Hệ thống pháp luật

Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Điều 15. Hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không đánh số thứ tự từng trang đối với văn bản công chứng có từ 02 trang trở lên;

b) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp phiếu yêu cầu công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định;

c) Không mang theo thẻ công chứng viên khi hành nghề;

d) Tham gia không đầy đủ nghĩa vụ bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định;

b) Công chứng không đúng thời hạn quy định;

c) Sửa lỗi kỹ thuật văn bản công chứng không đúng quy định;

d) Sách nhiễu, gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng;

đ) Từ chối yêu cầu công chứng mà không có lý do chính đáng;

e) Không dùng tiếng nói hoặc chữ viết là tiếng Việt;

g) Không tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên;

h) Hướng dẫn nhiều hơn 02 người tập sự tại cùng một thời điểm;

i) Hướng dẫn tập sự khi không đủ điều kiện theo quy định;

k) Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của người hướng dẫn tập sự theo quy định;

l) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có phiếu yêu cầu công chứng;

m) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp thành phần hồ sơ có giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung;

n) Từ chối hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng không có lý do chính đáng.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu công chứng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Công chứng khi thiếu chữ ký của công chứng viên; chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;

c) Công chứng khi không kiểm tra, đối chiếu bản chính giấy tờ trong hồ sơ công chứng theo quy định trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;

d) Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng theo quy định, thù lao công chứng đã xác định và chi phí khác đã thoả thuận;

đ) Không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

e) Ghi lời chứng trong văn bản công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định;

g) Ghi lời chứng không chính xác về tên hợp đồng, giao dịch; chủ thể hợp đồng, giao dịch; thời gian hoặc địa điểm công chứng;

h) Không giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng;

i) Tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động môi giới, đại lý; tham gia chia lợi nhuận trong hợp đồng, giao dịch mà mình nhận công chứng;

k) Không tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

l) Sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng mà không thuộc trường hợp được sửa lỗi kỹ thuật theo quy định;

m) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp người ký kết hợp đồng, giao dịch không có hoặc vượt quá thẩm quyền đại diện;

n) Công chứng trong trường hợp biết rõ người làm chứng không đủ điều kiện theo quy định;

o) Công chứng viên không tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định trong trường hợp có yêu cầu xác minh, giám định của người yêu cầu công chứng;

p) Công chứng viên không đối chiếu chữ ký của người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác với chữ ký mẫu đã được đăng ký tại tổ chức hành nghề công chứng trước khi thực hiện việc công chứng; công chứng hợp đồng khi người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác chưa đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng mà đã ký trước vào hợp đồng;

q) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng riêng, quyền sở hữu riêng đối với tài sản khi tham gia hợp đồng, giao dịch.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản;

b) Công chứng hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ, chồng; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi;

c) Cho người khác sử dụng thẻ công chứng viên để hành nghề công chứng;

d) Công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng mà không có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó;

đ) Công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng mà không được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng hợp đồng, giao dịch đó hoặc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

e) Công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng, quyền sở hữu đối với tài sản khi tham gia hợp đồng, giao dịch, trừ trường hợp hành vi đã quy định xử phạt tại điểm q khoản 3 Điều này;

g) Công chứng hợp đồng, giao dịch có mục đích hoặc nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác;

h) Tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên hoặc thẻ công chứng viên;

i) Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện việc công chứng gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức có liên quan;

k) Ép buộc người khác sử dụng dịch vụ của mình; cấu kết, thông đồng với người yêu cầu công chứng và những người có liên quan làm sai lệch nội dung của văn bản công chứng, hồ sơ công chứng;

l) Gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong việc hành nghề công chứng;

m) Sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;

n) Công chứng mà không có người làm chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được hoặc không nghe được hoặc không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định;

o) Trả tiền hoa hồng, chiết khấu cho người yêu cầu công chứng hoặc cho người môi giới;

p) Công chứng hợp đồng, giao dịch khi không có bản chính giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng mà pháp luật quy định phải có;

q) Công chứng đối với tài sản khi tài sản đó đã bị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn;

r) Đồng thời hành nghề tại 02 tổ chức hành nghề công chứng trở lên hoặc kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác, trừ hành vi quy định tại điểm i khoản 3 Điều này;

s) Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức mình.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng thẻ công chứng viên của người khác để hành nghề công chứng;

b) Hành nghề trong thời gian bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên.

6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Hành nghề công chứng khi không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;

b) Giả mạo chữ ký của công chứng viên;

c) Công chứng hợp đồng, giao dịch mà không có đầy đủ chữ ký của tất cả các chủ thể của hợp đồng, giao dịch;

d) Góp vốn, nhận góp vốn thành lập, duy trì tổ chức và hoạt động văn phòng công chứng không đúng quy định.

7. Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 09 tháng đến 12 tháng đối với một trong các hành vi sau:

a) Công chứng hợp đồng, giao dịch khi chưa xác định đầy đủ các chủ thể của hợp đồng, giao dịch;

b) Công chứng hợp đồng, giao dịch khi chưa có chữ ký của chủ thể hợp đồng, giao dịch;

c) Chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng văn phòng công chứng khi văn phòng công chứng hoạt động chưa đủ 02 năm.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, đ, i, m và q khoản 3, điểm d khoản 4 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, g, i, k, l, m, n, o, p, q và r khoản 4, các điểm c và d khoản 6 Điều này;

c) Tịch thu tang vật là quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên hoặc thẻ công chứng viên bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 4 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm m khoản 2 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại điểm m khoản 2 và điểm h khoản 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 3, điểm i khoản 4, khoản 5, điểm a khoản 6 và khoản 7 Điều này;

c) Buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm quy định tại các điểm m và q khoản 3, các điểm a, b, d, đ, e, g, p và q khoản 4, khoản 5, các điểm b và c khoản 6 Điều này.

Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

  • Số hiệu: 82/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/07/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 727 đến số 728
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH