Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06-NV-DC-TT

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 1956

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC THI HÀNH ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH MỚI

Chính phủ mới ban hành một bản điều lệ đăng ký hộ tịch cải tiến và thống nhất các thể lệ hiện hành, đơn giản các sổ sách và thủ tục đăng ký, nhằm mục đích làm cho nhân dân khai báo và xin giấy tờ hộ tịch được dễ dàng và Chính phủ có cơ sở theo dõi thống kê các việc biến chuyển trong dân số. Thông tư này nêu lên một số điểm cần chú ý trong bản điều lệ mới vì tính chất tiến bộ hơn, hợp lý hơn của nó so với thể lệ cũ, đồng thời quy định mấy việc chính về chấn chỉnh tổ chức và sổ sách; cuối cùng là việc chuẩn bị thi hành.

I. NGUYÊN TẮC, ĐIỀU KIỆN VÀ CÁCH THỨC ĐĂNG KÝ

Nguyên tắc thứ 1: Từ nay mọi việc thuộc về thủ tục đăng ký hộ tịch đều do Ủy ban hành chính các cấp phụ trách.

Nguyên tắc thứ 2: Việc đăng ký hộ tịch thuộc quyền hạn và nhiệm vụ của các Ủy ban hành chính cấp cơ sở tức là Ủy ban hành chính các xã, thị xã, thị trấn, khu phố.

Nguyên tắc thứ 3: Mọi việc sinh, tử, kết hôn đều phải khai xin đăng ký với U.B.HC sở tại, có xuất trình các chứng cớ cần thiết và không được để lâu quá thời gian tối đa đã quy định. Áp dụng cho từng loại việc hộ tịch nguyên tắc này cần được giải thích thêm và cụ thể hóa trong một số trường hợp chính như sau:

1. Đăng ký việc sinh: Nếu nơi đứa trẻ mới sinh ra khác với nơi hiện cư trú của cha mẹ nó, thí dụ ở làng ra tỉnh đẻ, đẻ trong khi đi đường, đẻ trên tàu thủy, xe lửa, thì có thể khai với Ủy ban hành chính nơi cha mẹ hiện cư trú. Có một giấy chứng nhận hợp lệ thì cha hoặc mẹ, hoặc bà con bạn bè ai cầm đi khai xin đăng ký cũng được, không cần thêm người làm chứng nữa. Nếu không có giấy chứng nhận hợp lệ thì cha hay mẹ phải đến khai và phải có một người làm chứng.

2. Đăng ký việc tử: Trừ các trường hợp riêng biệt đã ghi rõ trong điều lệ, việc cho phép mai táng do Công an sở tại phụ trách, kể cả đối với các việc tử xảy ra trong các bệnh viện công, các nhà hộ sinh công; khi nào cần thiết sẽ mời bác sĩ, y sĩ khám nghiệm và cho ý kiến về phương diện chuyên môn khoa học, thí dụ khi đương có bệnh dịch tễ, khi có tình nghi án mạng.

Muốn xin đăng ký việc tử nhất thiết phải xuất trình giấy phép mai táng và chỉ xuất trình giấy ấy là đủ. Theo điều 24 thì trẻ con đẻ ra chết ngay cũng phải xin phép mai táng theo thường lệ, nhưng không phải khai sinh, cũng không phải khai tử. Trường hợp đẻ ra chưa được 24 tiếng đồng hồ đã chết cũng coi như là chết ngay.

Nếu đẻ ra sống được 24 tiếng đồng hồ rồi mới chết mà chưa kịp khai sinh thì phải đồng thời khai sinh và khai tử. Quy định chi tiết như vậy là để có thể thống kê được số trẻ hữu sinh vô dưỡng và có kế hoạch bảo vệ nhi đồng cho thích đáng.

3. Đăng ký kết hôn: Muốn xin đăng ký việc kết hôn thì một hoặc cả hai bên nam nữ phải đến báo cho Ủy ban biết sáu ngày trước ngày định xin đăng ký. Mục đích của việc báo trước này là để cho Ủy ban hành chính có đủ thì giờ điều tra, nhận xét trước khi tuyên bố cho hai bên nam nữ chính thức thành vợ chồng trước pháp luật. Ngoài hình thức yết thị, Ủy ban có thể dùng mọi phương tiện công bố hay điều tra khác; nếu có điều gì trở ngại hoặc có người phản kháng thì việc điều tra càng thận trọng nhưng không được cố ý kéo dài. Giải quyết các việc trở ngại hay phản kháng thế nào, phải báo cho hai bên nam nữ và các người phản kháng biết; nếu họ không đồng ý thì phải báo cáo lên Ủy ban hành chính cấp trên trực tiếp quyết định. Gặp trường hợp hai bên nam nữ yêu cầu cấp bách và có lý do chính đáng, nếu Ủy ban hành chính xét không có gì nghi ngại thì thời hạn tám ngày có thể rút ngắn.

4. Đăng ký quá hạn và đăng ký lại các việc xảy ra trước ngày ban hành điều lệ này. Thủ tục đăng ký quy định trong điều 5 có hơi khó khăn hơn, vì việc đã lâu ngày cần điều tra kỹ, nhưng không thi hành kỷ luật là chiếu cố đến các sự thiệt thòi của nhân dân do chế độ cũ, hoàn cảnh cũ đã gây nên.

5. Chế độ giấy khai danh dự: Chỉ tạm thời duy trì đối với những người cần chứng minh các việc hộ tịch xảy ra ở miền Nam hay ở nước ngoài. Giấy khai danh dự phải làm thành hai bản xin Ủy ban hành chính nơi người đứng khai hiện đương cư trú nhận thực chữ ký; một bản lưu ở văn phòng Ủy ban, một bản giao cho người đứng khai. Các giấy khai danh dự đã làm và đúng từ trước vẫn được công nhận.

6. Bổ sung và sửa chữa các điều đã đăng ký (điều 25): Tiêu chuẩn phân biệt rõ giữa sai lầm thiếu sót thông thường và sai lầm thiếu sót quan trọng rất khó quy định: căn bản là phải nhận định xem các việc bổ sung hay sửa chữa sẽ làm thay đổi giá trị chính xác của giấy tờ hộ tịch nhiều hay ít, ảnh hưởng lớn hay nhỏ đến quyền lợi của cá nhân đương sự hay của đa số nhân dân. Đây là mấy thí dụ có tính chất hướng dẫn: tên người làm chứng là Nguyễn Văn Tâm lại chỉ ghi là Nguyễn Tâm, tên người cha là Nguyễn Văn Xung lại ghi nhầm là Nguyễn Văn Sung thì Ủy ban hành chính đã nhận đăng ký có thể tự ý bổ sung và sửa chữa, nhưng nếu đã khai nhầm ngày tháng năm sinh của đứa trẻ, khai nhầm tên vợ hoặc tên chồng, lấy vợ lẽ mà không ghi chú rõ, thì phải được Ủy ban hành chính cấp trên trực tiếp xét và cho phép.

7. Vấn đề điểm chỉ thay chữ ký: Nếu người đương sự, người làm chứng, người đứng khai không biết ký thì Ủy ban ghi rõ như vậy là đủ, không cần phải điểm chỉ.

II. CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC VÀ SỔ SÁCH

1. Ở các thành phố việc đăng ký hộ tịch phải chuyển giao dần xuống cho các Ủy ban hành chính khu phố (hay quận hành chính) phụ trách. Phòng hộ tịch của Ủy ban hành chính thành phố sẽ giải tán, chỉ giữ lại một bộ phận nhỏ phụ trách việc in và phân phối các sổ sách mới, bảo quản các sổ sách lưu, cấp phát các bản sao trích trong các sổ lưu, làm thống kê, báo cáo về các việc biến chuyển trong dân số qua công tác hộ tịch.

2. Sổ sách mới phải in bằng giấy tốt và bền, in đúng nội dung và kích thước của mẫu kèm theo Thông tư này. Từ nay không cấp các bản chính mà chỉ cấp các bản sao nội dung thống nhất cho mỗi loại chứng thư sinh, tử hay kết hôn.

3. Cấp bản sao. - Khi đăng ký xong một việc sinh, tử hay kết hôn, phải cấp ngay một bản sao đầu tiên không lấy tiền; đó là một quyền lợi nhân dân mới được hưởng phải được coi trọng và bảo đảm, nó còn có tác dụng khuyến khích nhân dân khai cho hết, cho đúng, cho kịp. Các bản sao về sau chỉ thu mỗi bản 50 đồng, các lệ phí khác các địa phương hiện đương thu khi cấp hay chứng nhận các giấy tờ hộ tịch đều bãi bỏ hết.

4. Lưu sổ cũ. - Ở các tỉnh, các sổ sách cũ lưu ở Tòa án các huyện nên chuyển lên Ủy ban hành chính tính bảo quản và cấp phát các bản sao mỗi khi cần thiết.

III. CHUẨN BỊ THI HÀNH

1. Công bố. - Hình thức công bố thi hành bản điều lệ này ở các địa phương là một Nghị quyết của Ủy ban hành chính tỉnh hay thành phố. Việc chuẩn bị cần phải làm kỹ và mau để có thể công bố thi hành càng sớm càng tốt và không được để chậm quá ngày 01 tháng 8 năm 1956.

2. Phối hợp chỉ đạo. – Bộ Nội vụ đã có đề nghị với các Bộ có liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Bưu điện, Bộ Ngoại giao, nghiên cứu bản điều lệ mới và ra các chỉ thị cần thiết cho các thuộc cấp phối hợp thi hành, nhất là trong việc cấp các giấy phép hoặc các giấy chứng nhận về sinh và tử.

3. Chuyển tiếp. – Trong thời gian chuẩn bị thi hành bản điều lệ mới, các địa phương vẫn tiếp tục đăng ký và cấp phát theo chế độ cũ, thủ tục cũ, sổ sách cũ.

4. Tuyên truyền vận động. – Bộ Nội vụ sẽ in và phân phát một quyển sách nhỏ gồm các văn bản chính về thể lệ mới và một quyển hộ tịch thường thức để phổ biến chủ trương chính sách được sâu rộng và hướng dẫn nhân dân và cán bộ trong việc thi hành.

5. Vùng thiểu số. – Đối với các vùng dân tộc thiểu số, Bộ Nội vụ có Thông tư riêng.

Bản điều lệ đăng ký hộ tịch này đáp ứng một yêu cầu rộng lớn và cấp bách của Chính phủ và của nhân dân hiện nay. Công việc đăng ký cấp phát mỗi ngày sẽ tăng lên và dồn đến nhiều, nếu không chú ý đúng mức ngay từ đầu thì sau sẽ gặp nhiều khó khăn phức tạp, phiền cho nhân dân và mất công cho cán bộ trong việc theo dõi, thống kê, tra cứu, v.v…

Vậy Bộ đề nghị các Ủy ban hành chính thành phố, tỉnh và huyện sắp xếp mọi việc cho có nề nếp ngay từ đầu nhất là ở các cấp cơ sở.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Phạm Văn Bạch

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 06-NV-DC-TT năm 1956 thi hành Điều lệ đăng ký hộ tịch mới do Bộ Nội Vụ ban hành

  • Số hiệu: 06-NV-DC-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/05/1956
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
  • Người ký: Phạm Văn Bạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 09/06/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản