Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-LĐTT

Hà Nội, ngày 17 tháng 06 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TRANG BỊ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

Các Bộ.
Các Ủy ban hành chính, khu, thành phố và tỉnh
Các Khu, Sở, Ty, Phòng lao động

Sắc lệnh số 29-SL ngày 12 tháng 8 năm 1947 điều 33 và 134 quy định tất cả các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm đều phải trang bị bảo hộ lao động cho công nhân của xí nghiệp mình. Quy định này nhằm bắt buộc các ban Giám đốc xí nghiệp công và chủ xí nghiệp công tư doanh phải chú ý giữ gìn sức khỏe và bảo đảm tính mạng cho công nhân, viên chức.

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN

Nói chung, đến nay các ngành đều đã có cấp phát các dụng cụ bảo vệ sức khỏe cho công nhân, có tác dụng giảm bớt những nguy cơ bệnh tật nghề nghiệp và tai nạn lao động. Nhưng kiểm điểm lại những năm qua, số tai nạn xẩy ra ở các công trường và xí nghiệp và số người bị đau ốm cũng còn chiếm một tỷ lệ cao. Nguyên nhân một phần cũng do việc trang bị bảo hộ lao động còn nhiều thiếu sót.

a) Trang bị dụng cụ không đầy đủ, không kịp thời hoặc không thích hợp với tính chất của công việc.

Có những nghề như hàn điện mà ngành nào sử dụng nhưng trang bị bảo hộ lao động cho thợ hàn điện chưa thống nhất và hợp lý. Ngành cấp nhiều, ngành cấp ít. Những thứ thật cần thiết cho thợ hàn điện để cách ly điện như giầy đế cao su thì lại không có.

Có công trường sử dụng hàng trăm công nhân đục đá, bắn mìn, làm việc trên cao, nhưng không trang bị bảo hộ lao động, cho là công trường chỉ mở có 4, 5 tháng không cần trang bị.

Có nơi kính của thợ hàn xì bị vỡ nhưng xí nghiệp chờ đến hết hạn ký sử dụng mới cấp phát cái khác.

Có nơi dụng cụ trang bị cho công nhân không thích hợp với công việc làm. Như găng tay cấp cho anh em bốc đá hộc may bằng vải bạt dây, có hai ngón nhưng không đủ rộng cho ngón tay xòe ra khiến khi bốc đá không nắm được chắc. Anh em làm công việc bụi nhiều đều được cấp khẩu trang nhưng nhiều nơi không rút kinh nghiệm cải tiến kiểu may nên có những khẩu trang không sát miệng, bụi vẫn vào nhiều.

Có khẩu trang qúa dày, đáng lẽ may bằng vải màn nhiều lớp thì lại may bằng vải dày nên tuy có ngăn được bụi nhưng lại làm công nhân nghẹt thở và dầy cũng là một lý do làm công nhân ngại đeo khẩu trang.

b) Dụng cụ cấp phát chưa được sử dụng và giữ gìn.

Tuy các ngành đã cấp phát dụng cụ để trang bị cho công nhân nhưng việc dùng và giữ gìn thường đặt thành một chế độ rõ ràng và chặt chẽ. Một công nhân được cấp quần áo và giầy nhưng khi làn việc trong nhà máy thì không mang. Nhiều người được cấp găng tay nhưng không giặt giũ, giữ gìn nên bị dầu mỡ làm nát bẩn, hay hắc ín dính khô làm cho cứng queo không được dùng được nữa.

c) Còn có những hiện tượng biểu hiện kém ý thức bảo vệ lao động coi thường tác dụng của những dụng cụ đã được trang bị.

Nhiều công nhân còn nặng về tập quán cũ, còn chủ quan coi thường những thứ được trang bị và không chịu dùng những thứ đó khi cần thiết, như làm việc trên cao không chịu mang giầy an toàn, làm việc những nơi bụi bặm không chịu đeo khẩu trang mà cho là mang những dụnh cụ ấy thêm phiền phức, không thoải mái. Thấy thế, cán bộ có nhắc nhưng công nhân vẫn không theo và cán bộ cũng bỏ qua không ráo riết đôn đốc nên đã có những tai nạn xẩy ra do không sử dụng các phương tiện đề phòng.

d) Còn nặng tư tưởng chờ cấp trên cấp phát, cán bộ không vận động quần chúng công nhân phát huy sáng kiến tự giải quyết lấy những thứ có thể tự giải quyết được.

Công nhân làm việc trên mặt nền xi măng ẩm ướt có thể đi guốc (có cắt khía bên dưới) hay tạm thời đi guốc trong khi chờ đợi được trang bị những dụng cụ thuận tiện hơn, nhưng cả công nhân lẫn cán bộ không nghĩ tới, nên có những chị em chân bị nước ăn rỗ chằng rỗ thịt, ngón chân bị loét, công nhân bị đau, có người phải nghỉ việc, lãng phí thì giờ sản xuất.

Tóm lại, những thiếu sót nói trên đã ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe công nhân, đã gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc làm thiệt hại đến tính mạng của một số công nhân, gây tổn thất khá lớn cho ngân qũy của Nhà nước và không lợi cho sản xuất.

Sở dĩ mắc những thiếu sót đó một mặt là do việc giáo dục cho cán bộ và công nhân về ý nghĩa và mục đích của việc trang bị bảo hộ lao động chưa được đầy đủ và chưa nâng cao được ý thức bảo hộ lao động của anh chị em. Mặt khác, về tổ chức thực hiện chưa quy định những nguyên tắc cấp phát, giữ gìn và sử dụng các dụng cụ nói trên và chưa quy định rõ trách nhiệm của cán bộ và công nhân đối với vấn đề này.

II. CẦN CHẤN CHỈNH VIỆC TRANG BỊ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Để chấn chỉnh việc trang bị bảo hộ lao động cần thống nhất nhận thức về công tác này trong giai đoạn phát triển theo kế hoạch dài hạn và trong hoàn cảnh kinh tế của nước ra, thống nhất những nguyên tắc áp dụng để tránh những khuyết điểm đã mắc phải trong thời gian vừa qua.

1) Nhận thức về trang bị bảo hộ lao động.

Trang bị bảo hộ lao động là một trong những biện pháp tích cực và hiệu nghiệm để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của công nhân trong khi làm việc. Như tại một số nhà máy sản xuất hóa chất để công nhân khỏi bị nhiễm độc của hơi và bụi hóa chất bay ra, nhà máy cần bố trí máy móc, phương tiện trừ độc, để việc pha chế được tiến hành trong những điều kiện an toàn. Nhưng nếu do thiếu phương bị an toàn, thiếu phườn tiện trừ độc mà bụi và hơi độc vẫn còn bay ra được thì tùy theo loại hóa chất, cần phải trang bị anh em khẩu trang, kính che mắt, găng tay hoặc những mặt nạ thích hợp.

Làm việc có chất độc dù có trả lương cao hoặc phụ cấp nhiều mà không thiết bị an toàn máy móc đầy đủ, không trang bị được những dụng cụ bảo hộ thích hợp thì những nguy cơ về nhiễm trùng nhiễm độc vẫn luôn luôn đe doạ sức khỏe và tính mạng của công nhân.

Làm việc trên cao không có giây an toàn rất dễ xảy ra tai nạn. Những khoản chi tiêu sau khi tai nạn xẩy ra thường đắt gấp trăm lần sắm một giây an toàn để đề phòng và khi có công nhân chết về tai nạn lao động là một tổn thất rất lớn không lấy gì bù lại được.

Không đề phòng bệnh tật để mầm bệnh xâm nhập và phá hoại cơ thể của công nhân dù có chữa khỏi cũng làm sức khỏe công nhân giảm sút, ảnh hưởng tới năng suất lao động, sẽ không bảo đảm kế hoạch nhân công, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch sản xuất.

Do tính chất phức tạp của nhiều loại công việc khác nhau, việc trang bị bảo hộ lao động đều có tính chất khoa học kỹ thuật. Hình thức và phẩm chất của mỗi loại dụng cụ cần phải được nghiên cứu kỹ càng cho thích hợp với tính chất công việc và điều kiện làm việc.

Việc sử dụng các thứ đã trang bị cũng cần phải được theo dõi, rút ra những kinh nghiệm để kịp thời cải tiến phương pháp trang bị cho thích ứng với sự phát triển của mỗi nghề và đạt được tác dụng cao nhất.

Trang bị bảo hộ lao động rất cần thiết nhưng hoàn cảnh nước ta chưa thể trang bị một cách hoàn thiện với những hình thức kỹ thuật tối tân mà phải phát huy sáng kiến với khả năng thích hợp, miễn đạt được tác dụng bảo đảm vệ sinh công nghiệp và tránh được tai nạn lao động. Trái lại cũng không thể cho là vì hoàn cảnh kinh tế eo hẹp mà không trang bị bảo hộ lao động cho những nghề cần thiết phải trang bị ngay.

Vận động quần chúng công nhân tham gia giải quyết những khó khăn, dựa vào quần chúng để tiến hành trang bị bảo hộ lao động và đường lối đúng nhất. Công nhân có thể góp ý kiến thay đổi hình thức hay phẩm chất của dụng cụ cho thích hợp với tính chất của từng công việc. Công nhân đó có thể có nhiều sáng kiến dùng những thứ sẵn có để thay thế cho kịp thời hay thế cho những thứ mà trong nước ta chưa có.

2. Nguyên tắc áp dụng.

Để những dụng cụ trang bị bảo hộ lao động thiết thực có tác dụng bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an toàn cho công nhân, việc cấp phát, sử dụng và giữ gìn những dụng cụ để trang bị bảo hộ lao động cần tiến hành những nguyên tắc sau đây:

1) Làm việc dễ nhiễm trùng, nhiễm độc, hoặc phải tiến hành trong điều kiện vật lý hại sức khỏe như nóng qúa, lạnh qúa, nghẹt thở, chói mắt qúa, hay nguy hiểm như điện giật… công nhân phải được trang bị đầy đủ về bảo hộ lao động.

Những thứ trang bị gồm có găng tay, kính đeo mắt, khẩu trang, mặt nạ, giầy cao su cách ly điện…

Trong hoàn cảnh kinh tế của nước ta hiện nay cấp quần áo dùng để làm việc nói chung chưa đặt ra. Tuy nhiên có những nghề qúa dơ bẩn, hay điều kiện làm việc đòi hỏi công nhân phải mặc thật gọn gàn để tránh tai nạn xẩy ra hay có nghề dễ bị nhiễm trùng, có chất độc có thể vướng vào thân thể, tác hại đến da thịt và sức khỏe của công nhân ví dụ đối với công nhân thông cống ngầm, thợ rèn sắt lớn, công nhân viên ở bệnh viện… thì từng ngành sẽ trao đổi ý kiến với Bộ Lao động và Bộ Y tế để quy định riêng.

2) Trang bị bảo hộ lao động phải có đủ để công nhân dùng trong khi làm những việc cần thiết phải đề phòng trong khi làm những việc cần thiết phải đề phòng tai nạn hay bệnh tật. Những thứ đã mất hoặc hỏng phải được thay thế.

Khi cấp phát cần quy định thời hạn sử dụng nhưng khi chưa qúa hạn định mà dụng cụ đã hỏng hoặc mất, thời cơ quan có trách nhiệm cũng phải cấp ngay thứ khác để anh chị em dùng. Ngược lại đã qúa hạn định mà dụng cụ còn tốt thời không nhất thiết phải cấp phát thêm.

Khi cắt đặt công nhân làm một công việc nguy hiểm mà chưa có dụng cụ bảo hộ lao động hay dụng cụ bảo hộ lao động không tốt thì nhất định không giao làm. Thí dụ làm trên cao, chơi vơi mà không giây thắt lưng bảo hộ lao động hoặc giây bảo đảm cứ đi sửa máy mà chưa cắt điện, hãm máy, cứ vào buồng có chất độc mà không có mặt nạ đề phòng…

Tiêu chuẩn về thời gian sử dụng tuy phải đặt ra nhưng chỉ nên dùng để làm dự trù kinh phí và để lãnh đạo việc sử dụng và giữ gìn các thứ đã được trang bị cho tốt. Trường hợp có công nhân làm hỏng, làm mất dụng cụ đã được trang bị mà không có lý do chính đáng thời có thể tùy trường hợp phải đền bằng tiền hoặc hiện vật.

Đối với công nhân ở các công trường ngắn hạn, nếu cần phải trang bị bảo hộ lao động thì cũng phải trang bị như đối với công nhân ở công trường dài hạn. Sau khi hoàn thành kế hoạch cơ quan chủ quản thu lại những thứ đã cấp phát để dùng vào đợt khác hay có thể nhượng lại cho cơ quan khác dùng. Không thể vì kế hoạch ngắn hạn mà không áp dụng biện pháp tối thiểu để phòng bệnh tật và tai nạn cho công nhân.

3) Những thứ đã được trang bị về bảo hộ lao động là để dùng khi làm việc và khi làm việc nhất thiết phải mang những thứ đó.

Cần chống tư tưởng coi thường những thứ đã được trang bị và ngại phiền phức không chịu dùng nó khi làm việc. Cán bộ phụ trách có trách nhiệm phải đôn đốc anh chị em dùng những thứ được cấp phát khi cần. Nếu có công trường không chịu dùng thì cán bộ phụ trách phải buộc công nhân theo đúng quy tắc an toàn rồi mới để cho công nhân tiếp tục làm việc.

Trách nhiệm của cán bộ đối với trang vị bảo hộ lao động và kỷ luật sử dụng những thứ được trang bị cần được ghi thành điều khoản bắt buộc trong nội quy chung của xí nghiệp.

4) Tùy theo tính chất của mỗi công việc, có thể trang bị cho cá nhân khi từng người thợ một phải có đủ để làm việc, hoặc trang bị cho đơn vị sản xuất, để dùng chung.

Hiện nay các xí nghiệp chưa đảm nhiệm được giặt giũ và giữ gìn những thứ trang bị bảo hộ lao động cho công nhân nên tùy trường hợp mà cấp phát thẳng cho công nhân hay đơn vị bảo quản.

Chế độ kiểm soát việc giữ gìn cũng như việc sử dụng đã nói ở điểm trên cần được đặt ra cụ thể do cán bộ phụ trách đơn vị sản xuất phải đảm nhiệm thi hành và làm cho quần chúng công nhân trong đơn vị thấy, có trách nhiệm phải tham gia kiểm soát để những thứ đã cấp phát được sử dụng và giữ gìn cho tốt.

III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

Để việc trang bị bảo hộ lao động thu được kết qủa tốt, cần phải tiến hành mấy việc sau đây:

1. Các ngành sẽ phổ biến thông tư này cho cán bộ và công nhân trong ngành và có kế hoạch để anh chị em kiểm điểm lại việc thi hành trong đơn vị. Khi kiểm điểm phải làm cho anh chị em thấy rõ ý nghĩa và tính chất thiết yếu của công tác nói trên, thấy rõ những thiếu sót cũ đã tác hại không ít sức khỏe tính mệnh người lao động và cho sản xuất. Phải giáo dục cho công nhân có ý thức tự mình bảo vệ tính mạng và triệt để sử dụng những thứ đã được trang bị.

2. Dựa theo thông tư và bản hướng dẫn trang bị lao động cho một số nghề chính kèm theo thông tư này, các ngành, các cơ sở sẽ trưng cầu ý kiến để công nhân tham gia xây dựng, chấn chỉnh lại việc trang bị bảo hộ lao động trong xí nghiệp và cho ngành mình.

Mỗi ngành sẽ quy định việc trang bị bảo hộ lao động cho công nhân ngành mình sau khi đã trao đổi ý kiến với hai Bộ Y tế và Lao động để chế độ trang bị bảo hộ lao động được hợp lý và tương đối thống nhất giữa các ngành.

3. Mỗi xí nghiệp hoặc đơn vị sản xuất sẽ lập nội quy về sử dụng và giữ gìn những thứ được trang bị rồi có kế hoạch kiểm tra để nội quy được thi hành đúng.

4. Các cơ quan Lao động, phối hợp với các ngành đôn đốc thi hành thông tư này trong các xí nghiệp quốc gia; phổ biến cho các xí nghiệp tư doanh và hướng dẫn thi hành có mức độ, sát với hoàn cảnh cụ thể của từng xí nghiệp. Phải thường xuyên theo dõi để kịp uốn nắn những lệch, rút kinh nghiệm phổ biến cho các cơ sở trong địa phương để việc trang bị bảo hộ lao động được thi hành đúng đắn và thu được kết qủa tốt.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

PHỤ BẢN

TRANG BỊ BẢO HỘ LAO ĐỘNG CHO MỘT SỐ NGHỀ CHÍNH

Ghi chú: Phụ bản này nhằm hướng dẫn trang bị công nhân một số nghề chính được tương đối hợp lý và thống nhất. Nếu có nghề khác chưa ghi ở đây mà có điều kiện làm việc tương tự, cũng cần được trang bị tương tự.

Những cơ sở có hoàn cảnh và điều kiện làm việc đặt biệt, công nhân đã được trang bị tốt hơn không phải hạ thấp xuống.

Thiết bị an toàn cho nhà máy vẫn cần được tăng cường sau khi đã trang bị bảo hộ lao động cho công nhân.

TT

NGÀNH, NGHỀ

CẦN ĐỀ PHÒNG

TRANG BỊ

A. Cơ khí

1

Hàn điện

Tia lửa bắn vào chân tay, quần áo, ánh sáng chói hai mắt và da thịt, điện giật

Mặt nạ hàn cho thợ chính, kính hàn cho thợ phụ, găng tay bằng da mềm, giầy da có cổ đế cao su, quần yếm vải xanh. Nếu hàn trong hòm máy cần thêm thảm cao su và mũ cao su

2

Hà xi

Tia lửa bắn vào chân tay, quần áo, ánh sáng chói

Kính hàn, găng tay bằng da mềm, ghệt vải bạt che kín bàn chân, quần yếm vải xanh

3

Tán ri vê máy

Tay cọ sát vào sắt, tia lửa bắn vào người, bụi sơn, rỉ sắt

Găng tay vải bạt, khẩu trang. Nếu làm trong nồi hơi cần có quần áo và mũ vải

4

Coi búa máy

Tia lửa bắn vào chân tay, quần áo

Găng tay vải bạt, ghệt vải bạt che kín bàn chân, yếm vải bạt

5

Đúc đồng, gang (nấu và đổ khuôn)

Nước kim loại bắn vào người, ánh sáng chói mắt

Găng tay vải bạt, ghệt vải bạt, giầy da có cổ, yếm vải bạt kính đen

6

Đốt lửa nồi hơi

Bỏng taym, chói mắt, bụi

Găng tay vải bạt, kính đen, khẩu trang.

7

Mạ kền (thợ cạo rĩ, đánh bóng)

Bụi kim loại độc

Kính che mắt, khẩu trang, yếm vải xanh.

8

Mạ kền (thợ dùng bễ mạ)

Nước mạ ăn tay

Găng tay cao su, yếm vải xanh

9

Sửa chữa máy

Bụi bẩn, dầu mỡ, khi phải chui vào hòm máy hoặc nằm ngửa dưới gầm máy hoặc tháo lắp những máy lớn

Quần áo đính liền, mũ vải để làm việc, khẩu trang.

10

Rèn

Tia lửa bắn vào người. Tay cọ xát vào sắt

Găng vải cho tay cầm kìm của thợ cả, nghệt vải che kín bàn chân, yếm vải bạt

11

Tiện

Mảnh kim loại bắn vào mắt, nước, dầu mỡ bắn vào người

Kính che mắt (khi tiên gang) yếm vải xanh

12

Thợ nguội, phay bào

Nước, dầu mỡ bắn vào người

Yếm vải xanh

13

Khoan

Tóc quấn vào máy, dầu mỡ bắn vào người

Yếm vải xanh

14

Điều khiển của máy dọc

Bụi mùn cưa

Khẩu trang, kính che mắt

15

Điều khiển cưa đĩa, cưu vĩ buồm

Bụi mùn cưa, mảnh gỗ đâm vào người

Khẩu trang, kính che mắt. Yếm dây bằng da che cả ngực và bụng (2 lần cho đủ dày)

B. Điện

16

Coi máy phát điện cao thế

Điện giật

Thảm cao su cách điện, găng cao su, ủng cao su

17

Mắc đường giây

Điện giật, ngã từ trên cao xuống, tay bị cọt xát mạnh khi kéo giây

Dây da an toàn, găng tay vải bạt (khi cắt điện cao thế cần có: găng tay cao su, ủng cao su)

C. Hàm lò

18

Khoan đá bằng máy, cầm tay

Hít phải bụi, đá, mảnh đá bắn vào mắt, vào người, tay và bụng bị rung chuyển mạnh

Khẩu trang, kính che mắt, găng tay vải bạt, đệm lót bụng để tì khoan

19

Đục lỗ mìn

Hít phải bụi, đá, mảnh đá bắn vào mắt, tay cầm choòng bị cọ xát mạnh

Khẩu trang, kính che mặt, găng tay vải bạt, nếu làm trên cao cần có dây da an toàn

20

Đập đá dắm, đá hộc

Mảnh đá bắn vào mắt vào người

Kính che mắt, xà cạp (hoặc nghệt vải bạt khi đập đá học)

21

Đào lò, giếng

Đất, đá rơi xuống đầu. Nước mưa ở những lỗ dột

Mũ mây che đầu, nếu làm ở lò đốt cần có áo mưa ngắn và ủng cao su

22

Đoàn thăm do địa chất

Trượt chân khi leo núi cao, rắn, rết cắn khi đi rừng, khát nước ở giữa đường xa, gặp mưa giữa đường

Giầy để leo núi, bi động chứa nước, áo mưa đi

D. Hóa chất

23

Pha chế axít

Axít làm cháy da thịt. Những hơi độc của các hoá chất

Găng tay cao su, áo khoác, khẩu trang hoặc mặt nạ thì phải làm việc có nhiều hơi độc bốc ra

24

“Sác giê ắc quy” (những nơi làm nhiều)

Axít làm cháy da thịt. Những hơi độc của các hoá chất

Găng tay cao su, áo khoác, khẩu trang hoặc mặt nạ thì phải làm việc có nhiều hơi độc bốc ra

25

Nấu hắc ín, nhựa giải đường

Hơi độc bay vào mắt. Hắc in hoặc nhựa nóng bắn vào người

Kính che mắt, găng tay bạt, yếm vải bạt, khẩu trang

26

Làm những việc phải tiếp xúc nhiều với xăng chì

Nhiễm độc xăng chì

Găng tay cao su, quần áo dính liền nhau, nếu chui vào thùng chứa xăng chì thì có mặt nạ. Nếu xăng có thể bắn, dính vào chân, thì thêm giầy vải đế lốp

27

Sơn xi

Nhiễm độc của sơn xi (những giọt li ti của sơn xi bay mù mịt trong không khí)

Kính che mắt, quần áo liền nhau, mũ vải, khẩu trang (nếu sơn nhiều và nhất là khi dùng sơn độc nhiều cần phải thay khẩu trang bằng mặt nạ)

28

Sơn thường

Sơn và dầu sơn bắn vào người

Quần áo làm việc, mũ vải

29

Thí nghiệm hóa chất

Axít hoặc “bases” mảnh bắn vào người

Găng tay cao su, áo khoác, khẩu trang

30

Đóng bao xi măng, bao phốt phát

Bụi xi măng và phốt phát vào người, qua đường hô hấp, bụi xi măng làm hại da.

Quần áo làm việc. Mũ hay khăn trùm đầu, khẩu trang

31

Quét đường cái

Bụi và vi trùng vào người, vào mồm, mũi,...

yếm vải xanh thường, khẩu trang

32

Đổ thùng phân

Các chất bẩn và vi trùng vào người. Mưa đang khi làm việc. Dẫm phải đinh hoặc mãnh chai

Quần áo làm việc, khẩu trang, nilon che mưa, dép cao su

33

Thông cống ngầm

Nước cống rãnh bắn vào người làm nhiễm trùng. Dẫm phải mãnh chai trong cống rãnh

Mũ nilon, quần đùi, áo ngắn tay, dép cao su

E. Lò nóng

34

Nấu thủy tinh

Hơi nóng và ánh sáng chói làm hại mắt bị bỏng vì nước thủy tinh

Kính đen, găng vải bạt yếm vải bạt

35

Thổi thủy tinh

-nt-

-nt-

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 18-LĐTT năm 1958 về việc trang bị bảo hộ lao động do Bộ Lao Động ban hành.

  • Số hiệu: 18-LĐTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/06/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 02/07/1958
  • Ngày hết hiệu lực: 14/07/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản