Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TUYÊN BỐ VỀ QUYỀN CỦA NHỮNG NGƯỜI THUỘC CÁC NHÓM THIỂU SỐ VỀ DÂN TỘC, CHỦNG TỘC, TÔN GIÁO VÀ NGÔN NGỮ, 1992
(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc công bố theo Nghị quyết 47/135 ngày 18/12/1992).
Đại Hội đồng,
Khẳng định lại rằng, một trong những mục tiêu cơ bản của Liên Hợp Quốc, như đã được nêu rõ trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, là thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền con người và tự do cơ bản của tất cả mọi người, không phân biệt về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo,
Khẳng định lại niềm tin vào các quyền con người cơ bản và phẩm giá của con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa các dân tộc lớn và nhỏ,
Mong muốn thúc đẩy việc thực hiện những nguyên tắc được nêu trong Hiến chương, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Tuyên bố về xóa bỏ tất cả các hình thức không khoan dung và phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo hay tín ngưỡng, và Công ước về quyền trẻ em, cũng như các văn kiện quốc tế có liên quan khác được thông qua ở cấp độ toàn cầu hay khu vực và những văn kiện được ký kết giữa các Quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc.
Được khích lệ bởi những quy định tại Điều 27 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị liên quan đến các quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ.
Xem xét rằng, việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ góp phần vào sự ổn định chính trị và xã hội ở các quốc gia mà họ sống,
Nhấn mạnh rằng, sự thúc đẩy và thực hiện thường xuyên quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, như là một phần gắn liền trong sự phát triển của xã hội nói chung và trong khuôn khổ dân chủ, dựa trên pháp quyền, sẽ góp phần vào việc tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc và các quốc gia,
Xét rằng, Liên Hợp Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người thiểu số,
Ghi nhớ rằng, công việc đã được thực hiện cho đến nay trong hệ thống Liên Hợp Quốc, đặc biệt của Ủy ban nhân quyền, Tiểu ban về ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số và các cơ quan được thành lập theo các công ước quốc tế về quyền con người và các văn kiện nhân quyền quốc tế có liên quan khác trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ,
Ghi nhận công việc quan trọng được các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ thực hiện trong việc bảo vệ người thiểu số và thúc đẩy và bảo vệ quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ,
Thừa nhận sự cần thiết phải đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả hơn các văn kiện nhân quyền quốc tế liên quan đến quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ,
Công bố Tuyên bố này về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ:
Điều 1.
1. Các quốc gia sẽ bảo vệ sự tồn tại và bản sắc dân tộc hay sắc tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của người thiểu số trong phạm vi lãnh thổ thuộc sự quản lý của họ, và khuyến khích những điều kiện để thúc đẩy bản sắc đó.
2. Các quốc gia sẽ thông qua những biện pháp lập pháp và những biện pháp thích hợp khác để đạt được những mục tiêu này.
Điều 2.
1. Những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ (dưới đây gọi là những người thuộc các nhóm thiểu số) có quyền hưởng nền văn hóa, được thừa nhận và thực hành tôn giáo, được sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng họ, dưới hình thức riêng rẽ hoặc trong tập thể, một cách tự do và không bị can thiệp hay bị bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào.
2. Những người thuộc các nhóm thiểu số có quyền tham gia một cách tích cực vào đời sống văn hóa tôn giáo, xã hội, kinh tế và đời sống cộng đồng.
3. Những người thuộc các nhóm thiểu số có quyền tham gia một cách có hiệu quả vào những quyết định ở cấp quốc gia và, trong những trường hợp thích hợp là ở cấp khu vực khi liên quan đến nhóm thiểu số mà họ là thành viên hoặc liên quan đến những vùng mà họ sống ở đó, theo một phương thức không trái với pháp luật quốc gia.
4. Những người thuộc các nhóm thiểu số có quyền thành lập và duy trì các hội riêng của họ.
5. Những người thuộc các nhóm thiểu số có quyền thành lập và duy trì mà không có bất kỳ sự phân biệt nào, các cuộc tiếp xúc tự do và hòa bình với các thành viên khác của nhóm và với những người thuộc các nhóm thiểu số khác cũng như các cuộc tiếp xúc qua biên giới với các công dân của các quốc gia khác mà họ có quan hệ về dân tộc hay sắc tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ.
Điều 3.
1. Những người thuộc các nhóm thiểu số có thể thực hiện các quyền của họ, kể cả những quyền được nêu trong Tuyên bố này, một mình cũng như trong tập thể cùng với các thành viên khác mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
2. Không người nào thuộc một nhóm thiểu số sẽ phải chịu bất cứ hậu quả của việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền được nêu trong Tuyên bố này.
Điều 4.
1. Các quốc gia sẽ thực hiện các biện pháp trong trường hợp cần thiết để đảm bảo rằng những người thuộc các nhóm thiểu số sẽ được thực hiện đầy đủ và có hiệu quả tất cả các quyền con người và các tự do cơ bản của họ mà không có bất kỳ sự phân biệt đối nào một cách hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật.
2. Các quốc gia sẽ thực hiện các biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho những người thuộc các nhóm thiểu số được thể hiện những đặc điểm riêng có của họ, và được phát triển văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, truyền thống và tập quán của họ, trừ khi những thực hành cụ thể vi phạm pháp luật quốc gia và trái với các chuẩn mực quốc tế.
3. Các quốc gia cần thực hiện các biện pháp thích hợp để, bất cứ khi nào có thể, những người thuộc các nhóm thiểu số có thể có đầy đủ những cơ hội được học hỏi tiếng mẹ đẻ của họ hoặc được giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ của họ.
4. Các quốc gia, trong trường hợp thích hợp, cần thực hiện các biện pháp trong lĩnh vực giáo dục để giúp phát triển kiến thức về lịch sử, truyền thống, ngôn ngữ và văn hóa của các nhóm thiểu số đang sống trong phạm vi lãnh thổ của họ. Những người thuộc các nhóm thiểu số cần có đầy đủ những cơ hội để có được kiến thức về xã hội nói chung.
5. Các quốc gia cần xem xét những biện pháp thích hợp để những người thuộc các nhóm thiểu số có thể tham gia đầy đủ vào sự phát triển và tiến bộ kinh tế ở nước họ.
Điều 5.
1. Cần xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình quốc gia vì những lợi ích chính đáng của những người thuộc các nhóm thiểu số.
2. Cần xây dựng và thực hiện các chương trình hợp tác và hỗ trợ giữa các quốc gia vì những lợi ích chính đáng của những người thuộc các nhóm thiểu số.
Điều 6.
Các quốc gia cần hợp tác về những vấn đề liên quan đến những người thuộc các nhóm thiểu số, bao gồm cả việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm nhằm thúc đẩy lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau.
Điều 7.
Các quốc gia cần hợp tác nhằm thúc đẩy sự tôn trọng các quyền được nêu trong Tuyên bố này.
Điều 8.
1. Không có quy định nào trong Tuyên bố này ngăn cản việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quốc tế của các quốc gia liên quan đến những người thuộc các nhóm thiểu số. Đặc biệt, các quốc gia cần thiện chí thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết mà họ đã thừa nhận theo các điều ước và thỏa thuận quốc tế mà họ là thành viên.
2. Việc thực hiện các quyền được nêu trong Tuyên bố này sẽ không ảnh hưởng gì đến việc hưởng thụ các quyền con người và tự do cơ bản đã được công nhận trên phạm vi toàn cầu của tất cả mọi người.
3. Những biện pháp do các quốc gia thực hiện nhằm đảm bảo việc thụ hưởng có hiệu quả các quyền được nêu trong Tuyên bố này sẽ không phải là căn cứ để bị coi là trái với nguyên tắc bình đẳng được nêu trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người.
4. Không có quy định nào trong Tuyên bố này có thể được hiểu là cho phép bất kỳ hoạt động nào trái với những mục đích và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, bao gồm sự bình đẳng về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập về chính trị của các quốc gia.
Điều 9.
Các cơ quan chuyên môn và các tổ chức khác trong hệ thống Liên Hợp Quốc cần góp phần vào việc thực hiện đầy đủ các quyền và nguyên tắc được quy định trong Tuyên bố này, trong phạm vi từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền của họ.
- 1Hội nghị thế giới chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan
- 2Tuyên bố về chủng tộc và thành kiến chủng tộc, 1978
- 3Nghị định thư không bắt buộc thứ hai của công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị về việc bãi bỏ hình phạt tử hình, 1989
- 1Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948)
- 2Hiến Chương Liên hợp quốc 1945
- 3Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em
- 4Công ước quốc tế các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, 1966
- 5Hội nghị thế giới chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan
- 6Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc
- 7Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị
- 8Tuyên bố về chủng tộc và thành kiến chủng tộc, 1978
- 9Tuyên bố xóa bỏ mọi hình thức không khoan dung và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn giáo hay tín ngưỡng, 1981
- 10Nghị định thư không bắt buộc thứ hai của công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị về việc bãi bỏ hình phạt tử hình, 1989
Tuyên bố về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, 1992
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 18/12/1992
- Nơi ban hành: Liên hợp quốc
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra