

(Triệu đồng)

Ghi chú

Tổng kinh phí

Năm 2021

2022-2025

Tổng số

Ngân sách địa phương

Ngân sách trung ương

Xã hội hóa

A

HỖ TRỢ THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH

 

 

TỔNG CỘNG

15.950

3.190

12.760

15.950

3.250

9.450

3.250

 

 

1

Hỗ trợ tư vấn cho DNNVV

Sở Kế hoạch và Đầu tư

1.800

360

1.440

1.800

750

1.050

0

 

Chi tiết biểu 1a

2

Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV

 

8.500

1.700

6.800

8.500

0

5.250

3.250

 

Chi tiết biểu 1b

2.1

Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh

Sở Kế hoạch và Đầu tư

3.000

600

2.400

3.000

0

2.000

1.000

 

2.2

Hỗ trợ đào tạo nghề

Sở Lao động Thương binh và xã hội

3.000

600

2.400

3.000

0

2.000

1.000

 

2.3

Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại DNNVV

Sở Kế hoạch và Đầu tư

2.500

500

2.000

2.500

0

1.250

1.250

 

3

Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo

Sở Khoa học và công nghệ

3.250

650

2.600

3.250

1.500

1.750

0

Nguồn ngân sách chi sự nghiệp khoa học và công nghệ; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Kon Tum; Vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương từ Chương trình quốc gia hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025

Chi tiết biểu 1c

4

Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Sở Công thương

2.400

480

1.920

2.400

1.000

1.400

0

Nguồn kinh phí khuyến công địa phương; nguồn xúc tiến thương mại địa phương; nguồn xúc tiến thương mại quốc gia;

Vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương từ Chương trình quốc gia hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025

Chi tiết biểu 1d

B

HỖ TRỢ THƯỜNG XUYÊN CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG, ĐƠN VỊ

TỔNG CỘNG

15.500

3.100

12.400

 

 

 

 

 

 

1

Hỗ trợ tiếp cận tín dụng

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Kon Tum

7.500

1.500

6.000

 

 

 

 

Sử dụng kinh phí thường xuyên hàng năm của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt

 

2

Hỗ trợ thuế, kế toán

Cục thuế tỉnh

750

150

600

 

 

 

 

 

3

Hỗ trợ mở rộng thị trường

Sở Công thương

1.750

350

1.400

 

 

 

 

 

4

Hỗ trợ thông tin cho DNNVV

Các Sở, ban ngành,

UBND các huyện thành phố

750

150

600

 

 

 

 

 

5

Hỗ trợ pháp lý cho DNNVV

Sở Tư Pháp

750

150

600

 

 

 

 

 

6

Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung

Sở Khoa học và công nghệ

1.500

300

1.200

 

 

 

 

 

7

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

Các Sở, ban ngành, UBND các huyện thành phố

1.000

200

800

 

 

 

 

 

8

Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh

Các Sở, ban ngành, UBND các huyện thành phố

1.500

300

1.200

 

 

 

 

 

 

BIỂU 01A

DỰ KIẾN KINH PHÍ HỖ TRỢ SỬ DỤNG DỊCH VỤ TƯ VẤN THUỘC MẠNG LƯỚI TƯ VẤN VIÊN

(Kèm theo Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025)

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Giá trị dự kiến

(Triệu đồng)

Kinh phí

(Triệu đồng)

Hàng năm

Giai đoạn 2021-2025

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

360

1.800

1

Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 03 triệu đồng một năm

DN

100

3

60

300

2

Doanh nghiệp nhỏ được giảm tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 05 triệu đồng một năm

DN

100

5

100

500

3

Doanh nghiệp vừa được giảm tối đa 10% giá trị hợp đồng tư vấn, nhưng không quá 10 triệu đồng một năm

DN

100

10

200

1000

 

BIỂU 01B

DỰ KIẾN KINH PHÍ HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÁC DNNVV

(Kèm theo Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025)

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Giá trị dự kiến

(Triệu đồng)

Kinh phí

(Triệu đồng)

Hàng năm

Giai đoạn 2021-2025

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

1.700

8.500

1

Hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh

 

 

 

600

3.000

-

Học viên của DNNVV được miễn học phí tham gia khóa đào tạo.

Học viên

1.000

3

600

3.000

2

Hỗ trợ đào tạo nghề

 

 

 

600

3.000

-

DNNVV khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng thì được miễn chi phí đào tạo.

Học viên

1.500

2

600

3.000

3

Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại DNNVV

 

 

 

500

2.500

-

DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhưng không quá 01 lần một năm.

Học viên

500

5

500

2.500

 

BIỂU 01C

DỰ KIẾN KINH PHÍ HỖ TRỢ DNNVV KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO

(Kèm theo Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025)

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Giá trị dự kiến

(Triệu đồng)

Kinh phí

(Triệu đồng)

Hàng năm

Giai đoạn 2021-2025

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

650

3250

1

Hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ

 

 

 

135

675

1.1

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng không quá 05 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm

Hợp đồng

15

5

15

75

1.2

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ nhưng không quá 15 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm

Hợp đồng

15

15

45

225

1.3

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế nhưng không quá 20 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm

Hợp đồng

15

20

60

300

1.4

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý nhưng không quá 05 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm

Hợp đồng

15

5

15

75

2

Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới:

 

 

 

120

600

2.1

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm.

Hợp đồng

15

10

30

150

2.2

Giảm 50% phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; giảm 50% phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; giảm 50% chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng trên một lần thử và không quá 01 lần trên năm

Lần thử nghiệm

15

10

30

150

2.3

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tự tổ chức đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm.

Hợp đồng

15

10

30

150

2.4

Giảm 50% phí thử nghiệm về chất lượng hàng hóa tại hệ thống thử nghiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước nhưng không quá 10 triệu đồng trên một lần thử và không quá 01 lần trên năm

Lần thử nghiệm

15

10

30

150

3

Hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ

 

 

 

100

500

 

Hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng không quá 100 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng mỗi năm.

Hợp đồng

5

100

100

500

4

Hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa

 

 

 

75

375

4.1

Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo chuyên sâu về các nội dung sau: Xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học. Chi phí hỗ trợ không quá 20 triệu đồng trên một khóa đào tạo và không quá 01 khóa đào tạo trên năm;

Khóa đào tạo

15

20

60

300

4.2

Hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tại Hội trợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; được ưu tiên tham gia Chương trình xúc tiến thương mại có sử dụng ngân sách nhà nước

Gian hàng

15

5

15

75

5

Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung

 

 

 

220

1100

5.1

Hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV nhưng không quá 50 triệu đồng trên một doanh nghiệp

Doanh nghiệp

10

50

100

500

5.2

Hỗ trợ 50% nhưng không vượt quá 5 triệu đồng/tháng/DNNVV khởi nghiệp sáng tạo phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Doanh nghiệp

10

60

120

600

 

BIỂU 01D

DỰ KIẾN KINH PHÍ HỖ TRỢ DNNVV THAM GIA CỤM LIÊN KẾT NGÀNH, CHUỖI GIÁ TRỊ

(Kèm theo Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025)

STT

Nội dung

Đơn vị tính

Số lượng

Giá trị dự kiến

(Triệu đồng)

Kinh phí

(Triệu đồng)

Hàng năm

Giai đoạn 2021-2025

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

480

2400

1

Hỗ trợ 50% chi phí đối với các khóa đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất chuyên biệt tại hiện trường nhưng không quá 30 triệu đồng trên 01 khóa đào tạo cho một doanh nghiệp và không quá 01 khóa đào tạo trên năm.

Khóa đào tạo

15

30

90

450

2

Hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh

 

 

 

60

300

2.1

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thúc đẩy liên kết trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm.

Hợp đồng

15

10

30

150

2.2

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng các dự án liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm.

Hợp đồng

15

10

30

150

3

Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường

 

 

 

90

450

3.1

Hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tại Hội trợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; được ưu tiên tham gia Chương trình xúc tiến thương mại có sử dụng ngân sách nhà nước.

Gian hàng

15

5

15

75

3.2

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh nhưng không quá 05 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm

Hợp đồng

15

5

15

75

3.3

Hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành nhưng không quá 20 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm.

Hợp đồng

15

20

60

300

4

Tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng

 

 

 

90

450

4.1

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm

Hợp đồng

15

10

30

150

4.2

Giảm 50% phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; giảm 50% phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; giảm 50% chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng trên 01 lần thử và không quá 01 lần trên năm.

Lần thử nghiệm

15

10

30

150

4.3

Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp tự tổ chức đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm.

Hợp đồng

15

10

30

150

5

Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng

 

 

 

150

750

5.1

Hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhưng nhưng không quá 10 triệu đồng trên 01 lần thử và không quá 01 lần trên năm.

Lần thử nghiệm

15

10

30

150

5.2

Giảm 50% phí thử nghiệm về chất lượng hàng hóa tại hệ thống thử nghiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước nhưng không quá 10 triệu đồng trên 01 lần thử và không quá 01 lần trên năm

Lần thử nghiệm

15

10

30

150

5.3

Hỗ trợ 50% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng trên 01 lần và không quá 01 lần trên năm

Hợp đồng

15

30

90

450

 



[1] Cụ thể các chỉ số thành phần: Chi phí không chính thức năm 2020 đạt 6,30 điểm cao hơn 0,35 điểm so với năm 2019 (5,95 điểm); Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp đạt 5,90 điểm cao hơn 0,16 điểm so với năm 2019 (5,75 điểm); Thiết chế pháp lý & ANTT đạt 6,34 điểm cao hơn 0,52 điểm so với năm 2019 (5,82 điểm).

[2] Cụ thể 04 Chỉ số thành phần gồm: (i) Tính Minh bạch xếp hạng 29/63 tỉnh thành phố (tăng 24 bậc so với năm 2019); (ii) Tính năng động xếp hạng 51/63 tỉnh thành phố (tăng 02 bậc so với năm 2019); Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp xếp hạng 33/63 tỉnh thành phố (tăng 15 bậc so với năm 2019); Thiết chế pháp lý & ANTT xếp hạng 47/63 tỉnh thành phố (tăng 10 bậc so với năm 2019)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 456/QĐ-UBND năm 2021 về Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 456/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/05/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Lê Ngọc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản