Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 629/UBND-ĐN
V/v: Hướng dẫn trình tự, thủ tục tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo.

Huế, ngày 02 tháng 02 năm 2008

 

Kính gửi:

- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Huế.

Thực hiện các quy định của nhà nước trong lĩnh vực quản lý việc khám bệnh nhân đạo không vì mục đích lợi nhuận trên địa bàn tỉnh đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; để cụ thể hóa và áp dụng các văn bản pháp luật một cách có hiệu quả, UBND tỉnh hướng dẫn thủ tục, trình tự cho phép các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổ chức khám bệnh nhân đạo không vì mục đích lợi nhuận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:

I. Các căn cứ pháp lý để cho phép tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) khám bệnh nhân đạo tại tỉnh Thừa Thiên Huế:

1. Quyết định 340/TTg ngày 24 tháng 5 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;

2. Quyết định 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ;

3. Nghị định 21/2001/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

4. Nghị định 34/2000/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam.

5. Thông tư 109/2007/TT-BTC ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với viện trợ phi chính phủ nước ngoài không thuộc nguồn thu Ngân sách nhà nước.

6. Nghị định số 103/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân.

7. Thông tư 07/2007/TT-BYT ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Y tế hướng dẫn hành nghề y, y học cổ truyền và trang thiết bị tư nhân.

1. Đối tượng:

a) Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài;

b) Các cơ quan, tổ chức trong nước phối hợp với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tổ chức khám bệnh nhân đạo không vì mục đích lợi nhuận.

2. Thẩm quyền xét duyệt :

Ủy ban Nhân dân tỉnh thống nhất quản lý và ban hành công văn chấp thuận đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức trong nước phối hợp với các tổ chức, cá nhân nước ngoài xin phép được khám chữa bệnh nhân đạo không vì mục đích lợi nhuận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

3. Cơ quan tham mưu:

a) Sở Ngoại vụ: là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ xin phép tổ chức khám chữa bệnh của các tổ chức NGO nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

b) Sở Y tế: là cơ quan tham mưu thẩm định về chuyên môn.

II. Hồ sơ đề nghị tổ chức khám bệnh:

1) Sở Ngoại vụ:

Sở Ngoại vụ tiếp nhận hồ sơ đề nghị của tổ chức NGO nước ngoài.

Hồ sơ đề nghị tổ chức khám bệnh gồm có:

a) Đơn, công văn hoặc tờ trình đề nghị của tổ chức các tổ chức NGO xin khám chữa bệnh không vì mục đích lợi nhuận tại tỉnh Thừa Thiên Huế:

Đơn, công văn hoặc tờ trình đề nghị phải nêu rõ Kế hoạch hoạt động của tổ chức trong thời khám chữa bệnh (địa điểm, thời gian và thành phần dự kiến).

b) Giấy phép hoạt động tại Việt Nam do Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ cấp (theo Quyết định 340/TTg ngày 25 tháng 5 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ); nếu chưa có phải nêu rõ lý do.

c) Bản kê khai danh sách nhân sự của Đoàn (họ, tên, tuổi, nghề nghiệp, trình độ chuyên môn);

d) Bản sao hợp pháp hộ chiếu, văn bằng, chứng nhận trình độ chuyên môn liên quan của nước sở tại cấp;

e) Chứng chỉ hành nghề hợp pháp hoặc giấy xác nhận hợp pháp đã hành nghề trên 3 năm của nước sở tại;

f) Giấy khám sức khỏe của từng cá nhân;

h) Danh mục thuốc cấp phát miễn phí, ghi rõ hạn sử dụng và công dụng của từng loại thuốc;

g) Danh mục trang thiết bị, dụng cụ y tế, hộp thuốc chống choáng.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các tổ chức NGO nước ngoài,

+ Sở Ngoại vụ có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các ngành chức năng:

a) Thẩm định nội dung Đơn, công văn hoặc tờ trình đề nghị của tổ chức các tổ chức NGO nước ngoài xin khám chữa bệnh tại tỉnh Thừa Thiên Huế.;

Đối với việc khám bệnh tại khu vực biên giới, thực hiện quy định tại Nghị định 21/2001/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ và Nghị định 34/2000/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam; 

b) Giấy phép hoạt động tại Việt Nam do Ủy ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ cấp;

c) Bảng kê danh sách nhân sự của Đoàn.

Trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hoàn chỉnh, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm thẩm định và có công văn thẩm định, chuyển hồ sơ đến Sở Y tế thẩm định về chuyên môn nghiệp vụ.

2. Sở Y tế có trách nhiệm thẩm định:

d) Bản sao hợp pháp hộ chiếu, văn bằng, chứng nhận trình độ chuyên môn liên quan của nước sở tại cấp;

e) Chứng chỉ hành nghệ hợp pháp hoặc giấy xác nhận hợp pháp đã hành nghề trên 3 năm của nước sở tại;

f) Giấy khám sức khỏe của từng cá nhân;

h) Danh mục thuốc cấp phát miễn phí;

g) Danh mục trang thiết bị, dụng cụ y tế, hộp thuốc chống choáng.

Trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Y tế có trách nhiệm thẩm định chuyên môn và có ý kiến bằng văn bản về Sở Ngoại vụ.

Trong thời gian 3 ngày kể từ ngày nhận ý kiến bằng văn bản thẩm định của Sở Y tế, Sở Ngoại vụ lập Tờ trình thẩm định báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.

Qui trình thẩm định

Các bước công việc

Nội dung công việc

Thời gian thực hiện

Cơ quan thực hiện

Bước 1

- Tiếp nhận hồ sơ

- Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ;

4 ngày

Sở Ngoại vụ

Bước 2

- Chuyển hồ sơ thẩm định về chuyên môn đến Sở Y tế

5 ngày

Sở Y tế

Bước 3

- Lập Tờ trình gửi UBND tỉnh.

- Dự thảo nội dung Công văn

3 ngày

Sở Ngoại vụ

Bước 4

- Thẩm tra, trình UBND tỉnh xem xét;

2 ngày

Văn phòng UBND tỉnh

UBND tỉnh

Bước 5

- Ban hành Công văn

- Trả hồ sơ

1 ngày

Văn phòng UBND tỉnh

 

Tổng cộng

15 ngày

 

Trong các trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu UBND tỉnh sẽ trực tiếp chỉ đạo trên cơ sở đề xuất của của các cơ quan chức năng và ý kiến thẩm định của các Sở chuyên ngành.

III. Một số lưu ý trong quá trình hoạt động khám bệnh:

1. Quản lý, hướng dẫn và theo dõi:

- Các Sở Ngoại vụ, Y tế, UBND các huyện, thành phố Huế và các ngành chức năng phải thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định hiện hành. 

- Tất cả các khoản quà tặng, hỗ trợ trang thiết bị phải được thực hiện theo Quyết định 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 109/2007/TT-BTC ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Bộ Tài chính.

2. Chế độ báo cáo:

Chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày kết thúc đợt khám chữa bệnh nhân đạo phải báo cáo kết quả hoạt động gửi Sở Y tế, Sở Ngoại vụ theo quy định tại mục III.2 Thông tư 07/2007/TT-BYT của Bộ Y tế.

Đối với trường hợp vi phạm các quy định hiện hành, các cơ quan trên có báo cáo về UBND tỉnh.

Hàng năm, các cơ quan trên phải có báo cáo đánh giá về việc khám bệnh của các tổ chức NGO về UBND tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố Huế có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để chỉ đạo thực hiện theo đúng hướng dẫn tại văn bản này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Sở, ban ngành, UBND các huyện kịp thời phản ánh đến UBND tỉnh, Sở Y tế và Sở Ngoại vụ xem xét và giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT HĐND;
- CT & các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ và các CV: TH, YT, ĐN;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 629/UBND-ĐN về hướng dẫn trình tự, thủ tục tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 629/UBND-ĐN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 02/02/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/02/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản