Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 3 Thông tư 60/2015/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Mục 2: ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ Ô NHIỄM ĐẤT CẤP TỈNH

Điều 22. Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ phục vụ đánh giá ô nhiễm đất

1. Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên có liên quan đến quá trình ô nhiễm đất, gồm: điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên.

2. Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quản lý, sử dụng đất.

3. Thu thập nhóm các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ có liên quan đến thực trạng và mức độ ô nhiễm đất đối với các khu vực chưa có kết quả điều tra, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường đất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, gồm: hiện trạng môi trường (đất, nước); nguồn gây ô nhiễm (khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; khu khai thác, chế biến khoáng sản; bãi chứa chất thải y tế, rác thải sinh hoạt; khu nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; khu vực canh tác sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật; kho chứa thuốc bảo vệ thực vật; các nguồn ô nhiễm khác); lịch sử sử dụng đất nhằm xác định nguồn ô nhiễm tồn lưu; kết quả đánh giá, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất (nếu có); kết quả điều tra thoái hóa đất, chất lượng đất (nếu có).

Điều 23. Đánh giá, lựa chọn các thông tin, tài liệu đã thu thập

1. Tổng hợp, phân tích, đánh giá về tính chính xác, khách quan, thời sự của thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập.

2. Lựa chọn thông tin và các loại bản đồ chuyên đề có thể kế thừa, sử dụng; xác định những thông tin cần điều tra bổ sung.

3. Xây dựng báo cáo đánh giá kết quả thu thập thông tin, tài liệu điều tra.

Điều 24. Lập kế hoạch điều tra lấy mẫu đất tại thực địa

1. Xác định những nội dung cần điều tra thực địa: nguồn (tác nhân) gây ô nhiễm; hướng lan tỏa ô nhiễm; ranh giới vùng (khu vực) có nguy cơ bị ô nhiễm; phác thảo hướng tuyến lấy mẫu đất và mật độ, số lượng điểm lấy mẫu.

2. Chuẩn bị bản đồ phục vụ điều tra thực địa (sau đây gọi là bản đồ kết quả điều tra):

a) Sử dụng bản đồ nền theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư này;

b) Chuyển các nội dung thông tin đã thu thập về nguồn, điểm ô nhiễm, cấp độ dốc hoặc địa hình tương đối lên bản đồ kết quả điều tra.

3. Xác định sơ đồ mạng lưới vị trí các điểm lấy mẫu: chấm sơ bộ vị trí các điểm dự kiến lấy mẫu lên bản đồ điều tra.

4. Xây dựng kế hoạch chi tiết điều tra thực địa và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho điều tra thực địa.

5. Xây dựng báo cáo kế hoạch điều tra, khảo sát thực địa.

Điều 25. Điều tra lấy mẫu tại thực địa

1. Điều tra xác định nguồn gây ô nhiễm, tác nhân gây ô nhiễm, hướng lan tỏa ô nhiễm và các yếu tố địa hình, địa vật có liên quan, gồm:

a) Điều tra để xác định các nguồn gây ô nhiễm đất, các tác nhân gây ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; khai thác, chế biến khoáng sản; y tế; nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; khu vực thâm canh cao trong sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác có thể gây ra ô nhiễm đất (nếu có). Các nguồn gây ô nhiễm đất, các tác nhân gây ô nhiễm đất theo quy định tại Bảng 13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Điều tra, xác định hướng lan tỏa ô nhiễm theo độ dốc địa hình (lan tỏa từ cao xuống thấp), theo hướng dòng chảy (từ đầu nguồn xuống cuối nguồn), theo hướng gió (từ đầu gió xuống cuối gió) và các tác nhân khác;

c) Điều tra, xác định yếu tố địa hình, địa vật có khả năng ngăn cản hoặc chặn hướng lan tỏa ô nhiễm như đường hào, đường giao thông, triền đồi, vách núi, làng mạc, dải cây xanh, hồ nước, sông, suối, kênh rạch và địa hình, địa vật khác.

Việc điều tra các nội dung theo quy định tại Khoản này chỉ thực hiện đối với các khu vực chưa có kết quả Điều tra, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường đất theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

2. Xác định ranh giới khoanh đất tại thực địa trên bản đồ kết quả điều tra:

a) Xác định ranh giới khoanh đất theo các tiêu chí: nguồn gây ô nhiễm, địa hình, hiện trạng sử dụng đất, hướng lan tỏa và khả năng ngăn cản hoặc chặn hướng lan tỏa ô nhiễm;

b) Chỉnh lý vị trí các điểm lấy mẫu đất (bùn đối với đất nuôi trồng thủy sản), mẫu nước ngoài thực địa; định vị xác định tọa độ điểm lấy mẫu đất.

3. Chụp ảnh cảnh quan bề mặt khoanh đất điều tra.

4. Mô tả thông tin về khoanh đất điều tra hoặc nhập thông tin vào bảng cơ sở dữ liệu chung (bản số):

a) Vị trí, địa hình, thời tiết, tọa độ điểm lấy mẫu đất (bùn), mẫu nước;

b) Nguồn gây ô nhiễm, hiện trạng sử dụng đất, hướng lan tỏa và khả năng ngăn cản hoặc chặn hướng lan tỏa ô nhiễm.

5. Lấy mẫu đất (bùn), mẫu nước; đóng gói, bảo quản mẫu và viết phiếu lấy mẫu theo quy định tại Phụ lục 4.4Phụ lục 4.5 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Sao chuyển mạng lưới điểm điều tra lấy mẫu đất, ranh giới khoanh đất theo kết quả điều tra thực địa lên bản đồ kết quả điều tra.

7. Xây dựng báo cáo kết quả điều tra thực địa.

Điều 26. Tổng hợp số liệu, xác định các điểm đất bị ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm

1. Tổng hợp, xử lý thông tin tài liệu nội nghiệp và ngoại nghiệp:

a) Lập danh sách khoanh đất điều tra;

b) Tổng hợp bảng biểu số liệu phục vụ đánh giá thực trạng ô nhiễm đất.

2. Phân tích mẫu đất, mẫu nước:

a) Rà soát, phân loại mẫu đất, mẫu nước đã lấy;

b) Xác định các chỉ tiêu cần phân tích;

c) Phân tích mẫu đất (bùn), mẫu nước theo các chỉ tiêu đã lựa chọn;

d) Thống kê kết quả phân tích mẫu đất (bùn), mẫu nước.

3. Chuẩn bị bản đồ nền phục vụ xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm:

a) Xác định cơ sở toán học và các yếu tố nền chung cho bản đồ đất bị ô nhiễm theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư này;

b) Chuyển kết quả khoanh vẽ từ bản đồ kết quả điều tra (bản giấy) lên bản đồ đất bị ô nhiễm (bản số);

c) Xác định và chỉnh lý các yếu tố nội dung chính của bản đồ đất bị ô nhiễm;

d) Hoàn thiện các yếu tố cơ sở chuẩn cho bản đồ đất bị ô nhiễm.

4. Thiết kế các trường thông tin lưu trữ dữ liệu thuộc tính trong mỗi lớp thông tin theo định dạng tương ứng với phân cấp bản đồ chuyên đề. Nội dung và cấu trúc dữ liệu theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này. Các lớp thông tin thiết kế gồm:

a) Lớp thông tin về địa hình, hiện trạng sử dụng đất, vị trí các điểm lấy mẫu đất;

b) Lớp thông tin về nguồn gây ô nhiễm, tác nhân gây ô nhiễm, ranh giới vùng (khu vực) đất bị ảnh hưởng;

c) Lớp thông tin về ô nhiễm dạng điểm (tại các điểm), ô nhiễm dạng vùng (theo ranh giới khoanh đất);

d) Lớp thông tin về kết quả phân tích mẫu đất, nước;

đ) Lớp thông tin kết quả đánh giá ô nhiễm đất.

Điều 27. Xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm

Trình tự xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm thực hiện theo quy định tại sơ đồ 6 Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này, gồm các nội dung sau:

1. Nhập thông tin thuộc tính theo các lớp thông tin đã thiết kế tại Khoản 4 Điều 26 Thông tư này đến từng điểm lấy mẫu đất hoặc khoanh đất.

2. Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu đánh giá ô nhiễm đất theo quy định tại các Bảng 12, 14, 15 và 16 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Chồng xếp các lớp thông tin tại Khoản 1 Điều này để thành lập bản đồ đất bị ô nhiễm.

4. Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập.

5. Xác định các điểm đất bị ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm trên bản đồ đất bị ô nhiễm.

6. Xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ các khu vực đất bị ô nhiễm.

Điều 28. Đề xuất định hướng quản lý sử dụng đất bền vững

1. Cảnh báo những khu vực đất bị ô nhiễm hoặc nguy cơ ô nhiễm.

2. Định hướng quản lý sử dụng đất bền vững.

Điều 29. Xây dựng báo cáo kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất

1. Xây dựng hệ thống bảng số liệu ô nhiễm đất.

2. Phân tích, đánh giá thực trạng ô nhiễm đất.

3. Xây dựng các phụ lục, bản đồ thu nhỏ đính kèm báo cáo.

4. Biên soạn báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất.

Thông tư 60/2015/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 60/2015/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 113 đến số 114
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH