Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/TCCN | Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 1990 |
Hội đồng Bộ trưởng đã có văn bản "Quy định một số điểm cơ bản về thủ tục giải thể xí nghiệp quốc doanh bị thua lỗ nghiêm trọng" ban hành kèm theo Quyết định số 315/HĐBT ngày 1/9/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về chấn chỉnh và tổ chức lại sản xuất kinh doanh trong kinh tế quốc doanh.
Thực hiện Quyết định nói trên của Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý mặt tài chính khi tiến hành giải thể xí nghiệp, công ty... (dưới đây gọi chung là xí nghiệp) như sau:
I. TUYÊN BỐ GIẢI THỂ XÍ NGHIỆP
1. Cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp (là cấp đã giải quyết thành lập xí nghiệp) khi tuyên bố giải thể xí nghiệp, cùng với quyết định giải thể xí nghiệp, cần có ngay quyết định thành lập Hội đồng giải thể xí nghiệp theo Quyết định 315/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng.
Trong quyết định giải thể xí nghiệp cần quy định rõ:
a. Thời hạn tiến hành giải thể xí nghiệp.
Trong tất cả các trường hợp giải thể, thời hạn tối đa để tiến hành giải thể xí nghiệp là không quá 6 tháng.
b. Thời điểm đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp và bộ máy điều hành của xí nghiệp không còn hiệu lực.
c. Trách nhiệm của Giám đốc và các phòng ban xí nghiệp trong quá trình giải thể xí nghiệp dưới sự giám sát và hướng dẫn của Hội đồng giải thể xí nghiệp.
d. Thời điểm thôi không tính lãi suất đối với tất cả các khoản nợ của xí nghiệp, kể cả nợ tín dụng Ngân hàng, khi xí nghiệp bị tuyên bố lâm vào tình trạng vỡ nợ và phải giải thể.
2. Xí nghiệp bị tuyên bố giải thể có trách nhiệm.
a. Theo yêu cầu của Hội đồng giải thể xí nghiệp thực hiện việc kiểm kê toàn bộ tài sản cố định và tài sản lưu động hiện có ở xí nghiệp, kể cả các tài sản thuê ngoài hoặc cho thuê về mặt hiện vật và giá trị và nguồn hình thành, các loại vốn và các loại quỹ của xí nghiệp, tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng, các khoản nợ phải thu phải trả kể cả các khoản lương còn nợ CNVC xí nghiệp, các khoản còn phải nộp nghĩa vụ vào ngân sách Nhà nước.
b. Lập bảng tổng kết tài sản của xí nghiệp đến thời điểm tuyên bố giải thể và đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp.
c. Lập báo cáo phân tích về tình hình tài chính của xí nghiệp, tình trạng kỹ thuật và khả năng sử dụng của tài sản, vật tư, khả năng thu hồi nợ và trả nợ. Báo cáo tất cả các hợp đồng kinh tế còn chưa kết thúc về vật tư, tiêu thụ sản phẩm, liên doanh liên kết v.v...
Kiến nghị với cơ quan quản lý cấp trên và Hội đồng giải thể xí nghiệp các biện pháp thanh xử lý về vật tư, tiền vốn, công nợ và các hợp đồng kinh tế.
Xí nghiệp phải chịu trách nhiệm vật chất theo pháp luật hiện hành về việc đơn phương phải huỷ bỏ các hợp đồng kinh tế.
d. Theo yêu cầu của Hội đồng giải thể xí nghiệp, xí nghiệp phải xuất trình trung thực các tài liệu, hoá đơn chứng từ, sổ kế toán, thực hiện việc niêm phong tài sản nếu cần.
II. TIẾN HÀNH GIẢI THỂ XÍ NGHIỆP
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của xí nghiệp, Hội đồng giải thể xí nghiệp lập phương án giải thể xí nghiệp và trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể xí nghiệp duyệt y, sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp.
Trên cơ sở phương án giải thể được duyệt, Hội đồng giải thể xí nghiệp hướng dẫn xí nghiệp và thực hiện việc giải thể theo phương án.
Những nguyên tắc cơ bản về mặt tài chính để lập các phương án giải thể xí nghiệp được quy định như sau:
1. Thanh xử lý tài sản cố định và tài sản lưu động:
- Trường hợp sáp nhập toàn bộ hay từng phần vào xí nghiệp quốc doanh khác thì tuỳ theo tình hình cụ thể về nguồn vốn của xí nghiệp nhận tài sản mà quyết định: thanh toán tiền theo giá cả hiện hành và trên cơ sở giá trị còn lại của TSCĐ cho bên giao tài sản, hoặc ra quyết định tăng giảm vốn cho bên giao và bên nhận. Nói chung, về cơ bản cần được xử lý theo hướng có thanh toán tiền cho bên xí nghiệp giải thể, nhất là tài sản vật tư thuộc vốn lưu động để tạo nguồn cho xí nghiệp bị giải thể có khả năng thanh toán công nợ.
- Trường hợp bán toàn bộ hay từng phần tài sản của xí nghiệp cho các đơn vị khác, không phân biệt thành phần kinh tế, dưới các hình thức đấu thầu được ưu tiên cho cán bộ, công nhân viên đã làm việc trong ngành ưu tiên cho các XNQD trong cùng ngành với điều kiện giá cả và phương thức mua bán như nhau. Nghĩa là các đơn vị xí nghiệp và các Hội đồng giải thể xí nghiệp không được giảm giá so với mặt bằng giá có thể bán được ra ngoài để bán nội bộ xí nghiệp hoặc nội bộ ngành.
Trường hợp các tổ chức hay cá nhân mua nguyên trạng toàn bộ tài sản cố định để sử dụng tại chỗ và tiếp nhận một số lao động đã làm việc trong xí nghiệp thì được ưu tiên giảm giá. Mức giảm giá do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của xí nghiệp cùng với cơ quan tài chính cùng cấp (Bộ Tài chính nếu là xí nghiệp quốc doanh Trung ương và Sở Tài chính nếu là xí nghiệp địa phương) quyết định.
- Đối với các tài sản đi thuê hoặc mượn thì được trả lại cho các chủ sở hữu và 2 bên thực hiện các khoản thanh toán tiền thuê.
- Đối với các tài sản cho thuê hoặc cho mượn thì phải được thu hồi để xử lý theo các quy định nói trên.
- Đối với những tài sản đảm bảo thế chấp vay nợ Ngân hàng hoặc thế chấp các khoản vay nợ khác thì được ưu tiên xử lý để trả nợ: bán đấu giá hoặc gán nợ theo quyết định của Hội đồng giải thể, trên cơ sở xem xét hợp đồng của người vay nợ và người cho vay nơ.
- Các nguồn vốn khác như: Vốn bằng tiền, quỹ tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng, số dư vốn tự có về đầu tư XDCB, vốn khấu hao cơ bản và khấu hao sửa chữa lớn chưa chi hết, số dư quỹ khuyến khích phát triển sản xuất nếu có đều được huy động để thanh toán trước hết cho các khoản nợ phải chi bằng các nguồn vốn tương ứng (ví dụ: Nợ bên B về việc thanh toán khối lượng thì phải chi bằng nguồn vốn tự có về đầu tư XDCB), thứ đến là các khoản nợ phải trả theo các thứ tự ưu tiên quy định ở mục 3 (phần II) dưới đây:
Các quỹ khen thưởng và phúc lợi nếu còn dư thì phải dùng trả nợ công nhân nếu có, sau đó là dùng thanh toán các khoản còn nợ khác.
- Việc thu hồi các khoản nợ phải đòi được dùng làm nguồn trang trải các khoản nợ phải trả theo các thứ tự ưu tiên quy định ở mục 3, phần II.
Các khoản nợ khó đòi, hoặc các khoản nợ phải trả mà xí nghiệp không có khả năng thanh toán sau khi đã huy động hết các nguồn vốn của mình thì Hội đồng giải thể xí nghiệp (hoặc Ban thanh xử lý công nợ nếu có) thực hiện việc thanh xử lý theo các chế độ hiện hành: đưa vào lỗ xí nghiệp, xoá nợ, hoặc bàn giao nợ cho đơn vị mới được sáp nhập sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính (nếu là những khoản liên quan đến các nguồn vốn ngân sách nhà nước) và cơ quan ngân hàng (nếu là những khoản liên quan đến tín dụng ngân hàng).
- Chi trả lương và bảo hiểm xã hội mà xí nghiệp còn nợ cán bộ công nhân viên.
Thanh toán các khoản nợ ngân sách, bao gồm các khoản ngân sách cấp vốn cố định và vốn lưu động cho xí nghiệp trên nguyên tắc bảo tồn của ngân sách nhà nước, các khoản nộp nghĩa vụ của xí nghiệp vào ngân sách nhà nước.
- Thanh toán các khoản nợ vay Ngân hàng.
- Các khoản nợ và vay khác.
- Phần còn lại được sử dụng để giải quyết quyền lợi về mặt vật chất cho người lao động theo Quyết định 176/HĐBT ngày 9/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh.
Trường hợp giá trị còn lại không đủ để giải quyết quyền lợi người lao động như đã nói trên thì ngân sách tỉnh, thành phố tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể dành một khoản chi hợp lý để hỗ trợ cho việc giải quyết những quyền lợi chính đáng của người lao động.
- Trường hợp vẫn còn dư thì nộp vào ngân sách nhà nước, sau khi trừ các khoản chi phí cần thiết để thực hiện các thủ tục giải thể xí nghiệp.
Những hành vi sau đây của xí nghiệp trong diện giải thể được coi là phạm pháp và bị xử lý theo pháp luật:
- Cất, giấu, phân tán tài sản, vật tư, tiền vốn.
- Chuyển nhượng hay bán các tài sản của xí nghiệp mà không được phép của Hội đồng giải thể xí nghiệp.
- Sử dụng tài sản của xí nghiệp không đúng với hướng dẫn trong phương án giải thể của Hội đồng giải thể xí nghiệp.
- Không hoàn thành các nhiệm vụ quy định trong quyết định giải thể của cơ quan quản lý cấp trên và các yêu cầu của Hội đồng giải thể xí nghiệp như: từ bỏ quyền đòi nợ, trả nợ v.v...
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân làm ăn thua lỗ, dẫn đến vỡ nợ và phải giải thể xí nghiệp. Nếu Giám đốc xí nghiệp và các phòng ban chức năng đã lạm dụng quyền hành hay lợi dụng những sơ hở trong cơ chế quản lý của Nhà nước nhằm mục đích thu lợi riêng thì đương sự sẽ bị phạt tuỳ theo mức độ sai lầm, từ cảnh cáo, phạt tiền, buộc thôi việc hay truy tố trước pháp luật.
III. QUYẾT TOÁN VÀ KẾT THÚC QUÁ TRÌNH GIẢI THỂ XÍ NGHIỆP
Sau khi hoàn tất quá trình giải thể xí nghiệp trong phạm vi thời gian quy định theo phương án giải thể đã được duyệt, Hội đồng giải thể xí nghiệp làm báo cáo quyết toán sau giải thể và báo cáo kết quả thanh xử lý các khoản tài sản, vật tư, tiền vốn, các khoản công nợ, trong quá trình giải thể xí nghiệp. Đề xuất các vấn đề xử ký tiếp sau giải thể về mặt tài chính, đề nghị truy cứu trách nhiệm vật chất hoặc trách nhiệm hình sự nếu có lên Bộ trưởng Bộ chuyên ngành (đối với XNTW) hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (với xí nghiệp địa phương). Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân căn cứ báo cáo của Hội đồng giải thể xí nghiệp trong đó đã có ý kiến của đại diện Bộ Tài chính, Sở Tài chính, các cơ quan Ngân hàng và các cơ quan liên quan ra quyết định duyệt y báo cáo giải thể xí nghiệp của Hội đồng về các mặt tài chính, nhân sự, truy cứu trách nhiệm xác định những tồn tại cần tiếp tục xử lý, sau khi giải thể và quyết định chấm dứt hoạt động của Hội đồng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các đơn vị xí nghiệp và các ngành có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để giải quyết.
Hồ Tế (Đã ký) |
- 1Chỉ thị 138-CT năm 1991 về mở rộng diện trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh cho đơn vị cơ sở quốc doanh do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Thông tư 25-TC/TCDN-1997 hướng dẫn trình tự, thủ tục, nguyên tắc xử lý tài chính khi giải thể doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành
- 1Quyết định 176-HĐBT năm 1989 về việc sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Quyết định 315-HĐBT năm 1990 về việc chấn chỉnh và tổ chức lại sản xuất và kinh doanh trong khu vực kinh tế quốc doanh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3Chỉ thị 138-CT năm 1991 về mở rộng diện trao quyền sử dụng và trách nhiệm bảo toàn vốn sản xuất kinh doanh cho đơn vị cơ sở quốc doanh do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Thông tư 54/TCCN năm 1990 về việc xử lý tài chính khi giải thể xí nghiệp quốc doanh do Bộ tài chính ban hành
- Số hiệu: 54/TCCN
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 13/11/1990
- Nơi ban hành: Bộ Tài chính
- Người ký: Hồ Tế
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/11/1990
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra