Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 62/2023/TT-BCA quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và khám sức khỏe đối với lực lượng Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Chương III

KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ VÀ QUẢN LÝ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE CÁN BỘ CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN

Mục 1. KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ, HỒ SƠ SỨC KHỎE

Điều 16. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ

1. Việc khám sức khỏe định kỳ được tiến hành theo hình thức khám tập trung, trong một số trường hợp có thể tiến hành khám đơn lẻ và do cơ sở y tế Công an nhân dân chủ trì thực hiện.

2. Điều kiện của cơ sở khám sức khỏe định kỳ

Các cơ sở y tế Công an nhân dân tham gia khám sức khỏe định kỳ phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật;

b) Phải có đủ các bộ phận khám lâm sàng, cận lâm sàng, nhân lực phù hợp với nội dung khám sức khỏe định kỳ và nội dung ghi trong mẫu phiếu khám sức khỏe được quy định tại Phụ lục số VI, VII, VIII ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Phải có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế tối thiểu và tổ chức các phòng khám theo quy định tại Phụ lục số IX ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Cơ sở y tế Công an nhân dân có đủ điều kiện khám sức khỏe định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều này chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này.

4. Trường hợp cơ sở y tế Công an nhân dân chưa đủ bác sĩ chuyên khoa thực hiện khám lâm sàng và cận lâm sàng thì ký hợp đồng với người có giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnhBộ luật Lao động.

5. Trường hợp cơ sở y tế Công an nhân dân chưa đủ điều kiện khám sức khỏe định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều này

Các cơ sở y tế Công an nhân dân chưa đủ điều kiện khám sức khỏe định kỳ báo cáo Thủ trưởng đơn vị để phối hợp với cơ sở y tế Công an khác có đủ điều kiện khám sức khỏe định kỳ một phần hoặc toàn phần theo quy định; hoặc ký hợp đồng một phần hoặc toàn phần với cơ sở y tế quân, dân y đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế; trong đó ưu tiên phối hợp với cơ sở y tế Công an khác. Quá trình phối hợp với cơ sở y tế ngoài ngành Công an cần phải đảm bảo các quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; đặc biệt là đảm bảo yếu tố bí mật về cơ cấu, tổ chức, biên chế, quân số của đơn vị Công an, thông tin cá nhân của cán bộ, chiến sĩ.

6. Số lần khám sức khỏe định kỳ được quy định như sau

a) Tổ chức khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần đối với: Lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên, sĩ quan có cấp hàm Thượng tá trở lên; cán bộ, chiến sĩ làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; cán bộ, chiến sĩ đang mắc bệnh nghề nghiệp;

b) Tổ chức khám sức khỏe định kỳ 12 tháng 1 lần đối với các đối tượng còn lại.

7. Nội dung khám sức khỏe định kỳ

a) Khám lâm sàng: Hỏi bệnh bao gồm các triệu chứng cơ năng, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình; khám thực thể bao gồm khám thể lực và toàn thân; khám Nội khoa bao gồm Tuần hoàn, Hô hấp, Tiêu hóa, Thận - Tiết niệu, Cơ - Xương - Khớp, Nội tiết, Thần kinh; khám Tâm thần; khám Ngoại khoa; khám Mắt; khám Tai - Mũi - Họng; khám Răng - Hàm - Mặt; khám Da liễu; khám chuyên khoa Phụ sản theo Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này đối với nữ, khám Nam khoa đối với nam;

b) Khám cận lâm sàng: Chẩn đoán hình ảnh (X-quang, siêu âm); thăm dò chức năng; xét nghiệm bao gồm xét nghiệm máu (huyết học, sinh hóa, miễn dịch, vi sinh), xét nghiệm nước tiểu; xét nghiệm tế bào, xét nghiệm phân (nếu cần);

c) Khám lâm sàng và cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ hoặc các trường hợp khác ngoài quy định tại điểm a, b khoản 7 Điều này thì thực hiện phù hợp với các nhóm đối tượng được quy định tại mục 3 Bảng 2 Phụ lục IV Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức vật chất hậu cần trong Công an nhân dân;

d) Kết luận:

Sau khi khám sức khỏe, các bác sĩ phải tiến hành phân loại sức khỏe theo từng chuyên khoa, ký và ghi rõ họ tên vào Phiếu khám sức khỏe định kỳ và chịu trách nhiệm về kết luận của mình;

Người có trách nhiệm kết luận khám sức khỏe có trách nhiệm kết luận: các bệnh chính (nếu có); hướng theo dõi điều trị; phân loại sức khỏe tại các mẫu phiếu khám sức khỏe định kỳ quy định tại Phụ lục số VI, VII, VIII được ban hành kèm theo Thông tư này.

8. Kết luận khám sức khỏe gồm các nội dung sau:

a) Phân loại sức khỏe: Thực hiện theo quy định của Bộ Y tế;

b) Ghi rõ các bệnh, tật (nếu có) và đề xuất phương án điều trị, phục hồi chức năng, giới thiệu khám chuyên khoa để điều trị bệnh, khám bệnh nghề nghiệp.

9. Người có trách nhiệm kết luận khám sức khỏe ký vào Phiếu khám sức khỏe định kỳ và phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Phiếu khám sức khỏe định kỳ được lưu tại cơ sở y tế Công an nhân dân chủ trì tổ chức khám.

10. Sau khi khám sức khỏe định kỳ đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này, cơ sở y tế Công an nhân dân phải tiến hành đánh giá tình hình sức khỏe sau khám sức khỏe định kỳ như sau:

a) Đánh giá tỷ lệ khám sức khỏe, tỷ lệ sức khỏe từng loại và so sánh kết quả với các lần khám trước;

b) Đánh giá mức độ ảnh hưởng của chế độ luyện tập, rèn luyện, sinh hoạt, dinh dưỡng, môi trường làm việc tới sức khỏe đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này;

c) Đánh giá những ưu điểm, hạn chế trong công tác khám sức khỏe định kỳ đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này;

d) Lập danh sách đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này có phân loại sức khỏe Loại IV, V hoặc Loại C, D tùy từng đối tượng khám sức khỏe định kỳ theo quy định của Bộ Y tế, mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp để hướng dẫn, tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập, điều trị, điều dưỡng; đề nghị đơn vị quản lý cán bộ, chiến sĩ có biện pháp khắc phục các nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ; kiến nghị với cấp có thẩm quyền phân công công tác phù hợp đối với cán bộ, chiến sĩ;

đ) Cập nhật kết quả khám sức khỏe định kỳ vào hồ sơ sức khỏe.

Điều 17. Hồ sơ sức khỏe

1. Hồ sơ sức khỏe bao gồm:

a) Phiếu khám sức khỏe tuyển chọn hoặc xét tuyển vào Công an nhân dân;

b) Phiếu khám sức khỏe định kỳ theo quy định tại Thông tư này;

c) Hồ sơ sức khỏe cá nhân theo quy định của Bộ Y tế;

d) Hồ sơ khám sức khỏe nghề nghiệp (nếu có) theo quy định của Bộ Y tế.

2. Hồ sơ sức khỏe được lập, cập nhật, lưu trữ bản giấy hoặc bản điện tử tại cơ sở y tế Công an nhân dân bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về lưu trữ và các quy định khác có liên quan; trường hợp tài liệu trong hồ sơ sức khỏe thuộc phạm vi bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Đối với hồ sơ sức khỏe bản điện tử được kết nối, đồng bộ, quản lý tập trung trên cơ sở dữ liệu y tế Công an nhân dân theo quy định của Bộ Công an.

Mục 2. QUẢN LÝ VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CÁN BỘ, CHIẾN SĨ

Điều 18. Nguyên tắc quản lý, chăm sóc sức khỏe

1. Tiến hành chủ động, thường xuyên, kịp thời, có sự phân cấp rõ ràng và tuân thủ đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật trong quản lý và chăm sóc sức khỏe.

2. Hồ sơ sức khỏe phải được ghi chép đầy đủ, chính xác, cập nhật thường xuyên và được quản lý chặt chẽ tại đơn vị.

3. Chủ động phối hợp với cơ sở y tế quân y, dân y trong công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.

4. Giữ bí mật thông tin về tình hình sức khỏe và thông tin cá nhân của cán bộ, chiến sĩ được ghi trong hồ sơ sức khỏe.

5. Công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe được thực hiện đồng bộ, liên tục các hoạt động: theo dõi sức khỏe thường xuyên; quản lý bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp (nếu có); kiểm tra sức khỏe khi cần thiết; truyền thông giáo dục sức khỏe; khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ sức khỏe.

6. Bắt buộc khám sức khỏe định kỳ đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ do cơ sở y tế Công an nhân dân chủ trì tổ chức thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 19. Theo dõi sức khỏe thường xuyên đối với cán bộ, chiến sĩ

1. Công tác theo dõi sức khỏe thường xuyên được thực hiện như sau

Các cơ sở y tế Công an nhân dân tiến hành kiểm tra sức khỏe ban đầu, lập hồ sơ sức khỏe, theo dõi tình hình sức khỏe và xử trí cấp cứu, điều trị kịp thời đối với những trường hợp bị bệnh, bị thương, tai nạn trong công tác, chiến đấu và sinh hoạt; đặc biệt chú ý những người có phân loại sức khỏe loại IV, V hoặc loại C, D; người có bệnh cần chữa trị dài ngày; bệnh nghề nghiệp hoặc thay đổi sức khỏe do tuổi tác, tiếp xúc với các yếu tố có hại có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người công tác ở vùng sâu, vùng xa để thực hiện các biện pháp dự phòng, điều trị thích hợp.

2. Các cơ sở y tế Công an nhân dân căn cứ kết quả theo dõi sức khỏe thường xuyên để xác định chế độ, phương pháp luyện tập, rèn luyện, thực hiện các biện pháp phòng ngừa; đề xuất bố trí công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này.

3. Cán bộ, chiến sĩ khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong và ngoài ngành Công an phải có trách nhiệm cung cấp kết quả khám chữa bệnh cho cơ sở y tế Công an thuộc quyền quản lý.

Điều 20. Quản lý bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp đối với cán bộ, chiến sĩ

1. Đơn vị quản lý cán bộ, chiến sĩ lập danh sách cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp (nếu có) của đơn vị mình để quản lý, theo dõi tình hình diễn biến của bệnh đồng thời định kỳ kiểm tra, đánh giá sức khỏe cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp (nếu có). Các cơ sở y tế Công an theo phân cấp quản lý chịu trách nhiệm chủ trì tham mưu, quản lý, theo dõi cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp.

2. Công tác quản lý bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp:

a) Hướng dẫn chế độ sinh hoạt, công tác, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng phù hợp đối với từng cán bộ, chiến sĩ;

b) Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục kiến thức về cách phòng, chống các bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp đối với cán bộ, chiến sĩ;

c) Định kỳ kiểm tra sức khỏe căn cứ tình hình bệnh tật của cán bộ, chiến sĩ.

3. Kết quả theo dõi bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh nghề nghiệp phải được ghi chép vào hồ sơ sức khỏe. Các cơ sở y tế Công an nhân dân phải tổng hợp, phân tích kịp thời và báo cáo thủ trưởng đơn vị, y tế cấp trên, đồng thời đề xuất chế độ chính sách và các giải pháp để bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.

4. Bệnh cần chữa trị dài ngày là các bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2016 ban hành danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

5. Bệnh nghề nghiệp là bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 09 tháng 02 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Điều 21. Kiểm tra sức khỏe khi cần thiết đối với cán bộ, chiến sĩ

Trong các trường hợp cần thiết các cơ sở y tế Công an nhân dân tiến hành kiểm tra sức khỏe cho các đối tượng sau:

1. Cán bộ, chiến sĩ sau đợt điều trị tại bệnh viện tuyến trên để nắm tình hình sức khỏe hiện tại; xác định các biện pháp điều trị dự phòng tiếp theo và chỉ định chuyên môn.

2. Cán bộ, chiến sĩ làm việc, tiếp xúc với các yếu tố dịch tễ có liên quan đến các bệnh truyền nhiễm hoặc tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp hoặc làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

3. Cán bộ, chiến sĩ có phân loại sức khỏe loại IV, V hoặc loại C, D.

4. Cán bộ, chiến sĩ tham dự các đợt huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao và theo yêu cầu công tác.

5. Cán bộ, chiến sĩ trước khi nghỉ công tác chờ hưởng chế độ hưu trí.

6. Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là nghề, công việc được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Điều 22. Chế độ chăm sóc sức khỏe

1. Các đồng chí lãnh đạo thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được chăm sóc sức khỏe theo quy định của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

2. Cán bộ lãnh đạo cấp Cục và tương đương trở lên được chăm sóc sức khỏe theo quy định của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cao cấp Bộ Công an.

3. Các đối tượng còn lại thực hiện chế độ chăm sóc sức khỏe như sau:

a) Sức khỏe bình thường: y tế đơn vị hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe;

b) Sức khỏe yếu và rất yếu: y tế đơn vị cần có chế độ theo dõi cụ thể và đề xuất biện pháp dự phòng và điều trị, phù hợp đối với từng trường hợp (đi điều trị, điều dưỡng).

4. Đối với cán bộ lãnh đạo cấp Phòng và tương đương trở lên, sĩ quan cấp hàm Thượng tá trở lên được bố trí phòng điều trị và hưởng chế độ chăm sóc y tế tại Khoa Cao cấp của các bệnh viện Công an nhân dân.

Điều 23. Truyền thông giáo dục sức khỏe

1. Các cơ sở y tế Công an nhân dân có trách nhiệm truyền thông giáo dục sức khỏe đối với các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này.

2. Nội dung, hình thức truyền thông và giáo dục sức khỏe (bao gồm các phương pháp trực tiếp và gián tiếp) phù hợp với từng đối tượng.

Thông tư 62/2023/TT-BCA quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đặc thù và khám sức khỏe đối với lực lượng Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 62/2023/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/11/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Tô Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH