Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TUYÊN BỐ

VỀ CHỦNG TỘC VÀ THÀNH KIẾN CHỦNG TỘC, 1978

(Do Đại Hội đồng của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) thông qua ngày 27/11/1978).

LỜI NÓI ĐẦU

Đại Hội đồng của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc họp tại Paris, phiên họp thứ 20, từ 24/10 đến 28/11/1978.

Xét thấy trong Lời nói đầu của Điều lệ của UNESCO, thông qua ngày 16-11- 1945, đã ghi rõ cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp giờ đây đã chấm dứt là một cuộc chiến tranh được thực hiện do sự phủ nhận các nguyên tắc mang tính dân chủ về nhân phẩm, sự bình đẳng và sự tôn trọng lẫn nhau của con người, và do sự tuyên truyền, ở vị trí của chúng, thông qua sự không hiểu biết và thành kiến, học thuyết về sự bất bình đẳng của con người và các chủng tộc, và

Xét rằng, căn cứ vào Điều I của Điều lệ nêu trên, mục đích của UNESCO là đóng góp vào hòa bình và an ninh bằng việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia, thông qua giáo dục, khoa học và văn hóa nhằm xúc tiến sự tôn trọng toàn cầu về công lý, nguyên tắc pháp quyền và các quyền con người và tự do cơ bản như đã được khẳng định trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc đối với các dân tộc trên thế giới mà không có sự phân biệt về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo",

Công nhận rằng, hơn 3 thập kỷ sau khi thành lập UNESCO, những nguyên tắc này là phù hợp cũng như có tầm quan trọng đáng kể khi chúng được thể hiện trong Điều lệ của UNESCO.

Lưu ý đến quá trình trao trả độc lập và những biến động lịch sử khác đã dẫn đến hầu hết các dân tộc trước đây chịu sự thống trị của ngoại bang nay đã giành lại chủ quyền của mình và đã tạo cho cộng đồng quốc tế một chỉnh thể phổ biến và đa dạng, tạo ra những cơ hội mới cho việc xóa bỏ tai họa của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và cho việc chấm dứt những biểu hiện ghê sợ của nó ở tất cả các khía cạnh của đời sống chính trị và xã hội cả ở bình diện quốc gia và quốc tế,

Tin tưởng rằng, sự thống nhất mang tính bản chất của loài người và đưa đến kết quả là sự bình đẳng cơ bản của tất cả mọi người và tất cả các dân tộc đã được công nhận trong những thuật ngữ cao quý nhất của triết học, đạo đức và tôn giáo, phản ánh lý tưởng mà đạo đức và khoa học ngày nay đang cùng hướng tới.

Tin tưởng rằng, mọi dân tộc và mọi nhóm người, bất kể thành phần hay nguồn gốc dân tộc của họ, tùy khả năng của mình, đều đóng góp vào sự tiến bộ của những nền văn hóa và văn minh mà trong sự đa dạng của chúng, và như là kết quả của sự thâm nhập lẫn nhau của chúng, đã tạo nên di sản văn hóa chung của nhân loại,

Khẳng định sự trung thành đối với các nguyên tắc được tuyên bố trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và sự quyết tâm để thúc đẩy việc thực hiện các Công ước quốc tế về nhân quyền cũng như Tuyên bố về việc thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới,

Quyết tâm thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố của Liên Hợp Quốc và Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc,

Ghi nhận Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng, Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội A-pác-thai và Công ước về không áp dụng những hạn chế luật th.nh đối với các [HTC1] tội phạm chiến tranh và tội phạm chống nhân loại.

Đồng thời cũng nhắc lại các văn kiện quốc tế đã được UNESCO thông qua, bao gồm cụ thể là Công ước và Khuyến nghị về xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong giáo dục, Khuyến nghị liên quan đến địa vị của giáo viên, Tuyên bố về các nguyên tắc về hợp tác văn hóa quốc tế, Khuyến nghị liên quan đến giáo dục về sự hiểu biết, hợp tác và hòa bình quốc tế và giáo dục về các quyền con người và tự do cơ bản, các Khuyến nghị về địa vị của những nhà nghiên cứu khoa học và Khuyến nghị về sự tham gia rộng rãi của nhân dân và sự đóng góp của họ vào đời sống văn hóa,

Xác nhận bốn báo cáo đánh giá về vấn đề chủng tộc được các chuyên gia do UNESCO nhóm họp thông qua,

Khẳng định lại mong muốn đóng góp một phần to lớn và có tính xây dựng trong việc thực hiện Chương trình Thập kỷ Hành động chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt chủng tộc mà đã được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua tại kỳ họp thứ 28,

Ghi nhận sự quan tâm sâu sắc nhất rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự biệt chủng tộc, chủ nghĩa thuộc địa và chế độ A-pác-thai tiếp tục làm tổn hại đến thế giới ở mọi hình thức biến tướng hay thay đổi như là một kết quả của cả việc tiếp tục các quy định pháp luật, việc cai trị và những tập quán hành pháp trái với các nguyên tắc nhân quyền và cả sự tiếp tục tồn tại của các cấu trúc chính trị và xã hội và những mối quan hệ, thái độ được đặc định bởi sự bất công và coi thường con người đang dẫn đến sự loại trừ, làm nhục, sự bóc lột, hay dẫn đến sự đồng hóa cưỡng bức đối với các thành viên thuộc những nhóm bất lợi,

Bày tỏ sự phẫn nộ đối với những hành vi phạm tội xâm phạm nhân phẩm con người này, lên án những cản trở do chúng đặt ra trên con đường hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc và cảnh báo về sự đe dọa của chúng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ninh quốc tế,

Thông qua và long trọng công bố Tuyên bố về chủng tộc và thành kiến chủng tộc:

Điều 1.

1. Tất cả nhân loại thuộc một loài duy nhất và xuất phát từ một nguồn gốc chung. Tất cả mọi người sinh ra bình đẳng về nhân phẩm và các quyền và tất cả tạo thành một phần tất yếu của nhân loại.

2. Tất cả các nhóm và cá nhân có quyền có sự khác biệt, được tự đánh giá về sự khác biệt và được nhìn nhận như vậy. Tuy nhiên sự đa dạng của lối sống và quyền được có sự khác biệt, trong mọi hoàn cảnh, không thể được coi như là một lý do cho sự phân biệt chủng tộc; chúng không thể được sử dụng để chứng minh trong pháp luật hay trong thực tế cho mọi hành động có tính chất phân biệt, cũng được sử dụng như một điều kiện cho chính sách A-pác-thai với ý nghĩa là hình thức tột cùng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

3. Tính đồng nhất về nguồn gốc không được phép, dù bằng bất cứ cách nào, làm ảnh hưởng, tác động đến thực tế rằng con người có thể tồn tại những khác biệt và không thực sự loại trừ sự tồn tại của những khác biệt dựa trên sự đa dạng văn hóa, môi trường và lịch sử, cũng không đối lập với quyền được duy trì tính đồng nhất về văn hóa.

4. Mọi dân tộc trên thế giới có các khả năng bình đẳng để đạt được mức phát triển cao nhất về chính trị, văn hóa kinh tế, xã hội, kỹ thuật và tri thức.

5. Những khác biệt giữa những thành tựu của các dân tộc khác nhau hoàn toàn có thể quy cho các yếu tố địa lý, lịch sử, chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa. Những sự khác biệt đó, trong bất cứ trường hợp nào, đều không thể được dùng như là lý do cho bất cứ sự phân loại nào có tính trật tự đẳng cấp giữa các quốc gia hay dân tộc.

Điều 2.

1 . Bất kỳ học thuyết nào liên quan đến nhận định rằng các nhóm dân tộc hay chủng tộc mang tính cơ hữu cao hơn hay thấp hơn, bởi vậy ngầm định rằng một số dân tộc hay chủng tộc sẽ có quyền thống trị hay loại bỏ nhóm khác, được cho là thấp hơn, hoặc liên quan đến những đánh giá về giá trị dựa trên sự khác biệt về chủng tộc là không có cơ sở khoa học và trái với các nguyên tắc về đạo đức và dân tộc của nhân loại.

2. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bao gồm những tư tưởng phân biệt chủng tộc, thái độ định kiến, ứng xử có tính phân biệt, những sắp xếp cơ cấu xã hội và những hành động được thể chế hóa tạo ra sự bất bình đẳng về chủng tộc, cũng như quan niệm sai lầm rằng những mối quan hệ mang tính phân biệt giữa các nhóm là có thể biện minh được về mặt đạo đức và khoa học; được phản ánh trong các quy định pháp lý mang tính phân biệt cũng như trong các tín ngưỡng và hoạt động xã hội, nó cản trở sự phát triển của các nạn nhân, làm lệch lạc những người thực hành nó, chia rẽ bên trong các quốc gia, cản trở sự hợp tác quốc tế và làm tăng những căng thẳng về mặt chính trị giữa các dân tộc điều đó là trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, và kết quả là gây rối nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh quốc tế.

3. Thành kiến về chủng tộc về mặt lịch sử, gắn với những sự bất bình đẳng về quyền lực, được củng cố bằng những khác biệt về kinh tế và xã hội giữa các nhóm và cá nhân, và ngày nay vẫn đang tìm cách để biện minh cho những sự bất bình đẳng đó là hoàn toàn đúng mà không cần sự minh chứng.

Điều 3.

Bất cứ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hay ưu đãi nào dựa trên cơ sở chủng tộc, sắc tộc, dân tộc hay nguồn gốc dân tộc hoặc sự không khoan dung tôn giáo được thúc đẩy bởi những sự đánh giá mang tính phân biệt chủng tộc mà phá hủy sự bình đẳng về chủ quyền của các nước và quyền tự quyết của các dân tộc, hoặc giới hạn theo một phương thức trái pháp luật hay mang tính phân biệt đối xử các quyền của các cá nhân và nhóm nào đó được phát triển đầy đủ là không phù hợp với những đòi hỏi của một trật tự quốc tế công bằng và bảo đảm tôn trọng các quyền con người quyền hưởng sự phát triển đầy đủ đưa đến sự tham gia bình đẳng vào những phương diện của sự tiến bộ và hoàn thiện của cá nhân và tập thể và thực hiện trong một bầu không khí tôn trọng các giá trị của các nền văn hóa và văn minh, cả ở phạm vi quốc gia và quốc tế.

Điều 4.

1. Bất cứ sự hạn chế nào đối với sự tự hoàn thiện của con người và sự trao đổi tự do giữa họ mà dựa trên những cân nhắc về dân tộc hay chủng tộc là trái với nguyên tắc bình đẳng về nhân phẩm và các quyền; điều đó không thể được thừa nhận.

2. Một trong những vi phạm nghiêm trọng nhất nguyên tắc này là sự tồn tại của chế độ A-pác-thai, giống tội như diệt chủng, đây là một tội phạm chống nhân loại, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh quốc tế.

3. Các chính sách và thực tế chia rẽ và phân biệt chủng tộc khác tạo thành những tội phạm chống lại lương tâm và nhân phẩm của nhân loại và có thể dẫn đến những căng thẳng chính trị và đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh quốc tế.

Điều 5.

1. Văn hóa, với tư cách là một sản phẩm của tất cả mọi người và là một di sản chung của nhân loại, và giáo dục, theo nghĩa rộng nhất, dành cho phụ nữ và nam giới những phương tiện thích ứng ngày càng hiệu quả hơn, cho phép họ không chỉ khẳng định rằng họ sinh ra là bình đẳng về giá trị, nhân phẩm và các quyền, mà còn công nhận rằng họ cần tôn trọng quyền của tất cả các nhóm được có bản sắc văn hóa riêng của họ và sự phát triển của đời sống văn hóa đặc thù của họ trong phạm vi quốc gia và quốc tế, điều đó được hiểu là tùy thuộc vào từng nhóm được quyết định, một cách hoàn toàn tự do, việc duy trì và nếu thấy phù hợp, tiếp nhận hay làm giàu những giá trị mà các thành viên của nhóm đó coi là thiết yếu cho bản sắc riêng có của nhóm.

2. Các quốc gia, phù hợp với các nguyên tắc và trình tự tố tụng hiến định của mình, cũng như tất cả các cơ quan có thẩm quyền khác và toàn bộ giới giáo viên, có trách nhiệm nhận thức các nguồn giáo dục của tất cả các nước được sử dụng để chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, cụ thể hơn là bảo đảm rằng các môn học và sách giáo khoa phải chứa đựng những đánh giá về khoa học và đạo đức liên quan đến sự thống nhất và đa dạng của con người, và rằng, không có những sự phân biệt ác ý mang tính xúc phạm được thực hiện đối với bất kỳ dân tộc nào; bằng việc đào tạo giảng viên để đạt được những mục đích này; việc tạo ra các nguồn của hệ thống giáo dục hữu hiệu cho mọi nhóm cư dân mà không có sự phân biệt hay hạn chế về chủng tộc; và bằng việc tiến hành các bước đi thích hợp để khắc phục những trở ngại mà từ đó các nhóm dân tộc hay chủng tộc nào đó phải gánh chịu trở ngại do mặt bằng giáo dục và mức sống của họ, và đặc biệt, để ngăn ngừa những trở ngại như vậy không tiếp tục ảnh hưởng đến trẻ em.

3. Các phương tiện thông tin và những người kiểm soát hay phục vụ việc thông tin cũng như tất cả các nhóm có tổ chức trong các cộng đồng quốc gia được khuyến khích thừa nhận thích đáng các nguyên tắc được ghi nhận trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, đặc biệt là nguyên tắc tự do biểu đạt ý kiến để thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung và tình hữu nghị giữa những nhóm và các cá nhân và đóng góp vào việc loại bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc và thành kiến chủng tộc cụ thể là bằng việc kiềm chế đưa ra một bức tranh rập khuôn, thiên vị, đơn phương hay không vô tư về những cá nhân hay những nhóm người khác nhau. Trao đổi thông tin giữa các nhóm dân tộc hay chủng tộc phải là một quá trình qua lại, cho phép họ tự biểu đạt và được thông tin đầy đủ mà không bị cản trở. Các phương tiện thông tin đại chúng bởi vậy cần phải tự do tiếp nhận các quan điểm của các nhóm và cá nhân mà tạo thuận lợi cho sự trao đổi thông tin như vậy.

Điều 6.

1. Nhà nước có trách nhiệm cơ bản đối với việc đảm bảo các quyền và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng trọn vẹn về nhân phẩm và các quyền cho mọi nhóm và cá nhân.

2. Trong chừng mực thẩm quyền của mình và phù hợp với các nguyên tắc và trình tự hiến định, các nhà nước cần tiến hành các biện pháp thích hợp, ngoài những biện pháp khác, bằng pháp luật, cụ thể là trong những vấn đề giáo dục, văn hóa và thông tin, để ngăn ngừa, cấm và xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự tuyên truyền phân biệt chủng tộc, chia rẽ sắc tộc, chủ nghĩa A-pác-thai và khuyến khích việc phổ biến nhận thức và các kết quả nghiên cứu phù hợp trong khoa học tự nhiên và xã hội về các nguyên nhân và việc ngăn ngừa thành kiến và những thái độ phân biệt chủng tộc với sự nhìn nhận thích đáng đối với các nguyên tắc được ghi nhận trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

3. Khi các đạo luật cấm sự phân biệt chủng tộc tự bản thân chúng là không đầy đủ, thì đó còn là bổn phận của nhà nước bổ sung cho các đạo luật bằng bộ máy hành pháp để điều tra có hệ thống các trường hợp phân biệt chủng tộc, bằng một khuôn khổ bao quát các biện pháp pháp lý chống lại các hành vi phân biệt chủng tộc, bằng các chương trình nghiên cứu và giáo dục dựa trên cơ sở rộng rãi nhằm đấu tranh với sự thành kiến và phân biệt chủng tộc, và bằng các chương trình về các biện pháp chính trị, xã hội, giáo dục và văn hóa mang tính tích cực có thể tính được, nhằm thúc đẩy sự tôn trọng đích thực lẫn nhau trong các nhóm. Trong những điều kiện cho phép, các chương trình cụ thể cần được tiến hành để thúc đẩy sự tiến bộ của những nhóm bất lợi và đảm bảo sự tham gia hiệu quả của mọi người dân trong các quá trình ban hành quyết định của cộng đồng.

Điều 7.

Bổ sung cho các biện pháp chính trị, kinh tế và xã hội, thì pháp luật là một trong những biện pháp cơ bản nhằm bảo đảm sự bình đẳng về nhân phẩm và các quyền giữa các cá nhân và kiềm chế bất cứ sự tuyên truyền, hình thức tổ chức hay thông lệ nào hoặc dựa trên các lý thuyết hay quan điểm đề cập đến tính ưu việt được cho là của các nhóm dân tộc hay chủng tộc, hoặc theo đuổi để biện minh hay khuyến khích sự phân biệt và hận thù chủng tộc ở bất cứ hình thức nào. Các nhà nước cần thông qua hệ thống pháp luật như vậy như là sự phù hợp với mục đích này và quan niệm rằng pháp luật có hiệu lực và được áp dụng bởi tất cả các cơ quan với sự coi trọng thích đáng các nguyên tắc được ghi nhận trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người. Pháp luật như vậy cần tạo thành trụ cột của khuôn khổ chính trị, kinh tế và xã hội cho phép việc thực hiện nó. Các cá nhân và các chủ thể pháp luật khác, cả công hay tư, phải tuân theo pháp luật đó và sử dụng tất cả các phương tiện tương ứng để giúp nhân dân nói chung hiểu và áp dụng pháp luật.

Điều 8.

1. Các cá nhân đang có quyền trong một trật tự kinh tế xã hội, văn hóa và luật pháp trên bình diện quốc gia và quốc tế mà từ đó cho phép họ thực hiện tất cả các khả năng của mình trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng về các quyền và cơ hội, phải có các nghĩa vụ tương ứng đối với đồng loại của mình, đối với xã hội mà họ sống và đối với cộng đồng quốc tế. Tương ứng với điều đó, họ phải có nghĩa vụ thúc đẩy sự hòa hợp trong các dân tộc, đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, kỳ thị chủng tộc và trợ giúp bằng mọi công cụ hữu hiệu trong việc xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức.

2. Trong vấn đề thành kiến chủng tộc và thái độ ứng xử cũng như những hành động mang tính phân biệt chủng tộc và các quan điểm chủng tộc, thực tế phân biệt chủng tộc, các chuyên gia trong các khoa học tự nhiên, xã hội và văn hóa cũng như các tổ chức và hiệp hội khoa học, được thúc giục tiến hành nghiên cứu khách quan về một cơ sở liên ngành rộng rãi; tất cả các nước cần khuyến khích họ vì mục đích này.

3. Đặc biệt là trách nhiệm của các chuyên gia đó cần thấy có bổn phận, bằng tất cả các phương tiện hiện hữu đối với họ, đảm bảo rằng các kết quả nghiên cứu của họ không bị giải thích sai và rằng họ còn giúp đỡ công chúng trong việc nhận thức các kết quả đó.

Điều 9.

1. Nguyên tắc bình đẳng về giá trị nhân phẩm và các quyền của mọi người và mọi dân tộc, bất kể chủng tộc, sắc tộc và nguồn gốc, là một nguyên tắc được chấp thuận và công nhận phổ biến của luật quốc tế. Kết quả là bất cứ hình thức phân biệt chủng tộc nào do một nhà nước thực hiện tạo thành một sự vi phạm pháp luật quốc tế đang dẫn đến trách nhiệm quốc tế của nhà nước đó.

2. Các biện pháp cụ thể phải được thực hiện để đảm bảo sự bình đẳng về giá trị và các quyền cho các nhóm và cá nhân khi cần thiết, đồng thời bảo đảm rằng chúng không phải là những biện pháp mang tính phân biệt về chủng tộc. Về khía cạnh này, phải dành sự quan tâm cụ thể cho các nhóm dân tộc hay chủng tộc mà về mặt kinh tế hay xã hội là các nhóm bất lợi; để dành cho họ, dựa trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng mà không có sự phân biệt hay hạn chế, sự bảo vệ của các đạo luật hay các quy định và lợi ích của các biện pháp xã hội có hiệu lực, cụ thể là liên quan đến nhà ở, việc làm và y tế; tôn trọng tính xác thực của các giá trị và văn hóa của họ; và tạo thuận lợi cho sự tiến bộ về việc làm và xã hội của họ, đặc biệt là thông qua giáo dục.

3. Các nhóm dân cư có nguồn gốc nước ngoài, cụ thể là những người lao động nhập cư và gia đình họ đóng góp vào sự phát triển của nước sở tại, sẽ được lợi từ các biện pháp thích hợp được sử dụng để cung cấp cho họ sự an ninh, tôn trọng nhân phẩm và các giá trị văn hóa của họ và tạo thuận lợi cho việc thích ứng của họ đối với môi trường sở tại và thăng tiến nghề nghiệp, với quan điểm về sự tái hòa nhập tiếp sau của họ vào nước xuất xứ của mình và sự đóng góp của họ vào sự phát triển của đất nước, cần tiến hành các biện pháp để tạo khả năng cho con cái họ được học tập bằng tiếng mẹ đẻ.

4. Những sự mất cân đối hiện tại trong các mối quan hệ kinh tế quốc tế góp phần vào sự trầm trọng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và kỳ thị chủng tộc; tất cả các nước, vì vậy, cần cố gắng để đóng góp vào việc cấu trúc lại nền kinh tế quốc tế trên một cơ sở bình đẳng hơn.

Điều 10.

Các tổ chức quốc tế, dù toàn cầu hay khu vực, chính phủ hay phi chính phủ, được kêu gọi hợp tác và trợ giúp, trong phạm vi lĩnh vực thẩm quyền tương ứng của mình và các phương tiện cho phép, trong việc thực hiện toàn bộ và đầy đủ các nguyên tắc được quy định trong Tuyên bố này, nhờ vậy đóng góp vào cuộc đấu tranh cho quyền hợp pháp của tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng về nhân phẩm và các quyền, chống lại sự chuyên chế và đàn áp của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc, chủ nghĩa A-pác-thai và diệt chủng, để tất cả các dân tộc trên thế giới có thể mãi mãi được thoát khỏi những tai họa này.