Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 4 Thông tư 11/2016/TT-BQP Quy định tiêu chí phân loại cảng, công bố danh mục cảng thủy nội địa; phân cấp kỹ thuật, tiêu chuẩn phân cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa, tiêu chuẩn bến thủy nội địa và quản lý hoạt động đối với cảng, bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng

Mục 3. PHƯƠNG TIỆN THỦY VÀO VÀ RỜI CẢNG, BẾN THỦY NỘI ĐỊA

Điều 20. Tàu, thuyền quân sự vào, rời cảng, bến thủy nội địa

1. Trước khi vào cảng, bến thủy nội địa ít nhất trước 24 (hai mươi bốn) giờ, cơ quan, đơn vị có tàu, thuyền phải hiệp đồng với đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến về số hiệu tàu, thuyền, Mục đích vào cảng, bến, thời Điểm đến, thời hạn lưu tại cảng, bến. Đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến thông báo cho bộ phận Điều độ cảng, bến thủy để sắp xếp vị trí neo đậu của tàu, thuyền.

2. Trước khi phương tiện vào, rời cảng, bến thủy nội địa, thuyền trưởng hoặc người quản lý tàu, thuyền hoặc người được ủy quyền (sau đây gọi chung là người làm thủ tục) có trách nhiệm xuất trình bản chính các giấy tờ sau đây cho bộ phận Điều độ cảng, bến thủy:

a) Lệnh, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Giấy đăng ký phương tiện, sổ đăng kiểm phù hợp với biển số đăng ký theo phiên hiệu đơn vị;

c) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật;

d) Biên bản kiểm tra kỹ thuật;

đ) Bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với chức danh, loại phương tiện;

e) Danh sách thuyền viên hoặc quyết định danh sách cán bộ, chiến sĩ tham gia hoạt động trên tàu, thuyền, danh sách hành khách (nếu có);

g) Giấy chứng minh sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là chứng minh quân đội) hoặc tương đương (khi có yêu cầu);

h) Giấy tờ liên quan đến hàng hóa trên phương tiện (nếu có).

3. Đối với phương tiện đóng mới hoặc sửa chữa khi chạy thử, nghiệm thu phải xuất trình cho bộ phận Điều độ cảng, bến thủy các loại giấy tờ sau:

a) Kế hoạch chạy thử đường dài được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Biên bản kiểm tra của cơ quan đăng kiểm xác nhận phương tiện đủ Điều kiện chạy thử đường dài;

c) Danh sách kíp Điều khiển phương tiện và thành viên tham gia thử đường dài có giấy tờ tùy thân hợp lệ (đối với công dân Việt Nam là chứng minh thư; đối với chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật nước ngoài là hộ chiếu, giấy phép của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận khả năng chuyên môn, hoặc cho phép làm việc liên quan đến phương tiện).

4. Trong thời hạn 01 (một) giờ sau khi kiểm tra đủ giấy tờ theo quy định, bộ phận Điều độ cảng, bến thủy báo cáo Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến thủy cấp giấy phép vào, rời cảng, bến thủy nội địa. Giấy phép vào cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 09, giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 21. Cấp phép cho phương tiện thủy nội địa vào cảng, bến thủy nội địa

1. Hồ sơ đề nghị

a) Văn bản đề nghị cho phép phương tiện vào cảng, bến (nêu rõ số hiệu tàu, thuyền, Mục đích vào cảng, bến, thời Điểm đến, thời hạn lưu tại cảng, bến) theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giấy tờ phải nộp

- Giấy phép rời cảng, bến cuối cùng (đối với phương tiện chuyến tải, sang mạn trong vùng nước cảng, bến thủy thì không phải nộp giấy phép rời cảng, bến);

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa còn hiệu lực;

- Sổ danh sách thuyền viên, danh sách hành khách (nếu có).

c) Giấy tờ xuất trình

- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện (hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức tín dụng trong trường hợp phương tiện đang cầm cố, thế chấp);

- Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên phù hợp với chức danh, loại phương tiện;

- Hóa đơn xuất kho, hợp đồng vận chuyển hoặc giấy vận chuyển hàng hóa, danh sách hành khách (nếu có);

- Chứng minh thư hoặc tương đương (khi có yêu cầu).

2. Trình tự thực hiện

a) Trước khi vào cảng, bến thủy nội địa ít nhất trước 03 (ba) ngày làm việc, tổ chức, cá nhân có tàu, thuyền, phương tiện (chủ tàu) phải có văn bản đề nghị đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến cho phép tàu, thuyền vào cảng, bến. Trong thời hạn 08 (tám) giờ kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của chủ tàu, chỉ huy đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến phải báo cáo Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu hoặc tương đương về đề nghị của chủ tàu. Trong thời hạn 08 (tám) giờ kể từ khi nhận được báo cáo của chỉ huy đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu hoặc tương đương phải trả lời về đề nghị của chủ tàu. Trong thời hạn 04 (bốn) giờ kể từ khi nhận được ý kiến trả lời của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu hoặc tương đương, đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến phải có văn bản trả lời chủ tàu và thông báo cho bộ phận Điều độ cảng, bến xác nhận vị trí neo đậu với chủ tàu (trường hợp chấp thuận). Sau khi vào vị trí neo đậu, người làm thủ tục có trách nhiệm nộp và xuất trình bản chính các giấy tờ theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này cho bộ phận Điều độ cảng, bến;

b) Trong thời hạn 01 (một) giờ sau khi kiểm tra đủ giấy tờ theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này, bộ phận Điều độ cảng, bến báo cáo Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến cấp giấy phép vào cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 22. Cấp phép cho phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển Việt Nam vào cảng, bến thủy nội địa

1. Hồ sơ đề nghị

a) Văn bản đề nghị cho phép phương tiện vào cảng, bến (nêu rõ số hiệu tàu, Mục đích vào cảng, bến thời Điểm đến, thời hạn lưu tại cảng, bến) theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giấy tờ phải nộp

- Giấy phép chuyển cảng khi nhập cảnh vào Việt Nam;

- Giấy phép rời cảng, bến cuối cùng;

- Giấy phép của Bộ Giao thông vận tải cho phép phương tiện thủy nước ngoài vận tải thủy nội địa tại Việt Nam (đối với phương tiện thủy nước ngoài);

- Sổ danh sách thuyền viên, danh sách nhân viên phục vụ và danh sách hành khách trên phương tiện (nếu có).

c) Giấy tờ xuất trình

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền;

- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật của tàu;

- Sổ thuyền viên (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh);

- Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên theo chức danh trên tàu;

- Hộ chiếu của thuyền viên, nhân viên phục vụ và hộ chiếu của hành khách (nếu có thay đổi so với lúc nhập cảnh).

2. Trình tự thực hiện

a) Trước khi vào cảng, bến thủy nội địa ít nhất trước 03 (ba) ngày làm việc, chủ tàu phải có văn bản đề nghị đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến cho phép tàu, thuyền vào cảng, bến. Trong thời hạn 08 (tám) giờ kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của chủ tàu, chỉ huy đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến phải báo cáo Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu hoặc tương đương về đề nghị của chủ tàu. Trong thời hạn 08 (tám) giờ kể từ khi nhận được báo cáo của chỉ huy đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu hoặc tương đương phải trả lời về đề nghị của chủ tàu. Trong thời hạn 04 (bốn) giờ kể từ khi nhận được ý kiến trả lời của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu hoặc tương đương, đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến phải có văn bản trả lời chủ tàu và thông báo cho bộ phận Điều độ cảng, bến xác nhận vị trí neo đậu với chủ tàu (trường hợp chấp thuận). Sau khi vào vị trí neo đậu, người làm thủ tục có trách nhiệm nộp và xuất trình bản chính các giấy tờ theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này cho bộ phận Điều độ cảng, bến;

b) Trong thời hạn 01 (một) giờ sau khi kiểm tra đủ giấy tờ theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này, bộ phận Điều độ cảng, bến báo cáo Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến cấp giấy phép vào cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 23. Phương tiện thủy nội địa, tàu biển Việt Nam và phương tiện thủy nước ngoài rời cảng, bến thủy nội địa

1. Trước khi phương tiện rời cảng, bến thủy nội địa, người làm thủ tục có trách nhiệm xuất trình bản chính các giấy tờ sau đây cho bộ phận Điều độ cảng, bến:

a) Danh sách thuyền viên, nhân viên phục vụ, hành khách (đối với phương tiện chở hành khách); hợp đồng vận chuyển, phiếu xuất kho hoặc vận đơn (đối với phương tiện chở hàng hóa);

b) Chứng từ xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các Khoản nợ theo quy định của pháp luật;

c) Giấy tờ liên quan tới những thay đổi (nếu có) so với giấy tờ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

2. Trong thời hạn 01 (một) giờ sau khi kiểm tra đủ giấy tờ theo quy định, bộ phận Điều độ cảng, bến báo cáo Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến cấp giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp phương tiện đã được cấp giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa nhưng vẫn neo đậu tại vùng nước cảng, bến quá 24 (hai mươi bốn) giờ thì người làm thủ tục phải thông báo cho bộ phận Điều độ cảng, bến để làm lại thủ tục rời cảng, bến cho phương tiện.

3. Đối với phương tiện vào, rời cảng, bến từ hai lần trở lên trong một ngày thì bộ phận Điều độ cảng, bến chỉ kiểm tra thực tế lần đầu; từ lần thứ hai trong ngày chỉ kiểm tra Điều kiện an toàn theo quy định.

Điều 24. Đối với phương tiện thủy vào và rời một khu vực hàng hải thuộc vùng nước cảng biển có cảng, bến thủy nội địa

Chỉ phải làm thủ tục vào, rời một lần tại cảng, bến đầu tiên khi vào và cảng, bến cuối khi rời. Phương tiện thủy không phải làm thủ tục khi di chuyển giữa các cảng, bến thủy nội địa, bến cảng biển, cầu cảng biển trong một khu vực hàng hải.

Thông tư 11/2016/TT-BQP Quy định tiêu chí phân loại cảng, công bố danh mục cảng thủy nội địa; phân cấp kỹ thuật, tiêu chuẩn phân cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa, tiêu chuẩn bến thủy nội địa và quản lý hoạt động đối với cảng, bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng

  • Số hiệu: 11/2016/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/02/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đỗ Bá Tỵ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/04/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH