Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05-TC/CN

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 1990

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 05-TC/CN NGÀY 9/1/1991 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHỈ THỊ SỐ 408-CT NGÀY 20/11/1990 CỦA CHỦ TỊCH HĐBT VỀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC TÀI VỤ KẾ TOÁN VÀ HẠCH TOÁN KINH TẾ CỦA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã có Chỉ thị số 408-CT ngày 20/11/1990 về chấn chỉnh công tác tài vụ kế toán và hạch toán kinh tế của các xí nghiệp quốc doanh, trong đó đã nhấn mạnh một số biện pháp cấp bách, cần làm ngay nhằm khắc phục những mặt yếu trong công tác quản lý tài vụ kế toán và hạch toán kinh tế ở các XNQD, thúc đẩy sản xuất phát triển, kinh doanh có hiệu quả và bảo toàn được vốn.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thi hành những biện pháp đó như sau:

1. Từng Tổng Công ty, Công ty, xí nghiệp quốc doanh phải có phương án tổ chức lại sản xuất ở đơn vị xí nghiệp trên cơ sở khai thác khả năng công suất thiết bị hiện có; và đổi mới dây chuyền công nghệ, thay đổi mặt hàng và nâng cao chất lượng sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của thị trường; các phương án giá cả sản phẩm; khả năng huy động các nguồn vốn; tổ chức liên doanh liên kết về cung ứng nguyên vật liệu, gia công sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật v.v... tổ chức sắp xếp lại lao động để nâng cao năng suất lao động đảm bảo kinh doanh có hiệu quả và thực hiện các nghĩa vụ thu nộp Ngân sách Nhà nước.

Những đơn vị xí nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, lại không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và không thuộc diện được trợ giá theo chính sách của Nhà nước, nếu xét thấy không còn khả năng khắc phục thì phải kiên quyết cho giải thể theo các quy định tại Quyết định số 315-HĐBT ngày 01/9/1990 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 54-TC/CN ngày 13/11/1990 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quyết định nói trên.

2. Chấn chỉnh công tác tài vụ kế toán ở các Công ty, xí nghiệp :

a. Thực hiện việc giao vốn cho cơ sở theo Quyết định số 316-CT/HĐBT ngày 01/9/1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn số 41-TC/VKH ngày 18/9/1990 và Thông tư hướng dẫn số 51-TC/VKH ngày 27/10/1990 ngày 27/10/1990 của Bộ Tài chính.

Các đơn vị xí nghiệp cần dựa trên kết quả kiểm kê đánh giá lại tài sản 0 giờ ngày 1/1/1990 để làm căn cứ xác định các nguồn vốn hiện có tại xí nghiệp, trong đó có vốn ngân sách cấp, vốn tự bổ sung của xí nghiệp và các nguồn vốn chiếm dụng khác, đặc biệt chú ý xác định đúng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp - tạo điều kiện và cơ sở để tính số thu nộp tiền sử dụng vốn (khi được ban hành và áp dụng).

Việc giao vốn được tiến hành thí điểm trước ở 1 số đơn vị. Đồng thời khẩn trương mở rộng diện để sớm đưa công tác quản lý và sử dụng vốn vào nền nếp, bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn, hoạt động có hiệu quả ngày càng cao đảm bảo thực hiện chế độ thu tiền sử dụng vốn ở tất cả các đơn vị kinh tế quốc doanh.

b. Thực hiện đúng chế độ khấu hao và sử dụng vốn khấu hao TSCĐ quy định tại Thông tư số 33-TC/CN ngày 31/7/1990 của Bộ Tài chính.

c. Các đơn vị xí nghiệp tự xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật về tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng, lao động, đơn giá tiền lương phù hợp với đặc điểm và điều kiện sản xuất kinh doanh của xí nghiệp; nhưng các định mức đó đảm bảo tiết kiệm, không được cao hơn các định mức, tiêu chuẩn do Nhà nước hoặc cơ quan quản lý cấp trên quy định - nếu có; đồng thời đảm bảo giảm dần chi phí đầu vào, đầu ra của sản phẩm có thể chịu được và sản xuất - kinh doanh có hiệu quả.

d. Hạch toán đúng đắn các chi phí quản lý của xí nghiệp:

- Các đơn vị xí nghiệp thực hiện sắp xếp lại lao động, xử lý lao động dôi thừa theo đúng tinh thần Quyết định số 176-HĐBT ngày 9/10/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, giảm chi phí gián tiếp, đảm bảo quan hệ tỷ lệ hợp lý giữa bộ phận gián tiếp và trực tiếp theo đặc điểm sản xuất - kinh doanh từng ngành.

- Các đơn vị xí nghiệp không được lấy vốn lưu động, vốn đầu tư cho các mục tiêu sản xuất - kinh doanh để xây dựng trụ sở mua sắm phương tiện làm việc và xe cộ.Thực hiện triệt để tiết kiệm điện, xăng dầu.

- Từng Công ty, xí nghiệp phải tự xây dựng chế độ chi phí giao dịch hợp lý, chế độ tiếp khách, hội nghị, tặng phẩm, đãi ngộ những tổ chức và cá nhân đã có sự giúp đỡ cho cơ sở trong sản xuất, kinh doanh, mời khách nước ngoài vào và cử người ra nước ngoài giao dịch. Các chế độ này do cơ quan quản lý cấp trên của Công ty, xí nghiệp (Bộ chủ quản, UBND tỉnh, thành phố, đặc khu) duyệt trên cơ sở đảm bảo những nguyên tắc: tiết kiệm, chống lợi dụng, chống hối lộ dưới mọi hình thức, cấm dùng tiền công để ăn uống chi tiêu xa phí, không được lấy tiền của Công ty xí nghiệp đi biếu xén cho người khác. Cấm lấy của công thành tư. Tiền thưởng cuối năm cho các cá nhân và đơn vị đều phải có chữ kỹ của nguời quyết định thưởng và người nhận thưởng.

Các khoản chi phí giao dịch nói trên cần được ghi chép rành mạch và hạch toán trung thực theo đúng chế độ lập chứng từ ban đầu và thực hiện việc công khai hoá những chi phí đó với toàn xí nghiệp.

- Các đơn vị xí nghiệp phải chấp hành những quy định cụ thể về chế độ tạm ứng và chi tiêu tiền mặt: mọi khoản chi tiền ở xí nghiệp nhất thiết đều phải qua hai khâu:

Phải có dự toán chi và được cấp có thẩm quyền duyệt. Người quyết định chi phải chịu trách nhiệm về những khoản dự toán chi sai chế độ, lãng phí, tạo kẽ hở cho các hiện tượng tham ô, hối lộ và tệ nạn tham nhũng.

Phải được thanh quyết toán chi trên cơ sở hoá đơn và chứng từ hợp lệ, hợp pháp.

Kế toán trưởng XN phải nghiêm chỉnh chấp hành Điều lệ kế toán trưởng đã được ban hành, phải làm đúng vai trò và chức năng kiểm tra, kiểm soát về các khoản chi nói trên ở XN.

- Từng Công ty, xí nhiệp tự xây dựng chế độ chi phí hợp lý về quảng cáo, hàng mẫu trên nguyên tắc có hiệu quả thiết thực, không phô trương hình thức lãng phí.

3. Từng Công ty, xí nghiệp phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp NSNN theo các luật thuế và các chế độ hiện hành. Trường hợp các đơn vị không hoàn thành, hoặc trì hoãn nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước thì theo yêu cầu của cơ quan tài chính có thẩm quyền, Ngân hàng thực hiện việc trích tài khoản của xí nghiệp nộp vào ngân sách Nhà nước.

Trường hợp một số sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế quốc dân mà thực sự bị lỗ do tính đủ giá đầu vào và Nhà nước còn định giá đầu ra thì Bộ Tài chính thực hiện việc trợ giá trên cơ sở có quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về danh mục cụ thể những sản phẩm cần được trợ giá.

4. Từng xí nghiệp lập phương án thực hành tiết kiệm cả trong sản xuất - kinh doanh, trong xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và trong phân phối thu nhập.

Phương án thực hành tiết kiệm của xí nghiệp phải bao gồm những nội dung cơ bản sau đâu:

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những khâu yếu, những mặt lãng phí trong sản xuất - kinh doanh của đơn vị, những khả năng tiềm tàng chưa khai thác hết mà xác định những biện pháp cụ thể về thực hành tiết kiệm, đặc biệt chú trọng ở các khâu:

- Tiết kiệm tiêu hao nguyên nhiên vật liêu. Chú ý việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới dây chuyền công nghệ để hạ giá thành sản phẩm.

- Tiết kiệm chi phí quản lý xí nghiệp (như chi phí giao dịch, tiếp khách, khen thưởng... như ở phần trên đã nói), chi phí trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán vật tư và sản phẩm, lợi dụng móc ngoặc để ăn chênh lệch giá, đặc biệt trong khâu quản lý các công trình XDCB : (rút vốn của Nhà nước thông qua việc nâng cao đơn giá dự toán công trình và các hợp đồng ký kết giữa A-B...).

- Phương án thực hành tiết kiệm phải được thảo luận rộng rãi trong cán bộ CNV xí nghiệp, có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, động viên được sự hưởng ứng của mọi người lao động.

Trong khuôn khổ quỹ khen thưởng được trích của xí nghiệp, bao gồm cả phần trích từ lợi nhuận tăng thêm do thực hành tiết kiệm, giám đốc xí nghiệp quy định và thực hiện việc khen thưởng và xử phạt về những vụ việc tiết kiệm hoặc lãng phí trong nội bộ xí nghiệp.

5. Từng Công ty xí nghiệp phải nghiêm túc thực chiện Pháp lệnh về kế toán - thống kê của Hội đồng Nhà nước theo Lệnh công bố số 6-LCT/HĐNN ngày 20/5/1980 và Thông tư hướng dẫn số 475-TC/CĐKT ngày 24/4/1989 của Bộ Tài chính.

Đặc biệt chú trọng thực hiện nghiêm chỉnh chế độ lập chứng từ ban đầu. Nghiêm cấm việc lập chứng giả mạo hoặc không trung thực.

Hạch toán đầy đủ các loại doanh thu của cơ sở : doanh thu sản xuất chính, sản xuất phụ, kinh doanh ngoài cơ bản và các khoản tiêu thụ khác của xí nghiệp... Nhất thiết không để một khoản doanh thu nào ngoài sổ sách kế toán chính thức.

Hạch toán đúng và đủ chi phí sản xuất và doanh thu tiêu thụ sản phẩm cũng là nhằm khắc phục tình trạng lãi giả lỗ thật, hoặc lỗ giả lãi thật.

Cơ quan tài chính các cấp (Bộ Tài chính đối các Công ty, xí nghiệp Trung ương; Sở Tài chính - đối với các đơn vị xí nghiệp địa phương) thực hiện việc kiểm tra kế toán định kỳ: hàng quý, 6 tháng hoặc 1 năm (nhưng không dưới 1 lần trong 1 năm) đối với mỗi đơn vị kinh tế cơ sở.

Kế toán trưởng xí nghiệp là người trực tiếp chịu trách nhiệm trước các cơ quan pháp luật về việc thực hiện Pháp lệnh thống kê - kế toán tại xí nghiệp.

6. Lãnh đạo các Bộ, ngành chủ quản chịu trách nhiệm về việc củng cố các vụ tài vụ của các Bộ ở các khâu : tổ chức bộ máy và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đủ sức thực hiện chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo công tác tài chính - kế toán như một công cụ quan trọng đảm bảo sản xuất - kinh doanh có hiệu quả; theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra công tác tài chính, kế toán của các đơn vị sản xuất kinh doanh trực thuộc.

Các bộ chủ quản, UBND các tỉnh, thành phố, đặc khu, các Tổng Công ty, Công ty có xí nghiệp quốc doanh trung ương và địa phương cần tổ chức nghiên cứu và phổ biến rộng rãi, có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm chỉnh Chị thị số 408-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và các thông tư hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này của các Bộ chức năng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Lý Tài Luận

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 05-TC/CN năm 1990 hướng dẫn thi hành Chỉ thị 408-CT 1990 về chấn chỉnh công tác tài vụ kế toán và hoạch toán kinh tế của các xí nghiệp quốc doanh do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 05-TC/CN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/11/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lý Tài Luận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/01/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản