Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Thông tư 38/2014/TT-BGTVT về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

MỤC 2. YÊU CẦU KỸ THUẬT KHO NHIÊN LIỆU HÀNG KHÔNG

Điều 9. Thiết kế, xây dựng, cải tạo kho nhiên liệu hàng không

1. Kho nhiên liệu hàng không, bể chứa, trạm tiếp nạp, hệ thống đường ống khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa phải được áp dụng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc tiêu chuẩn quốc tế tương đương quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này và phải được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận theo quy định tại Điều 56 của Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT.

2. Việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình, lắp đặt thiết bị của cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay mà có kế hoạch ngừng cung cấp dịch vụ tại đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa trên 24 giờ phải được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận theo quy định tại Điều 33 của Thông tư số 16/2010/TT-BGTVT.

3. Kho nhiên liệu hàng không phải đảm bảo tiếp nhận hết lượng hàng theo kế hoạch đã định và cấp phát liên tục, phục vụ kịp thời nhu cầu kinh doanh, đảm bảo an toàn chất lượng nhiên liệu theo nguyên tắc: bể đang cấp phát thải độc lập hoàn toàn với các bể đang ổn định, chờ cấp phát và bể đang tiếp nhận hoặc chờ tiếp nhận.

4. Kho nhiên liệu hàng không phải có trạm xử lý các chất thải, phải có hệ thống thu gom, xử lý dầu thải, dầu tràn, nước có khả năng nhiễm dầu và phải được xử lý theo quy định về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ.

Điều 10. Bể chứa, bể xả đáy và các thiết bị an toàn

1. Bể chứa nhiên liệu hàng không

a) Bể phải được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về thiết kế bể chứa nhiên liệu hàng không theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Bể phải đảm bảo ngăn chặn được sự xâm nhập của nước và tạp chất; phải có điểm thấp nhất để thu hồi và loại bỏ nước và cặn bẩn. Đường ống nhập và xuất nhiên liệu của bể phải được tách riêng.

c) Lớp phủ, lót bên trong bể: đối với bể kho đầu nguồn, kho trung chuyển thì bên trong bể, tối thiểu phần đáy và 1 m chiều cao thành bể tính từ đáy bể phải được phủ bằng lớp phủ (Coating) màu sáng được chứng nhận phù hợp với nhiên liệu hàng không và đáp ứng theo các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này; đối với bể kho sân bay thì toàn bộ mặt bên trong bể chứa phải được phủ bằng lớp phủ (Coating) màu sáng được chứng nhận phù hợp với nhiên liệu hàng không, bao gồm cả mặt dưới của mái bể.

d) Bể chứa nằm ngang phải được lắp đặt với độ nghiêng liên tục thấp nhất 1:50, đường ống nhập phải đặt ngay trên đáy bể và hướng dòng chảy về rốn xả cặn.

đ) Bể chứa trụ đứng có mái cố định (hoặc có lắp mái phao bên trong) phải có đáy hình nón ngược với độ nghiêng liên tục thấp nhất 1:30 tới rốn lắng cặn, nước tự do ở giữa bể, nước, cặn lắng sẽ được xả ra ngoài thông qua đường ống và van xả đáy. Đường ống nhập phải đặt gần đáy bể chứa để giảm tối đa sự dao động. Trong trường hợp đặc biệt, nếu bể chứa trụ đứng có đáy bằng thì người sử dụng phải có quy trình tăng cường xả cặn nước và kiểm tra độ sạch của bể, đồng thời tăng thời gian ổn định nhiên liệu.

e) Không được phép dùng các chi tiết làm từ hợp kim đồng hoặc cadimi, hoặc mạ cadimi, thép mạ kẽm hoặc vật liệu plastic làm đường ống dẫn, đồng thời không được mạ kẽm ở bề mặt bên trong hệ thống đường ống và bể chứa.

g) Trên thành bể phải niêm yết thông tin tối thiểu sau: Ký hiệu nhận biết (hoặc số thứ tự) của bể, tên nhiên liệu chứa trong bể và các thông tin về ngày tháng kiểm tra, làm sạch bể gần nhất.

h) Đối với các bể mới, bể sau khi sửa chữa, trước khi đưa vào sử dụng phải ngâm, thử nghiệm theo quy trình quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Thiết bị và phụ kiện của bể

a) Danh mục các thiết bị và phụ kiện cơ bản được lắp trên bể chứa nhiên liệu hàng không phải bao gồm: cửa vào bể; lan can; van thở; cầu thang; cửa đo mức nhiên liệu và lấy mẫu; lỗ ánh sáng; ống thông hơi; ống xuất và ống nhập; ống xả nước đáy; ống hút đáy; hệ thống chống sét, chống tích tĩnh điện; thiết bị cứu hỏa và các thiết bị, phụ kiện khác (nếu có). Trên bể chứa phải được lắp các thiết bị bảo đảm an toàn, kiểm tra khác như: hệ thống cảnh báo mức nhiên liệu cao.

c) Bể chứa tại kho của sân bay phải có thiết bị hút nhiên liệu bề mặt, phao và ống hút đi kèm làm bằng thép không gỉ hoặc hợp kim nhôm. Đối với các bể trụ nằm ngang chứa nhiên liệu hàng không có dung tích nhỏ hơn 50 m3, phải trang bị thiết bị hút nhiên liệu lớp mặt hoặc điểm đặt đường ống xuất nhiên liệu tại đầu cao của bể phải cách đáy tối thiểu 15 cm.

d) Chu kỳ kiểm tra các thiết bị và phụ kiện của bể: Được thực hiện theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Kết quả kiểm tra phải được ghi và lưu lại đầy đủ.

3. Bể xả đáy: Bằng thép không gỉ hoặc bên trong bể được tráng phủ, có van tự đóng nhanh (kiểu lò xo hoặc tương đương) ở cửa vào bể xả đáy, đáy của bể xả là hình nón ngược có van xả đáy, và có lắp bơm hồi lưu để đẩy sản phẩm về bể chứa. Bể phải có dung tích ít nhất là 200 lít. Bể xả đáy cần có sự tương quan về kích thước với bể chứa, việc thiết kế phải đảm bảo nước không tích tụ trong đường ống xả; hàng quý, phải thực hiện kiểm tra về độ sạch và tình trạng bể xả đáy. Việc vệ sinh và sửa chữa lớp tráng phủ bên trong bể phải được thực hiện khi bể bẩn hoặc lớp tráng phủ bị bong tróc.

4. Bể chứa nhiên liệu hàng không dự định tái sử dụng

a) Nhiên liệu dự định tái sử dụng chỉ được sử dụng làm nhiên liệu hàng không sau khi đã tiến hành phép thử Kiểm tra lại, kết quả phải đáp ứng theo tiêu chuẩn nhiên liệu hàng không và không bị nhiễm bẩn.

b) Bể chứa nhiên liệu hàng không dự định tái sử dụng nếu được lắp đặt để thu hồi nhiên liệu được xả ra trong quá trình kiểm tra chất lượng khi tiếp nhận, cấp phát, bảo quản, hiệu chỉnh, sửa chữa các trang thiết bị, hút nhiên liệu từ tàu bay phải ghi rõ “bể chứa nhiên liệu hàng không dự định tái sử dụng”. Bể chứa nhiên liệu dự định tái sử dụng phải đáp ứng: có đáy dốc (tối thiểu 1:30) để xả hoặc bơm hết nước và tạp chất tại rốn bể. Rốn bể phải được bố trí tại điểm thấp nhất của bể để xả và bơm hút nước và tạp chất; bằng thép không gỉ hoặc thép carbon, bên trong tráng phủ bằng một lớp phủ epoxy màu sáng; được thiết kế để tránh sự xâm nhập của nước và các tạp chất; có thiết bị chống tràn; quan sát bằng mắt để kiểm tra tình trạng của bể và phải làm vệ sinh theo định kỳ.

Điều 11. Hệ thống công nghệ kho nhiên liệu hàng không

1. Kho nhiên liệu hàng không phải có sơ đồ bố trí vị trí bể chứa, trạm tiếp nhận, trạm cấp phát, hệ thống đường ống cung cấp nhiên liệu, ký hiệu nhận biết các van. Sơ đồ này phải được đặt tại những nơi dễ quan sát.

2. Đường ống công nghệ trong kho

a) Đường ống công nghệ trong kho phải được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế kho xăng dầu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Mỗi chủng loại nhiên liệu hàng không phải được bơm chuyển trong một hệ thống đường ống riêng biệt, độc lập và độc lập với các loại nhiên liệu khác (nếu có) được bảo quản trong kho. Trong trường hợp dùng chung đường ống xuất nhập với sản phẩm Kerosin, phải tiến hành bơm xả hết Kerosin trước khi xuất nhập nhiên liệu hàng không.

c) Đối với một chủng loại nhiên liệu, hệ thống đường ống công nghệ nhập, xuất phải độc lập nhau, trên đường ống phải ghi tên nhiên liệu và mũi tên chỉ hướng dòng chảy nhiên liệu trong đường ống theo mã màu EI và phải có cầu nối truyền tĩnh điện tại các vị trí nối ống bằng mặt bích.

d) Đối với kho nhiên liệu sân bay địa phương hiện đang sử dụng chung một đoạn ống để tiếp nhận và cấp phát: người sử dụng phải có kế hoạch để nâng cấp đường ống; trong khi chưa cải tạo được đường ống, phải tăng cường kiểm tra chất lượng nhiên liệu trong đoạn ống chung bằng cách bơm vào xe tra nạp một số lượng bằng số lượng nhiên liệu của đoạn ống chung, dừng bơm, lấy mẫu nhiên liệu trên xe để kiểm tra trực quan và kiểm tra đối chứng. Trường hợp kết quả kiểm tra mẫu đạt yêu cầu, cho phép tiếp tục cấp phát nhiên liệu đầy xe để tra nạp cho tàu bay. Trường hợp kết quả kiểm tra mẫu không đạt yêu cầu thì không cho phép tiếp tục cấp phát nhiên liệu vào xe, đồng thời số lượng nhiên liệu trên xe phải xả hết ra để cách ly trước khi cấp phát nhiên liệu từ bể vào xe để tra nạp cho tàu bay.

3. Khu vực tiếp nhận cấp phát nhiên liệu

a) Khu vực tiếp nhận nhiên liệu từ xe ô tô xi téc, khu cấp phát nhiên liệu cho xe xi téc vận chuyển, xe tra nạp phải được thiết kế phù hợp với thiết kế kho xăng dầu.

b) Tại mỗi giàn tiếp nhận, cấp phát phải có hệ thống chống sét và cầu nối truyền tĩnh điện. Khớp nối giữa ống tại giàn tiếp nhận và ống xả đáy của xi téc phải kín, không được rò chảy.

c) Khi cấp phát nhiên liệu cho xe tra nạp bằng phương pháp nạp kín (nạp đáy), hệ thống an toàn của xe và máy bơm cấp phát phải hoạt động tốt, đảm bảo không bị rò, chảy hoặc tràn nhiên liệu.

d) Những kho không có hệ thống nạp kín thì cho phép nạp nhiên liệu vào xe tra nạp qua cổ xi téc (nạp hở) nhưng phải đảm bảo không để tạp chất và nước có thể xâm nhập vào xi téc.

đ) Mặt bằng khu vực tiếp nhận, cấp phát phải có độ dốc dương, nước lẫn nhiên liệu được chảy xuống đường ống gom nước thải.

4. Trạm bơm nhiên liệu

a) Trạm bơm nhiên liệu phải được thiết kế phù hợp với thiết kế kho xăng dầu. Mỗi chủng loại nhiên liệu hàng không phải có một hoặc một nhóm máy bơm nhập, máy bơm xuất độc lập nhau và độc lập với các máy bơm nhiên liệu khác.

b) Hệ thống công nghệ nhập, xuất phải độc lập nhau. Số lượng máy bơm nhập và xuất phải được tính toán theo nhu cầu nhập, xuất cụ thể của từng kho và phải có máy bơm dự phòng.

c) Động cơ điện của máy bơm, hệ thống điện trong nhà bơm, trong kho phải đáp ứng theo quy định đối với kho xăng dầu.

d) Hệ thống điều khiển bơm đường ống tra nạp ngầm: máy bơm đường ống tra nạp ngầm phải được điều khiển bằng hệ thống tự động để đảm bảo hệ thống đường ống ngầm đáp ứng tại mọi thời điểm; máy bơm đường ống tra nạp ngầm, PLC, chuông cảnh báo, hệ thống phát hiện dò chảy và van khống chế áp suất hút dòng tuần hoàn phải được bảo dưỡng phù hợp với các yêu cầu của các nhà sản xuất.

e) Các máy bơm phải đặt trong khu vực riêng thích hợp, hệ thống báo động cần được kiểm tra mỗi năm một lần.

5. Đường ống tra nạp ngầm

a) Toàn bộ các đường ống của hệ thống tra nạp ngầm, và các đường ống dẫn dài, phải hợp nhất ở các vị trí thấp để dễ dàng loại bỏ nước và tạp chất.

b) Toàn bộ các đường ống mới của hệ thống tra nạp ngầm phải được phủ bên trong bằng vật liệu epoxy, loại được chứng nhận là phù hợp với các loại nhiên liệu hàng không.

c) Ở các vị trí bắt buộc phải đặt ống ngầm, thì đường ống đó phải được bọc trong các ống bảo vệ, máng hoặc các đường hào chứa đầy cát. Tất cả các đường ống đặt ngầm phải được thử áp suất phù hợp theo các yêu cầu quy định tại Điều 38 của Thông tư này.

Điều 12. Thiết bị lọc nhiên liệu

1. Các kho nhiên liệu đầu nguồn, kho trung chuyển, kho sân bay và trên hệ thống công nghệ xuất nhập của kho phải có thiết bị lọc nhiên liệu theo tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đối với nhiên liệu Jet A-1

a) Tại các kho đầu nguồn, kho trung chuyển: Tại các nơi cấp nhiên liệu cho xe ô tô và tại đầu vào của đường ống vận chuyển phải lắp lưới lọc với ít nhất 200 mắt/inch2 (60micron). Khi vận chuyển nhiên liệu thẳng từ kho đầu nguồn tới kho sân bay thì tiêu chuẩn lọc tối thiểu phải là thiết bị lọc tĩnh (Microfilter) hoặc thiết bị lọc, tách (Pilter/ Separator) theo tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Tại kho sân bay: Hệ thống công nghệ nhập nhiên liệu phải lắp thiết bị lọc, tách (Filter/ Separator) tại vị trí gần bể tiếp nhận. Hệ thống công nghệ xuất nhiên liệu (xuất cho xe vận chuyển, xe tra nạp, xuất vào hệ thống tra nạp ngầm) phải lắp thiết bị lọc, tách (Filter/ Separator) tại vị trí gần điểm cấp phát. Có thể lắp đặt một thiết bị lọc tinh trước thiết bị lọc, tách để loại bỏ tạp chất rắn và kéo dài tuổi thọ của các lõi lọc kết tụ lắp trong thiết bị lọc/ tách nước. Tiêu chuẩn của thiết bị lọc tinh và thiết bị lọc, tách quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Khi cần phải cung cấp nhiên liệu phản lực có pha phụ gia ức chế đóng băng (FSII), được phép sử dụng thiết bị lọc, tách nước loại M hoặc M100 theo EI 1581, phiên bản 5. Việc cho phụ gia (DIEGME) sau lọc là phương pháp được lựa chọn cho việc nạp nhiên liệu phản lực có FSII lên tàu bay. Thiết bị lọc hấp thụ không được sử dụng với nhiên liệu chứa FSII.

c) Đối với kho sân bay địa phương hiện đang sử dụng một lọc cho cả tiếp nhận và cấp phát cho xe tra nạp: Thiết bị lọc phải đáp ứng tiêu chuẩn EI 1581, phiên bản hiện hành, người sử dụng phải có biện pháp tăng cường công tác kiểm tra đảm bảo chất lượng.

3. Đối với xăng tàu bay (Avgas) phải lắp thiết bị lọc, tách (Filter/ Separator) trên hệ thống công nghệ nhập, xuất xăng tàu bay. Tiêu chuẩn của thiết bị lọc, tách quy định tại Phụ lục IIPhụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Các thiết bị lọc nhiên liệu hàng không phải được kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế lõi lọc theo khuyến cáo của nhà sản xuất và theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Trong trường hợp bắt buộc phải nhập, xuất nhiên liệu Jet A-l không có phụ gia chống tĩnh điện thì phải điều chỉnh lưu lượng bơm tiếp nhận, cấp phát sao cho thời gian di chuyển nhiên liệu từ bộ lọc đến điểm tiếp nhận, cấp phát tối thiểu 30 giây hoặc phải giảm 50 % lưu lượng bơm.

Thông tư 38/2014/TT-BGTVT về bảo đảm kỹ thuật nhiên liệu hàng không tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 38/2014/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/09/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: 02/10/2014
  • Số công báo: Từ số 889 đến số 890
  • Ngày hiệu lực: 01/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH