Hệ thống pháp luật

Điều 16 Thông tư 04/2011/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo địa chấn trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và địa chất công trình do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Điều 16. Nội dung của dự án địa chấn

1. Dự án đo địa chấn độc lập cần thể hiện những nội dung sau:

a) Mục tiêu, nhiệm vụ căn cứ vào các yêu cầu của thẩm quyền quyết định hoặc cơ sở pháp lý khác, dự án địa chấn xác định các nhiệm vụ cụ thể và kỹ thuật công tác, thời gian tiến hành công việc;

b) Vị trí vùng công tác, đặc điểm địa lý, kinh tế, nhân văn và đánh giá ảnh hưởng tới quá trình thi công;

c) Lịch sử nghiên cứu địa chất, địa chất công trình, địa vật lý đã tiến hành trên vùng công tác. Đánh giá mức độ sử dụng những tài liệu đã có vào phân tích giải đoán tài liệu địa chấn;

d) Phương pháp và khối lượng công tác, nêu tóm tắt các vấn đề:

- Cơ sở địa chất - địa vật lý để lựa chọn các dạng công tác địa chấn, nhiệm vụ kỹ thuật và khối lượng của công tác đó;

- Phương pháp quan sát, mạng lưới và các biện pháp kỹ thuật cần áp dụng;

- Yêu cầu về trắc địa đối với các dạng công việc;

- Sai số cho phép của các phương pháp công tác.

đ) Tổ chức thi công: tổng quát về kế hoạch thi công, gồm tổ chức, nhân lực, các bước thực hiện. Nếu dự án kéo dài, cần có biểu đồ lịch thi công;

e) Công tác văn phòng: nêu các phương pháp xử lý tính toán. Các phương pháp cổ điển chỉ cần nêu ngắn gọn;

f) Sản phẩm của dự án: báo cáo, mặt cắt địa chấn - địa chất, bảng giá trị tham số cơ lý của các địa tầng, các sơ đồ trên cơ sở nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản này.

g) Dự toán: được tính toán trên cơ sở định mức, đơn giá và chi phí phụ trợ theo quy định hiện hành;

h) Danh mục tài liệu tham khảo;

i) Các phụ lục, bản vẽ kèm theo dự án:

- Sơ đồ khái quát vùng công tác;

- Sơ đồ địa chất, địa chất công trình ở tỷ lệ khảo sát (1:50.000, 1:25.000 hay lớn hơn);

- Sơ đồ bố trí tuyến địa chấn và các công trình khảo sát địa chất, địa vật lý có liên quan;

- Khi đo chiếu sóng, lỗ khoan, hay mặt cắt đứng có nhiều hướng phát sóng, cần vẽ lược đồ quan sát dự kiến.

2. Khi công tác địa chấn là một thành phần trong dự án khảo sát địa chất công trình thì các nội dung trên chỉ nêu ngắn gọn, phù hợp nội dung dự án chung.

3. Thành phần tổ lập dự án gồm:

a) Chủ nhiệm dự án: Điều tra viên chính bậc 4 chuyên ngành địa vật lý trở lên;

b) Hai điều tra viên chính chuyên ngành địa vật lý;

c) Một điều tra viên chính chuyên ngành địa chất hoặc địa chất công trình;

d) Một điều tra viên chuyên ngành trắc địa;

đ) Các kỹ thuật viên.

Thông tư 04/2011/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo địa chấn trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và địa chất công trình do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 04/2011/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/01/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH