Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 62/2015/TT-BGTVT Quy định về đường ngang do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương IV

QUY TẮC GIAO THÔNG TRONG KHU VỰC ĐƯỜNG NGANG

Điều 34. Giao thông đường bộ trong phạm vi đường ngang

Người tham gia giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ và thực hiện quy định sau đây:

1. Phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt.

2. Phải chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang.

3. Khi có báo hiệu dừng (đèn đỏ sáng nháy, cờ đỏ, biển đỏ, còi, chuông kêu, chắn đã đóng, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn), người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước vạch “dừng xe”.

4. Nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng.

5. Đối với đường ngang biển báo, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trước vạch dừng, lắng nghe còi tàu, chú ý quan sát tàu đến từ xa ở 2 phía, chỉ được đi qua đường ngang khi xét thấy an toàn và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.

Điều 35. Dừng, đỗ xe trong khu vực đường ngang

1. Trong phạm vi đường ngang cấm quay đầu xe.

2. Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng, bị tai nạn không thể di chuyển ngay khỏi phạm vi đường ngang thì người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp để nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi đường ngang.

Trường hợp điểm gần nhất của xe hoặc của hàng hóa cách mép ray ngoài cùng nhỏ hơn 1,7 m thì người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp để báo hiệu cho tàu dừng trước chướng ngại, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện, hàng hóa ra cách mép ray ngoài cùng tối thiểu 1,7 m. Chi tiết cụ thể theo quy định tại Phụ lục 7 của Thông tư này.

Điều 36. Phương tiện đặc biệt khi qua đường ngang

Trường hợp đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường có thể được lưu hành qua đường ngang thì người điều khiển phương tiện phải:

1. Tuân thủ Luật Giao thông đường bộ.

2. Báo trước cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoặc chủ quản lý, sử dụng đường sắt chuyên dùng nơi có đường ngang mà xe cần đi qua để bố trí người và hướng dẫn đảm bảo an toàn.

Điều 37. Người dẫn dắt súc vật qua đường ngang

Người dẫn dắt súc vật qua đường ngang phải đi sát mép đường bên phải. Trước khi qua đường ngang phải quan sát tàu đến từ hai phía đường sắt và chỉ được dẫn dắt súc vật đi qua khi có đủ điều kiện an toàn và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.

Điều 38. Người điều khiển tàu qua đường ngang

Khi sắp đến đường ngang, người điều khiển tàu phải kéo còi, chú ý tín hiệu ngăn đường, tín hiệu cảnh báo đường ngang (nếu có), chú ý quan sát đường ngang để nhanh chóng hãm tàu khi thấy có tín hiệu dừng tàu hoặc có trở ngại trên đường ngang.

Điều 39. Dừng, đỗ tàu trong phạm vi đường ngang

1. Trường hợp bắt buộc phải dừng, đỗ tàu trên đường ngang; dồn tàu hoặc giải thể, lập tàu thì người phụ trách phải tìm mọi cách để đường bộ được nhanh chóng giải phóng tắc nghẽn giao thông.

2. Khi phải đỗ tàu trên đường ngang thì thời gian đỗ không được vượt quá 3 phút trên đường ngang cấp I, cấp II, không được vượt quá 5 phút trên đường ngang cấp III; trừ đường ngang có quy định riêng của Bộ Giao thông vận tải.

Thông tư 62/2015/TT-BGTVT Quy định về đường ngang do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 62/2015/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/11/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: 23/11/2015
  • Số công báo: Từ số 1141 đến số 1142
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH