Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Thông tư 44/2014/TT-BCT quy định quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

Mục 2. THỰC HIỆN THAO TÁC

Điều 11. Yêu cầu đối với người ra lệnh thao tác

1. Trước khi ra các lệnh thao tác, người ra lệnh phải nắm vững các nội dung sau:

a) Tên thao tác và mục đích thao tác;

b) Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc thao tác theo dự kiến;

c) Sơ đồ kết dây hiện tại của hệ thống điện, lưới điện khu vực, nhà máy điện, trạm điện cần thao tác;

d) Tình trạng vận hành và nguyên tắc hoạt động của các thiết bị đóng cắt; rơ le bảo vệ, thiết bị tự động; cuộn dập hồ quang, điểm trung tính nối đất; thiết bị đo lường, điều khiển và tín hiệu từ xa;

đ) Những phần tử đang nối đất;

e) Xu hướng thay đổi phụ tải, công suất, điện áp hệ thống điện trong và sau khi thực hiện thao tác, đồng thời phải có biện pháp điều chỉnh thích hợp để tránh quá tải, điện áp thấp hoặc quá áp theo quy định về điều chỉnh điện áp;

g) Sơ đồ hệ thống thông tin liên lạc phục vụ điều độ, đặc biệt trong những trường hợp các thao tác có ảnh hưởng đến phương thức vận hành của hệ thống thông tin liên lạc;

h) Chuyển nguồn cung cấp hệ thống điện tự dùng nếu cần thiết;

i) Các biện pháp an toàn đối với người và thiết bị, các lưu ý khác liên quan đến thao tác.

2. Người ra lệnh chịu trách nhiệm về ra lệnh thao tác, phải hiểu rõ thao tác, phát hiện những điểm không hợp lý trước khi ra lệnh thao tác.

Điều 12. Yêu cầu đối với người giám sát, người thao tác

Khi thực hiện phiếu thao tác, người giám sát, người thao tác phải thực hiện các nội dung sau:

1. Đọc kỹ phiếu thao tác và kiểm tra phiếu thao tác phải phù hợp với mục đích thao tác.

2. Khi thấy có điều không hợp lý hoặc không rõ ràng trong phiếu thao tác cần đề nghị người ra lệnh thao tác hoặc người duyệt phiếu giải thích và chỉ được thực hiện thao tác khi đã hiểu rõ các bước thao tác.

3. Phải ký và ghi rõ họ tên vào phiếu thao tác trước khi thao tác.

4. Trước khi tiến hành thao tác phải kiểm tra sự tương ứng, phù hợp của sơ đồ kết dây thực tế với sơ đồ trong phiếu thao tác.

5. Phải thực hiện tất cả các thao tác đúng theo trình tự trong phiếu thao tác. Không được tự ý thay đổi trình tự khi chưa được phép của người ra lệnh thao tác.

6. Khi thực hiện xong mỗi bước thao tác, phải đánh dấu từng thao tác vào phiếu để tránh nhầm lẫn và thiếu sót các hạng mục.

7. Trong quá trình thao tác nếu có xuất hiện cảnh báo hoặc có những trục trặc về thiết bị và những hiện tượng bất thường, phải ngừng thao tác để kiểm tra và tìm nguyên nhân trước khi thực hiện các thao tác tiếp theo.

8. Phải thực hiện các biện pháp an toàn theo quy định về kỹ thuật an toàn điện.

Điều 13. Thực hiện thao tác thiết bị điện nhất thứ

1. Mọi thao tác thiết bị điện nhất thứ đều phải có 02 (hai) người phối hợp thực hiện: 01 (một) người giám sát và 01 (một) người thao tác trực tiếp. Trong mọi trường hợp, 02 (hai) người đều chịu trách nhiệm như nhau về thao tác.

2. Tại nhà máy điện hoặc trạm điện, 02 (hai) người phối hợp thực hiện thao tác phải biết rõ sơ đồ và vị trí của thiết bị điện tại hiện trường, đã được đào tạo và kiểm tra đạt được chức danh vận hành và được bố trí làm công việc thao tác. Người thao tác trực tiếp phải có bậc an toàn từ bậc 03 trở lên, người giám sát phải có bậc an toàn từ bậc 04 trở lên.

3. Trình tự tiến hành thao tác theo phiếu thao tác như sau:

a) Tại vị trí thao tác hoặc điều khiển, nhân viên vận hành phải kiểm tra lại xem tên các thiết bị có tương ứng với tên trong phiếu thao tác không;

b) Khi đã khẳng định thiết bị phải thao tác là đúng, người giám sát đọc lệnh, người thao tác trực tiếp nhắc lại lệnh và thực hiện từng bước thao tác theo phiếu thao tác.

4. Khi tiến hành các thao tác phức tạp như đóng điện, thí nghiệm thiết bị mới phải được thực hiện theo phương thức đã được phê duyệt, có sự thống nhất với các đơn vị liên quan và với cấp điều độ có quyền điều khiển tương ứng. Trong đó, chỉ rõ người chịu trách nhiệm toàn bộ quá trình thực hiện thao tác và những công việc đã ghi trong chương trình.

5. Sau khi kết thúc thao tác, nhân viên vận hành phải thực hiện các thủ tục giao nhận thiết bị, ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký vận hành các nội dung sau:

a) Tên phiếu thao tác;

b) Những thay đổi trong sơ đồ rơ le bảo vệ và tự động, đặt hoặc tháo gỡ các tiếp địa di động (chỉ rõ địa điểm đặt hoặc tháo gỡ tiếp địa);

c) Những thay đổi kết dây trên sơ đồ vận hành, các đội công tác đang làm việc hoặc đã kết thúc công tác.

6. Thiết bị điện hoặc đường dây chỉ được đưa vào vận hành sau sửa chữa khi Đơn vị quản lý vận hành khẳng định chắc chắn đã thực hiện các nội dung sau:

a) Tất cả các đơn vị công tác (người và phương tiện) đã rút hết;

b) Đã tháo hết tiếp địa di động;

c) Ghi rõ các nội dung trong phiếu công tác vào sổ nhật ký vận hành;

d) Bàn giao thiết bị bằng lời nói qua điện thoại có ghi âm.

Điều 14. Thực hiện thao tác liên quan đến mạch nhị thứ

1. Trong quá trình thao tác các thiết bị nhất thứ, người thao tác phải tiến hành những thao tác cần thiết đối với thiết bị rơ le bảo vệ và tự động phù hợp với quy trình của đơn vị về vận hành các trang thiết bị đó.

2. Nhân viên vận hành phải thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh thiết bị rơ le bảo vệ có thể tác động nhầm nếu đưa thiết bị điện ra sửa chữa.

3. Cấm thực hiện thao tác đóng điện đường dây hoặc thiết bị điện trong trường hợp tất cả các rơ le bảo vệ chính đều không làm việc.

4. Mạch tự động đóng lại đường dây phải được khóa (chuyển sang vị trí không làm việc) trong thời gian công tác sửa chữa nóng.

5. Mạch khoá liên động (mạch logic) được trang bị để phòng tránh những thao tác nhầm của nhân viên vận hành. Trong trường hợp không thực hiện được 01 (một) thao tác máy cắt hoặc dao cách ly, nhân viên vận hành phải dừng thao tác để kiểm tra:

a) Thao tác đúng hay sai;

b) Vị trí đóng hay cắt của thiết bị có liên quan đến các thao tác đang tiến hành có đúng với mạch khoá liên động không;

c) Mạch khoá liên động có làm việc tốt không. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy có sai sót ở mạch khoá liên động thì phải thông báo ngay cho người ra lệnh thao tác;

d) Nhân viên vận hành không được tự ý tách hoặc cô lập các mạch khoá liên động. Trường hợp cần thay đổi mạch khoá liên động phải được sự đồng ý của lãnh đạo trực tiếp đơn vị hoặc của nhân viên vận hành cấp trên.

Điều 15. Thao tác trong giờ nhu cầu sử dụng điện cao và giao nhận ca

1. Hạn chế thao tác trong giờ có nhu cầu sử dụng điện cao và thời gian giao nhận ca, trừ các trường hợp sau:

a) Xử lý sự cố;

b) Đe dọa an toàn đến người hoặc thiết bị;

c) Cần phải hạn chế phụ tải để ổn định hệ thống điện.

2. Trường hợp thao tác được thực hiện từ trước và kéo dài đến giờ giao nhận ca, nhân viên vận hành ca trước phải lựa chọn hạng mục thao tác để ngừng cho hợp lý và bàn giao cho nhân viên vận hành ca sau tiếp tục thực hiện thao tác. Trong trường hợp thao tác phức tạp, nhân viên vận hành ca trước phải ở lại để thực hiện hết các hạng mục thao tác, chỉ được phép giao ca nếu nhân viên vận hành ca sau đã nắm rõ các bước thao tác tiếp theo và đồng ý nhận ca. Nhân viên vận hành ca sau có trách nhiệm tiếp tục thực hiện thao tác để đảm bảo nhân viên vận hành ca trước không bị quá thời gian làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều 16. Thao tác trong điều kiện thời tiết xấu

1. Không được thực hiện thao tác ngoài trời tại vị trí đặt thiết bị điện trong điều kiện thời tiết xấu (ngoài trời có mưa tạo thành dòng chảy trên thiết bị điện, giông sét, ngập lụt, gió từ cấp 06 trở lên).

2. Cho phép thực hiện các thao tác trong điều kiện thời tiết xấu với điều kiện các thao tác này được thực hiện từ phòng điều khiển và không cần thiết phải kiểm tra ngay trạng thái tại chỗ của thiết bị đóng cắt.

Điều 17. Tạm ngừng thao tác

Cho phép tạm ngừng thao tác trong các trường hợp sau:

1. Thời gian thao tác kéo dài liên tục quá 04 giờ đối với người thao tác trực tiếp tại trạm điện hoặc nhà máy điện. Thời gian tạm ngừng thao tác không được quá 01 giờ. Khi tạm ngừng thao tác, nhân viên vận hành phải đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định về an toàn điện.

2. Thao tác phải thực hiện ngoài trời trong điều kiện thời tiết xấu.

3. Tạm ngừng thao tác cho tới khi xử lý xong sự cố, hiện tượng bất thường trong trường hợp đang thao tác thì xảy ra sự cố hoặc có cảnh báo hiện tượng bất thường tại trạm điện, nhà máy điện hoặc trên hệ thống điện.

Thông tư 44/2014/TT-BCT quy định quy trình thao tác trong hệ thống điện quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành

  • Số hiệu: 44/2014/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/11/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Cao Quốc Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1069 đến số 1070
  • Ngày hiệu lực: 23/01/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH