Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 1961

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 16 tháng 12 năm 1960,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. Nay bãi bỏ bản điều lệ đăng ký hộ tịch kèm theo nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 764/TTg ngày 8 tháng 5 năm 1956, và ban hành bản điều lệ đăng ký hộ tịch mới kèm theo Nghị định này.

Bản điều lệ đăng ký hộ tịch mới này sẽ được thi hành kể từ ngày 1 tháng 4 năm 1961.

Điều 2. Ủy ban hành chính các khu tự trị và Ủy ban hành chính các khu, tỉnh trực thuộc Trung ương có vùng dân tộc thiểu số sẽ căn cứ vào bản điều lệ này mà quy định những điểm châm chước cho thích hợp với hoàn cảnh, phong tục, tập quán của miền núi, quy định này phải được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

Điều 3. Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết và hướng dẫn Ủy ban hành chính các cấp thi hành bản điều lệ kèm theo Nghị định này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH
(sinh, tử, kết hôn)

Đăng ký hộ tịch là ghi vào sổ của Ủy ban hành chính cơ sở những việc sinh, tử, kết hôn và những việc có liên quan như nuôi con nuôi, nhận con ngoài giá thú, nhận cha mẹ đẻ, thay đổi quốc tịch, thay đổi họ, tên, chữ đệm, cải chính ngày, tháng, năm sinh. Mục đích là để chứng nhận lý lịch, quan hệ gia đình, xác định nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người.

Đăng ký hộ tịch còn là biện pháp hành chính nhằm góp phần bảo đảm việc thi hành luật hôn nhân và gia đình.

Đăng ký hộ tịch còn có mục đích quan trọng nữa là phục vụ công tác thống kê dân số và tính toán tỷ lệ tăng giảm tự nhiên của dân số, để cho Nhà nước có căn cứ lập kế hoạch và các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học có tài liệu nghiên cứu những biện pháp nhằm nâng cao đời sống và tuổi thọ của nhân dân.

Để đạt những mục đích nói trên, bản Điều lệ đăng ký hộ tịch này quy định thủ tục đăng ký theo phương châm:

- Đơn giản, dễ dàng để cho nhân dân khai và xin đăng ký các việc sinh, tử, kết hôn được đầy đủ và đúng hạn, đồng thời bảo đảm các việc đăng ký được chính xác để giữ gìn giá trị của những giấy chứng nhận hộ tịch và phục vụ yêu cầu của ngành Thống kê.

- Phù hợp với tình hình thực tế của nước ta, có chú ý đến tình hình vùng nông thôn và miền núi hiện nay.

Chương 1.

ĐĂNG KÝ VIỆC SINH

Điều 1. Trong hạn 30 ngày kể từ ngày đẻ con, cha hay mẹ phải khai sinh cho con tại Ủy ban hành chính cơ sở nơi cư trú.

Nếu cha hay mẹ không đi khai được thì phải nhờ người thân thuộc, người láng giềng, người bạn đi khai thay, trong thời hạn nói trên.

Điều 2. Khi khai sinh phải xuất trình giấy chứng sinh do cơ quan y tế đã đỡ đẻ cấp. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì có thể xuất trình giấy chứng nhận do người chịu trách nhiệm về hành chính ở xóm, bản, phố hay cơ quan, xí nghiệp, công, nông trường cấp.

Khi khai sinh phải khai rõ:

- Họ và tên của đứa trẻ.

- Trai hay gái.

- Ngày, tháng, năm sinh.

- Nơi sinh.

- Họ tên, tuổi, quốc tịch, dân tộc, nghề nghiệp, chỗ ở của cha mẹ.

- Họ tên, tuổi, chỗ ở, số và ngày cấp giấy chứng minh (nếu có) của người đứng khai.

Điều 3. Con ngoài giá thú cũng phải khai sinh.

Điều 4. Trường hợp trẻ con mới đẻ bị bỏ rơi, thì người trông thấy đầu tiên có nghĩa vụ tạm thời bảo vệ đứa trẻ và báo ngay cho Ủy ban hành chính hoặc Công an cơ sở gần nhất. Ủy ban hành chính đứng khai sinh và tìm người nuôi đứa trẻ.

Chương 2.

ĐĂNG KÝ VIỆC TỬ

Điều 5. Khi có người chết, bất cứ người lớn hay trẻ con, thì trong hạn 24 giờ kể từ khi người chết tắt thở, người thân thuộc phải khai tử với Ủy ban hành chính cơ sở nơi xảy ra việc chết. Trường hợp không có người thân thuộc hoặc người đó vắng mặt, thì người ở cùng nhà, người láng giềng, hoặc người có trách nhiệm trong cơ quan, xí nghiệp, công, nông trường nơi có người chết phải khai tử.

Nếu chết tại nơi cư trú, thì Ủy ban hành chính cơ sở ấy đăng ký ngay vào sổ khai tử.

Thông thường nếu cư trú một nơi, chết một nơi khác, thì Ủy ban hành chính cơ sở nơi xảy ra việc chết nhận việc khai tử, nhưng không đăng ký và trong hạn 24 giờ sau, phải báo cho Ủy ban hành chính nơi cư trú của người chết biết để Ủy ban hành chính này đăng ký vào sổ khai tử. Trường hợp không rõ nơi cư trú của người chết thì Ủy ban hành chính cơ sở nơi xảy ra việc chết, đăng ký ngay vào sổ khai tử.

Điều 6. Trường hợp trẻ con đẻ ra rồi mới chết thì phải vừa đăng ký vào sổ khai sinh vừa đăng ký vào sổ khai tử.

Trường hợp trẻ con đẻ ra đã chết thì không khai sinh và không khai tử.

Điều 7. Khi khai tử, phải khai rõ:

- Họ, tên, quốc tịch, dân tộc, nghề nghiệp, chỗ ở, ngày, tháng, năm sinh hay tuổi của người chết.

- Nam, hay nữ.

- Ngày, tháng, năm và nơi chết.

- Nguyên nhân chết.

- Họ, tên, chỗ ở, số và ngày cấp giấy chứng minh (nếu có) của người đứng khai.

Chương 3.

ĐĂNG KÝ VIỆC KẾT HÔN

Điều 8. Việc kết hôn phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ công nhận và đăng ký vào sổ kết hôn.

Điều 9. Muốn xin đăng ký kết hôn, nam và nữ phải khai với Ủy ban hành chính những điểm sau:

- Ý định kết hôn.

- Có đủ các điều kiện để kết hôn theo luật định.

- Đề nghị ngày đăng ký kết hôn.

Ủy ban hành chính cơ sở phải thẩm tra lời khai, và khi xét thấy hai bên nam nữ có đủ điều kiện hợp pháp để kết hôn, thì đăng ký kết hôn vào ngày do Ủy ban hành chính và đương sự định.

Trước khi công nhận và đăng ký, Ủy ban hành chính nhắc nhở cho hai bên rõ nghĩa vụ và quyền lợi của vợ chồng như đã quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình.

Điều 10. Trường hợp xét thấy nam hay nữ không đủ điều kiện để kết hôn, thì Ủy ban hành chính không đăng ký và giải thích cho đương sự rõ lý do.

Trường hợp có người tố giác việc kết hôn không hợp pháp, thì Ủy ban hành chính tạm đình chỉ việc đăng ký để điều tra thêm. Sau khi xem xét, Ủy ban hành chính sẽ quyết định đăng ký hay không đăng ký.

Trường hợp giữa Ủy ban hành chính và đôi nam nữ có sự bất đồng ý kiến mà không giải quyết được, đương sự có quyền đề nghị lên Ủy ban hành chính cấp trên giải quyết.

Điều 11. Vợ chồng đã ly hôn nay muốn kết hôn lại với nhau cũng đăng ký kết hôn theo thủ tục nói trên.

Chương 4.

GHI CHÚ CÁC VIỆC THAY ĐỔI VỀ HỘ TỊCH

Điều 12. Sau khi công nhận việc nuôi con nuôi thì Ủy ban hành chính cơ sở ghi chú việc ấy vào sổ đã đăng ký việc sinh của người con nuôi, và vào giấy khai sinh đã cấp.

Nếu trước chưa đăng ký việc sinh thì phải xin đăng ký quá hạn, rồi Ủy ban hành chính mới ghi chú việc nuôi con nuôi vào sổ và giấy khai sinh cấp cho đương sự.

Điều 13. Khi nhận được đơn của cha hay mẹ nhận con ngoài giá thú hay khi nhận được bản án của Toà án nhân dân cho phép người con ngoài giá thú nhận cha hay mẹ đẻ, thì Ủy ban hành chính cơ sở ghi chú việc ấy vào sổ đã đăng ký việc sinh của người con.

Điều 14. Khi nhận được quyết định cho thay đổi quốc tịch, thay đổi họ, tên, chữ đệm, cải chính ngày, tháng, năm sinh, thì Ủy ban hành chính cơ sở ghi chú sự thay đổi ấy vào sổ đã đăng ký việc sinh của đương sự.

Điều 15. Những sự thay đổi về hộ tịch vừa phải ghi chú vào sổ hộ tịch để ở cấp cơ sở, vừa phải ghi chú vào sổ hộ tịch để Ủy ban hành chính huyện, châu, thị xã hoặc thành phố.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 16. Mỗi loại việc sinh, tử, kết hôn phải đăng ký vào một thứ sổ riêng. Mẫu sổ do Bộ Nội vụ quy định.

Sau khi đăng ký, Ủy ban hành chính cấp cho đương sự bản chính. Khi cần có bản sao, đương sự sẽ sao theo bản chính và đem đến Ủy ban hành chính thị thực.

Điều 17. Trong sổ hộ tịch, trong các bản chính, bản sao và các giấy chứng nhận hộ tịch khác không được viết tắt, tẩy, xóa, viết chữ nọ đè lên chữ kia hoặc viết hai thứ mực.

Điều 18. Khi có đơn xin ghi thêm những điều thiếu sót và sửa chữa những điều sai lầm, nếu là sai lầm thiếu sót thường, thì Ủy ban hành chính đã đăng ký hộ tịch có quyền sửa chữa, bổ sung; nếu là sai lầm thiếu sót quan trọng, thì việc sửa chữa, bổ sung phải được Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh cho phép.

Điều 19. Những việc sinh, tử xảy ra trước hay sau ngày thi hành bản điều lệ này mà chưa đăng ký trong thời hạn đã quy định thì được đăng ký quá hạn.

Những việc sinh, tử, kết hôn đã đăng ký rồi mà sổ sách giấy tờ gốc bị thất lạc, không còn cơ sở để xin bản sao, thì được đăng ký lại.

Người đương sự sẽ làm đơn xin đăng ký với Ủy ban hành chính cơ sở nơi hiện cư trú.

Điều 20. Không được dùng giấy khai danh dự để chứng minh các việc sinh, tử, kết hôn xảy ra sau ngày thi hành bản điều lệ này.

Đối với những việc sinh, tử, kết hôn xảy ra trước ngày thi hành bản điều lệ này, thì có thể dùng giấy khai danh dự cũ làm căn cứ để xin đăng ký quá hạn hay đăng ký lại.

Điều 21. Giấy chứng nhận hộ tịch do Đại sứ, Lãnh sự hay Đại diện ngoại giao của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cấp cho Việt kiều ở nước ngoài có giá trị như giấy chứng nhận cấp ở trong nước.

Việt kiều về nước, nếu có giấy chứng nhận hộ tịch do chính quyền nước ngoài cấp, thì được xin đăng ký lại vào sổ hộ tịch tại Ủy ban hành chính cơ sở nơi Việt kiều cư trú, nếu không có giấy chứng nhận hợp lệ thì phải làm đơn xin đăng ký quá hạn tại Ủy ban hành chính cơ sở nơi Việt kiều cư trú.

Điều 22. Đối với những việc sinh, tử, kết hôn đã xảy ra tại miền Nam thì có thể cho đăng ký quá hạn hoặc đăng ký lại.

Điều 23. Việc sinh, tử của ngoại kiều cư trú ở Việt Nam và việc kết hôn giữa ngoại kiều với người Việt Nam đều phải đăng ký theo điều lệ này.

Việc kết hôn giữa ngoại kiều với ngoại kiều, nếu đương sự yêu cầu, thì Ủy ban hành chính cơ sở nơi đương sự cư trú đăng ký theo điều lệ này.

Điều 24. Những việc sinh, tử, kết hôn đã được Ủy ban hành chính cơ sở đăng ký vào sổ hộ tịch phải được thống kê và báo cáo lên Ủy ban hành chính cấp trên theo mẫu và chế độ báo cáo do Bộ Nội vụ quy định.

Điều 25. Người có nhiệm vụ xin đăng ký các việc sinh, tử, kết hôn mà không làm đúng những điều đã quy định trong bản điều lệ này, sẽ bị phê bình, cảnh cáo hay bị xử lý theo pháp luật.

Điều 26. Người nào tự ý sửa chữa, giả mạo giấy tờ hộ tịch, khai gian về hộ tịch sẽ bị trừng phạt theo pháp luật.

Cán bộ, nhân viên Nhà nước làm hư hỏng, mất mát sổ hộ tịch, đăng ký sai, đăng ký chậm, gây khó khăn trong việc đăng ký, không chấp hành chế độ báo cáo thống kê, sẽ tùy trường hợp, bị thi hành kỷ luật hành chính hay bị truy tố trước Tòa án nhân dân.

Điều 27. Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc Ủy ban hành chính các cấp thi hành bản điều lệ này.

Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố, huyện, châu, thị xã, thị trấn, khu phố, xã chịu trách nhiệm về công tác hộ tịch ở địa phương mình, và phân công một Ủy viên phụ trách, có cán bộ hộ tịch giúp việc. Ủy viên Ủy ban hành chính phụ trách và chịu trách nhiệm về công tác hộ tịch của địa phương mình trước Ủy ban hành chính.

Việc đăng ký vào sổ hộ tịch, ghi chú những sự thay đổi về hộ tịch và cấp phát giấy chứng nhận hộ tịch cho nhân dân trong Ủy ban hành chính cấp cơ sở đảm nhiệm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 4-CP năm 1961 Điều lệ đăng ký hộ tịch do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 4-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/01/1961
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 01/04/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản