Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 56/2010/TT-BNNPTNT quy định hoạt động của tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định một số nội dung trong hoạt động của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Các công trình thuỷ lợi được đầu tư từ các nguồn vốn khác khuyến khích áp dụng Thông tư này.

2. Đối tượng áp dụng Thông tư này là cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi theo phương thức đặt hàng sử dụng ngân sách nhà nước.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đặt hàng thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi: là việc cơ quan đặt hàng lựa chọn và chỉ định đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi nhằm cung cấp dịch vụ tưới, tiêu, cấp nước cho sản xuất, dân sinh, kinh tế, xã hội đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm, đơn giá, thời gian,... theo quy định.

2. Cơ quan đặt hàng: là các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao.

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cơ quan được Bộ uỷ quyền đặt hàng thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ các hệ thống công trình thủy lợi do Bộ quản lý.

b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) hoặc đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao, ủy quyền là cơ quan đặt hàng thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi do tỉnh quản lý.


c) Đối với các công trình thủy lợi đã được phân cấp cho Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố quản lý (gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) thì Uỷ ban nhân dân cấp huyện là cơ quan đặt hàng.

3. Đơn vị nhận đặt hàng: là các tổ chức quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 12/10/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi (sau đây gọi tắt là Thông tư 65).

4. Sản phẩm đặt hàng: Sản phẩm đặt hàng được tính theo diện tích (ha) hoặc khối lượng nước (m3) tưới, tiêu, cấp nước,... trên cơ sở thực hiện đầy đủ các nội dung, yêu cầu công tác quản lý khai thác công trình thuỷ lợi quy định tại Điều 4, Thông tư 65 và tuân thủ các quy trình, quy phạm hiện hành. Một số công trình đặc thù, không xác định được theo diện tích (ha) hoặc khối lượng nước (m3) tưới, tiêu, cấp nước,... thì xác định rõ các nội dung công việc phải thực hiện.

5. Giá, đơn giá, hợp đồng, hồ sơ đặt hàng:

a) Giá đặt hàng: Là khoản kinh phí mà cơ quan đặt hàng cam kết trả cho đơn vị nhận đặt hàng để thực hiện và hoàn thành toàn bộ khối lượng sản phẩm đặt hàng, bảo đảm về chất lượng, tiến độ, thời gian và các yêu cầu khác đã quy định trong Hồ sơ đặt hàng và Hợp đồng đặt hàng trong điều kiện thời tiết bình thường. Trường hợp xảy ra thiên tai (hạn hán, bão, lụt,...) thì lập dự toán cấp bù hoặc khắc phục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt riêng theo các quy định hiện hành.

b) Đơn giá đặt hàng: đơn giá đặt hàng tính cho một đơn vị sản phẩm đặt hàng. Đơn giá được tính từ dự toán đặt hàng, trên cơ sở áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí do các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành; các chế độ chính sách của nhà nước; giá cả về nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng, nhân công, giá ca máy thi công,...

c) Hợp đồng đặt hàng: Hợp đồng đặt hàng thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi (sau đây gọi tắt là hợp đồng đặt hàng) là văn bản pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ các bên tham gia hợp đồng. Các tranh chấp giữa các bên tham gia hợp đồng được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký kết có hiệu lực pháp luật, các tranh chấp chưa được thoả thuận trong hợp đồng thì giải quyết theo quy định của pháp luật và các quy định khác có liên quan.

d) Hồ sơ đặt hàng: Là toàn bộ tài liệu sử dụng cho việc đặt hàng bao gồm hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất, kế hoạch đặt hàng, hợp đồng đặt hàng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình quy phạm áp dụng và các văn bản pháp lý có liên quan khác.


Chương II

QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI THEO PHƯƠNG THỨC ĐẶT HÀNG

Điều 3. Xây dựng kế hoạch đặt hàng

1. Căn cứ xây dựng kế hoạch đặt hàng:

a) Nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã được Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

b) Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối) đã được cấp có thẩm quyền giao hàng năm;

c) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi hàng năm (của các đơn vị nhận đặt hàng trên địa bàn);

d) Báo cáo đánh giá hiện trạng công trình, máy móc thiết bị và năng lực hoạt động của công trình, hệ thống công trình (của các đơn vị nhận đặt hàng);

đ) Các căn cứ khác (nếu có).

2. Xây dựng kế hoạch đặt hàng: Hàng năm cơ quan đặt hàng phải xây dựng kế hoạch đặt hàng quản lý, khai thác công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu, cấp nước... trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Kế hoạch đặt hàng được lập cho từng công trình hoặc hệ thống công trình (theo đơn vị quản lý). Kế hoạch đặt hàng phải làm rõ các nội dung sau:

2.1. Nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu, cấp nước, ngăn mặn, giữ ngọt,... (nhiệm vụ chính)

a) Diện tích tưới;

b) Diện tích tiêu;

c) Diện tích tưới tiêu kết hợp;

d) Nhiệm vụ cấp nước;

đ) Nhiệm vụ khác.v.v

2.2. Kế hoạch tài chính.

a) Kế hoạch thu: Lập dự toán thu cho từng đối tượng cụ thể:

- Thu cấp bù do miễn thu thuỷ lợi phí (của các đối tượng được miễn)

- Thu thuỷ lợi phí của các đối tượng phải thu (không miễn thuỷ lợi phí)

- Thu khác (nếu có)

b) Kế hoạch chi: Dự toán chi hoạt động quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi trong năm kế hoạch. Kế hoạch chi tập hợp theo 3 nhóm chi phí chính:

- Chi khấu hao và chi sửa chữa lớn của các tài sản phải trích khấu hao, phải sửa chữa lớn theo quy định (nhóm chi phí đầu tư).

- Chi cho hoạt động khai thác công trình thuỷ lợi (Chi phí tiền lương, phụ cấp lương và các khoản phải nộp theo lương; chi phí nhiên liệu, năng lượng cho công tác tưới, tiêu, cấp nước,...; chi phí vật tư nhiên liệu cho công tác vận hành và bảo dưỡng công trình; chi phí quản lý doanh nghiệp và chi khác.

- Chi phí sửa chữa thường xuyên tài sản cố định.


c) Kế hoạch trợ cấp, trợ giá (thu không đủ chi, nếu có).

Bảng tổng hợp kế hoạch đặt hàng lập theo mẫu tại phụ lục số 1 và kèm theo các phụ biểu để giải trình, thuyết minh số liệu trong bảng.

3. Phê duyệt kế hoạch đặt hàng: Cơ quan đặt hàng có trách nhiệm trình kế hoạch đặt hàng lên cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và làm căn cứ tổng hợp trong kế hoạch ngân sách hàng năm.

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc cơ quan được ủy quyền) phê duyệt kế hoạch đặt hàng làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi do Bộ quản lý sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (hoặc cơ quan được ủy quyền) phê duyệt kế hoạch đặt hàng làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Lập hồ sơ yêu cầu

Sau khi kế hoạch đặt hàng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan đặt hàng lập hồ sơ yêu cầu. Căn cứ quy mô, tính chất, đặc điểm của công trình mà quy định nội dung, yêu cầu công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho phù hợp. Hồ sơ yêu cầu cần có một số nội dung chính sau đây:

a) Nêu tổng quan về nhiệm vụ đặt hàng (tên công trình hoặc hệ thống công trình, cơ quan đặt hàng, thời gian và địa điểm, nguồn vốn,...);

b) Yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm;

c) Nội dung, yêu cầu công tác quản lý và số lượng sản phẩm đặt hàng (sản phẩm cuối cùng);

d) Phạm vi quản lý;

đ) Yêu cầu chất lượng sản phẩm;

e) Yêu cầu về thời gian và địa điểm thực hiện;

g) Yêu cầu về phương án tổ chức, kỹ thuật quản lý, vận hành công trình;

h) Yêu cầu về giá và đơn giá đặt hàng;

i) Yêu cầu về thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ đề xuất;

k) Các nội dung khác (theo yêu cầu của từng công trình).

Hồ sơ yêu cầu phải đạt được mục tiêu công bằng, minh bạch, hợp lý, lựa chọn được đơn vị đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình thủy lợi theo các quy định của nhà nước và có mức giá đặt hàng hợp lý nhất.

Hồ sơ yêu cầu được gửi cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi để lập hồ sơ đề xuất.

Điều 5. Lập hồ sơ đề xuất

Đơn vị nhận đặt hàng có trách nhiệm lập hồ sơ đề xuất trình cơ quan đặt hàng xem xét, phê duyệt. Nội dung Hồ sơ đề xuất lập theo quy định của hồ sơ yêu cầu, đặc biệt là thuyết minh rõ phương án tổ chức, giải pháp kỹ thuật quản lý, vận hành, khai thác, tu sửa và bảo vệ công trình (kể cả khi có thiên tai lụt bão, hạn hán bất thường xảy ra), phương án tài chính. Phương án đề xuất bao gồm một số nội dung chính sau đây:

1. Báo cáo đánh giá tổng quan về thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Báo cáo nêu tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được giao trong năm như:

a) Về tổ chức, bộ máy quản lý khai thác công trình của đơn vị (cơ cấu tổ chức bộ máy, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, công tác tổ chức chỉ đạo điều hành của bộ máy lãnh đạo, quản lý; các đơn vị trực tiếp quản lý vận hành, tu sửa và bảo vệ; các ưu khuyết điểm)

b) Về thực hiện nhiệm vụ được giao (nhiệm vụ được giao, mức độ hoàn thành, nguyên nhân)

c) Về hiện trạng công trình, máy móc thiết bị và công tác tu sửa, bảo vệ (nhiệm vụ được giao, mức độ hoàn thành, nguyên nhân)

d) Về tài chính (các chỉ tiêu đã được giao, mức độ hoàn thành, nguyên nhân)

đ) Kiến nghị giải pháp khắc phục.

2. Phương án tổ chức, kỹ thuật quản lý, vận hành, khai thác, tu sửa và bảo vệ công trình.

2.1. Phương án tổ chức: Thuyết minh rõ phương án sắp xếp bố trí cán bộ, công nhân thực hiện nhiệm vụ (các bộ phận lãnh đạo, chỉ huy; quản lý kỹ thuật, quản lý tưới, tiêu, cấp nước; quản lý tài chính và đơn vị trực tiếp quản lý vận hành ở từng công trình, cụm trạm). Phương án tổ chức được mô tả bằng sơ đồ và thuyết minh rõ số lượng, trình độ chuyên môn, kỹ thuật và nhiệm vụ được giao cho từng bộ phận, đơn vị; mối quan hệ giữa các bộ phận đơn vị và biện pháp ứng phó khi có thiên tai hạn, úng, lụt, bão; phương thức phối hợp với các Tổ chức hợp tác dùng nước, người hưởng lợi cùng tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ công trình. Bảng tổng hợp năng lực kinh nghiệm cán bộ, công nhân lập theo mẫu phụ lục 2.

2.2. Phương án kỹ thuật quản lý, vận hành, khai thác, tu sửa và bảo vệ công trình:

a) Phương án quản lý, điều hoà phân phối nước phục vụ tưới, tiêu, cấp nước, ngăn mặn, giữ ngọt,... phục vụ sản xuất, dân sinh, kinh tế, xã hội theo kế hoạch đã đề ra, phù hợp với nhiệm vụ công trình và đạt hiệu quả cao; quản lý nguồn nước, điều tiết phân phối nước trên toàn khu vực; quan trắc, theo dõi thu thập tài liệu, số liệu theo quy định; bảo vệ chất lượng nước; phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.v.v.


b) Phương án kỹ thuật vận hành công trình:

- Phương án vận hành công trình, hệ thống công trình và các đề xuất bổ sung cho phù hợp với hiện trạng công trình và nhiệm vụ tưới, tiêu, cấp nước.

- Nội dung, biện pháp thực hiện công tác kiểm tra, theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố công trình, hệ thống công trình.

- Nội dung, biện pháp thực hiện công tác bảo dưỡng; tu sửa, nạo vét, và sửa chữa công trình, máy móc, thiết bị, nhà quản lý (đảm bảo công trình không xuống cấp, vận hành an toàn). Kiểm tra, sửa chữa công trình trước và sau mùa mưa lũ;

- Phương án tuần tra, bảo vệ công trình và máy móc thiết bị (đảm bảo công trình vận hành an toàn, hiệu quả, chống lấn chiếm, kể cả khi có thiên tai).

- Các đề xuất khác (theo yêu cầu của từng công trình).

c) Phương án quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, tài sản và mọi nguồn lực được giao và hoạt động kinh doanh tổng hợp khác theo quy định. Các hoạt động kinh doanh khác (ngoài nhiệm vụ chính) cần thuyết minh rõ phương án sử dụng công trình, máy móc thiết bị, lao động, kỹ thuật, đất đai, cảnh quan và huy động vốn,... mà không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

3. Phương án tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành, khai thác, tu sửa và bảo vệ công trình

Dựa vào phương án tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi và phương án sản xuất kinh doanh tổng hợp đã lập, đơn vị lập phương án tài chính bao gồm các khoản thu, chi theo quy định.

3.1. Phương án thu, chi từ hoạt động dịch vụ tưới, tiêu, cấp nước,... (nhiệm vụ chính).

Từ phương án tổ chức, kỹ thuật quản lý, vận hành, khai thác, tu sửa và bảo vệ công trình do đơn vị đã đề xuất, xác định các nội dung công việc phải thực hiện làm cơ sở lập phương án thu, chi (dự toán thu, chi thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi). Khi lập dự toán cần lưu ý:

a) Các khoản thu và các khoản mục chi phí lập theo hướng dẫn tại Thông tư 11/2009/TT-BTC ngày 21/01/2009 của Bộ Tài chính. Căn cứ định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí của các cơ quan có thẩm quyền ban hành; chế độ chính sách tiền lương, tiền công; giá cả vật tư, nguyên nhiên liệu, năng lượng, máy móc thiết bị,... lập dự toán chi cho từng nội dung công việc làm cơ sở đề xuất giá, đơn giá đặt hàng. Bảng tổng hợp dự toán thu, chi lập theo mẫu tại phụ lục 3 và kèm theo các phụ biểu để giải trình và thuyết minh số liệu.

b) Đối với khoản mục chi phí sửa chữa thường xuyên phải lập khái toán cho từng công trình hoặc hạng mục công trình cụ thể. Bảng tổng hợp dự toán chi phí sửa chữa thường xuyên lập theo mẫu tại phụ lục 3.

3.2. Phương án thu, chi từ hoạt động kinh doanh khai thác tổng hợp công trình thuỷ lợi. Đơn vị lập dự toán chi tiết các khoản thu, chi theo các quy định hiện hành, trong đó thuyết minh rõ các hoạt động, phương án sử dụng công trình, máy móc thiết bị, lao động, kỹ thuật, đất đai, cảnh quan và vốn,... Tách bạch rõ doanh thu, chi phí từ hoạt động kinh doanh khai thác tổng hợp, nhất thiết không được lấy nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính để bù đắp cho sản xuất kinh doanh tổng hợp.

Dự toán thu, chi thực nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi là cơ sở để cơ quan đặt hàng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán đặt hàng, xác định giá, đơn giá đặt hàng và mức trợ cấp. Mức trợ cấp là phần chênh lệch giữa giá đề nghị đặt hàng và giá trị thủy lợi phí thu được (bao gồm cả phần nhà nước cấp bù do miễn giảm và thu của các đối tượng phải thu) theo quy định tại Nghị định 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ). Tổng hợp theo mẫu tại phụ lục 5.

Điều 6. Đánh giá hồ sơ đề xuất và trình duyệt phương án, nội dung, sản phẩm và dự toán đặt hàng.

1. Đánh giá hồ sơ đề xuất

Cơ quan đặt hàng chủ trì tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về phương án, nội dung nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, số lượng sản phẩm, dự toán đặt hàng (giá hoặc đơn giá đặt hàng) và đơn vị nhận đặt hàng.

Cơ quan đặt hàng thành lập Hội đồng thẩm tra có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (tài chính, kế hoạch,...) đánh giá hồ sơ đề xuất, thống nhất phương án, nội dung nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, số lượng sản phẩm và dự toán đặt hàng (giá, đơn giá đặt hàng) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất, cơ quan đặt hàng có thể mời đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi đến giải thích hoặc sửa đổi, bổ sung các nội dung thông tin cần thiết để làm rõ hồ sơ đề xuất (sự đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, phương án tổ chức, kỹ thuật; phương án tài chính,...) và có thể đi kiểm tra thực tế (nếu thấy cần thiết).

Đơn vị chủ trì chịu trách nhiệm lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hồ sơ đề xuất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chỉ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà cơ quan đặt hàng đã nêu trong hồ sơ yêu cầu và có giá đề nghị đặt hàng hợp lý, không vượt dự toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu vượt mức dự toán ngân sách phải có văn bản báo cáo giải trình kèm theo hồ sơ trình duyệt.

2. Thẩm định và phê duyệt nội dung nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, số lượng sản phẩm, dự toán đặt hàng (giá hoặc đơn giá đặt hàng) và đơn vị nhận đặt hàng.

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt phương án, nội dung nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, số lượng sản phẩm, dự toán đặt hàng (giá hoặc đơn giá đặt hàng) và đơn vị nhận đặt hàng của các công trình thủy lợi do Bộ quản lý.

b) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án, nội dung nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, số lượng sản phẩm, dự toán đặt hàng (giá hoặc đơn giá đặt hàng) và đơn vị nhận đặt hàng của các công trình thủy lợi do tỉnh quản lý.

c) Đối với các công trình thủy lợi đã được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý thì Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án, nội dung nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, số lượng sản phẩm, dự toán đặt hàng (giá hoặc đơn giá đặt hàng) và đơn vị nhận đặt hàng.

3. Đối với khoản chi phí sửa chữa thường xuyên đã được phê duyệt danh mục trong dự toán đặt hàng, đơn vị nhận đặt hàng phải lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán phê duyệt trước khi thực hiện (vận dụng theo các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng). Giá trị dự toán sửa chữa thường xuyên không được vượt quá khái toán đã được phê duyệt (trừ các quy định tại Khoản 10, Điều 9 của Thông tư này). Nếu đơn vị nhận đặt hàng không đủ điều kiện, năng lực lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán sửa chữa thì được phép thuê tổ chức, cá nhân tư vấn đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để lập. Tổ chức, cá nhân tư vấn chịu trách nhiệm trước pháp luật và đơn vị nhận đặt hàng về hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán.

Thẩm quyền phê hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán sửa chữa thường xuyên tài sản cố định, công trình thuỷ lợi quy định như sau:

a) Tổng cục Thủy lợi (đối với các đơn vị do Bộ quản lý), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các đơn vị do tỉnh quản lý) thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình (hoặc hạng mục công trình) có dự toán sửa chữa trên 300 triệu đồng.

b) Các đơn vị nhận đặt hàng quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán sửa chữa các công trình (hoặc hạng mục công trình) còn lại và gửi kết quả phê duyệt về Tổng cục Thủy lợi (đối với các đơn vị do Bộ quản lý), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các đơn vị do tỉnh quản lý) để theo dõi, quản lý.

c) Công trình thủy lợi đã phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản lý, thì Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định phê duyệt. Riêng các công trình có dự toán sửa chữa trên 300 triệu đồng, trước khi phê duyệt phải có ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nếu đơn vị nhận đặt hàng không đủ điều kiện, năng lực thẩm tra thì được phép thuê tổ chức, cá nhân tư vấn đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra trước khi phê duyệt. Tổ chức, cá nhân tư vấn chịu trách nhiệm trước pháp luật và đơn vị nhận đặt hàng về kết qủa thẩm tra.

Điều 7. Thương thảo, hoàn thiện hợp đồng và ký kết hợp đồng đặt hàng

Trên cơ sở quyết định phê duyệt phương án, nội dung nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, số lượng sản phẩm, dự toán đặt hàng, cơ quan đặt hàng mời đơn vị nhận đặt hàng đến thương thảo, hoàn thiện hợp đồng để ký kết hợp đồng trước khi thực hiện.

Điều 8. Đặt hàng đối với các công trình, hệ thống công trình thủy lợi vừa và nhỏ

Các công trình, hệ thống công trình thủy lợi vừa và nhỏ (có yêu cầu kỹ thuật về quản lý vận hành không phức tạp, có thể giao cho Tổ chức hợp tác dùng nước quản lý theo quy định tại Điều 16, Thông tư 65) thì áp dụng quy trình đặt hàng rút gọn theo trình tự sau đây:

a) Căn cứ vào kế hoạch đặt hàng đã được phê duyệt, cơ quan đặt hàng lập dự toán đặt hàng thực nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và soạn thảo hợp đồng đặt hàng (dự thảo) cho tổ chức hợp tác dùng nước mà xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ. Nội dung dự thảo hợp đồng đặt hàng lập theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này.

b) Trên cơ sở dự toán đặt hàng và bản dự thảo hợp đồng đặt hàng, cơ quan đặt hàng tiến hành thương thảo với Tổ chức hợp tác dùng nước để hoàn chỉnh dự toán đặt hàng và hoàn thiện hợp đồng đặt hàng.

c) Sau khi thương thảo, cơ quan đặt hàng hoàn chỉnh dự toán đặt hàng và hoàn thiện hợp đồng đặt hàng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo phân cấp đã quy định tại khoản 2, Điều 6 của Thông tư này).

d) Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan đặt hàng mời đơn vị nhận đặt hàng đến để ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện.

Thông tư 56/2010/TT-BNNPTNT quy định hoạt động của tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 56/2010/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/10/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đào Xuân Học
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 589 đến số 590
  • Ngày hiệu lực: 15/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra