Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 60/2015/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương 3

ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ ĐẤT ĐAI CẤP VÙNG, CẤP TỈNH LẦN ĐẦU

Mục 1: ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG ĐẤT, TIỀM NĂNG ĐẤT ĐAI CẤP VÙNG, CẤP TỈNH

Điều 12. Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ

1. Thu thập nhóm các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên có liên quan đến chất lượng đất, tiềm năng đất đai, gồm:

a) Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về đất, chất lượng đất, ô nhiễm đất, thoái hóa đất, phân hạng đất nông nghiệp (nếu có);

b) Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về hiện trạng môi trường đất, khí hậu, biến đổi khí hậu;

c) Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về thủy lợi, thủy văn nước mặt.

2. Thu thập nhóm các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về kinh tế - xã hội và tình hình quản lý, sử dụng đất, gồm:

a) Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội;

b) Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ hiện trạng, biến động sử dụng đất; tình hình quản lý, sử dụng đất.

Điều 13. Đánh giá, lựa chọn các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập

1. Tổng hợp, phân tích, đánh giá về tính chính xác, khách quan, thời sự của thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập, gồm:

a) Sắp xếp, phân loại theo chuyên mục, nguồn gốc hay thời gian tổng hợp xây dựng;

b) Đối chiếu các số liệu cũ với hiện trạng để xác định sự phù hợp với thực tế của từng nguồn số liệu (tập trung vào những tài liệu và số liệu thiết yếu với mục tiêu, quy mô, ranh giới đất sẽ được đánh giá);

c) Phân tích, đánh giá tính chính xác, khách quan và thời sự của thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập được, lựa chọn những thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ có thể kế thừa, sử dụng cho điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai.

2. Lựa chọn thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ có thể sử dụng, xác định những thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ cần điều tra bổ sung, gồm:

a) Lựa chọn thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ có thể sử dụng;

b) Đối chiếu nguồn thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã lựa chọn với yêu cầu thông tin đầu vào cần thiết cho điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai, xác định những thông tin còn thiếu cần điều tra bổ sung;

c) Xây dựng báo cáo kết quả thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ.

Điều 14. Xác định nội dung và kế hoạch điều tra thực địa

1. Chuẩn bị bản đồ kết quả điều tra:

a) Chuyển nội dung các thông tin về tình hình sử dụng đất nông nghiệp bao gồm: hiện trạng, biến động và tình hình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất và các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập được lên bản đồ kết quả điều tra;

b) Chuyển các thông tin liên quan về thổ nhưỡng như loại đất/nhóm đất, độ dày tầng đất, kết von, đá lẫn, đá lộ đầu; địa hình (độ dốc, địa hình tương đối) từ bản đồ đất và các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập được lên bản đồ kết quả điều tra;

c) Chuyển nội dung các thông tin về khí hậu gồm: lượng mưa, tổng tích ôn, khô hạn, gió từ bản đồ phân vùng khí hậu và các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập được lên bản đồ kết quả điều tra;

d) Chuyển các thông tin liên quan về chế độ nước, gồm: chế độ tưới, xâm nhập mặn, ngập úng từ bản đồ thủy lợi, thủy văn nước mặt và các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập được lên bản đồ kết quả điều tra;

đ) Chuyển các thông tin liên quan về loại hình thoái hóa, loại đất thoái hóa, mức độ thoái hóa từ bản đồ thoái hóa đất (nếu có) và các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập lên bản đồ kết quả điều tra;

e) Chuyển các thông tin liên quan về các điểm hoặc khu vực đất bị ô nhiễm từ bản đồ hiện trạng môi trường đất (nếu có) và các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập lên bản đồ kết quả điều tra.

2. Khảo sát sơ bộ và xác định thông tin, nội dung, số lượng phẫu diện, khu vực cần điều tra tại thực địa, gồm:

a) Khảo sát sơ bộ, xác định hướng, tuyến điều tra;

b) Tính toán số lượng phẫu diện đất, số lượng phiếu điều tra theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Xác định ranh giới khoanh đất, điểm đào phẫu diện đất lên bản đồ kết quả điều tra, gồm:

a) Xác định ranh giới các khoanh đất cần điều tra lên bản đồ kết quả điều tra theo phương pháp quy định tại mục 2 Phụ lục 1.2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Xây dựng sơ đồ mạng lưới phẫu diện theo phương pháp xây dựng quy định tại mục 2 Phụ lục 1.2 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) In bản đồ kết quả điều tra nội nghiệp phục vụ điều tra thực địa;

d) Thống kê số lượng khoanh đất và đặc trưng của khoanh đất điều tra;

đ) Xác định nội dung điều tra theo từng khoanh đất và khu vực tại thực địa.

4. Chuẩn bị bản tả phẫu diện đất, phiếu điều tra tiềm năng đất đai theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;

5. Xây dựng báo cáo kế hoạch điều tra thực địa.

Điều 15. Điều tra, lấy mẫu đất tại thực địa

1. Rà soát, chỉnh lý ranh giới khoanh đất điều tra theo các chỉ tiêu về loại đất theo mục đích sử dụng, thổ nhưỡng, địa hình, chế độ nước lên bản đồ kết quả điều tra.

2. Xác định vị trí khoanh đất điều tra và chấm điểm đào phẫu diện lên bản đồ kết quả điều tra. Tọa độ điểm đào phẫu diện được xác định bằng thiết bị định vị.

3. Đào (khoan), mô tả phẫu diện đất; lấy tiêu bản đất và mẫu đất của phẫu diện:

a) Đào (khoan) phẫu diện đất;

b) Chụp ảnh minh họa phẫu diện đất, ảnh cảnh quan khoanh đất điều tra;

c) Mô tả phẫu diện đất (theo mẫu bản tả phẫu diện);

d) Lấy mẫu đất, tiêu bản, đóng gói và bảo quản mẫu đất (việc lấy mẫu đất phục vụ đánh giá chỉ tiêu tổng số muối tan cần được thực hiện vào mùa khô).

4. Mô tả thông tin về khoanh đất điều tra hoặc nhập thông tin vào bảng cơ sở dữ liệu chung (bản số):

a) Vị trí, địa hình, thời tiết, tọa độ điểm đào phẫu diện;

b) Loại đất (hay nhóm đất phụ); địa hình (độ dốc hoặc địa hình tương đối); độ dày tầng đất mịn và một số thông tin thổ nhưỡng khác;

c) Chế độ nước (chế độ tưới, xâm nhập mặn, ngập úng).

5. Thống kê số lượng, đặc điểm khoanh đất điều tra thực địa.

6. Sao lưu mạng lưới điểm đào phẫu diện, ranh giới khoanh đất theo kết quả điều tra thực địa lên bản đồ kết quả điều tra.

7. Xây dựng báo cáo kết quả điều tra ngoại nghiệp.

Điều 16. Điều tra tình hình sử dụng đất nông nghiệp và tiềm năng đất đai

1. Điều tra về tình hình sử dụng đất nông nghiệp, gồm:

a) Hiện trạng, biến động và tình hình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất;

b) Diễn biến năng suất trong 05 năm trở lại đây theo từng mục đích sử dụng;

c) Các kỹ thuật canh tác sử dụng đất như xây dựng thiết kế đồng ruộng, làm đất, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khai thác lâm sản, thủy sản, thu hoạch nông sản;

d) Mức đầu tư đối với từng mục đích sử dụng đất như giống, phân bón, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Điều tra về tiềm năng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thông qua các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

3. Các yếu tố có liên quan đến quá trình biến đổi chất lượng đất như địa hình, khí hậu, thảm thực vật và chế độ nước.

4. Nội dung điều tra tình hình sử dụng đất nông nghiệp và tiềm năng đất đai theo mẫu phiếu điều tra quy định tại Phụ lục 4.

Điều 17. Tổng hợp, xử lý thông tin nội nghiệp và ngoại nghiệp

1. Tổng hợp thông tin, lựa chọn các yếu tố và chỉ tiêu phân cấp từng yếu tố dùng trong tạo lập các bản đồ chuyên đề dạng giấy đã thu thập được, gồm:

a) Tổng hợp, lựa chọn và phân cấp các chỉ tiêu trên bản đồ đất thu thập được;

b) Tổng hợp, lựa chọn và phân cấp các chỉ tiêu trên bản đồ khí hậu thu thập được;

c) Tổng hợp, lựa chọn và phân cấp các chỉ tiêu trên bản đồ thủy lợi, thủy văn nước mặt thu thập được.

2. Chuẩn bị nền của bản đồ kết quả sản phẩm:

a) Xác định cơ sở toán học và các yếu tố nền chung cho bản đồ kết quả sản phẩm;

b) Chuyển đổi dữ liệu dạng số các bản đồ chuyên đề hoặc lớp thông tin chuyên đề về tình hình sử dụng đất, thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu, chế độ nước, thoái hóa đất, ô nhiễm đất có định dạng khác nhau về định dạng thống nhất;

c) Xác định và chỉnh lý các yếu tố nội dung của bản đồ kết quả sản phẩm;

d) Hoàn thiện các yếu tố cơ sở chuẩn cho bản đồ kết quả sản phẩm;

đ) Chuyển kết quả tổng hợp tại Khoản 1 Điều này lên bản đồ số.

3. Thiết kế các trường thông tin lưu trữ dữ liệu thuộc tính trong mỗi lớp thông tin theo định dạng tương ứng với phân cấp bản đồ chuyên đề. Nội dung và cấu trúc dữ liệu theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này. Các lớp thông tin thiết kế bao gồm:

a) Lớp thông tin địa hình (độ dốc, địa hình tương đối), đất (loại đất/nhóm đất phụ, độ dày tầng đất, thành phần cơ giới, kết von, đá lẫn, đá lộ đầu);

b) Lớp thông tin về tình hình sử dụng đất (loại đất theo mục đích sử dụng, tình hình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, kỹ thuật canh tác sử dụng đất, mức đầu tư, diễn biến năng suất);

c) Lớp thông tin về khí hậu (lượng mưa, tổng tích ôn, số tháng khô hạn);

d) Lớp thông tin về chế độ nước (chế độ tưới, xâm nhập mặn, ngập úng);

đ) Lớp thông tin về độ phì nhiêu đất (đối với đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng);

e) Lớp thông tin về các loại hình thoái hóa đất, ô nhiễm đất (nếu có);

g) Lớp thông tin kết quả đánh giá chất lượng đất (đơn vị chất lượng đất);

h) Lớp thông tin về hiệu quả kinh tế (giá trị gia tăng, hiệu quả đầu tư) và kết quả đánh giá hiệu quả kinh tế (thấp, trung bình, cao) theo mục đích sử dụng đất;

i) Lớp thông tin về hiệu quả xã hội (giải quyết nhu cầu lao động, mức độ chấp nhận của người sử dụng đất, mức độ phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mức độ phù hợp với chiến lược, quy hoạch ngành) và kết quả đánh giá hiệu quả xã hội (thấp, trung bình, cao) theo mục đích sử dụng đất;

k) Lớp thông tin về hiệu quả môi trường (tăng khả năng che phủ đất; duy trì bảo vệ đất; giảm thiểu thoái hóa, ô nhiễm đất) và kết quả đánh giá hiệu quả môi trường (thấp, trung bình, cao) theo mục đích sử dụng đất;

l) Lớp thông tin kết quả đánh giá tiềm năng đất đai (thấp, trung bình, cao) theo mục đích sử dụng đất.

4. Phân tích mẫu đất:

a) Lựa chọn mẫu đất phân tích bao gồm toàn bộ mẫu đất của phẫu diện chính và mẫu đất tầng mặt của phẫu diện phụ;

b) Chỉ tiêu phân tích bao gồm dung trọng, độ chua của đất (pHKCl), chất hữu cơ tổng số (OM%), thành phần cơ giới (cát, cát mịn, limon, sét), dung tích hấp thu (CEC), nitơ tổng số (N%), phốt pho tổng số (P2O5%), kali tổng số (K2O%); đối với khu vực ven biển phân tích thêm chỉ tiêu lưu huỳnh tổng số và tổng số muối tan.

5. Tổng hợp bảng biểu số liệu phục vụ xây dựng bản đồ chất lượng đất và bản đồ tiềm năng đất đai.

6. Tổng hợp, xử lý phiếu điều tra.

7. Xây dựng báo cáo kết quả tổng hợp, xử lý thông tin.

Điều 18. Xây dựng bản đồ chất lượng đất, tiềm năng đất đai

1. Xây dựng bản đồ chất lượng đất (Trình tự thực hiện xây dựng bản đồ chất lượng đất theo quy định tại Sơ đồ 4 Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này) gồm các nội dung sau:

a) Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu đánh giá chất lượng đất theo Quy định tại mục 3.1.2 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nhập thông tin thuộc tính đến từng khoanh đất theo các lớp thông tin đã thiết kế tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản 3 Điều 17 Thông tư này;

c) Phân cấp thông tin theo các nhóm chỉ tiêu đến từng khoanh đất;

d) Thành lập các lớp thông tin chuyên đề về đất, địa hình, khí hậu, chế độ nước, độ phì nhiêu của đất, tình hình sử dụng đất;

đ) Chồng xếp các lớp thông tin chuyên đề về đất, địa hình, khí hậu, chế độ nước, độ phì nhiêu của đất để xây dựng bản đồ chất lượng đất;

e) Chồng xếp bản đồ chất lượng đất và lớp thông tin về tình hình sử dụng đất để xác định chất lượng đất theo mục đích sử dụng;

g) Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập bản đồ;

h) In bản đồ và xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ chất lượng đất.

2. Xây dựng bản đồ tiềm năng đất đai (Trình tự thực hiện xây dựng bản đồ chất lượng đất theo quy định tại Sơ đồ 5 Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này) gồm các nội dung sau:

a) Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu đánh giá tiềm năng đất đai theo quy định tại mục 3.1.3 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Nhập thông tin thuộc tính đến từng khoanh đất theo các lớp thông tin đã thiết kế tại các Điểm h, i, k và 1 Khoản 3 Điều 17 Thông tư này;

c) Phân cấp thông tin theo các nhóm chỉ tiêu đến từng khoanh đất;

d) Thành lập lớp thông tin chuyên đề về hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường;

đ) Chồng xếp các lớp thông tin tại Điểm d Khoản này và lớp thông tin chất lượng đất để xây dựng bản đồ tiềm năng đất đai;

e) Chồng xếp bản đồ tiềm năng đất đai và lớp thông tin về tình hình sử dụng đất để xác định tiềm năng đất đai theo mục đích sử dụng đất;

g) Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập bản đồ;

h) In bản đồ và xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ tiềm năng đất đai.

Điều 19. Phân tích đánh giá thực trạng chất lượng đất, tiềm năng đất đai

1. Phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đất:

a) Tổng hợp hệ thống biểu đánh giá chất lượng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư này;

b) Phân tích, đánh giá các quá trình hình thành, biến đổi chất lượng đất;

c) Phân tích, đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình quản lý và sử dụng đất đến chất lượng đất;

d) Phân tích, đánh giá thực trạng chất lượng đất theo mục đích sử dụng đất;

đ) Tổng hợp đánh giá chất lượng đất lần đầu.

2. Phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai:

a) Tổng hợp hệ thống biểu đánh giá tiềm năng đất đai theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư này;

b) Phân tích, đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến tiềm năng đất đai;

c) Phân tích, đánh giá ảnh hưởng của phát triển kinh tế - xã hội đến tiềm năng đất đai;

d) Phân tích, đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất tác động đến tiềm năng đất đai;

đ) Phân tích, đánh giá hiệu quả sử dụng đất (hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường);

e) Phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai theo mục đích sử dụng đất;

3. Xây dựng báo cáo đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai lần đầu.

Điều 20. Đề xuất các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và định hướng sử dụng đất bền vững

1. Xác định quan điểm, mục tiêu chiến lược khai thác tài nguyên đất bền vững.

2. Xác định các giải pháp về quản lý, sử dụng đất bền vững.

3. Xác định các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ và cải tạo đất.

4. Đề xuất định hướng sử dụng đất.

Điều 21. Xây dựng báo cáo tổng hợp và báo cáo tổng kết dự án

1. Xây dựng các phụ lục, bản đồ thu nhỏ đính kèm báo cáo.

2. Biên soạn báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai.

3. Nhân sao tài liệu, tổ chức hội thảo.

4. Hoàn chỉnh tài liệu điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai.

5. Xây dựng báo cáo tóm tắt, báo cáo tổng kết dự án.

6. Nghiệm thu và bàn giao kết quả.

Mục 2: ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ Ô NHIỄM ĐẤT CẤP TỈNH

Điều 22. Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ phục vụ đánh giá ô nhiễm đất

1. Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên có liên quan đến quá trình ô nhiễm đất, gồm: điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên.

2. Thu thập nhóm thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quản lý, sử dụng đất.

3. Thu thập nhóm các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ có liên quan đến thực trạng và mức độ ô nhiễm đất đối với các khu vực chưa có kết quả điều tra, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường đất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, gồm: hiện trạng môi trường (đất, nước); nguồn gây ô nhiễm (khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; khu khai thác, chế biến khoáng sản; bãi chứa chất thải y tế, rác thải sinh hoạt; khu nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; khu vực canh tác sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật; kho chứa thuốc bảo vệ thực vật; các nguồn ô nhiễm khác); lịch sử sử dụng đất nhằm xác định nguồn ô nhiễm tồn lưu; kết quả đánh giá, phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất (nếu có); kết quả điều tra thoái hóa đất, chất lượng đất (nếu có).

Điều 23. Đánh giá, lựa chọn các thông tin, tài liệu đã thu thập

1. Tổng hợp, phân tích, đánh giá về tính chính xác, khách quan, thời sự của thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập.

2. Lựa chọn thông tin và các loại bản đồ chuyên đề có thể kế thừa, sử dụng; xác định những thông tin cần điều tra bổ sung.

3. Xây dựng báo cáo đánh giá kết quả thu thập thông tin, tài liệu điều tra.

Điều 24. Lập kế hoạch điều tra lấy mẫu đất tại thực địa

1. Xác định những nội dung cần điều tra thực địa: nguồn (tác nhân) gây ô nhiễm; hướng lan tỏa ô nhiễm; ranh giới vùng (khu vực) có nguy cơ bị ô nhiễm; phác thảo hướng tuyến lấy mẫu đất và mật độ, số lượng điểm lấy mẫu.

2. Chuẩn bị bản đồ phục vụ điều tra thực địa (sau đây gọi là bản đồ kết quả điều tra):

a) Sử dụng bản đồ nền theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 Thông tư này;

b) Chuyển các nội dung thông tin đã thu thập về nguồn, điểm ô nhiễm, cấp độ dốc hoặc địa hình tương đối lên bản đồ kết quả điều tra.

3. Xác định sơ đồ mạng lưới vị trí các điểm lấy mẫu: chấm sơ bộ vị trí các điểm dự kiến lấy mẫu lên bản đồ điều tra.

4. Xây dựng kế hoạch chi tiết điều tra thực địa và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho điều tra thực địa.

5. Xây dựng báo cáo kế hoạch điều tra, khảo sát thực địa.

Điều 25. Điều tra lấy mẫu tại thực địa

1. Điều tra xác định nguồn gây ô nhiễm, tác nhân gây ô nhiễm, hướng lan tỏa ô nhiễm và các yếu tố địa hình, địa vật có liên quan, gồm:

a) Điều tra để xác định các nguồn gây ô nhiễm đất, các tác nhân gây ô nhiễm từ các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; khai thác, chế biến khoáng sản; y tế; nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; khu vực thâm canh cao trong sản xuất nông nghiệp và các hoạt động khác có thể gây ra ô nhiễm đất (nếu có). Các nguồn gây ô nhiễm đất, các tác nhân gây ô nhiễm đất theo quy định tại Bảng 13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Điều tra, xác định hướng lan tỏa ô nhiễm theo độ dốc địa hình (lan tỏa từ cao xuống thấp), theo hướng dòng chảy (từ đầu nguồn xuống cuối nguồn), theo hướng gió (từ đầu gió xuống cuối gió) và các tác nhân khác;

c) Điều tra, xác định yếu tố địa hình, địa vật có khả năng ngăn cản hoặc chặn hướng lan tỏa ô nhiễm như đường hào, đường giao thông, triền đồi, vách núi, làng mạc, dải cây xanh, hồ nước, sông, suối, kênh rạch và địa hình, địa vật khác.

Việc điều tra các nội dung theo quy định tại Khoản này chỉ thực hiện đối với các khu vực chưa có kết quả Điều tra, đánh giá, phân loại ô nhiễm môi trường đất theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

2. Xác định ranh giới khoanh đất tại thực địa trên bản đồ kết quả điều tra:

a) Xác định ranh giới khoanh đất theo các tiêu chí: nguồn gây ô nhiễm, địa hình, hiện trạng sử dụng đất, hướng lan tỏa và khả năng ngăn cản hoặc chặn hướng lan tỏa ô nhiễm;

b) Chỉnh lý vị trí các điểm lấy mẫu đất (bùn đối với đất nuôi trồng thủy sản), mẫu nước ngoài thực địa; định vị xác định tọa độ điểm lấy mẫu đất.

3. Chụp ảnh cảnh quan bề mặt khoanh đất điều tra.

4. Mô tả thông tin về khoanh đất điều tra hoặc nhập thông tin vào bảng cơ sở dữ liệu chung (bản số):

a) Vị trí, địa hình, thời tiết, tọa độ điểm lấy mẫu đất (bùn), mẫu nước;

b) Nguồn gây ô nhiễm, hiện trạng sử dụng đất, hướng lan tỏa và khả năng ngăn cản hoặc chặn hướng lan tỏa ô nhiễm.

5. Lấy mẫu đất (bùn), mẫu nước; đóng gói, bảo quản mẫu và viết phiếu lấy mẫu theo quy định tại Phụ lục 4.4Phụ lục 4.5 ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Sao chuyển mạng lưới điểm điều tra lấy mẫu đất, ranh giới khoanh đất theo kết quả điều tra thực địa lên bản đồ kết quả điều tra.

7. Xây dựng báo cáo kết quả điều tra thực địa.

Điều 26. Tổng hợp số liệu, xác định các điểm đất bị ô nhiễm và có nguy cơ ô nhiễm

1. Tổng hợp, xử lý thông tin tài liệu nội nghiệp và ngoại nghiệp:

a) Lập danh sách khoanh đất điều tra;

b) Tổng hợp bảng biểu số liệu phục vụ đánh giá thực trạng ô nhiễm đất.

2. Phân tích mẫu đất, mẫu nước:

a) Rà soát, phân loại mẫu đất, mẫu nước đã lấy;

b) Xác định các chỉ tiêu cần phân tích;

c) Phân tích mẫu đất (bùn), mẫu nước theo các chỉ tiêu đã lựa chọn;

d) Thống kê kết quả phân tích mẫu đất (bùn), mẫu nước.

3. Chuẩn bị bản đồ nền phục vụ xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm:

a) Xác định cơ sở toán học và các yếu tố nền chung cho bản đồ đất bị ô nhiễm theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư này;

b) Chuyển kết quả khoanh vẽ từ bản đồ kết quả điều tra (bản giấy) lên bản đồ đất bị ô nhiễm (bản số);

c) Xác định và chỉnh lý các yếu tố nội dung chính của bản đồ đất bị ô nhiễm;

d) Hoàn thiện các yếu tố cơ sở chuẩn cho bản đồ đất bị ô nhiễm.

4. Thiết kế các trường thông tin lưu trữ dữ liệu thuộc tính trong mỗi lớp thông tin theo định dạng tương ứng với phân cấp bản đồ chuyên đề. Nội dung và cấu trúc dữ liệu theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này. Các lớp thông tin thiết kế gồm:

a) Lớp thông tin về địa hình, hiện trạng sử dụng đất, vị trí các điểm lấy mẫu đất;

b) Lớp thông tin về nguồn gây ô nhiễm, tác nhân gây ô nhiễm, ranh giới vùng (khu vực) đất bị ảnh hưởng;

c) Lớp thông tin về ô nhiễm dạng điểm (tại các điểm), ô nhiễm dạng vùng (theo ranh giới khoanh đất);

d) Lớp thông tin về kết quả phân tích mẫu đất, nước;

đ) Lớp thông tin kết quả đánh giá ô nhiễm đất.

Điều 27. Xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm

Trình tự xây dựng bản đồ đất bị ô nhiễm thực hiện theo quy định tại sơ đồ 6 Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này, gồm các nội dung sau:

1. Nhập thông tin thuộc tính theo các lớp thông tin đã thiết kế tại Khoản 4 Điều 26 Thông tư này đến từng điểm lấy mẫu đất hoặc khoanh đất.

2. Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu đánh giá ô nhiễm đất theo quy định tại các Bảng 12, 14, 15 và 16 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Chồng xếp các lớp thông tin tại Khoản 1 Điều này để thành lập bản đồ đất bị ô nhiễm.

4. Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập.

5. Xác định các điểm đất bị ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm trên bản đồ đất bị ô nhiễm.

6. Xây dựng báo cáo thuyết minh bản đồ các khu vực đất bị ô nhiễm.

Điều 28. Đề xuất định hướng quản lý sử dụng đất bền vững

1. Cảnh báo những khu vực đất bị ô nhiễm hoặc nguy cơ ô nhiễm.

2. Định hướng quản lý sử dụng đất bền vững.

Điều 29. Xây dựng báo cáo kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất

1. Xây dựng hệ thống bảng số liệu ô nhiễm đất.

2. Phân tích, đánh giá thực trạng ô nhiễm đất.

3. Xây dựng các phụ lục, bản đồ thu nhỏ đính kèm báo cáo.

4. Biên soạn báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm đất.

Mục 3: ĐIỀU TRA, PHÂN HẠNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP CẤP TỈNH

Điều 30. Thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ

1. Thu thập các thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ có liên quan đến nhóm đất nông nghiệp, trừ đất nông nghiệp khác theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

2. Đánh giá lựa chọn các thông tin tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập, gồm:

a) Tổng hợp, phân tích, đánh giá về tính chính xác, khách quan và thời sự của các thông tin tài liệu, số liệu, bản đồ đã thu thập;

b) Lựa chọn thông tin, tài liệu, bản đồ chuyên đề sẽ được sử dụng.

Điều 31. Lập kế hoạch điều tra thực địa

1. Chuẩn bị bản đồ kết quả điều tra thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Thông tư này.

2. Xác định ranh giới khoanh đất lên bản đồ kết quả điều tra, gồm:

a) Xác định ranh giới các khoanh đất dự kiến điều tra lên bản đồ kết quả điều tra theo phương pháp quy định tại mục 2 Phụ lục 1.2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thống kê số lượng khoanh đất và đặc trưng của khoanh đất điều tra.

Điều 32. Điều tra thực địa

1. Rà soát, chỉnh lý ranh giới khoanh đất điều tra theo các chỉ tiêu về loại đất theo mục đích sử dụng, thổ nhưỡng, địa hình, chế độ nước lên bản đồ kết quả điều tra.

2. Mô tả thông tin về khoanh đất điều tra hoặc nhập thông tin vào bảng cơ sở dữ liệu chung (bản số), gồm:

a) Vị trí, địa hình, thời tiết;

b) Loại đất, địa hình, độ dày tầng đất mịn và một số thông tin khác;

c) Chế độ nước (chế độ tưới, xâm nhập mặn, ngập úng).

3. Chụp ảnh cảnh quan khoanh đất điều tra.

4. Thống kê số lượng, đặc điểm khoanh đất đã điều tra ngoài thực địa.

5. Sao lưu ranh giới khoanh đất theo kết quả điều tra thực địa lên bản đồ kết quả điều tra.

6. Xây dựng báo cáo kết quả điều tra nội và ngoại nghiệp.

Điều 33. Tổng hợp, xử lý thông tin, tài liệu số liệu, bản đồ nội nghiệp và ngoại nghiệp

1. Tổng hợp, xử lý thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 17 Thông tư này.

2. Xây dựng báo cáo kết quả tổng hợp, xử lý thông tin.

Điều 34. Xây dựng bản đồ phân hạng đất nông nghiệp

Trình tự thực hiện xây dựng bản đồ phân hạng đất nông nghiệp theo quy định tại Sơ đồ 7 Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này, gồm các nội dung sau:

1. Xây dựng bản đồ đơn vị đất đai:

a) Xác định và phân cấp bộ chỉ tiêu xây dựng bản đồ đơn vị đất đai quy định tại Bảng 17 mục 3.3 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Nhập thông tin thuộc tính đến từng khoanh đất theo các lớp thông tin đã thiết kế tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 3 Điều 17 Thông tư này;

c) Chồng xếp các lớp thông tin đất, địa hình, khí hậu, chế độ nước để xây dựng bản đồ đơn vị đất đai;

d) Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập bản đồ;

đ) Tổng hợp tính chất, đặc điểm, diện tích của từng đơn vị bản đồ đất đai.

2. Xác định các loại đất nông nghiệp cần đánh giá:

a) Chồng xếp bản đồ đơn vị đất đai và lớp thông tin hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp để xác định hệ thống sử dụng đất nông nghiệp;

b) Lựa chọn các loại đất theo mục đích sử dụng để phân hạng;

c) Xác định yêu cầu sử dụng đất cho các mục đích sử dụng cần phân hạng theo quy định tại Bảng 19 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Xây dựng bản đồ phân hạng đất nông nghiệp theo từng mục đích sử dụng:

a) Đối chiếu yêu cầu sử dụng đất theo từng mục đích sử dụng với các đặc điểm của đơn vị đất đai trên bản đồ đơn vị đất đai để xác định hạng đất của mỗi khoanh đất;

b) Xây dựng hệ thống chú dẫn và biên tập bản đồ phân hạng đất nông nghiệp cho từng mục đích sử dụng;

Điều 35. Đánh giá mức độ phù hợp của hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp và xây dựng báo cáo kết quả phân hạng đất nông nghiệp

1. Thống kê kết quả phân hạng đất, đối chiếu kết quả phân hạng với hiện trạng sử dụng đất để xác định mức độ phù hợp của hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp.

2. Tổng hợp các đơn vị đất đai có cùng hạng đất với cùng các mục đích sử dụng đất.

3. Phân tích, đánh giá mức độ phù hợp của hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp với kết quả phân hạng.

4. Xây dựng các phụ lục, bản đồ thu nhỏ đính kèm báo cáo.

5. Biên soạn báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, phân hạng đất nông nghiệp.

Thông tư 60/2015/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 60/2015/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/12/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 113 đến số 114
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH