Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 08/2020/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba do Bộ Công thương ban hành

Chương III

QUY TRÌNH CHỨNG NHẬN VÀ KIỂM TRA XUẤT XỨ HÀNG HÓA

Điều 20. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

1. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là văn bản duy nhất chứng nhận hàng hóa đáp ứng quy định về xuất xứ hàng hóa tại Thông tư này và được dùng để đề nghị được hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định.

2. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Một Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp cho một lô hàng.

Điều 21. Hiệu lực của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

1. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được cấp trong vòng ba ngày kể từ ngày xuất khẩu theo quy định tại Điều 20 và có hiệu lực một năm kể từ ngày cấp. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không có giá trị khi các thông tin khai báo không được khai báo đầy đủ, hợp lệ.

2. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải có tên, chữ ký và con dấu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa không được cấp trước, nhưng được cấp cùng ngày hoặc sau ngày phát hành hóa đơn thương mại.

Điều 22. Lưu trữ hồ sơ

Cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu VN-CU và thương nhân phải lưu trữ hồ sơ, chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn ít nhất 5 năm kể từ ngày cấp bằng văn bản hoặc điện tử theo quy định pháp luật của Việt Nam.

Điều 23. Hóa đơn Nước thứ ba

Trường hợp hàng hóa có xuất xứ mà hóa đơn thương mại do nhà xuất khẩu được đăng ký tại Nước thứ ba phát hành, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải khai báo “Non-party invoicing”.

Điều 24. Cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, nhà xuất khẩu đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải nộp tài liệu chứng minh xuất xứ và tuân thủ các quy định của Thông tư này.

Điều 25: Bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải có đơn đề nghị của nhà xuất khẩu và chứng từ chứng minh việc đáp ứng đầy đủ quy định của Thông tư này và quy định liên quan.

Điều 26: Từ chối cho hưởng ưu đãi

Nước nhập khẩu có thể từ chối cho hưởng ưu đãi trong trường hợp hàng hóa không đáp quy định và thời hạn tại Thông tư này.

Điều 27. Chỉnh sửa C/O đã cấp

C/O đã cấp không được phép tẩy xóa hay viết thêm. Mọi thay đổi phải được thực hiện bằng cách:

1. Gạch bỏ chỗ sai và bổ sung thông tin cần thiết. Các thay đổi này phải được người có thẩm quyền ký C/O chấp thuận và được cơ quan, tổ chức cấp C/O xác nhận. Phần còn trống phải được gạch chéo để tránh điền thêm.

2. Phát hành C/O mới thay thế C/O sai sót ban đầu. C/O mới có số tham chiếu và ngày cấp của C/O ban đầu. C/O mới phải ghi rõ “replaces C/O No... date of issue...”. C/O mới có hiệu lực từ ngày cấp của C/O ban đầu.

Điều 28. Cấp bản sao chứng thực C/O

Trong trường hợp C/O bị mất cắp, thất lạc hoặc hư hỏng, Nước xuất khẩu có thể đề nghị cơ quan, tổ chức cấp C/O cấp lại một bản sao chứng thực. Bản sao ghi rõ “CERTIFIED TRUE COPY”. Bản sao có ngày cấp của C/O gốc và có hiệu lực một năm từ ngày cấp C/O gốc.

Điều 29. Kiểm tra, xác minh xuất xứ và cho hưởng ưu đãi thuế quan

1. Ngoài việc yêu cầu xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Thông tư này, cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu được phép yêu cầu thông tin từ cơ quan có thẩm quyền của Nước xuất khẩu với mục đích xác minh xuất xứ của hàng hóa. Nước nhập khẩu có quyền từ chối cho hưởng ưu đãi thuế quan trong trường hợp không nhận được thông báo đề nghị xác minh xuất xứ của cơ quan hải quan Nước xuất khẩu về việc đã nhận được đề nghị xác minh xuất xứ trong vòng 90 ngày kể từ ngày phát hành thông báo đề nghị xác minh xuất xứ. Nước xuất khẩu phản hồi kết quả xác minh xuất xứ trong vòng 180 ngày kể từ ngày thông báo đã nhận được đề nghị xác minh xuất xứ.

2. Thông báo đề nghị xác minh xuất xứ của cơ quan hải quan Nước nhập khẩu bao gồm các nội dung sau:

a) Tên của cơ quan yêu cầu xác minh xuất xứ.

b) Số tham chiếu và ngày cấp C/O hoặc số lượng C/O được cấp cho nhà xuất khẩu trong một khoảng thời gian nhất định.

c) Mô tả về yêu cầu xác minh xuất xứ.

d) Lý do yêu cầu.

3. Trong trường hợp thông tin thu được từ quá trình xác minh hồ sơ nêu tại khoản 1 và 2 Điều này không đủ căn cứ để xác minh xuất xứ hàng hóa, cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu, thông qua cơ quan có thẩm quyền của Nước xuất khẩu đưa ra:

a) Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin từ nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.

b) Bảng câu hỏi cho nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất.

c) Đề nghị xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất thuộc vùng lãnh thổ của mỗi Bên, với mục đích kiểm tra tài liệu bổ sung hoặc xác minh cơ sở phục vụ quá trình sản xuất hàng hóa, trong trường hợp thông tin thu được là kết quả của các điểm a và điểm b khoản 3 Điều này là không đầy đủ.

d) Các thủ tục khác theo thỏa thuận của hai Bên.

4. Cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu thông báo yêu cầu xác minh xuất xứ tới nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất và cơ quan có thẩm quyền của Nước xuất khẩu theo khoản 3 Điều này. Thông báo được gửi bằng email hoặc bất kỳ phương tiện nào khác; bên nhận được thông báo sẽ gửi xác nhận về việc đã nhận được đề nghị xác minh xuất xứ.

5. Văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc bảng câu hỏi nêu tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này bao gồm các nội dung sau:

a) Tên của cơ quan yêu cầu thông tin.

b) Tên nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu và nhà sản xuất được yêu cầu xác minh.

c) Mô tả thông tin và tài liệu yêu cầu.

d) Lý do đề nghị xác minh xuất xứ hoặc bảng câu hỏi.

6. Nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất nhận được bảng câu hỏi hoặc văn bản yêu cầu cung cấp thông tin theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều này phải hoàn thành và gửi lại bảng câu hỏi hoặc câu trả lời xác minh xuất xứ trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản.

7. Đề nghị xác minh xuất xứ tại điểm c khoản 3 Điều này bao gồm các thông tin như sau:

a) Tên cơ quan hải quan đề nghị xác minh xuất xứ.

b) Tên của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất được đề nghị xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất.

c) Ngày dự kiến và địa điểm đề nghị xác minh xuất xứ theo quy định tại khoản 8 Điều này.

d) Mục đích và phạm vi xác minh xuất xứ, trong đó nêu cụ thể hàng hóa được yêu cầu xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất.

đ) Tên và chức danh của cán bộ xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất.

e) Lý do đề nghị xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất.

8. Cơ quan có thẩm quyền của Nước xuất khẩu trả lời cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu về việc chấp thuận xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu. Việc xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất có thể tiến hành sau 60 ngày kể từ ngày được chấp thuận.

9. Nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có thể đề nghị bằng văn bản tới cơ quan có thẩm quyền của Nước xuất khẩu và Nước nhập khẩu để tạm hoãn việc xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất bằng các lý do thuyết phục. Thời gian tạm hoãn không vượt quá 30 ngày kể từ ngày đã thống nhất hoặc thời gian dài hơn trong trường hợp được cơ quan hải quan Nước nhập khẩu và Nước xuất khẩu chấp thuận. Cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu thông báo thời gian mới sẽ tiến hành xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hàng hóa.

10. Khi kết thúc xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất, cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu dự thảo biên bản xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất bao gồm dữ kiện và kết quả xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất. Biên bản xác minh xuất xứ được ký bởi cơ quan có thẩm quyền của Nước nhập khẩu, nhà xuất khẩu và nhà sản xuất.

11. Quy trình xác minh xuất xứ hoàn thiện khi cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu báo cáo kết luận về xuất xứ hàng hóa sau khi xác minh xuất xứ theo quy định tại Điều này, trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được thông tin hoặc hoàn thành xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất.

12. Báo cáo xác minh xuất xứ bao gồm các dữ kiện, phát hiện, căn cứ pháp lý xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất và được thông báo cho nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất về việc hàng hóa có xuất xứ hay không.

13. Hàng hóa thuộc diện xác minh xuất xứ được hưởng ưu đãi thuế quan trong trường hợp:

a) Thời hạn nêu tại khoản 11 Điều này kết thúc mà không có báo cáo xác minh xuất xứ do cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu cung cấp; hoặc

b) Nước nhập khẩu không tuân thủ thời hạn quy định tại Điều này.

14. Trong trường hợp cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu có bằng chứng nghi ngờ hợp lý về xuất xứ hàng hóa của một lô hàng, cơ quan hải quan có thể tạm dừng cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với lô hàng thuộc diện nghi ngờ đó. Hàng hóa được phép thông quan theo quy định của Nước nhập khẩu. Bên phát hiện nghi ngờ thông báo và tham khảo ý kiến Bên còn lại để đạt được một giải pháp chung đảm bảo lợi ích tài chính.

Điều 30. Trách nhiệm của nhà xuất khẩu

1. Khi nhà xuất khẩu có lý do tin rằng C/O có thông tin không chính xác, nhà xuất khẩu cần thông báo ngay lập tức bằng văn bản tới cơ quan, tổ chức cấp C/O những nội dung có thể ảnh hưởng tới tính chính xác hoặc hiệu lực của C/O đó.

2. Nhà xuất khẩu không bị phạt vì cung cấp thông tin không chính xác trong trường hợp tự nguyện thông báo bằng văn bản tới cơ quan có thẩm quyền, trước khi cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu cho hưởng ưu đãi thuế quan hoặc kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất.

Điều 31. Trách nhiệm của nhà nhập khẩu

Cơ quan hải quan của mỗi Bên sẽ yêu cầu nhà nhập khẩu khi đề nghị hưởng ưu đãi thuế quan cho hàng hóa phải:

1. Khai báo bằng văn bản trong hồ sơ nhập khẩu theo quy định của pháp luật dựa trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa rằng hàng hóa có xuất xứ.

2. Nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm khai báo theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp pháp luật Nước nhập khẩu quy định.

3. Nộp ngay tờ khai đã chỉnh sửa và nộp thuế chênh lệch khi nhà nhập khẩu có lý do để tin rằng thông tin khai báo tại tờ khai nhập khẩu dựa trên Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là thông tin không chính xác.

Điều 32: Hoàn thuế

Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ nhưng không được hưởng ưu đãi thuế quan tại thời điểm nhập khẩu, nhà nhập khẩu có thể căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, xin hoàn lại khoản thuế đã nộp cho cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu, khi cung cấp:

1. Văn bản khai báo rằng hàng hóa đáp ứng xuất xứ tại thời điểm nhập khẩu.

2. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

3. Tài liệu khác liên quan tới việc nhập khẩu hàng hóa theo yêu cầu của Nước nhập khẩu.

Điều 33. Các khác biệt nhỏ trên C/O

1. Cơ quan hải quan Nước nhập khẩu không xem xét những lỗi nhỏ như sai lệch nhỏ hoặc thiếu sót, lỗi đánh máy hoặc thông tin khai báo tràn ra bên ngoài ô khai báo, với điều kiện các lỗi nhỏ đó không ảnh hưởng đến tính xác thực của C/O, tính chính xác của thông tin cung cấp trên C/O hoặc không ảnh hưởng đến tình trạng xuất xứ của hàng hóa được chứng nhận.

2. Đối với C/O kê khai nhiều hàng hóa, vướng mắc của một trong các hàng hóa được liệt kê không ảnh hưởng hoặc làm chậm việc cho hưởng ưu đãi thuế quan của các hàng hóa còn lại trên C/O.

Điều 34. Bảo mật

Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, theo quy định pháp luật, giữ bảo mật thông tin được cung cấp theo quy định tại Thông tư này. Thông tin không được tiết lộ khi không được phép của cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

Thông tư 08/2020/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 08/2020/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/04/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 565 đến số 566
  • Ngày hiệu lực: 25/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH