Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ - BỘ THƯƠNG MẠI-BỘ VĂN HOÁ THÔNG TIN-UỶ BAN DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
********

Số: 10/2006/TTLT/BYT-BTM-BVHTT-UBDSGĐTE

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2006

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 21/2006/NĐ-CP NGÀY27/02/2006 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG CÁC SẢN PHẨM DINH DƯỠNG DÙNG CHO TRẺ NHỎ

Căn cứ Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006 của Chính phủ về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, Liên tịch: Bộ Y tế, Bộ Thương mại, Bộ Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em hướng dẫn thực hiện như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ phải tuân thủ các quy địnhtại Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 21/2006/NĐ-CP), các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại, quảng cáo, chất lượng hàng hoá, nhãn hàng hoá và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Thông tư này áp dụng đối với:

a) Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bao gồm cả Văn phòng đại diện và các cá nhân hoạt động nhân danh doanh nghiệp đó;

b) Hộ kinh doanh cá thể, cá nhân kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ;

c) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo;

d) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 7 Điều 2;thầy thuốc và nhân viên y tế quy định tại khoản 8 Điều 2 của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP;

đ) Cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nhà nước có liên quan đến việc quản lý các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.

II. THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG

1. Nội dung các tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, về nuôi dưỡng trẻ nhỏ phải bảo đảm theo đúng quy định tại Điều 3, Điều 4 của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP; các tài liệu về thông tin, giáo dục, truyền thông về sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ phải bảo đảm theo đúng quy định tại Điều 5 của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ được phép cung cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thầy thuốc và nhân viên y tế làm việc trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó các tài liệu, thông tin khoa học chính thống, trung thực, chính xác và cách thức sử dụng đúng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Trên tài liệu phải ghi rõ "Chỉ sử dụng cho thầy thuốc và nhân viên y tế"

3. Thầy thuốc và nhân viên y tế có trách nhiệm hướng dẫn việc sử dụng đúng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ cho các bà mẹ hoặc thành viên trong gia đình họ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP trong các trường hợp đặc biệt sau:

a) Trẻ có mẹ bị bệnh nặng không thể cho trẻ bú sữa hoặc vắt sữa được.

b) Trẻ có mẹ đang bị chiếu tia xạ hoặc phải dùng thuốc chống chỉ định cho con bú như các thuốc kháng giáp trạng, thuốc chống ung thư.

c) Trẻ có mẹ bị nhiễm HIV.

d) Trẻ mắc các bệnh chuyển hoá không dung nạp được sữa mẹ.

III. QUẢNG CÁO

Việc quảng cáo các loại sữa dùng cho trẻ từ trên 12 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi phải tuân thủ các điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP như sau:

1. Nội dung bắt buộc tại phần đầu của quảng cáo: " Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ " phải bảo đảm yêu cầu sau:

a) Quảng cáo trên báo hình mà chỉ có hình ảnh không có lời nói thì nội dung "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ" phải được thể hiện rõ ràng bằng chữ với thời lượng đủ để người xem có thể đọc được. Nếu quảng cáo dùng cả hình ảnh và lời nói thì nội dung " Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ " phải được thể hiện bằng chữ và được nói rõ ràng, mạch lạc để người xem có thể đọc và nghe được.

b) Quảng cáo trên báo nói thì phải nói rõ, mạch lạc: "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ" để người nghe có thể nghe được.

c) Quảng cáo trên báo in, báo điện tử, xuất bản phẩm, bảng, biển hoặc trên các phương tiện quảng cáo khác phải thể hiện rõ nội dung "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ" để người xem có thể đọc được.

2. Các tổ chức, cá nhân đăng ký quảng cáo, các tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo ngoài việc thực hiện các quy định tại khoản 1 của Mục này còn phải thực hiện các quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT-BVHTT-BYT ngày 12/01/2004 của Bộ Văn hoá - Thông tin và Bộ Y tế hướng dẫn về hoạt động quảng cáo trong lĩnh vực y tế và các quy định khác của pháp luật về quảng cáo.

IV. KINH DOANH CÁC SẢN PHẨM DINH DƯỠNG DÙNG CHO TRẺ NHỎ

1. Các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ trước khi đưa ra thị trường đều phải được công bố tiêu chuẩn sản phẩm tại Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm).

2. Nhãn sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và núm vú giả ngoài việc thực hiện các quy định tại Điều 8, Điều 9 của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP còn phải thực hiện các quy định khác của pháp luật về ghi nhãn hàng hoá.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, THẦY THUỐC VÀ NHÂN VIÊN Y TẾ CỦA CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

1. Người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thầy thuốc và nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở đó có trách nhiệm thực hiện:

a) Các quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP;

b) 10 điều kiện để nuôi con bằng sữa mẹ thành công trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Bộ Y tế tổ chức kiểm tra việc thực hiện 10 điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trên cơ sở đó, xem xét để cấp Giấy chứng nhận công nhận danh hiệu "Bệnh viện bạn hữu trẻ em". Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được công nhận danh hiệu trên nhưng không thực hiện đúng các điều kiện quy định tại khoản 1 của mục này thì Bộ Y tế sẽ rút Giấy chứng nhận, đồng thời thông báo với Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó thuộc quyền quản lý của địa phương.

3. Người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thầy thuốc và nhân viên y tế được nhận các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ thông qua các tổ chức từ thiện để nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi hoặc trong các trường hợp đặc biệt phải sử dụng các sản phẩm đó theo quy định tại khoản 3, mục II của Thông tư này. Trong trường hợp, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ để nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi thì có thể mua các sản phẩm đó với số lượng đủ theo nhu cầu thực tế.

VI. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

1. Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và các cơ quan liên quan quản lý việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn các sản phẩmdinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ trong phạm vi cả nước.

2. Sở Y tế chủ trì và phối hợp với Sở Thương mại, Sở Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan quản lý việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩmdinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn các sản phẩmdinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT/YT-TM-VHTT-UBBVCSTEVN ngày 14/03/2001 hướng dẫn thi hành Nghị định số 74/2000/NĐ-CP ngày 06/12/2000 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ để bảo vệ và khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ. 

2. Đối với sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và núm vú giả bao gồm cả sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu, nếu có nhãn cũ đã được in trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực hiện còn tồn đọng mà không vi phạm các quy định của Nghị định số 74/2000/NĐ-CP ngày 06/12/2000 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ để bảo vệ và khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ và Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT/YT-TM- VHTT- UBBVCSTEVN ngày 14/03/2001 hướng dẫn thi hành Nghị định số 74/2000/NĐ-CP ngày 06/12/2000 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ để bảo vệ và khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ thì cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm báo cáo số lượng nhãn tồn đọng với Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm) để kiểm tra, xác nhận mới được tiếp tục lưu thông nhưng phải bổ sung nhãn phụ bằng tiếng Việt với những nội dung thông tin mà nhãn hàng hoá cũ còn ghi thiếu so với quy định tại Điều 8, Điều 9 của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP.

3. Đối với sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ có ghi hạn sử dụng từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực và được đóng gói trong các loại bao bì thương phẩm chắc chắn bằng kim loại, thuỷ tinh, sành sứ và có nhãn hàng hoá cũ được in trực tiếp lên hàng hoá hoặc bao bì thương phẩm mà không thể thay đổi bằng bao bì có nhãn mới, nếu còn hạn sử dụng thì được phép lưu thông đến thời điểm hết hạn sử dụng nhưng cơ sở sản xuất, kinh doanh phải bổ sung nhãn phụ với những nội dung thông tin mà trên nhãn hàng hoá cũ còn ghi thiếu so với quy định lại Điều 8 của Nghị định số 21/2006/NĐ-CP.

4. Những trường hợp quảng cáo sữa dùng cho trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi mà được ký hợp đồng quảng cáo với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo vào thời điểm trước khi Thông tư này có hiệu lực và hiện vẫn còn giá trị thực hiện thì tiếp tục được thực hiện đến hết thời hạn của Hợp đồng.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị, địa phương phản ảnh kịp thời về Bộ Y tế, Bộ Thương mại, Bộ Văn hoá - Thông tin, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em để xem xét và sửa đổi cho phù hợp.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Lê Danh Vĩnh

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ THỨ TRƯỞNG





Trần Chí Liêm

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ- THÔNG TIN
THỨ TRƯỞNG





Đỗ Quý Doãn

KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM UỶ BAN DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phùng Ngọc Hùng

 
PHỤ LỤC

(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số: 10 /2006/TTLT-BYT-BTM-BVHTT-UBDSGĐ&TE ngày 25 tháng 8 năm 2006 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 21/2006/NĐ- CP ngày 27/02/2006 về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ)
10 KIỆN ĐỂ NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ THÀNH CÔNG TRONG CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

1. Có quy định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về nuôi con bằng sữa mẹ, được viết thành văn bản và được phổ biến thường xuyên cho mọi thầy thuốc và nhân viên y tế.

2. Huấn luyện cho tất cả các thầy thuốc và nhân viên y tế những kỹ năng cần thiết để thực hiện quy định này.

3. Thông tin cho tất cả phụ nữ có thai về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và cách thức thực hiện.

4. Giúp các bà mẹ bắt đầu cho con bú trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh.

5. Chỉ dẫn cho các bà mẹ cách cho con bú và duy trì nguồn sữa ngay cả khi họ phải xa con.

6. Không cho trẻ sơ sinh ăn, uống bất cứ đồ ăn, thức uống gì khác ngoài sữa mẹ trừ khi có chỉ định của thầy thuốc và nhân viên y tế.

7. Thực hiện để con ở gần mẹ suốt 24 giờ trong ngày.

8. Khuyến khích cho con bú theo nhu cầu.

9. Không cho con dùng bất cứ loại núm vú giả hoặc bình bú với đầu vú nhân tạo nào.

10. Khuyến khích việc thành lập các nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và giới thiệu các bà mẹ tới đó khi các bà mẹ xuất viện.