Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 08/2020/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba do Bộ Công thương ban hành

Chương II

CÁCH XÁC ĐỊNH XUẤT XỨ HÀNG HÓA

Điều 5. Hàng hóa có xuất xứ

Hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu hàng hóa đó:

1. Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của Nước thành viên đó.

2. Được sản xuất toàn bộ chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của Nước thành viên đó.

3. Được sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ với điều kiện các nguyên liệu này trải qua quá trình sản xuất thực hiện hoàn toàn tại lãnh thổ của một Nước thành viên và hàng hóa được phân loại khác nhóm với nhóm của nguyên liệu.

4. Đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực (RVC) không thấp hơn X% trị giá FOB xuất khẩu của hàng hóa cuối cùng. Quy định tại khoản này được áp dụng trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng các quy định tại khoản 3 Điều này do quá trình sản xuất không liên quan đến việc chuyển đổi nhóm đối với tất cả nguyên liệu không có xuất xứ.

5. Được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một Nước thành viên từ nguyên liệu không có xuất xứ với điều kiện hàng hóa đáp ứng các tiêu chí cụ thể tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Quy định tại khoản này được áp dụng trong trường hợp hàng hóa không đáp ứng quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Điều 6. Hàng hóa có xuất xứ thuần túy

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư này, hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều Nước thành viên theo một trong các trường hợp sau:

1. Khoáng sản được chiết xuất tại lãnh thổ của một Nước thành viên.

2. Sản phẩm từ cây trồng được thu hoạch, hái hoặc thu lượm tại lãnh thổ của một Nước thành viên.

3. Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại lãnh thổ của một Nước thành viên.

4. Sản phẩm thu được từ săn bắt, đánh bẫy, thu hoạch, nuôi trồng thủy hải sản hoặc đánh bắt tại lãnh thổ của một Nước thành viên.

5. Cá, động vật có vỏ và sinh vật biển khác lấy từ biển nằm ngoài lãnh thổ của các Nước thành viên bằng tàu thuộc sở hữu hoặc đăng ký bởi công ty đăng ký thành lập tại lãnh thổ của một Nước thành viên, với điều kiện tàu được đăng ký hoặc có ghi hồ sơ tại một Nước thành viên và treo cờ của Nước thành viên đó.

6. Hàng hóa thu được hoặc sản xuất từ cá, động vật có vỏ và sinh vật biển khác trên tàu được sở hữu hoặc đăng ký bởi công ty đăng ký thành lập tại lãnh thổ của một Nước thành viên và được treo cờ của Nước thành viên đó.

7. Hàng hóa thu được từ một Nước thành viên hoặc từ cá nhân của một Nước thành viên từ đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài thềm lục địa của Nước thành viên đó, với điều kiện Nước thành viên hoặc cá nhân của Nước thành viên đó có quyền khai thác đáy biển hoặc dưới đáy biển.

8. Phế thải và phế liệu được loại ra trong quá trình sản xuất hoặc được thu gom tại lãnh thổ của một Nước thành viên, với điều kiện phế thải, phế liệu đó chỉ phù hợp làm nguyên liệu thô.

9. Hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một Nước thành viên từ hàng hóa được nêu tại các khoản từ 1 đến 8 Điều này hoặc từ các sản phẩm thu được từ chúng tại bất kỳ giai đoạn sản xuất nào.

Điều 7. Cộng gộp

1. Nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của một Nước thành viên được sử dụng để sản xuất một mặt hàng cụ thể tại lãnh thổ của Nước xuất khẩu được coi là có xuất xứ tại lãnh thổ của Nước xuất khẩu.

2. Khi các Nước thành viên có Hiệp định thương mại đang có hiệu lực với cùng một quốc gia không phải là Nước thành viên của Hiệp định này, nguyên liệu của quốc gia đó được coi là hàng hóa có xuất xứ quy định theo Hiệp định này.

3. Khoản 2 Điều này chỉ được áp dụng khi các Nước thành viên thống nhất về cơ chế, thủ tục và nguyên liệu sử dụng để cộng gộp xuất xứ.

Điều 8. De Minimis

Hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu trị giá CIF của tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất không đáp ứng được quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa.

Điều 9. Nguyên liệu trung gian

Để xác định xuất xứ của hàng hóa, đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư này, nhà sản xuất có thể xem xét tổng giá trị của hàng hóa trung gian được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa có xuất xứ với điều kiện hàng hóa trung gian đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thông tư này.

Điều 10. Công đoạn gia công, chế biến đơn giản

1. Các công đoạn gia công, chế biến mô tả dưới đây được coi là công đoạn gia công, chế biến đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ của hàng hóa:

a) Bảo đảm bảo quản hàng hóa trong điều kiện tốt phục vụ mục đích vận chuyển hoặc lưu kho.

b) Tạo điều kiện cho vận chuyển hoặc giao hàng.

c) Đóng gói hoặc trưng bày hàng hóa để bán.

2. Hàng hóa có xuất xứ tại lãnh thổ của một Nước thành viên giữ nguyên xuất xứ ban đầu khi được xuất khẩu từ một Nước thành viên khác trong trường hợp các công đoạn gia công, chế biến không vượt quá các công đoạn nêu tại khoản 1 Điều này.

Điều 11. Phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ

1. Phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ đi kèm với một mặt hàng được coi là một phần của hàng hóa khi được phát hành chung hóa đơn với hàng hóa và là một phần thông thường của hàng hóa. Phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ không được xét đến trong việc xác định tất cả các nguyên liệu không có xuất xứ sử dụng trong quá trình sản xuất hàng hóa trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa.

2. Nếu hàng hóa được xác định xuất xứ theo tiêu chí RVC, trị giá của phụ kiện, phụ tùng và dụng cụ theo quy định tại khoản 1 Điều này được xem xét tương ứng là có hoặc không có xuất xứ khi tính RVC.

Điều 12. Bộ hàng hóa

1. Bộ hàng hóa theo định nghĩa tại Quy tắc 3 của Các Quy tắc chung trong Hệ thống Hài hòa và hàng hóa được mô tả trong Hệ thống Hài hòa là một bộ hàng hóa, được xem là có xuất xứ khi tất cả hàng hóa cấu thành có xuất xứ.

2. Trường hợp một bộ hàng hóa gồm hàng hóa có xuất xứ và hàng hóa không có xuất xứ, bộ hàng hóa đó được coi là có xuất xứ nêu như trị giá CIF của hàng hóa không có xuất xứ không vượt quá 15% trị giá FOB của bộ hàng hóa.

Điều 13. Vật liệu đóng gói và bao bì đóng gói để bán lẻ

1. Trường hợp hàng hóa được xác định có xuất xứ theo tiêu chí RVC, trị giá của vật liệu đóng gói và bao bì đóng gói để bán lẻ được tính đến khi xác định xuất xứ, bởi vật liệu đóng gói và bao bì đóng gói để bán lẻ được coi là thành phần cấu thành nên toàn bộ hàng hóa.

2. Trường hợp hàng hóa được xác định có xuất xứ theo tiêu chí chuyển đổi mà số hàng hóa, vật liệu đóng gói và bao bì đóng gói để bán lẻ khi được phân loại cùng với hàng hóa đã đóng gói không cần đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa.

Điều 14. Vật liệu đóng gói và bao bì đóng gói để vận chuyển

Vật liệu đóng gói và bao bì đóng gói để vận chuyển không được tính đến khi xác định xuất xứ hàng hóa.

Điều 15. Yếu tố trung gian và nguyên liệu gián tiếp dùng trong sản xuất

Các yếu tố, nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất và liệt kê dưới đây không được tính đến trong quá trình xác định xuất xứ:

1. Nhiên liệu và năng lượng.

2. Dụng cụ, khuôn đúc và khuôn. Phụ tùng và vật tư sử dụng để bảo hành máy móc, thiết bị và công trình.

3. Chất bôi trơn, mỡ bôi trơn, vật liệu kết hợp và các vật liệu khác được sử dụng trong sản xuất hoặc được sử dụng để vận hành thiết bị và công trình.

4. Găng tay, kính, giày dép, quần áo, thiết bị và vật tư an toàn.

5. Trang thiết bị và vật tư sử dụng để kiểm tra và thử nghiệm hàng hóa.

6. Chất xúc tác và dung môi.

7. Bất kỳ vật liệu nào khác không cấu thành hoặc không được cấu thành thành phẩm cuối cùng của hàng hóa và có thể chứng minh là một phần của quá trình sản xuất.

Điều 16. Nguyên liệu giống nhau và có thể dùng thay thế lẫn nhau

1. Việc xác định xuất xứ nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế lẫn nhau được thực hiện bằng cách tách riêng từng vật liệu hoặc bằng cách sử dụng các nguyên tắc kế toán kho, hoặc thông lệ quản lý kho của Nước xuất khẩu.

2. Khi đã có quyết định về phương pháp quản lý kho, phương pháp đó sẽ được sử dụng xuyên suốt năm tài chính.

Điều 17. Vận chuyển trực tiếp

1. Hàng hóa có xuất xứ được coi là vận chuyển trực tiếp từ Nước xuất khẩu sang Nước nhập khẩu theo một trong các trường hợp:

a) Hàng hóa được vận chuyển không đi qua lãnh thổ của một Nước không phải là thành viên.

b) Hàng hóa được vận chuyển với mục đích quá cảnh qua một Nước không phải là thành viên bao gồm hoặc không bao gồm chuyển tải hoặc lưu kho tạm thời tại Nước đó, với các điều kiện sau:

- Việc quá cảnh vì lý do địa lý, giao nhận hoặc yêu cầu về vận tải.

- Hàng hóa không tham gia vào giao dịch thương mại hoặc tiêu thụ tại lãnh thổ của Nước không phải là thành viên.

- Hàng hóa không trải qua công đoạn sản xuất hoặc gia công chế biến khác tại lãnh thổ của Nước không phải là thành viên, ngoại trừ việc dỡ hàng, bốc lại hàng và chia tách lô hàng hay công đoạn cần thiết khác nhằm bảo quản hàng hóa trong tình trạng tốt.

2. Trong trường hợp hàng hóa có xuất xứ của Nước xuất khẩu được nhập khẩu qua một hoặc nhiều Nước không phải là thành viên hoặc sau khi triển lãm tại một Nước không phải là thành viên, cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu có thể yêu cầu nhà nhập khẩu nộp chứng từ chứng minh như chứng từ vận tải, chứng từ hải quan hoặc các chứng từ khác.

Điều 18. Hàng hóa gửi kho ngoại quan

1. Hàng hóa có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn giữ nguyên xuất xứ ban đầu nếu trong quá trình vận chuyển gửi ở kho ngoại quan của Nước thứ ba, không tham gia vào công đoạn gia công nào khác ngoại trừ các công đoạn lưu kho, bảo quản hàng hóa, chia nhỏ lô hàng để vận chuyển tới Nước thành viên và nằm dưới sự giám sát của cơ quan hải quan.

2. Cơ quan hải quan của Nước nhập khẩu có thể yêu cầu văn bản xác nhận rằng hàng hóa không trải qua sự thay đổi nào.

Điều 19. Hàng hóa triển lãm

Hàng hóa có xuất xứ được vận chuyển từ một Nước thành viên tới một Nước thứ ba để triển lãm hoặc trưng bày và bán sau hoặc trong khi triển lãm rồi nhập khẩu vào một Nước thành viên khác, được hưởng ưu đãi thuế quan khi đáp ứng quy định tại Thông tư này và kèm theo chứng từ hải quan chứng minh việc trưng bày hoặc triển lãm hàng hóa.

Thông tư 08/2020/TT-BCT quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 08/2020/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/04/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Tuấn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 565 đến số 566
  • Ngày hiệu lực: 25/05/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH