Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 2 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH năm 2023 hợp nhất Luật Hàng không dân dụng Việt Nam do Văn phòng Quốc hội ban hành

Mục 4. QUYỀN ĐỐI VỚI TÀU BAY

Điều 28. Các quyền đối với tàu bay

1.[18] Các quyền đối với tàu bay bao gồm:

a) Quyền sở hữu tàu bay;

b) Quyền chiếm hữu tàu bay bằng việc thuê mua, thuê có thời hạn từ sáu tháng trở lên;

c) Thế chấp, cầm cố tàu bay;

d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Các quyền đối với tàu bay quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm quyền đối với thân, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay, trang bị, thiết bị vô tuyến điện của tàu bay và các trang bị, thiết bị khác được sử dụng trên tàu bay đó không phụ thuộc vào việc đã lắp đặt trên tàu bay hoặc tạm thời tháo khỏi tàu bay.

Điều 29. Đăng ký các quyền đối với tàu bay

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có các quyền đối với tàu bay quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này phải đăng ký các quyền đó theo quy định của Chính phủ.

2. Người đề nghị đăng ký các quyền đối với tàu bay phải nộp lệ phí.

3. Các vấn đề liên quan đến các quyền đã đăng ký của cùng một tàu bay phải được ghi trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.

Việc đăng ký các quyền đối với tàu bay quy định tại khoản 1 Điều này có hiệu lực từ thời điểm được cơ quan đăng ký ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.

4. Việc chuyển đăng ký các quyền đối với tàu bay từ Việt Nam ra nước ngoài phải được sự đồng ý của những người có các quyền đó, trừ trường hợp tàu bay bị bán để thi hành bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 30. Chuyển quyền sở hữu tàu bay

1. Việc chuyển quyền sở hữu tàu bay phải được lập thành văn bản và có hiệu lực từ thời điểm được ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.

2. Việc chuyển quyền sở hữu tàu bay không làm mất quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay, trừ trường hợp tàu bay bị bán để thi hành bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 31. Doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý, khai thác tàu bay

Doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý, khai thác tàu bay thuộc sở hữu nhà nước có quyền, nghĩa vụ như chủ sở hữu tàu bay theo quy định của Luật này và pháp luật về doanh nghiệp.

Điều 32. Thế chấp tàu bay

1. Người thế chấp tàu bay giữ bản chính Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay của tàu bay thế chấp.

2. Thế chấp tàu bay thuộc sở hữu chung phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các đồng chủ sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Trong trường hợp một tàu bay là tài sản thế chấp cho nhiều chủ nợ thì thứ tự thế chấp được xác định theo thời gian đăng ký thế chấp.

4. Sau khi các khoản nợ ưu tiên đã được thanh toán, những chủ nợ đã được đăng ký thế chấp được trả nợ theo thứ tự đăng ký.

5. Tàu bay đang thế chấp không được chuyển quyền sở hữu, trừ trường hợp có sự đồng ý của người nhận thế chấp.

6. Đăng ký thế chấp tàu bay bị xóa trong các trường hợp sau đây:

a) Nghĩa vụ được bảo đảm đã chấm dứt;

b) Hợp đồng thế chấp tàu bay bị hủy bỏ;

c) Tàu bay là tài sản thế chấp đã được xử lý;

d) Có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc hủy bỏ thế chấp tàu bay hoặc tuyên bố hợp đồng thế chấp tàu bay vô hiệu;

đ) Theo đề nghị của người nhận thế chấp tàu bay.

7. Trong trường hợp tàu bay thế chấp bị mất tích hoặc hư hỏng đã được bảo hiểm thì người nhận thế chấp đã đăng ký thế chấp được hưởng số tiền bảo hiểm đó.

Điều 33. Thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay được hưởng quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay và các chi phí có liên quan.

2. Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày kết thúc việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay, tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tại khoản 1 Điều này theo quy định của Chính phủ; người yêu cầu đăng ký quyền ưu tiên thanh toán từ việc cứu hộ, gìn giữ tàu bay phải nộp lệ phí.

3. Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay bị chấm dứt, trừ các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay đã đăng ký quyền ưu tiên thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay;

b) Tổ chức, cá nhân thực hiện việc cứu hộ, giữ gìn tàu bay và tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thanh toán đã thỏa thuận với nhau về số tiền phải thanh toán;

c) Tổ chức, cá nhân cứu hộ, giữ gìn tàu bay đã khởi kiện về thanh toán tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay.

Điều 34. Các khoản nợ ưu tiên

1. Các khoản nợ ưu tiên được thanh toán theo thứ tự sau đây:

a) Án phí và các chi phí cho việc thi hành án;

b) Tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay và các chi phí có liên quan.

2. Các khoản nợ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được thanh toán theo thứ tự khoản nợ nào phát sinh sau thì được thanh toán trước.

Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH năm 2023 hợp nhất Luật Hàng không dân dụng Việt Nam do Văn phòng Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 03/VBHN-VPQH
  • Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
  • Ngày ban hành: 02/08/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Bùi Văn Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH