Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 143/2023/TT-BQP quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nguyên tắc, thời hiệu, thời hạn; hình thức và thẩm quyền xử lý kỷ luật; hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật; trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ (sau đây, gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng); các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu của Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (gọi tắt là người làm việc trong tổ chức cơ yếu).

3. Lao động hợp đồng đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ.

4. Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

5. Dân quân, tự vệ phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đang đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội, trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật.

6. Học viên đào tạo sĩ quan dự bị tại các cơ sở đào tạo trong Quân đội; công dân được trưng tập vào phục vụ trong Quân đội.

7. Người thôi phục vụ trong Quân đội, thôi làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ nhưng vi phạm kỷ luật trong thời gian tại ngũ, làm việc đến mức phải xử lý kỷ luật.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người vi phạm: Là người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội mà theo quy định của Thông tư này và văn bản pháp luật có liên quan phải bị xử lý kỷ luật.

2. Tình trạng mất năng lực hành vi dân sự: Là tình trạng của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình.

3. Phòng vệ chính đáng: Là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

4. Tình thế cấp thiết: Là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

5. Điều kiện bất khả kháng: Là điều kiện mà trong đó do hoàn cảnh khách quan người có hành vi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

6. Vi phạm kỷ luật nghiêm trọng: Là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn; gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của Quân đội và của cơ quan, đơn vị, tổ chức.

7. Lưu học sinh quân sự, lưu học sinh cơ yếu: Là học viên được Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài để phục vụ Quân đội, phục vụ ngành cơ yếu.

8. Lưu học sinh quân sự, lưu học sinh cơ yếu không về nước theo quy định: Là về nước chậm từ 15 ngày trở lên kể từ ngày hết hạn học tập theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ mà không được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc không có lý do chính đáng.

9. Vắng mặt trái phép: Là hành vi vắng mặt ở đơn vị dưới 24 (hai bốn) giờ từ 02 lần trở lên hoặc từ 24 (hai bốn) giờ đến 72 giờ (ba ngày) đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; dưới 24 (hai bốn) giờ từ 02 lần trở lên hoặc từ 24 (hai bốn) giờ đến 168 giờ (07 ngày) đối với hạ sĩ quan, binh sĩ mà không được phép của người chỉ huy có thẩm quyền.

10. Đào ngũ: Là hành vi tự ý rời khỏi đơn vị quá 03 (ba) ngày đối với sĩ quan, quân nhân chuyển nghiệp, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng; quá 07 (bảy) ngày đối với hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không thuộc các trường hợp được quy định tại Bộ luật hình sự.

11. Thời hiệu xử lý kỷ luật: Là thời hạn quy định mà khi hết thời hạn đó người có hành vi vi phạm không bị kỷ luật.

12. Thời hạn xử lý kỷ luật: Là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm hoặc từ khi cấp có thẩm quyền kết luận có hành vi vi phạm đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

13. Hạ bậc lương: Là hạ bậc có hệ số lương cao hơn xuống bậc có hệ số lương thấp hơn đối với sĩ quan được nâng lương và các đối tượng hưởng lương khác quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

1. Mọi vi phạm kỷ luật khi được phát hiện phải ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh; hậu quả do vi phạm kỷ luật gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

2. Mỗi hành vi vi phạm kỷ luật chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật; trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu người vi phạm từ 02 hành vi vi phạm trở lên thì phải xem xét, kết luận về từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm. Trường hợp xử lý nhiều hình thức kỷ luật, do cấp có thẩm quyền quyết định.

3. Việc xử lý kỷ luật phải bảo đảm khách quan, công bằng, nghiêm minh, chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; đúng quy định của pháp luật; đồng bộ giữa kỷ luật Quân đội với kỷ luật về Đảng; kỷ luật Quân đội không thấp hơn kỷ luật về Đảng; kỷ luật Quân đội không thay thế kỷ luật về Đảng, kỷ luật của đoàn thể và ngược lại.

4. Việc xử lý vi phạm kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, thái độ tiếp thu sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, hậu quả vi phạm đã gây ra.

5. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hành vi vi phạm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật; không áp dụng các hình thức kỷ luật khác thay cho hình thức kỷ luật được quy định tại Thông tư này.

6. Không xử lý kỷ luật tập thể đối với cơ quan, đơn vị vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước hoặc có nhiều người vi phạm kỷ luật; chỉ xem xét xử lý kỷ luật thuộc về trách nhiệm của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên (sau đây gọi chung là người chỉ huy) và từng cá nhân vi phạm.

7. Không áp dụng hình thức kỷ luật giáng cấp bậc quân hàm đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang giữ cấp bậc quân hàm thiếu úy, binh sĩ giữ cấp bậc quân hàm binh nhì; không áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức, cách chức đối với người vi phạm không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý; không áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với sĩ quan chưa được nâng lương; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang hưởng lương Bậc 1.

8. Khi xử lý kỷ luật, ngoài hình thức kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm, nếu vi phạm gây thiệt hại về vật chất, người vi phạm còn phải bồi thường. Tài sản, tiền, vật chất do hành vi vi phạm mà có phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

9. Người chỉ huy các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của quân nhân thuộc quyên; tùy tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra của vụ việc và mức độ liên quan đến trách nhiệm của người chỉ huy trực tiếp và trên một cấp để xác định hình thức kỷ luật theo quy định tại Thông tư này.

10. Không chuyển công tác đối với người bị phát hiện có hành vi vi phạm chưa được xử lý theo quy định. Người thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, đơn vị không giảm quân số quản lý mà chuyển hồ sơ vi phạm sang cơ quan điều tra trong Quân đội để xử lý theo quy định của pháp luật; trường hợp bị tòa án xét xử và tuyên phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì chỉ giải quyết chế độ, chính sách sau khi bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật và đã xử lý hình thức kỷ luật tương ứng quy định tại Thông tư này.

Điều 5. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

1. Tình tiết giảm nhẹ

a) Người vi phạm kỷ luật đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại;

b) Người vi phạm kỷ luật đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm kỷ luật;

c) Vi phạm kỷ luật do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần; vi phạm trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;

d) Có nhiều thành tích trong học tập, công tác, lao động, sản xuất, chiến đấu.

2. Tình tiết tăng nặng

a) Vi phạm kỷ luật nhiều làn hoặc tái phạm;

b) Ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất hoặc tinh thần thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm kỷ luật;

d) Tiếp tục vi phạm kỷ luật mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đó;

đ) Sau khi vi phạm kỷ luật đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm kỷ luật.

3. Tình tiết quy định tại khoản 2 Điều này đã được quy định là hành vi vi phạm kỷ luật thì không được coi là tình tiết tăng nặng.

Điều 6. Trường hợp chưa xem xét kỷ luật và miễn trách nhiệm kỷ luật

1. Trường hợp chưa xem xét kỷ luật

a) Trong thời gian nghỉ theo chế độ quy định (trừ trường hợp nghỉ chuẩn bị hưu);

b) Trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ sở quân y cấp trung đoàn trở lên hoặc bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến huyện trở lên;

c) Phụ nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ chế độ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản yêu cầu được xem xét xử lý kỷ luật;

d) Đang trong thời gian chờ kết quả giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.

2. Trường hợp miễn trách nhiệm kỷ luật

a) Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội;

b) Vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội trong trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, do điều kiện bất khả kháng;

c) Vi phạm do chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cấp trên hoặc phân công nhiệm vụ của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.

Điều 7. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật

a) Thời hiệu xử lý kỷ luật khiển trách là 5 năm; cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, giáng cấp bậc quân hàm là 10 năm kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hiệu xử lý kỷ luật, người vi phạm có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới

Đối với hành vi vi phạm xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm chấm dứt;

Đối với hành vi vi phạm chưa chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện;

Đối với hành vi vi phạm không xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm có kết luận của cấp có thẩm quyền.

b) Không áp dụng thời hiệu đối với: Hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật tước quân hàm sĩ quan, tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc; hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, hành vi vi phạm xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; hành vi vi phạm việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp; quân nhân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

2. Thời hạn xử lý kỷ luật

Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 150 ngày.

3. Không tính vào thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với:

a) Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với các trường hợp tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này;

b) Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có). Khi có kết luận cuối cùng của cơ quan pháp luật có thẩm quyền hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì xem xét xử lý kỷ luật theo quy định;

c) Thời gian thực hiện khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án về quyết định xử lý kỷ luật cho đến khi ra quyết định xử lý kỷ luật thay thế theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

4. Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải chịu trách nhiệm về việc xử lý kỷ luật đối với người vi phạm trong thời hạn quy định. Nếu hết thời hạn xử lý kỷ luật mà chưa ban hành quyết định xử lý kỷ luật thì chịu trách nhiệm về việc chậm ban hành và phải ban hành quyết định xử lý kỷ luật nếu hành vi vi phạm còn trong thời hiệu.

Điều 8. Khiếu nại quyết định kỷ luật

1. Trường hợp người vi phạm kỷ luật không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật thì có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng

Khi chưa có quyết định giải quyết của cấp có thẩm quyền, người vi phạm kỷ luật vẫn phải chấp hành nghiêm quyết định hiện hành.

2. Các cơ quan, đơn vị khi nhận được khiếu nại của người vi phạm kỷ luật phải có trách nhiệm xem xét trả lời theo đúng thẩm quyền và đúng thời hạn theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.

Điều 9. Tạm đình chỉ công tác đối với người vi phạm kỷ luật

1. Trường hợp người vi phạm nếu tiếp tục làm việc có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị hoặc gây khó khăn cho việc xác minh, thì trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật, trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn và tương đương trở lên được quyền tạm đình chỉ công tác đối với người vi phạm kỷ luật thuộc quyền quản lý và tạm thời chỉ định người thay thế, nhưng phải báo cáo lên cấp trên.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 90 ngày. Trường hợp đặc biệt do có nhiều tình tiết phức tạp cần được làm rõ thì có thể kéo dài nhưng không được quá 150 ngày.

Điều 10. Bồi thường thiệt hại

1. Người vi phạm kỷ luật phải bồi thường thiệt hại đã gây ra theo quy định của pháp luật.

2. Quân nhân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng được cử đi đào tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn hợp pháp khác tại các cơ sở đào tạo trong hay ngoài Quân đội, ngành cơ yếu hoặc ở nước ngoài phải bồi thường chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:

a) Tự ý bỏ học;

b) Vi phạm kỷ luật đến mức không được tiếp tục đào tạo, công nhận tốt nghiệp;

c) Đã tốt nghiệp nhưng không nhận nhiệm vụ hoặc không về nước để chấp hành sự điều động công tác của cấp có thẩm quyền;

d) Tốt nghiệp, nhận nhiệm vụ nhưng cố ý vi phạm kỷ luật với động cơ để ra khỏi Quân đội hoặc bỏ việc khi chưa đủ thời gian công tác gấp 02 (hai) lần thời gian được hưởng chi phí đào tạo đối với đối tượng học trình độ cao đẳng, đại học; gấp 03 (ba) lần thời gian hưởng chi phí đào tạo đối với những đối tượng đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tính từ khi tốt nghiệp về đơn vị;

đ) Chi phí, cách tính chi phí, trả và thu hồi chi phí bồi hoàn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Đơn vị có đối tượng phải bồi hoàn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thu hồi chi phí đào tạo.

Thông tư 143/2023/TT-BQP quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 143/2023/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 27/12/2023
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH