Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
*******

Số : 13-LĐ-TT

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

*******

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 1962

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC CẤP PHÁT, SỬ DỤNG VÀ GIỮ GÌN TRANG BỊ PHÒNG HỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

- Các bộ, các Tổng cục quản lý sản xuất và xây dựng;
- Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh;
- Các Sở, Ty, Phòng Lao động.

Trong mấy năm qua, do yêu cầu bảo vệ sức khỏe công nhân và bảo đảm an toàn trong sản xuất, các Bộ, các ngành đã căn cứ vào Thông tư số 18/LĐ/TT ngày 17/6/1958 và Thông tư số 04/LĐ-TT ngày 13/02/1961 của Bộ Lao động, mà quy định cụ thể chế độ trang bị phòng hộ cho từng ngành. Các xí nghiệp, công trường, lâm trường, nông trường cũng đã có những cố gắng trong việc cấp phát, sử dụng và nghiên cứu cải tiến một số loại dụng cụ phòng hộ cho thích hợp. Nhờ vậy, trang bị phòng hộ đã có tác dụng trong việc bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an toàn lao động cho công nhân, phục vụ sản xuất phát triển.

Tuy vậy, trước yêu cầu phát triển nhanh chóng của các ngành kinh tế quốc dân trong giai đoạn công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, chế độ trang bị phòng hộ hiện nay còn nhiều nhược điểm và khuyết điểm như:

1. Nhận thức về mục đích, ý nghĩa và tác dụng của chế độ trang bị phòng hộ trong cán bộ cũng như công nhân chưa được đầy đủ. Có nơi, do nhận thức không đúng, nên chỉ chú trọng cấp phát trang bị phòng hộ mà coi nhẹ việc cải tiến, bổ sung thiết bị an toàn và các biện pháp để cải thiện điều kiện làm việc, hoặc cho rằng cấp phát quần áo, giày mũ cho công nhân cũng là góp phần cải thiện sinh hoạt, trong khi mức lương nói chung còn thấp.

Việc tuyên truyền, giáo dục ý thức sử dụng và giữ gìn trang bị phòng hộ trong quần chúng còn kém, thiếu những biện pháp cụ thể và thích hợp cho từng ngành.

2. Những nguyên tắc cấp phát, sử dụng và giữ gìn trang bị phòng hộ chưa được quy định cụ thể chưa áp dụng thống nhất trong tất cả các ngành, các cơ sở.

3. Trách nhiệm của các bộ phận công tác có liên quan đến việc dự trù kế hoạch, mua sắm, cấp phát, theo dõi việc sử dụng và giữ gìn dụng cụ phòng hộ chưa được quy định rõ ràng.

4. Chưa có một tổ chức chuyên nghiệp nghiên cứu quy cách phẩm chất dụng cụ phòng hộ thích hợp với điều kiện nước ta. Việc quản lý sản xuất, phân phối dụng cụ phòng hộ cũng chưa chặt chẽ.

Để bổ khuyết những thiếu sót nói trên và thi hành Chỉ thị số 32-TTg ngày 08/3/1962 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài những biện pháp về mặt tổ chức nghiên cứu quy cách, mẫu mực, phẩm chất dụng cụ phòng hộ, cần phải tăng cường giáo dục, kiểm tra việc thực hiện những nguyên tắc cấp phát, sử dụng và giữ gìn trang bị phòng hộ trong công nhân, viên chức. Bộ Lao động ra thông tư này nhằm giải thích và hướng dẫn những nguyên tắc cấp phát, sử dụng và giữ gìn, đồng thời quy định trách nhiệm của các bộ phận công tác có liên quan đối với việc thi hành chế độ trang bị phòng hộ.

I. MỤC ĐÍCH CỦA CHẾ ĐỘ TRANG BỊ PHÒNG HỘ

Yêu cầu chủ yếu của việc bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe công nhân trong sản xuất là phải không ngừng cải tiến, bổ sung các thiết bị sản xuất, thiết bị an toàn, thiết bị an toàn và cải thiện điều kiện làm việc.

Tuy vậy, trong những trường hợp mà điều kiện sản xuất cũng như các thiết bị nói trên chưa bảo đảm đầy đủ thì phải có thêm dụng cụ phòng hộ. Do đó, dụng cụ phòng hộ chỉ là những phương tiện cần thiết làm tăng thêm điều kiện an toàn va bảo vệ sức khỏe công nhân trong khi các thiết bị an toàn chưa được giải quyết hết được. Có khi cùng một loại công việc như nhau nhưng điều kiện làm việc được cải tiến hoặc thiết bị bổ sung đầy đủ hơn, các nhân tố gây tai nạn và bệnh tật đã được khắc phục, thì lúc đó trang bị phòng hộ không cần thiết nữa.

Mặt khác, trong hoàn cảnh kinh tế của ta hiện nay, việc trang bị phòng hộ cũng còn phải căn cứ vào khả năng tài chính của Nhà nước mà giải quyết dần từ thấp đến cao, theo đà phát triển của kinh tế.

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ CẤP PHÁT TRANG BỊ PHÒNG HỘ

1. Điều kiện được trang bị.

Khi công nhân, viên chức làm việc trong một hay nhiều điều kiện sau đây thì được trang bị những dụng cụ phòng hộ cần thiết:

a) Làm việc trực tiếp trong những nơi có các chất độc, hơi độc, khí độc, hôi thối, bẩn thỉu… nhiễm vào người dễ gây ra tai nạn, phát sinh bệnh nghề nghiệp hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe.

b) Làm việc ở một trong những điều kiện không bình thường như:

- Ánh sáng quá chói, có hại đến mắt, da;

- Có nhiều bụi quá tiêu chuẩn quy định;

- Nóng hoặc lạnh quá tiêu chuẩn quy định;

- Dưới hầm kín hay trong buồng kín thiếu không khí, khó thở;

- Lầy lội, nước bẩn ăn lở loét chân tay;

- Tiếp xúc với vật nhọn, sắc cạnh, cọ sát của vật nặng ráp có thể bị xay xát cơ thể;

- Tiếp xúc với vật bị đun, nung nóng, nước sôi, có thể làm cháy bỏng da thịt hoặc bị những mảnh kim loại, khoáng sản bắn vào người, vào mắt;

- Thường xuyên làm việc trong rừng rậm, leo núi, giẫm phai gai góc, dễ bị sên, vắt, rắn, rết cắn.

- Thường xuyên phải lưu động ngoài trời, chịu ảnh hưởng của mưa, sương muối, vì công việc không thể nghỉ để trú ẩn được.

c) Làm việc trong những điều kiện nguy hiểm như:

- Tiếp xúc với thiết bị có điện thế trên 36 vôn;

- Làm việc trên cao;

- Lặn, làm việc dưới nước.

2. Đối tượng được trang bị phòng hộ

a) Công nhân, viên chức khi làm việc ở một hay nhiều điều kiện nói trên, không phân biệt là chính thức hay tạm tuyển, trong hay ngoài biên chế, lao động thuê mướn hay thợ học nghề, lao động làm hợp đồng hay nhận khoán (trừ những người làm khoán tự do, theo lối gia công, đơn vị sử dụng không trực tiếp chỉ đạo về kỹ thuật sản xuất và quản lý nhân công) đều được đơn vị sử dụng trang bị những dụng cụ phòn hộ quy định cho công việc mình làm.

b) Những nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ, nhân viên kiểm tra, hướng dẫn công tác và cán bộ lãnh đạo xí nghiệp khi tiếp xúc với công việc có một hay nhiều điều kiện nói trên cũng được trang bị phòng hộ theo quy định cho từng tính chất công tác. Những dụng cụ này chỉ dùng chung cho tổ hay phòng công tác, chứ không trang bị cho cá nhân.

c) Sinh viên, học sinh các trường Đại học, chuyên nghiệp, hoặc các trường phổ thông về thực tập tại xí nghiệp, nếu công việc họ thực tập có một hay nhiều điều kiện nói trên cũng được trang bị phòng hộ quy định cho công việc đó. Việc trang bị này do cơ quan cử học sinh đi thực tập chịu trách nhiệm mua sắm.

Học sinh, sinh viên hết thời hạn học tập ở trường được phân phối về xí nghiệp, công trường tập sự thì xí nghiệp, công trường có trách nhiệm trang bị.

d) Đối với những công việc không làm thường xuyên, nhưng khi làm, cần thiết phải có trang bị phòng hộ, thì đơn vị được mua sắm một số để dự phòng cho đôi khi cần làm những công việc đó.

e) Đối với những công việc không gây nhiễm độc và nguy hiểm mà chỉ làm trong một thời gian ngắn, sau đó lại đi làm việc khác, nếu chưa được trang bị đầy đủ cũng không xảy ra tai nạn, thì không nhất thiết phải trang bị đầy đủ theo tiêu chuẩn quy định (ví dụ: quần áo, mũ vải cho thợ sửa chữa máy, thợ rèn…).

Đối với những công việc dễ nhiễm độc, nhiễm trùng hoặc nguy hiểm đến tính mệnh công nhân thì mặc dù chỉ làm trong một thời gian rất ngắn, công nhân cũng phải được trang bị đầy đủ dụng cụ phòng hộ theo tiêu chuẩn quy định (ví dụ: công nhân làm việc trên cao, lặn làm việc dưới nước, trực tiếp với thiết bị điện…).

g) Đối với dân công huy động theo nghĩa vụ, nói chung ít sử dụng vào những công việc dễ gây nhiễm độc và nguy hiểm nên chế độ trang bị phòng hộ không áp dụng. Tuy vậy, trong trường hợp cần thiết phải sử dụng dân công cùng làm việc với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước, mà công việc làm cần có trang bị phòng hộ, thì cơ quan sử dụng dân công phải cho mượn những dụng cụ phòng hộ cần thiết cho công việc đó.

III. NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG VÀ GIỮ GÌN DỤNG CỤ PHÒNG HỘ

1. Dụng cụ phòng hộ là tài sản chung của Nhà nước, nhưng tùy theo yêu cầu của công việc phải làm thường xuyên hay bất thường, tùy theo điều kiện làm việc và tính chất của mỗi loại mà giao hẳn hoặc tạm thời cho cá nhân hay bộ phận sử dụng giữ gìn chu đáo.

2. Trước khi giao cho công nhân sử dụng dụng cụ phòng hộ, công nhân cần được hướng dẫn thành thạo cách thức sử dụng và giữ gìn những dụng cụ đó.

3. Cá nhân hay bộ phận được trang bị phòng hộ đều bắt buộc phải sử dụng trong khi làm việc và không được sử dụng trong khi làm việc riêng.

4. Dụng cụ phòng hộ cấp phát cho công việc nào chỉ là dùng cho công việc ấy, nhất thiết không thể dùng lẫn lộn những dụng cụ chỉ có một tác dụng nhất định (ví dụ: không thể dùng ủng đi mưa vào việc cách điện, găng tay thường vào việc chống át-xít…).

5. Mỗi loại dụng cụ phòng hộ phải sản xuất theo quy cách, mẫu mực, phẩm chất đã được Nhà nước quy định; các đơn vị sử dụng cần mua sắm đúng theo quy cách, mẫu mực, phẩm chất đó. Cá nhân hay bộ phận được trang bị không được tự ý sửa chữa hoặc thay đổi.

6. Để đảm bảo chất lượng của dụng cụ phòng hộ, nhất là những dụng cụ dùng vào việc cách điện, đề phòng nhiễm độc, giây an toàn, phao an toàn, các đơn vị sử dụng cần kiểm tra, nghiệm thử trước khi cấp phát cho công nhân, đồng thời định kỳ kiểm tra và thử lại sau từng thời gian sử dụng.

Trước khi bắt tay vào công việc, công nhân phải tự mình kiểm tra lại chất lượng của các dụng cụ phòng hộ.

7. Mỗi đơn vị cần có kho hoặc tủ đựng những dụng cụ phòng hộ. Nơi để phải cao ráo, sạch sẽ, bảo đảm một nhiệt độ bình thường, tránh ẩm ướt, mối, chuột, và đề phòng han rỉ (nếu dụng cụ có bộ phận bằng kim loại). Riêng một số trang bị thường dùng như quần áo vải thường, khẩu trang, mũ, yếm, v.v... thì có thể giao hẳn cho cá nhân giữ để tiện giặt rũ và bảo quản.

8. Những dụng cụ phòng hộ mới rách hoặc hư hỏng nhẹ, cá nhân hay bộ phận sử dụng phải tự sửa chữa lấy. Đơn vị sử dụng chịu trách nhiệm tổ chức, sửa chữa những dụng cụ phòng hộ bị rách hoặc hư hỏng nặng, mà cá nhân hay bộ phận không có điều kiện sửa chữa.

9. Dụng cụ phòng hộ và quần áo dùng để làm việc ở những chỗ dơ bẩn dễ gây nhiễm trùng, nhiễm độc đối với cơ thể công nhân, phải định kỳ khử độc, khử trùng bằng phương pháp sấy hoặc tẩy nấu ở nhiệt độ cần thiết, v.v…

10. Để mọi người có ý thức sử dụng và giữ gìn dụng cụ phòng hộ, tránh lãng phí cho công quỹ, mỗi đơn vị cần căn cứ vào những nguyên tắc đã quy định, tùy theo phẩm chất của dụng cụ và tính chất công việc mà quy định thời hạn sử dụng cho từng loại dụng cụ. Tuy vậy, nếu chưa hết hạn sử dụng mà dụng cụ phòng hộ bị mất mát, hư hỏng, bất cứ lý do gì, đều được cấp phảt cái mới để làm việc.

Dụng cụ phòng hộ khi đã hết hạn mà không còn dùng được nữa, công nhân sẽ đem đổ lấy thứ mới.

11. Trường hợp làm mất hoặc hư hỏng dụng cụ phòng hộ mà không có lý do chính đáng, thì đơn vị tùy theo lỗi nặng nhẹ mà xử trí bằng biện pháp hành chính, từ phê bình, cảnh cáo đến bồi thường bằng tiền (áp dụng nguyên tắc bồi thường khi cán bộ, công nhân, viên chức làm mất tiền hay đồ vật của Nhà nước, quy định tại văn bản số 1076/TN ngày 14-3-1958 của Phủ Thủ tướng) theo giá trước khi mất hoặc hư hỏng. Việc xử trí này do cấp phụ trách đơn vị quyết định với sự thỏa thuận của công đoàn cùng cấp. Tùy theo số tiền bồi thường có ảnh hưởng tới sinh hoạt của công nhân nhiều hay ít để trừ dần vào lương hàng tháng, nhưng mỗi lần không trừ quá 20% tiền lương phụ cấp bản thân của người công nhân đó.

12. Để khuyến khích những người có thành tích trong việc sử dụng và giữ gìn dụng cụ phòng hộ, hàng năm xí nghiệp được trích một khoản tiền bằng 20% giá trị tiết kiệm được của những dụng cụ phòng hộ đã được sử dụng lâu hơn thời gian quy định, để thưởng cho những người có ý thức tiết kiệm, giữ gìn tốt trang bị đó. Tuy nhiên phải hết sức chú ý đến đảm bảo an toàn, nghĩa là không phải vì tiết kiệm mà không sử dụng trang bị phòng hộ trong khi làm việc.

Việc khen thưởng này chỉ áp dụng đối với công nhân trực tiếp sản xuất, phải sử dụng trang bị phòng hộ thường xuyên, đồng thời chỉ thực hiện đối với những trang bị có tính toán được thời gian sử dụng rõ ràng như các loại quần áo, giầy, ủng…

13. Mỗi lần thay đổi hoặc thuyên chuyển công việc tác tất cả các dụng cụ phòng hộ đã được cấp phát đều phải trả lại đơn vị, trừ trường hợp được cấp phụ trách đơn vị đồng ý cho mang đi để sử dụng vào công việc làm ở đơn vị mới.

14. Mỗi cá nhân hoặc bộ phận được cấp phát trang bị phòng hộ phải có sổ (hoặc phiếu) ghi rõ những dụng cụ phòng hộ được cấp phát hoặc thay đổi, để tiện theo dõi.

IV. TRÁCH NHIỆM THI HÀNH CHẾ ĐỘ TRANG BỊ PHÒNG HỘ

1. Căn cứ vào những nguyên tắc và tiêu chuẩn chung quy định kèm theo thông tư này, các ngành quản lý sản xuất, xây dựng, vận tải, kinh doanh và các cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm… sẽ quy định cụ thể chế độ trang bị phòng hộ áp dụng trong ngành, hoặc bổ sung, sửa đổi những quy định trước cho phù hợp với nguyên tắc và tiêu chuẩn chung.

Các bản quy định này cần được Tổng Công đoàn hoặc Công đoàn ngành dọc tham gia ý kiến và Bộ Lao động thỏa thuận mới ban hành, để tránh tình trạng không thống nhất, gây ra suy tị giữa công nhân các ngành với nhau.

2. Đối với những công việc mà trong bản tiêu chuẩn chung cũng như bản quy định riêng của từng ngành chưa có, thì đơn vị (xí nghiệp, công trường…) căn cứ vào những nguyên tắc, tiêu chuẩn chung và quy định riêng của ngành mình mà xây dựng chế độ trang bị cho những công việc đó rồi báo cáo lên Bộ chủ quản duyệt y mới được thi hành.

3. Căn cứ vào những nguyên tắc chung về cấp phát, sử dụng và giữ gìn trang bị phòng hộ mỗi đơn vị sẽ xây dựng một nội quy cụ thể. Nội quy này phải được sự thỏa thuận của công đoàn cùng cấp, rồi phổ biến cho công nhân, viên chức thực hiện.

4. Hàng năm, khi lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch bảo hộ lao động, các xí nghiệp, công trường… phải có kế hoạch về trang bị phòng hộ. Kế hoạch này sau khi được duyệt phải gửi tới các cơ quan Thương nghiệp theo thể thức sau đây:

- Đối với những hàng sản xuất được ở trong nước, thì dự trù kế hoạch trang bị phòng hộ sẽ gửi cho các Công ty Bách hóa, Công ty bông vải sợi ở địa phương.

- Đối với những hàng phải mua của nước ngoài thì phải đề nghị lên Bộ chủ quản để xin ngoại tệ và ký hợp đồng với cơ quan Ngoại thương (tại công văn số 885/LĐ-BH ngày 27-5-1961, Bộ Lao động đã hướng dẫn cụ thể vấn đề này).

5. Trách nhiệm đối với việc lập và thực hiện kế hoạch trang bị phòng hộ trong mỗi đơn vị cơ sở quy định cụ thể như sau:

- Cán bộ phụ trách bảo hộ lao động căn cứ vào các quy định về trang bị phòng hộ đã được ban hành và điều kiện sản xuất của đơn vị mà đề ra yêu cầu về trang bị hàng năm. Sau khi kế hoạch trang bị đã được duyệt thì đôn đốc, theo dõi việc mua sắm, hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản, đồng thời tổ chức việc kiểm tra, nghiệm thử đối với những dụng cụ đòi hỏi phải đảm bảo an toàn tuyệt đối như phao an toàn, dây an toàn, mặt nạ, ủng, găng cách điện, v.v...

- Bộ phận kế hoạch tài vụ căn cứ vào yêu cầu trang bị phòng hộ hàng năm (do cán bộ bảo hộ lao động đề ra) mà lập thành dự trù kế hoạch khi lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm và trình lên cấp trên xét duyệt xin kinh phí.

- Bộ phận cung ứng vật liệu căn cứ vào dự trụ kế hoạch trang bị phòng hộ đã được duyệt, tổ chức việc mua sắm, bảo quản và cấp phát.

- Bộ phận y tế phối hợp với bộ phận bảo hộ lao động, kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng, đồng thời tổ chức việc khử độc, khử trùng định kỳ đối với các loại trang bị dơ bẩn, dễ gây nhiễm trùng, nhiễm độc.

V. PHẠM VI ÁP DỤNG

Những nguyên tắc và tiêu chuẩn trang bị phòng hộ nói trong thông tư này được áp dụng trong các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường. đơn vị sản xuất, các đơn vị kinh doanh và sự nghiệp, các cơ sở thí nghiệm, bệnh viện, trường học… có công nhân, viên chức làm các công việc có những điều kiện nói ở điểm I mục 2, không phân biệt là cơ sở thuộc quốc doanh trung ương hay địa phương hoặc công tư hợp doanh. Riêng đối với xí nghiệp hợp tác và hợp tác xã thủ công nghiệp sẽ căn cứ vào quy định chung và khả năng của từng nơi mà áp dụng từng bước cho phù hợp với tình hình sản xuất và khả năng của mỗi loại cơ sở.

Thông tư này thay thế các Thông tư số 18/LĐ-TT ngày 17/6/1958 và Thông tư số 04/LĐ-TT ngày 13/02/1961, cùng các bản phụ lục kèm theo các thông tư đó.

Kèm theo thông tư này có bản quy định tiêu chuẩn trang bị phòng hộ và bản hướng dẫn cách vận dụng các tiêu chuẩn đó trong việc xây dựng chế độ trang bị phòng hộ ở từng ngành, từng cơ sở.

Để việc thi hành chế độ này có kết quả tốt, Bộ Lao động yêu cầu các cấp, các ngành và các đơn vị, cơ sở tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục ý thức sử dụng trang bị phòng hộ trong quần chúng, tăng cường kiểm tra đôn đốc việc thực hiện đồng thời thu thập kinh nghiệm và khó khăn, mắc mứu, phản ánh cho Bộ Lao động để nghiên cứu bổ sung được đầy đủ và ngày càng thích hợp hơn.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng

BẢNG QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN TRANG BỊ PHÒNG HỘ
(Gồm dụng cụ phòng hộ, giầy, mũ và quần áo làm việc)

SỐ THỨ TỰ

TÊN TRANG BỊ PHÒNG HỘ

TIÊU CHUẨN TRANG BỊ

(Điều kiện làm việc và tính chất công tác cần đề phòng khi làm việc và một vài việc điển hình)

A. MŨ

1

Mũ vải

- Dầu mỡ, bụi, chất bẩn bắnvào đầu, săn sóc phục vụ người bệnh, tiếp xúc với bệnh nhân, tử thi… có thể gây nhiễm độc, nhiễm trùng, phụ nữ phải bao gọn tóc khi đứng máy, như trực tiếp điều khiển, sửa chữa các loại máy cơ khí, điện, xây dựng; nhân viên hóa nghiệm; công nhân làm vệ sinh thành phố, v.v...

2

Mũ cao su

- Điện giật khi đụng đầu vào vật đang làm như hàn điện, trong những thùng bằng kim loại, nồi hơi, v.v...

3

Mũ cứng (bằng sắt, nhựa, hay mây, tre đan)

- Dụng cụ, nguyên vật liệu hoặc vật rắn có thể rơi từ trên cao xuống khi công nhân đang làm việc ở dưới, như đục choòng, bắn mìn phá đá, lắp máy, bắc giáo sắt trên công trường, khai thác quặng, than ở hầm lò, đào giếng, v.v...

4

Mũ bịt tai

- Thường xuyên làm việc ở những nơi giá lạnh, lưu động ở các miền rừng núi, rẻo cao, ngoài biển khơi, khi rét dưới 10 độ C như làm trong phòng ướp lạnh; điều tra rừng, tham do địa chất ở vùng cao, đốt đèn biển, v.v...

B. KÍNH

5

Kính trắng (kiểu đi mô-tô)

- Phơi kim loại, mạt đá mài, mảnh đá, mùn cưa, bụi than, dung dịch hóa chất mạnh, tia lửa điện… bắn vào mắt; hơi khói độc bay vào mắt như thợ tiện, khoan, rèn, phay kim loại, điêu khiển máy cưa, máy bào gỗ; đập đá râm; thay cầu chì; rót át-xít; nghiền bột làm que hàn; đục tường lắp thiết bị, v.v...

6

Kính luyện kim màu thẫm

- Phải nhìn vào ánh sáng quá chói, hại mắt như nhìn vào lò nấu kim loại (gang, đồng, thép, v.v...), lò nấu thủy tinh, v.v...

7

Kính màu nhạt (kính râm kiểu đi mô-tô)

- Phải thường xuyên nhìn thẳng lên ánh sáng mặt trời hoặc nhìn thẳng ánh sáng chói bị lóa mắt, như đốt lò nồi hơi; lái xe lửa; hàn hơi; điều khiển cầu trục tháp; móc cáp ở công trường.

8

Kính hàn, mặt nạ hàn

- Ngăn tia sáng độc của hồ quang làm hại mắt khi hàn, như thợ và phụ hàn điện…

C. KHẨU TRANG, MẶT NẠ

9

Khẩu trang

- Nhiều bụi, mùi hôi thối, chất dơ bẩn, có thể gây nhiễm trùng như tháo bao xi-măng, xúc than, sang than xi, sản xuất bột chì, phân phối săng chì, dọn vệ sinh hố xí, v.v...

10

Mặt nạ phòng độc

- Làm việc ở nơi có hơi, khí độc như sản xuất cờ-lo, át-xít mạnh (HCl, H2SO4, HNO3…) chữa két săng, dầu, sơn xi, phun phoóc-môn, v.v...

Chú thích:

Đối với những nơi làm việc đặc biệt có nhiều khí, hơi độc không thể thở trực tiếp không khí ở đó qua mặt nạ thường được, như cấp cứu hầm mỏ có hơi ngạt, sửa chữa trong các thùng lớn chứa săng dầu (xi-téc) v.v... thì dùng mặt nạ có bình dưỡng khí hoặc có ống dẫn không khí từ ngoài vào.

D. ĐỆM VAI, VẢI CHOÀNG

11

Đệm vai

- Các vật nặng, ráp, sắc cạnh làm xây sát vải khi khiêng, vác như khiêng vác sắt, gỗ tấm, thùng đựng nguyên vật liệu, v.v...

12

Vải choàng

- Bụi bẩn nhiều khi khuân vác hoặc đội như vác bao xi-măng, đội than v.v...

E. GĂNG

13

Găng tay vải (vải thường, bạt hay sợi)

- Tiếp xúc với vật bị đốt hoặc đun nóng, ráp, sắc cạnh làm bỏng tay hay sây sát da tay hoặc tiếp xúc với vật bẩn, hôi thối dính vào tay, có thể gây nhiễm trùng, nhiễm độc, như nấu hắc ín, cạo rỉ sắt, khuân vác sắt, đốt lò, đúc, rót kim loại, nạo vét cống, đổ thùng xí, v.v...

14

Găng tay cao su

- Tiếp xúc với các hóa chất độc, các chất bẩn làm lở loét da tay, như thí nghiệm hóa chất độc, rót át-xít, dúng vật mạ vào bể mạ kền, nấu, tẩy, nhuộm vải, sợi, nạo da, v.v...

15

Găng tay cao su cách điện.

- Tiếp xúc trực tiếp với bộ phận thiết bị dẫn điện có điện thế từ 250 vôn trở lên như đóng, cắt cầu dao, thay cầu chì, v.v... hoặc đối với các thiết bị dẫn điện có điện thết dưới 250 vôn nhưng ở trong những môi trường làm việc hoặc tính chất công việc đặc biệt do cán bộ kỹ thuật phụ trách quyết định

16

Găng tay bằng da

- Tiếp xúc với tia lửa mạnh làm cháy da tay như hàn điện…, hoặc với thú rừng có móng nhọn, sắc, có thể cắn cào xé rách da tay như công nhân bắt thú rừng v.v...

G. DÂY LƯNG, YẾM

17

Dây an toàn

- Làm việc trên cao hoặc những chỗ cheo leo cách mặt đất từ 3m trở lên. Leo núi, qua khe suối sâu, xuống giếng sâu dưới 3m, như làm trên dàn giáo cao, leo núi đục lỗ mìn, phá đá, hái quả trên cây cao, lên xuống khi đào giếng sâu, v.v...

18

Yếm vải

- Dầu mỏ, bụi bẩn bắn vào người, áo quần ở phía ngực và bụng như thợ đứng máy dệt, đánh vôi vửa, quét dọn ở nhà máy hoặc đường phố, v.v...

19

Yếm da

- Thanh gỗ, mảnh kim loại, khoáng sản có thể bất thần thúc vào ngực và bụng, như: điều khiển máy cưa đĩa, tiếp xúc với tia bức xạ của hồ quang, như hàn điện, đỡ sức cản của không khí làm tức ngực như nhân viên bưu điện thường xuyên đi mô-tô, v.v...

20

Yếm cao su (hay ni-lông).

- Nước bẩn hoặc nước có hóa chất bắn ướt quần áo như nấu xà-phòng, xeo giấy (thủ công), nấu, tẩy, nhuộm vải, sợi, lụa, v.v...

21

Đệm lót bụng (bằng vải dầy hay may nhiều lớp)

- Phải tỳ bụng vào dụng cụ đang chuyển động mạnh gây tức bụng như điều khiển máy khoan đá bằng hơi ép, v.v...

H. GIẦY, ỦNG

22

Giầy vải bạt (đế cao su cứng hay đế da)

- Khi chân phải tiếp xúc với nhiều vật nhọn, sắc cạnh, vật nung nóng là sây sát hoặc bỏng chân, như thổi thủy tinh, đốt lửa nối hơi, hàn hơi, tán ri-vê bằng máy, tiện khoan sắt thép, khiêng pa-nen, v.v...

23

Giầy vải cao cổ, giầy đi rừng

- Leo núi, xuyên rừng phải dẫm lên gai góc, hoặc có thể bị rắn, rết cắn như khảo sát địa chất, điều tra rừng, chặt hạ gỗ, nứa, v.v...

24

Giày da lộn cao cổ

- Tia lửa, nước kim loại nóng chảy, kim loại nung đỏ bắn vào bàn chân làm cháy hoặc bỏng chân, hoặc mảnh kim loại sắc cạnh văng phải có thể cắt đứt chân, như thợ rèn những đồ lớn, nấu rót nước đồng, gang thép, ra gang thép, ra gang thép ở lò cao, lò luyện thép: tiện những vật lớn băng thép với tốc độ 1000 v/phút trở lên.

25

Ủng cao su thường

- Chân phải dầm nước bẩn, bùn bẩn, hôi thối dễ bị nhiễm trùng hoặc lở loét da chân, như: dọn chuồng phân, đào phân trâu bò và phân tiêu, trộn vữa, đầm bê-tông, nấu hoắc ín, nạo vét cống rãnh, v.v...

26

Ủng cao su chống át-xít

- Nước át-xít mạnh và các dung dịch hóa chất độc bắn vào làm cháy bỏng hoặc lở loét da chân mà ủng cao su thường không chịu được như: sản xuất, đóng át-xít vào bình…

27

Ủng cáo su cách điện, thảm cách điện

- Tiếp xúc với thiết bị có điện thế trên 36 vôn, như khi đóng cắt cầu dao điện, thay cầu chì, điều khiển các thiết bị có điện thế cao, hàn điện, v.v...

28

Ghệt vải bạt

- Đập những vật rắn, có mảnh sắc văng vào làm sây sát hoặc đứt ống chân, như đập đá, hộc, đập gang…

29

Tất chống vắt

- Thường xuyên làm việc trong rừng có nhiều vắt

II. QUẦN ÁO LÀM VIỆC

30

Quần áo vải xanh (may đệm đít và đầu gối)

- Nơi làm việc có nhiều chất độc, hơi độc, bụi độc, nước bẩn bắn vào người hoặc phải tiếp xúc với dầu mỡ nhiều, chất bẩn, hôi thối bám vào quần áo, bắt buộc phải thay quần áo trước khi về nhà để tránh nhiễm độc, nhiễm trùng; hoặc cọ sát với vật nặng ráp làm rách áo quần, sây sát da, như: xay bột chì; thông cống ngầm; đốt lửa nồi hơi; tháo bao xi-măng; nấu hắc ín, sữa chữa máy; bắt đường dây điện ngầm; khai thác than hầm lò v.v...

31

Quần áo vải bạt

- Làm việc trước lò nung, lò nhiệt luyện, có nhiệt độ cao (từ 1000 độ C trở lên); có tia bức xạ mạnh xuyên qua tia lửa bắn vào người, như nấu đúc gang, luyện gang thép ở lò cao, lò luyện thép v.v...

32

Quần áo chống át-xít (bằng dạ, tơ tằm hay tơ nhân tạo chống được át-xít mạnh).

- Tiếp xúc với những hóa chất mạnh bắn vào người (mà quần áo thường sẽ bị thùng) làm cháy bỏng da thịt như: sản xuất các loại át-xít mạnh: HCl, H2SO4, HNO3

33

Quần áo lặn và quần áo len

- Dùng cho thợ lặn làm việc lâu dưới nước (quần áo len mặc trong quần áo lặn về mùa rét).

34

Quần áo amiăng

- Tiếp xúc với tia lửa như: chữa cháy, những công việc phải thao tác trước cửa lò cao lúc ra gang v.v...

35

Áo bông

- Thường xuyên làm việc lưu động trong rừng núi, miền rẻo cao, hải đảo, rét buốt không có lán trại, đểm phải ngủ võng ở rừng (tiêu chuẩn này quy định riêng cho một số cán bộ, công nhân, nhân viên thuộc ngành khảo sát địa chất, đo đạc bản đồ trên vùng rẻo cao, hải đảo…)

36

Quần áo bông

- Thường xuyên làm việc ở nhiệt độ thấp, rét buốt (từ 4 độ C trở xuống) như làm trong buồng ướp lạnh.

37

Áo choàng (bờ-lu-dờ)

- Tiếp xúc với hóa chất độc có thể bay hoặc dây vào quần áo; săn sóc phục vụ người bệnh, tiếp xúc với bệnh hay lây, tử thi… gây nhiễm trùng, nhiễm độc, như: phun thuốc trừ sâu; nhân viên hóa nghiệm, hộ lý, y tá, bác sĩ phục vụ người bệnh ở bệnh viện v.v...

38

Quần yếm

- Tiếp xúc với nhiều dầu mỡ, bụi bẩn, dây vào quần từ ngực trở xuống, phải thay trước khi rời chỗ làm việc về nhà, như thợ tiện, bào, phay, gò nguội, điều khiển máy cần trục; đầm bê-tông v.v...

39

Áo mưa (bằng vải bạt, ni-lông hoặc tơi lá)

- Thường xuyên làm việc lưu động ngoài trời hoặc tính chất công việc không thể trú ẩn lúc mưa gió to, như: điều tra rừng, thủy thủ phà, giao thông viên bưu điện, đánh cá biển, công nhân chăn trâu bò trên núi; hoặc ở chỗ làm việc thường bị nước rò từ trên xuống như công nhân khai thác hầm lò, v.v...

40

Phao an toàn

- Làm việc trên tàu, ca-nô, thuyền, bè chạy trên sông, biển.

BẢNG HƯỚNG DẪN VIỆC VẬN DỤNG BẢN TIÊU CHUẨN TRANG BỊ TRONG KHI QUY ĐỊNH CỤ THỂ CHẾ ĐỘ TRANG BỊ PHÒNG HỘ CHO TỪNG CÔNG VIỆC CỦA TỪNG NGÀNH

Để việc áp dụng chế độ trang bị phòng hộ được thống nhất, tránh sự chồng chéo giữa ngành này với ngành khác đối với những công việc phổ biến, Bộ Lao động hướng dẫn việc vận dụng bản tiêu chuẩn trang bị này như sau:

1. Đây là bản tiêu chuẩn chung, nêu rõ tiêu chuẩn sử dụng của từng loại trang bị phòng hộ trong những điều kiện làm việc hoặc tính chất công tác nhất định, có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mệnh của công nhân, viên chức khi làm việc. Cố nhiên những điều kiện và tính chất đó, cũng chỉ nêu được những nét điển hình, phổ biến, chứ không thể nêu chi tiết được. Vì vậy khi vận dụng phải xuất phát từ thực tế, rồi dựa vào tiêu chuẩn chung mà cân nhắc, phân tích kỹ, để việc quy định trang bị được sát và hợp lý.

Cụ thể nên làm theo trình tự sau đây:

a) Nghiên cứu kỹ những nguyên tắc chung về trang bị phòng hộ (các điểm a, b, c, trong mục II của thông tư) và bản quy định tiêu chuẩn trang bị phòng hộ.

b) Căn cứ vào những nguyên tắc và tiêu chuẩn chung ấy, đối chiếu với công việc hiện có trong từng xí nghiệp hay từng ngành mà liệt kê những công việc cần được trang bị phòng hộ, ghi vào cột 2 của mẫu gửi kèm.

c) Căn cứ vào điều kiện làm việc và tính chất của những công việc đó ghi vào cột 3 của bản mẫu gửi kèm.

d) Căn cứ vào tiêu chuẩn đã quy định xét xem những điều kiện làm việc ấy cần được trang bị loại dụng cụ phòng hộ gì ghi vào cột 4 của bản mẫu gửi kèm.

e) Căn cứ vào tính chất công việc và phẩm chất mỗi loại trang bị mà quy định thời hạn sử dụng, ghi vào cột 5 của bản mẫu gửi kèm.

g) Đưa ra hội nghị đại biểu của các đơn vị cơ sở tham gia ý kiến, chỉnh lý lại rồi trình duyệt.

2. Mỗi Bộ, Tổng cục cần nghiên cứu quy định chế độ trang bị cho từng ngành như cơ khí, hóa chất, khai thác hầm lò và lộ thiên, dệt, giấy, xây dựng, in, v.v... nhưng có thể không quy định được hết, do đó đối với một số xí nghiệp có tính chất riêng biệt thì nên giao cho xí nghiệp nghiên cứu xây dựng.

Các bản quy định này phải được Tổng Công đoàn hoặc Công đoàn ngành dọc tham gia ý kiến và Bộ Lao động thỏa thuận (trả lời chính thức bằng công văn) trước khi ban hành.

3. Đối với những công việc cần có trang bị phòng hộ mà chưa quy định trong bản tiêu chuẩn này thì đơn vị vẫn ghi vào bản quy định cụ thể để trình duyệt, đồng thời báo cáo cho Bộ Lao động biết để bổ sung thêm.

4. Một số dụng cụ phương tiện cần thiết để làm việc hay dùng trong sinh hoạt (tuy ít nhiều có tính chất bảo đảm an toàn) lâu nay có nơi đã coi là trang bị phòng hộ, nay cần quy định riêng như: đèn pin, võng ngủ rừng, ba lô, cặp da công tác, bi đông đựng nước, túi đựng dụng cụ, v.v... không quy định vào trang bị phòng hộ

5. Những tiêu chuẩn để bảo vệ sức khỏe công nhân có tính chất cung cấp như: xà phòng để rửa chân tay sau khi làm việc, thuốc phòng lở loét đối với công nhân nông trường khi làm việc ở những ruộng nước bẩn, v.v... sẽ quy định riêng.

6. Trong hòan cảnh hiện nay, việc vận dụng tiêu chuẩn trang bị phòng hộ phải với tinh thần tiết kiệm chung nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của công tác. Ví dụ: một bộ phận công tác chỉ cần 2 ống tay mặc vào thì không cần quy định cấp phát áo làm việc, hoặc chỉ cần 10 cái bọc ngón tay thì không quy định cấp phát găng tay v.v...

BỘ……………….

Xí nghiệp………..

BẢN QUY ĐỊNH TRANG BỊ PHÒNG HỘ

Số thứ tự

CÔNG VIỆC CẦN TRANG BỊ

Điều kiện làm việc hoặc tính chất công tác cần bảo đảm an toàn

ĐƯỢC TRANG BỊ

THỜI HẠN SỬ DỤNG

CHÚ THÍCH

Ví dụ:

- Nhiệt độ trong lò thường xuyên trên 1000 độ

- Nước kim loại bắn vào chân.

- Bụi tro, than bám vào người.

- Ánh sáng quá chói mắt

- Quần áo, mũ, vải bạt.

- Kính màu

- Ghệt vải bạt

- Khẩu trang

- Giầy da cao cổ

- Găng tay vải bạt

1năm

6 tháng

3 tháng

1 năm

3 tháng

Không thời hạn lúc nào hỏng thì sắm

1

Thợ nấu thép, gang, đồng

2

Thợ lắp ráp các loại máy.

- Dầu mỡ bẩn. Có khi phải leo trèo làm việc trên cao

- Quần áo mũ vải xanh

- Giầy da an toàn

- Giầy vải

1 năm

1 số để dùng chung khi cần làm trên cao khi nào hỏng thì sắm

3

Công nhân khảo sát địa chất, đo đạc bản đồ…

- Thường xuyên làm việc ngoài trời.

- Có khi qua lại những nơi rừng núi, gai góc, bùn lầy.

- Phải khiêng vác dụng cụ, vật liệu

- Áo mưa vải bạt

- Quần áo vải xanh

- Giầy vải đi rừng

- Giầy vải thường

- Ủng cao su

- Phao an toàn

- Giây thừng

3 năm

1 năm

6 tháng

6 tháng

1 năm

Không thời hạn

-

Dùng cho bộ phận làm việc miền rừng núi.

Dùng cho bộ phận làm việc miền đồng bằng.

Dùng cho bộ phận làm việc nơi đầm lầy.

Dùng cho trường hợp phải qua sông, qua suối sâu

Dùng cho trường hợp leo núi cao, xuống giếng sâu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 13-LĐ-TT năm 1962 quy định nguyên tắc cấp phát, sử dụng và giữ gìn trang bị phòng hộ do Bộ Lao động ban hành

  • Số hiệu: 13-LĐ-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/06/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Đăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 26
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản