Mục 5 Chương 2 Thông tư 205/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Mục 5. THU NHẬP TỪ LÃI TIỀN CHO VAY
Điều 18. Định nghĩa lãi từ tiền cho vay
Theo quy định tại Hiệp định, “lãi từ tiền cho vay” là thu nhập từ các khoản cho vay dưới bất kỳ hình thức nào, có hoặc không được đảm bảo bằng thế chấp và có hoặc không có quyền được hưởng lợi tức của người đi vay, bao gồm cả khoản thu nhập từ chứng khoán của Chính phủ và thu nhập từ trái phiếu hoặc trái phiếu thông thường, bao gồm cả tiền thưởng và giải thưởng đi liền với các chứng khoán, trái phiếu hoặc trái phiếu thông thường đó.
Điều 19. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ lãi tiền cho vay
1. Theo quy định tại Hiệp định, Việt Nam có quyền thu thuế đối với lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam trả cho một đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam theo một thuế suất giới hạn (thường không quá 10%) tùy theo từng Hiệp định, với điều kiện đối tượng nhận là đối tượng thực hưởng.
Lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam là các khoản lãi từ tiền cho vay do bất cứ một đối tượng cư trú nào của Việt Nam chịu và phải trả, kể cả các khoản lãi được chịu và phải trả bởi Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chính quyền địa phương Việt Nam hoặc các cơ sở thường trú hoặc cơ sở cố định của một đối tượng cư trú nước ngoài có tại Việt Nam.
Ví dụ 27: Chi nhánh ngân hàng QT là chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam của ngân hàng Q của Thái Lan chi trả cho ngân hàng Q một khoản lãi tiền cho vay. Do chi nhánh QT là một cơ sở thường trú của ngân hàng Q tại Việt Nam, nên theo quy định của Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan, khoản tiền lãi này coi như phát sinh tại Việt Nam và phải chịu thuế tại Việt Nam với mức thuế suất 10% (Khoản 2.a, Điều 11: Lãi từ tiền cho vay). Tuy nhiên, do mức thuế suất đối với thu nhập từ lãi tiền cho vay hiện nay của Việt Nam trong trường hợp này là 5% nên khoản tiền lãi này chỉ chịu thuế tại Việt Nam với mức thuế suất 5%.
2. Trường hợp một đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam thì Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có quyền đánh thuế tại nguồn thu nhập đó theo quy định tại Khoản 1 nêu trên và Việt Nam cũng có quyền thu thuế đối với thu nhập này theo quy định tại pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam, nhưng đồng thời Việt Nam phải thực hiện các biện pháp tránh đánh thuế hai lần đối với khoản thu nhập này (quy định tại Chương III. Biện pháp tránh đánh thuế hai lần tại Việt Nam của Thông tư này).
3. Trường hợp pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam không quy định việc thu thuế thu nhập đối với loại thu nhập này hoặc thu thuế với một mức thuế suất thấp hơn quy định tại Hiệp định thì đối tượng có thu nhập sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế theo các quy định tại pháp luật hiện hành về thuế ở Việt Nam.
Ví dụ 28: Cũng với Ví dụ 27 như trên, nhưng giả sử khoản lãi từ tiền cho vay được chi trả cho một đối tượng cư trú là cá nhân ở Thái Lan. Mặc dù theo Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan (Khoản 2.b, Điều 11: Lãi từ tiền cho vay), Việt Nam có quyền thu thuế đối với khoản tiền lãi này với thuế suất 15%. Nhưng theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam, mức thuế suất áp dụng là 5%. Do đó, Việt Nam chỉ thu thuế với mức thuế suất 5% thay vì 15%.
Điều 20. Xác định đối tượng thực hưởng Hiệp định đối với thu nhập từ lãi tiền cho vay
Theo quy định tại Hiệp định, các quy định về thuế đối với thu nhập từ lãi tiền cho vay chỉ áp dụng đối với các đối tượng trực tiếp cho vay, trực tiếp nhận lãi từ tiền cho vay và đồng thời là đối tượng thực hưởng các khoản lãi từ tiền cho vay đó - nghĩa là người cho vay.
Ví dụ 29: Một công ty Việt Nam ký hợp đồng vay vốn với Ngân hàng H của Hàn Quốc. Theo quy định của hợp đồng, công ty Việt Nam nhận được vốn vay từ và trả cả vốn và lãi tiền vay cho Ngân hàng H vào một tài khoản của Ngân hàng H mở tại Ngân hàng C ở nước C. Trong trường hợp này, người thực hưởng tiền lãi là Ngân hàng H của Hàn Quốc bất kể nước C có Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam hay không.
Ví dụ 30: Công ty A cư trú tại Việt Nam ký Hợp đồng vay vốn với Ngân hàng C ở nước X, Ngân hàng D ở nước Y và Ngân hàng E ở nước Z và vốn vay được chuyển trực tiếp từ tài khoản của các ngân hàng này cho Công ty A. Trong đó, nước X và Y có ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam. Công ty A có thể trả lãi vay theo các cách như sau: (i) Công ty A chuyển trả lãi tiền vay trực tiếp cho từng Ngân hàng C, D và E tương ứng với tỷ lệ góp vốn; hoặc (ii) Công ty A chuyển trả toàn bộ lãi tiền vay cho Ngân hàng C, sau đó việc chia lại lãi do thỏa thuận của các bên cho vay (Ngân hàng C, D và E). Trong trường hợp này, khoản trả lãi tiền vay cho khoản vay hợp vốn của Ngân hàng C và D của trường hợp (i) và Ngân hàng C của trường hợp (ii) sẽ được áp dụng Hiệp định.
Ví dụ 31: Giả sử với Ví dụ 30 nêu trên, Công ty A trả lãi vay theo cách thức thứ (iii) như sau: Công ty A chuyển trả toàn bộ lãi tiền vay cho ngân hàng E, sau đó việc chia lại lãi do thỏa thuận của các bên cho vay (Ngân hàng C, D và E). Trong trường hợp này, các Ngân hàng C, D và E không thuộc diện được áp dụng Hiệp định.
Ngoài một số trường hợp không được hưởng lợi Hiệp định theo quy định tại Điều 6. Một số trường hợp từ chối áp dụng Hiệp định trên cơ sở nguyên tắc hưởng lợi Hiệp định, các mức thuế suất giảm hoặc việc miễn thuế đối với thu nhập từ lãi tiền cho vay quy định tại Hiệp định sẽ không áp dụng đối với:
1. Đối tượng nhận khoản thanh toán lãi từ tiền cho vay nhưng không phải là người cho vay.
Ví dụ 32: Một công ty Việt Nam trả lãi tiền vay cho ngân hàng C của Thái Lan. Theo yêu cầu của ngân hàng này, số lãi tiền vay này được chuyển cho ngân hàng P của Pháp có trụ sở chính tại Pa-ri. Trong trường hợp này, người thực hưởng tiền lãi là ngân hàng C của Thái Lan, không phải ngân hàng P của Pháp. Do đó, ngân hàng P không có quyền yêu cầu áp dụng các quy định tại Hiệp định giữa Việt Nam và Pháp đối với khoản lãi từ tiền cho vay này.
2. Lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam trả cho một cơ sở thường trú đặt tại Việt Nam của một đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.
Ví dụ 33: Một công ty Việt Nam trả lãi tiền vay cho Chi nhánh ngân hàng nước ngoài V tại Việt Nam của ngân hàng nước ngoài C là đối tượng cư trú của Thái Lan. Trong trường hợp này, khoản lãi từ tiền cho vay nhận được bởi Chi nhánh ngân hàng nước ngoài V được coi như thu nhập kinh doanh thông thường (không phải thu nhập từ lãi tiền cho vay) của Chi nhánh ngân hàng nước ngoài V tại Việt Nam theo quy định của Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan.
3. Lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam trả cho một cơ sở thường trú của một công ty khác của Việt Nam đặt tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.
Ví dụ 34: Ngân hàng V của Việt Nam có một chi nhánh VC tại nước L là Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam. Theo luật của nước L, chi nhánh VC được coi là một cơ sở thường trú của Ngân hàng V tại nước đó. Chi nhánh VC cho một công ty tại Việt Nam vay tiền và nhận được khoản lãi từ tiền cho vay. Trong trường hợp này, các quy định về thuế đối với lãi từ tiền cho vay tại Hiệp định giữa Việt Nam và L sẽ không được áp dụng.
4. Lãi từ tiền cho vay phát sinh tại Việt Nam trả cho một cơ sở thường trú của một doanh nghiệp của nước thứ ba có tại Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam.
Ví dụ 35: Một công ty Việt Nam trả lãi tiền vay cho Chi nhánh ngân hàng N tại nước N của ngân hàng C là đối tượng cư trú của Thái Lan. Trong trường hợp này, khoản lãi tiền vay nhận được bởi Chi nhánh ngân hàng N không được áp dụng các quy định của Hiệp định giữa Việt Nam và Thái Lan.
5. Tiền cho vay không được chuyển trực tiếp từ tài khoản của bên cho vay là đối tượng cư trú của Nước ký Hiệp định với Việt Nam.
Ví dụ 36: Giả sử với Ví dụ 30 nêu trên, toàn bộ số tiền cho vay theo Hợp đồng được chuyển cho Công ty A từ tài khoản của Ngân hàng E; khi đó, khoản lãi tiền vay phát sinh trên số tiền cho vay này sẽ không thuộc diện áp dụng Hiệp định.
Các quy định về thuế đối với thu nhập từ lãi từ tiền cho vay như trên được nêu tại Điều khoản Lãi từ tiền cho vay (thường là Điều 11) của Hiệp định.
Thông tư 205/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- Số hiệu: 205/2013/TT-BTC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 24/12/2013
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 127 đến số 128
- Ngày hiệu lực: 06/02/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Đối tượng áp dụng
- Điều 2. Các loại thuế áp dụng
- Điều 3. Miễn trừ đối với các thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự
- Điều 4. Nguyên tắc áp dụng Hiệp định
- Điều 5. Áp dụng Hiệp định, luật thuế và các luật có liên quan
- Điều 6. Một số trường hợp từ chối áp dụng Hiệp định trên cơ sở nguyên tắc hưởng lợi Hiệp định
- Điều 7. Thủ tục giải quyết khiếu nại theo Hiệp định
- Điều 10. Định nghĩa thu nhập từ hoạt động kinh doanh
- Điều 11. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh
- Điều 12. Định nghĩa vận tải quốc tế
- Điều 13. Xác định đối tượng thực hưởng Hiệp định đối với thu nhập từ vận tải quốc tế
- Điều 14. Xác định thu nhập từ vận tải quốc tế
- Điều 15. Định nghĩa tiền lãi cổ phần
- Điều 16. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ tiền lãi cổ phần
- Điều 17. Xác định đối tượng thực hưởng Hiệp định đối với thu nhập từ tiền lãi cổ phần
- Điều 18. Định nghĩa lãi từ tiền cho vay
- Điều 19. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ lãi tiền cho vay
- Điều 20. Xác định đối tượng thực hưởng Hiệp định đối với thu nhập từ lãi tiền cho vay
- Điều 21. Định nghĩa tiền bản quyền
- Điều 22. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ tiền bản quyền
- Điều 23. Xác định đối tượng thực hưởng Hiệp định đối với thu nhập từ tiền bản quyền
- Điều 24. Định nghĩa phí dịch vụ kỹ thuật
- Điều 25. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ dịch vụ kỹ thuật
- Điều 26. Định nghĩa thu nhập từ chuyển nhượng tài sản
- Điều 27. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng tài sản
- Điều 28. Định nghĩa thu nhập từ hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập
- Điều 29. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập
- Điều 30. Định nghĩa thu nhập từ dịch vụ cá nhân phụ thuộc
- Điều 31. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ dịch vụ cá nhân phụ thuộc
- Điều 32. Định nghĩa thu nhập từ thù lao giám đốc
- Điều 33. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ thù lao giám đốc
- Điều 34. Định nghĩa thu nhập từ các hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ và vận động viên
- Điều 35. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ các hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ và vận động viên
- Điều 36. Định nghĩa thu nhập từ tiền lương hưu
- Điều 37. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ tiền lương hưu
- Điều 38. Định nghĩa thu nhập từ hoạt động phục vụ Chính phủ
- Điều 39. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập tiền lương từ hoạt động phục vụ Chính phủ
- Điều 40. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập tiền lương hưu từ hoạt động phục vụ Chính phủ
- Điều 41. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập tiền lương và tiền lương hưu từ hoạt động kinh doanh của Chính phủ
- Điều 42. Định nghĩa thu nhập của sinh viên, thực tập sinh và học sinh học nghề
- Điều 43. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập của sinh viên, thực tập sinh và học sinh học nghề
- Điều 44. Định nghĩa thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu
- Điều 45. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập của giáo viên, giáo sư và người nghiên cứu
- Điều 48. Biện pháp khấu trừ thuế
- Điều 49. Biện pháp khấu trừ số thuế khoán
- Điều 50. Biện pháp khấu trừ gián tiếp