Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2020/NQ-HĐND

Bình Định, ngày 06 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG, KÊNH MƯƠNG NỘI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
KHÓA XII KỲ HỌP THỨ 13

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương;

Xét Tờ trình số 105/TTr-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bình Định; Báo cáo thẩm tra số 43/BCTT-KTNS ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 27/2015/NQ-HĐND ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành Chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng, giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định Khóa XII Kỳ họp thứ 13 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ (b/cáo);
- VPQH, VPCP, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT;
- TT Tỉnh ủy (b/cáo), TT HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị;
- Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
- Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành liên quan;
- VP: Tỉnh ủy, ĐĐBQH, HĐND, UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, hồ sơ kỳ họp.

CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG, KÊNH MƯƠNG NỘI ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu, nhiệm vụ:

1. Mục tiêu: Nhằm tăng mức đảm bảo tưới; giảm chi phí nạo vét, vận hành; chủ động cấp nước; giảm diện tích chiếm đất và thất thoát nước; góp phần xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

2. Nhiệm vụ: Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 chiều dài kênh mương, kênh mương nội đồng (kênh loại 3) được kiên cố hóa dài 600 km, nâng tổng chiều dài kênh mương, kênh mương nội đồng được kiên cố đến năm 2025 là 2.904km/3.944km, đạt tỷ lệ 73,63% (tổng chiều dài kênh loại 3 là 3.944km, đã kiên cố đến năm 2020 là 2.304km).

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định mức hỗ trợ, kích thước mặt cắt kênh để thực hiện kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan có kế hoạch kiên cố hóa kênh mương hàng năm được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo đề nghị của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

Điều 4. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Việc triển khai kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Xây dựng và các quy định về quản lý đầu tư xây dựng hiện hành đối với công trình đặc thù.

2. Quá trình thực hiện kiên cố hóa kênh mương không được gây ách tắc trong việc dẫn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

3. Căn cứ yêu cầu thực tế và khả năng nguồn vốn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thống nhất danh mục công trình kiên cố hóa kênh mương hàng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt làm căn cứ thực hiện.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tạm ứng ngân sách tỉnh cho các địa phương thực hiện Chương trình trong tháng 1 hàng năm.

Điều 5. Thời gian thực hiện

Từ năm 2021 đến năm 2025.

Chương 2

NỘI DUNG CHÍNH SÁCH

Điều 6. Điều kiện về kích thước thiết kế mặt cắt kênh kiên cố hóa được hỗ trợ

Thông số thiết kế kênh bê tông; mặt cắt chữ nhật gồm 123 mặt cắt, có kích thước chiều rộng B (m), chiều cao H (m), chiều dày t (m); trong đó cần xác định cao độ mực nước khống chế tưới, độ dốc đáy kênh, diện tích tưới, lưu lượng thiết kế để chọn kích thước mặt cắt kênh tại phụ lục 2.

Điều 7. Chính sách hỗ trợ

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các địa phương một phần chi phí xây lắp được duyệt để xây dựng kiên cố hóa phần kênh, bao gồm: Hỗ trợ đủ về số lượng xi măng (được quy tròn đến đơn vị tấn xi măng) và hỗ trợ bổ sung bằng tiền (triệu đồng).

2. Mức hỗ trợ của tỉnh để kiên cố hóa cho 01km kênh tưới cho cây lúa có kích thước thiết kế và mức hỗ trợ tương ứng quy định tại phụ lục 3, trong đó:

a) Đối với các xã được hưởng từ Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a) là 30% giá trị xây lắp được duyệt; các huyện Tây Sơn, Hoài Ân và các xã còn lại của huyện miền núi là 50% giá trị xây lắp được duyệt; các huyện còn lại, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn là 30% giá trị xây lắp được duyệt; riêng trạm bơm là 60% giá trị xây lắp được duyệt.

b) Mức hỗ trợ từ vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới: Đối với các huyện Tây Sơn, Hoài Ân và các xã còn lại của miền núi là 25% giá trị xây lắp được duyệt; các huyện còn lại, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn là 20% giá trị xây lắp được duyệt.

c) Mức hỗ trợ vốn từ Chương trình 30a và nguồn vốn khác của huyện cho các xã được hưởng chính sách 30a là 70% giá trị xây lắp được duyệt. Danh mục kiên cố kênh mương, kênh mương nội đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

d) Mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ít nhất từ 15% đến 40% giá trị xây lắp được duyệt.

e) Mức hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp xã (gồm hỗ trợ cấp bù thủy lợi phí và các nguồn hợp pháp khác theo quy định) từ 0% đến 20% giá trị xây lắp được duyệt; cụ thể tại phụ lục 1.

3. Kênh tưới tiêu kết hợp, kênh cấp nước nuôi trồng thủy sản: Nếu mặt cắt kênh thiết kế có kích thước tương ứng với mặt cắt kênh tưới nêu tại phụ lục 1 thì áp dụng các mức hỗ trợ như kênh tưới nêu tại phụ lục 2. Nếu mặt cắt kênh kiên cố có kích thước khác thì áp dụng mức hỗ trợ theo phụ lục 1; trong đó hỗ trợ đủ lượng xi măng theo thiết kế và số còn lại hỗ trợ bổ sung bằng tiền.

Điều 8. Điều kiện được hỗ trợ

1. Các địa phương có đăng ký kế hoạch xây dựng kiên cố kênh mương, trong đó cam kết có đủ nguồn lực khác để xây dựng hoàn thành theo kế hoạch.

2. Có hồ sơ thiết kế sơ bộ để bảo đảm các tiêu chí phân bổ kinh phí hỗ trợ gồm: chiều dài từng kênh kiên cố, diện tích tưới thiết kế.

3. Danh mục công trình phải được liên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thống nhất trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước ngày 30/10 theo kế hoạch hàng năm.

Chương 3

KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH

Điều 9. Kinh phí thực hiện chính sách

Kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho các địa phương thực hiện chính sách kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2021 - 2025 là 190.800 triệu đồng để kiên cố 600 km kênh mương, trong đó: Năm 2021 là 38.160 triệu đồng; năm 2022 là 38.160 triệu đồng; năm 2023 là 38.160 triệu đồng; năm 2024 là 38.160 triệu đồng và năm 2025 là 38.160 triệu đồng.

Điều 10. Nguồn vốn thực hiện chính sách

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua vốn vay tín dụng ưu đãi hàng năm các nguồn vốn khác của ngân sách tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cho các địa phương tạm ứng ngân sách tỉnh để thực hiện Chương trình trong tháng 1 hàng năm.

2. Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

3. Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (30a).

4. Ngân sách Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ.

5. Ngân sách Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn hỗ trợ; vốn cấp bù thủy lợi phí.

6. Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định.

Chương 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện chính sách

1. Bố trí kinh phí hỗ trợ để triển khai thực hiện chính sách.

2. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương thực hiện kế hoạch của chương trình.

Điều 12. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện chính sách

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Hướng dẫn lập hồ sơ thiết kế sơ bộ kiên cố hóa kênh mương; phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo hướng cắt, giảm một số nội dung cơ cấu đuôi dự toán công trình kiên cố hóa kênh mương.

b) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện chính sách và sử dụng thiết kế mẫu, hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo hướng giảm một số nội dung cơ cấu đuôi dự toán công trình.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc thực hiện ở các địa phương và đề xuất việc hỗ trợ kinh phí.

d) Theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện chương trình.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất đề xuất nguồn vốn, kế hoạch vốn hỗ trợ hàng năm để thực hiện chương trình.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kế hoạch kiên cố hóa kênh mương hàng năm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục và hỗ trợ vốn.

3. Sở Tài chính

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lập hồ sơ đề nghị vay vốn thực hiện kiên cố hóa kênh mương từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

b) Phối hợp với các sở có liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho từng huyện, thị xã, thành phố sau khi Ngân hàng Phát triển Việt Nam thông báo cung cấp khoản vay.

c) Xử lý các vấn đề về mặt tài chính phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương.

4. Sở Xây dựng

Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh thống nhất đề xuất cơ cấu đuôi dự toán công trình và các biện pháp thực hiện kèm theo hướng dẫn giảm thiểu hoặc loại bỏ những chi phí có thể cắt giảm, loại bỏ được để giảm giá thành công trình một cách hợp lý.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp.

b) Bố trí kế hoạch vốn theo cơ cấu nguồn vốn được Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua.

c) Bố trí vốn hỗ trợ cho các xã để thực hiện kế hoạch kiên cố kênh mương được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, giao kế hoạch.

d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã (chủ đầu tư đối với các công trình tại địa phương) tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng quy định về công tác đầu tư xây dựng, về huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi ở địa phương.

Điều 13. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung chính sách đã ban hành để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định của pháp luật./.