Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 07/2015/TT-BNV quy định chức danh, mã số ngạch, tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Chương IV

TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CHUYÊN MÔN CÁC NGẠCH CÔNG CHỨC KIỂM SOÁT ĐÊ ĐIỀU

Điều 12. Tiêu chuẩn chung về phẩm chất

1. Bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, thử thách, luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.

2. Có tinh thần trách nhiệm cao, luôn tuân thủ pháp luật và thận trọng trong thực thi công vụ.

3. Không lợi dụng danh nghĩa, chức vụ, quyền hạn để mưu cầu lợi ích cá nhân.

4. Chấp hành nội quy của cơ quan, chấp hành sự phân công của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

5. Thường xuyên nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

6. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật, gương mẫu, đi đầu trong công tác; không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và kiên quyết đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.

7. Trung thực, khách quan, công tâm, công bằng, dân chủ; có thái độ tôn trọng khi tiếp xúc với nhân dân.

Điều 13. Ngạch kiểm soát viên chính đê điều (mã số: 11.081)

1. Chức trách

Là công chức chuyên môn, nghiệp vụ của ngành thủy lợi, giúp Giám đốc Sở kiểm soát, đôn đốc thực hiện các vấn đề kỹ thuật phức tạp trong việc quản lý đê và hộ đê trong phạm vi địa bàn được phân công.

2. Nhiệm vụ

a) Thẩm tra việc chỉnh biên tư liệu, các hồ sơ lý lịch đê, kè, cống và quá trình diễn biến của lòng dẫn hoặc bãi biển do Hạt Quản lý đê thực hiện;

b) Thẩm tra kết quả phân tích, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống và những kiến nghị về biện pháp gia cố, tu bổ công trình. Đề xuất các giải pháp kỹ thuật và các phương án thích hợp cho việc gia cố, tu bổ đê điều trong phạm vi Hạt quản lý;

c) Thẩm tra phương án bảo vệ các trọng điểm chống lụt, bão do các huyện lập. Chủ trì việc lập phương án bảo vệ các trọng điểm thuộc trách nhiệm của đơn vị mình phụ trách;

d) Chủ trì xác định nguyên nhân, đề xuất biện pháp và tham gia chỉ đạo kỹ thuật xử lý khi đê, kè, cống xảy ra sự cố phức tạp theo sự phân công của Hạt trưởng;

đ) Kiểm tra xác định mức độ ảnh hưởng đến an toàn của đê, kè, cống trong trường hợp xảy ra hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều. Xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều;

e) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn tài liệu và trực tiếp huấn luyện kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý và hộ đê cho lực lượng chuyên trách quản lý đê;

g) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đê điều, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ đê điều.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm vững Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản pháp quy khác liên quan đến lĩnh vực quản lý bảo vệ đê điều;

b) Nắm vững các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành, quy trình, quy phạm kỹ thuật liên quan đến việc xây dựng, tu bổ, quản lý và hộ đê;

c) Nắm vững tính năng, tác dụng và nguyên tắc quản lý sử dụng vật tư dự trữ chống lụt bão. Biết cách sử dụng các loại vật liệu tại chỗ thay thế;

d) Hiểu rõ đặc điểm của lũ, bão ở Việt Nam và những chủ trương, biện pháp phòng, chống lụt, bão của Nhà nước cũng như của tỉnh;

đ) Nắm vững hiện trạng đê, kè, cống trong tỉnh. Hiểu rõ sự phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hệ thống đê điều;

e) Chủ trì hoặc tham gia công trình, đề tài, đề án được Hội đồng khoa học cấp Bộ hoặc cấp Tỉnh công nhận và đưa vào sử dụng có hiệu quả;

g) Có kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, công vụ về kiểm soát đê điều hoặc trong hoạt động lãnh đạo quản lý. Công chức dự thi nâng ngạch kiểm soát viên chính đê điều phải có thời gian giữ ngạch kiểm soát viên đê điều hoặc ngạch tương đương từ 5 năm (60 tháng) trở lên, trong đó thời gian giữ ngạch kiểm soát viên đê điều tối thiểu 3 năm (36 tháng).

4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành thủy lợi trở lên hoặc các chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch kiểm soát viên chính đê điều;

c) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT - BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

d) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Điều 14. Ngạch kiểm soát viên đê điều (mã số: 11.082)

1. Chức trách

Là công chức chuyên môn, nghiệp vụ của ngành thủy lợi, giúp Lãnh đạo Hạt Quản lý đê chủ trì tổ chức thực hiện, kiểm soát, đôn đốc việc chấp hành các nội dung quy định của Luật Đê điều, các chế độ, thể lệ khác có liên quan đến quản lý đê và hộ đê trong phạm vi địa bàn được phân công.

2. Nhiệm vụ

a) Lập, chỉnh biên và thường xuyên bổ sung nhằm hoàn thiện hồ sơ lý lịch đê, kè, cống và quá trình diễn biến của lòng dẫn hoặc bãi biển thuộc phạm vi được giao;

b) Phát hiện kịp thời mọi diễn biến của đê, kè, cống, dòng chảy, bờ sông, bãi biển, xác định nguyên nhân, đề xuất phương án và trực tiếp tổ chức thực hiện việc xử lý các sự cố;

c) Kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, lập biên bản và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm đến an toàn của đê, kè, cống;

d) Phân tích, đánh giá hiện trạng của đê, kè, cống phát hiện mức độ kém ổn định của công trình. Đề xuất biện pháp gia cố, tu bổ công trình, tham gia giám sát thi công và nghiệm thu các hạng mục công trình thuộc địa bàn được giao;

đ) Tham gia giám sát thi công và nghiệm thu các hạng mục xây dựng, gia cố, tu bổ đê, kè, cống thuộc địa bàn được giao theo sự phân công của cấp trên;

e) Tổ chức quản lý các loại vật tư dự trữ chống lụt, bão hiện có trên địa bàn được giao;

g) Trực tiếp huấn luyện kỹ thuật cho các lực lượng hộ đê và hướng dẫn xử lý các sự cố phức tạp theo sự phân công của Hạt;

h) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đê điều, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ đê điều.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nắm vững Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản pháp quy khác liên quan đến lĩnh vực quản lý bảo vệ đê điều;

b) Nắm vững các tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành, quy trình, quy phạm kỹ thuật liên quan đến việc xây dựng, tu bổ, quản lý và hộ đê;

c) Nắm vững tính năng, tác dụng và nguyên tắc quản lý sử dụng vật tư dự trữ chống lụt bão;

d) Hiểu khái quát đặc điểm của lũ, bão ở Việt Nam và những biện pháp phòng, chống lụt, bão thích hợp với địa phương mình;

đ) Hiểu và nắm vững hiện trạng đê, kè, cống thuộc phạm vi quản lý của đơn vị và sự phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về đê điều;

e) Công chức dự thi nâng ngạch kiểm soát viên đê điều phải có thời gian giữ ngạch kiểm soát viên trung cấp đê điều hoặc tương đương tối thiểu là 3 năm (36 tháng).

4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

a) Tốt nghiệp đại học chuyên ngành thủy lợi trở lên hoặc các chuyên ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch kiểm soát viên đê điều;

c) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT - BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

d) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Điều 15. Ngạch kiểm soát viên trung cấp đê điều (mã số: 11.083)

1. Chức trách

Là công chức chuyên môn, nghiệp vụ của ngành thủy lợi, giúp Lãnh đạo Hạt Quản lý đê kiểm soát, đôn đốc việc chấp hành các nội dung quy định của Luật Đê điều, các chế độ, thể lệ khác có liên quan đến quản lý đê và hộ đê trong phạm vi địa bàn được phân công.

2. Nhiệm vụ

a) Thu thập các tư liệu để bổ sung hồ sơ lý lịch đê, kè, cống và quá trình diễn biến của lòng dẫn hoặc bãi biển thuộc phạm vi được giao;

b) Phát hiện và báo cáo kịp thời với cấp trên mọi diễn biến của đê, kè, cống, dòng chảy, bờ sông, bãi biển. Trực tiếp hướng dẫn lực lượng hộ đê xử lý các sự cố thông thường của đê, kè, cống thuộc địa bàn được giao và tham gia hướng dẫn xử lý sự cố phức tạp theo sự phân công của cấp trên;

c) Kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện, lập biên bản và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm đến an toàn của đê, kè, cống;

d) Tham gia giám sát thi công và nghiệm thu các hạng mục xây dựng, gia cố, tu bổ đê, kè, cống thuộc địa bàn được giao theo sự phân công của cấp trên;

đ) Quản lý các loại vật tư dự trữ chống lụt, bão hiện có trên địa bàn được giao;

e) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đê điều, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý bảo vệ đê điều.

3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

a) Hiểu và nắm được nội dung chủ yếu của Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản pháp quy khác liên quan đến lĩnh vực quản lý bảo vệ đê điều;

b) Hiểu và nắm được một số tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành, quy trình, quy phạm kỹ thuật liên quan đến việc xây dựng, tu bổ, quản lý và xử lý các sự cố của đê, kè, cống;

c) Hiểu tính năng, tác dụng và nguyên tắc quản lý sử dụng vật tư dự trữ chống lụt bão;

d) Hiểu được khái quát đặc điểm của lũ, bão ở Việt Nam và những biện pháp thường áp dụng ở địa phương mình;

đ) Hiểu và nắm được hiện trạng đê, kè, cống thuộc phạm vi quản lý của đơn vị và sự phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về đê điều.

4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Tốt nghiệp trung cấp thủy lợi hoặc các ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm;

b) Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT- BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT - BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

Thông tư 07/2015/TT-BNV quy định chức danh, mã số ngạch, tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

  • Số hiệu: 07/2015/TT-BNV
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/12/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 109 đến số 110
  • Ngày hiệu lực: 24/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH