Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 3 Thông tư 30/2012/TT-BKHCN quy định yêu cầu về an toàn hạt nhân đối với thiết kế nhà máy điện hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Mục 2. HỆ THỐNG LÀM MÁT LÒ PHẢN ỨNG

Điều 34. Yêu cầu đối với hệ thống làm mát lò phản ứng

1. Các bộ phận của hệ thống làm mát lò phản ứng phải yêu cầu về chất lượng thiết kế, chế tạo; về chất lượng vật liệu và yêu cầu về kiểm tra trong quá trình vận hành.

2. Đường ống nối ở biên chịu áp chất làm mát phải được thiết kế, chế tạo phù hợp để ngăn ngừa chất làm mát rò rỉ qua các tiếp nối, không làm phát tán chất làm mát có chứa phóng xạ.

3. Không để phát sinh các vết nứt và kịp thời phát hiện vết nứt khi chúng xuất hiện; không để các vết nứt tự phát triển khi chúng xảy ra.

4. Không để các bộ phận của biên chịu áp chất làm mát bị giòn do biến tính vật liệu.

5. Không để hư hỏng của một bộ phận bên trong biên chịu áp chất làm mát, như hư hỏng cánh quạt máy bơm, van, dẫn tới phá hủy các bộ phận khác quan trọng về an toàn trong tất cả các trạng thái vận hành và khi có sự cố có tính tới sự suy giảm chất lượng của chúng.

Điều 35. Bảo vệ quá áp cho biên chịu áp chất làm mát

Bảo đảm hoạt động của các thiết bị giảm áp để bảo vệ chống lại sự quá áp tại mọi vị trí của biên chịu áp chất làm mát, không gây phát tán phóng xạ từ NMĐHN trực tiếp ra môi trường.

Điều 36. Kiểm soát chất làm mát lò phản ứng

1. Kiểm soát lượng, nhiệt độ và áp suất của chất làm mát lò phản ứng để bảo đảm không vượt quá giới hạn thiết kế ở tất cả các trạng thái vận hành của NMĐHN có tính đến sự thay đổi về thể tích và rò rỉ chất làm mát.

2. Có hệ thống loại bỏ sản phẩm ăn mòn bị kích hoạt và sản phẩm phân hạch thoát ra từ nhiên liệu.

3. Khả năng của hệ thống nêu tại Khoản 2 Điều này phải dựa trên các giới hạn thiết kế về mức rò rỉ đối với nhiên liệu với đủ độ dự trữ để bảo đảm hoạt độ phóng xạ trong vòng sơ cấp là thấp; bảo đảm phát thải phóng xạ dưới giới hạn cho phép và tuân thủ nguyên lý ALARA.

Điều 37. Tải nhiệt dư từ vùng hoạt lò phản ứng

Phải có phương thức tải nhiệt dư từ vùng hoạt lò phản ứng trong trạng thái dừng lò bảo đảm giới hạn thiết kế đối với nhiên liệu, biên chịu áp chất làm mát và các cấu trúc quan trọng về an toàn.

Điều 38. Làm mát khẩn cấp vùng hoạt lò phản ứng

1. Có phương thức làm mát vùng hoạt, khôi phục và duy trì làm mát nhiên liệu trong tình trạng sự cố kể cả khi không duy trì được tính toàn vẹn của biên chịu áp chất làm mát.

2. Phương thức làm mát quy định tại Khoản 1 Điều này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Các tham số giới hạn liên quan tới tính toàn vẹn của vỏ nhiên liệu không bị vượt quá;

b) Các phản ứng hóa học được giữ ở mức chấp nhận được;

c) Phương thức làm mát vùng hoạt có hiệu quả, khắc phục được những thay đổi của nhiên liệu và hình học bên trong vùng hoạt;

d) Việc làm mát vùng hoạt được bảo đảm đủ trong thời gian cần thiết.

3. Có hệ thống phát hiện rò rỉ, các bộ phận kết nối, cách ly và có tính dự phòng, đa dạng phù hợp để thực hiện các yêu cầu theo quy định tại Khoản 2 Điều này với độ tin cậy cao cho mỗi sự cố khởi phát giả định.

Điều 39. Tải nhiệt tới môi trường tản nhiệt cuối cùng

Phải có hệ thống tải nhiệt dư từ các hạng mục quan trọng về an toàn tới môi trường tản nhiệt cuối cùng với độ tin cậy cao ở tất cả các trạng thái NMĐHN.

Thông tư 30/2012/TT-BKHCN quy định yêu cầu về an toàn hạt nhân đối với thiết kế nhà máy điện hạt nhân do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 30/2012/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/12/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đình Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 39 đến số 40
  • Ngày hiệu lực: 11/02/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH