Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 04/2011/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo địa chấn trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và địa chất công trình do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương III

THI CÔNG THỰC ĐỊA

Điều 20. Yêu cầu trong thi công thực địa

1. Trước khi thi công thực địa, thiết bị đo địa chất phải được hiệu chuẩn, kiểm định tại cơ sở được cấp phép hoạt động kiểm định và có Quy trình kiểm định đúng với thiết bị đo.

2. Các thiết bị đo địa chấn mới sản xuất hoặc nhập khẩu khi chưa ban hành Qui trình kiểm định, thực hiện các biện pháp hiệu chuẩn theo các nội dung quy định tại mục 1, 2, 3, 4, 5 và mục 6 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 21. Chọn tham số ghi sóng

1. Chọn bước số hoá tín hiệu t theo độ phân giải đo và khắc phục nhiễu ảnh gương.

2. Độ phân giải đo thời gian cần có để xác định các ranh giới địa chấn và được xác định theo công thức: Δt » dh/V.

a) Δt là bước số hoá, tính bằng s;

b) dh là sai số xác định ranh giới cần đạt được, chọn là 1 đến 2% độ sâu h dự tính, tính bằng mét;

c) V là tốc độ truyền sóng trung bình trong lớp phủ, tính bằng m/s, có thể dùng giá trị V» 500 ¸ 800m/s cho lớp phủ khô, 1200 đến 1500m/s cho lớp phủ bão hoà nước.

3. Khắc phục nhiễu gương tần số số hoá phải lớn hơn 4 lần tần số cao nhất fmax (Hz) trong băng tần của tín hiệu sẽ thu. Khi đó bước số hóa phải thoả mãn biểu thức: Δt < 1/ (4fmax).

4. Khi chưa có cơ sở để chọn bước số hoá, phải đo thử nghiệm với bước số hoá nhỏ theo đặc trưng băng tần quy định tại Bảng 3. Xem các băng ghi với các tỷ lệ hiện theo thời gian từ 1:2 đến 1:10, chọn ra tỷ lệ nào còn hiện rõ các xung sóng, từ đó tính ra bước số hoá nên dùng.

5. Chọn độ dài ghi tín hiệu theo thời gian cần có để ghi hết tín hiệu có ích đến muộn nhất.

a) Khi đo sóng khúc xạ và mặt cắt đứng, thường chọn theo sóng trao đổi ngang PSP hình thành từ mặt nền, tính cho khoảng cách điểm nguồn - điểm thu xa nhất theo quy định tại mục 2 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Khi đo địa chấn lỗ khoan, chiếu sóng địa chấn, chọn cỡ 2 lần thời gian truyền theo tia của sóng dọc P;

c) Khi đo sóng phản xạ, chọn theo sóng dọc P phản xạ từ ranh giới ở độ sâu lớn nhất cần khảo sát;

d) Trường hợp máy quy định chọn độ dài ghi là số điểm số hoá của kênh tín hiệu (Samples), thì tính độ dài này bằng thời gian cần ghi chia cho bước số hoá.

Bảng 3. Đặc trưng băng tần của sóng và chọn bước số hoá

Phương pháp

Băng tần chính

Bước số hoá

Sóng khúc xạ trên mặt đất, nước

25 đến 500Hz

100 đến 500ms

Sóng khúc xạ trong hầm lò

30 đến 1000Hz

20 đến 250ms

Đo lỗ khoan, chiếu sóng, mặt cắt đứng

30 đến 1000Hz

20 đến 250ms

sóng phản xạ điểm sâu chung

>30Hz

20 đến 50ms

6. Chọn thời điểm bắt đầu ghi sóng khi dùng nguồn xung lực (đập búa, nổ, bắn súng hơi): cần thực hiện ghi sóng từ trước thời điểm phát nguồn (dấu moment) từ 1 đến 5ms, bằng cách đặt độ trễ ghi (số Delay/Pre-Trig) là âm.

7. Chọn bộ lọc tương tự:

a) Chọn bộ lọc tương tự (Analog Filter) của máy bằng thực đơn đặt tham số ghi (Setting):

- Bộ lọc này cắt phần phổ tín hiệu lọc trước khi ghi, nên sẽ mất hẳn trong số liệu;

- Khi đo các phương pháp khác (sóng khúc xạ, chiếu sóng ), nên đo ghi tín hiệu ở dải rộng:

- Khi đo sóng phản xạ điểm sâu chung, chọn bộ lọc thông cao với giới hạn dưới từ 150 đến 200Hz.

b) Khi dùng bộ lọc và cần chọn tham số lọc, thì thực hiện:

- Đo thử nghiệm trên một vài chặng máy, với dải rộng hoặc lọc với giới hạn dưới của băng tần theo quy định tại Bảng 3 khoản 4 Điều này;

- Dùng chức năng lọc số (Digital Filter) của máy, với các bộ lọc khác nhau để chọn ra băng thể hiện tín hiệu rõ nhất, từ đó chọn tham số lọc tương tự thích hợp.

Điều 22. Phát sóng

1. Nguồn nổ mìn, nổ kíp:

a) Bố trí lấy dấu khởi động theo kiểu vòng dây, hoặc kiểu xung điện phát nổ. Nếu dùng kiểu xung điện phát nổ, cần kiểm tra độ trễ phát nổ của loạt kíp;

b) Tại điểm nguồn gần, dùng kíp hoặc liều nổ nhỏ:

- Khi nổ trên bộ, cần đặt liều nổ trong hố và chèn lấp đất, nhưng độ sâu không quá 1/15 khoảng cách điểm thu sóng;

- Khu vực lộ đá quá rắn thì đặt trên mặt đá;

- Khi đo trên vùng nước cần dùng phao giữ cho liều nổ ở độ sâu đã được xác định và dùng dây chăng từ thuyền tới búi dây để giữ liều nổ đúng vị trí.

c) Tại điểm nguồn xa, cần chôn sâu liều nổ để đảm bảo hiệu suất phát sóng tốt. Tìm cách tận dụng các hố, vũng có nước hay sông ngòi trong phạm vi độ lệch quy định tại Bảng 1 khoản 2 Điều 5 Thông tư này;

d) Khi dùng buồng nổ, cần đào hố đặt buồng chắn có độ sâu an toàn cần thiết tương ứng với liều nổ sử dụng. Liều nổ lớn nhất không được vượt quá trị số an toàn của buồng theo lý lịch thiết bị. Không dùng buồng đã bị hư hại;

Hình 7. Bố trí đập nghiêng

d) Đảm bảo khoảng cách an toàn từ liều nổ đến người và thiết bị, theo quy định tại Điều 19 Thông tư này.

2. Nguồn đập tạ, búa, búa máy:

a) Bố trí lấy dấu khởi động bằng công tắc búa, hoặc máy thu sóng đặt tại điểm phát. Khi dùng máy thu sóng, cần chú ý giữ máy thu không bị bật khỏi điểm đặt máy sau mỗi lần đập, đảm bảo mức tín hiệu khởi động ổn định;

b) Trên nền đất mềm, dùng đe sắt, thớt nhựa hoặc gỗ cứng, đặt nằm ngang hoặc ở góc nghiêng đã thiết kế của phương pháp đo làm điểm đập búa hoặc tạ;

c) Khi đo sóng khúc xạ trên bộ, cần đập búa nghiêng với góc nghiêng của đe là 20o đến 45o và hướng về phía đoạn thu, để xung lực đập trùng phương với tia sóng tới hạn, làm tăng cường độ sóng trượt trên ranh giới và tăng khả năng hình thành sóng trao đổi ngang PSP (Hình 7).

3. Nguồn rung: dùng máy thu sóng đặt tại điểm phát để thu tín hiệu chuẩn và để khởi động đo ghi. Hướng phát rung thực hiện theo khả năng thiết bị và thiết kế đo đạc của dự án.

4. Nguồn xung điện, súng hơi:

a) Điểm nguồn gần được treo bằng phao, hoặc vào mạn thuyền ở độ sâu không > 1/15 khoảng cách điểm thu sóng;

b) Điểm nguồn xa đặt ở độ sâu tối ưu h= l/4, trong đó l là bước sóng chính của tín hiệu địa chấn phát ra trong môi trường nước (Hình 8).

Hình 8. Độ sâu tối ưu h khi đặt nguồn dưới nước

Điều 23. Thi công đo phương pháp sóng khúc xạ trên mặt đất và trong hầm lò

1. Định vị điểm đặt máy thu trên tuyến bằng thước dây, hoặc bằng các gút đầu nối máy thu trên cáp đo.

2. Rải cáp và máy thu lên tuyến đo

a) Chặng máy đầu tiên trên tuyến cần rải máy thu sao cho một điểm thu trùng vào một điểm mốc nào đó của tuyến. Các chặng máy kế tiếp được rải gối ít nhất một điểm thu lên chặng máy trước đó;

b) Để đặt máy thu, dùng choòng đục lỗ rộng gần bằng đuôi máy thu theo hướng vuông góc với mặt đất đá. Cắm máy thu chặt vào đất đá. Nếu đất đá quá cứng chắc, dùng đất sét đắp lên để đặt máy thu.

3. Xác định vị trí các điểm nguồn trong phạm vi búi dây (điểm nguồn gần) dựa theo vị trí các điểm thu:

a) Để tránh gây hư hỏng máy thu, các điểm nguồn có thể dịch ngang tuyến, nhưng không quá 20% khoảng cách điểm thu;

b) Khi sử dụng nguồn nổ ở điểm nguồn gần tại đầu búi dây thu mà cường độ sóng không đủ mạnh để thu ở điểm xa nhất, thì chọn cách xử lý sau:

- Nổ nhiều lần với liều nhỏ và thực hiện cộng sóng;

- Tăng liều nổ, gỡ bỏ các máy thu sát điểm nguồn, ghi băng thể hiện được sóng ở đoạn xa điểm nguồn đó.

4. Xác định vị trí các điểm nguồn ngoài búi dây (điểm nguồn xa) bằng thước dây, hoặc theo vị trí của điểm nguồn đã thi công ở chặng máy trước.

5. Ghi vào sổ đo các đặc điểm của đoạn tuyến: mốc trắc địa, địa hình địa vật, vị trí có thay đổi của hướng tuyến đo, vết lộ địa chất, các thay đổi trạng thái bề mặt, so với vị trí các máy thu, để định vị đoạn thu và giải thích tài liệu sau này.

Điều 24. Thi công đo phương pháp sóng khúc xạ trên mặt nước (sông, hồ)

1. Trước khi thi công trên mặt nước phải làm công tác chuẩn bị, gồm có:

a) Xác định cách cố định búi dây thu trên mặt nước;

b) Chế tạo bè thu trên nước;

Hình 9. Đo sóng khúc xạ trên sông nước.

a) Khi có điểm buộc cáp;

b) Khi không có điểm buộc cáp;

c) Bè chữ điền bằng ống bương hay ống nhựa để đặt máy thu sóng.

d) Xác định tọa độ thực tế của đoạn thu bằng GPS hoặc bằng máy kinh vĩ;

d) Cáp thu ở độ sâu đồng đều nhau trong khoảng 0,2 đến 1m.

2. Phát sóng:

a) Khi ghi băng sóng của điểm nguồn gần, cần bố trí nguồn phát sóng đúng vị trí, với sai lệch không quá 10% khoảng cách điểm thu;

b) Bố trí các điểm nguồn xa bằng uớc lượng, trong phạm vi -5% đến +20 % về phương dọc, 15% về độ lệch ngang.

Hình 10. Thi công đo điểm sâu chung cuốn chiếu, khi ghi 24 kênh, dùng búi dây 48 điểm thu, phát sóng 1 điểm tại vị trí kênh 1

3. Đo địa chấn ngược đòi hỏi việc đánh dấu thời điểm phát sóng phải đồng nhất, do đó chỉ dùng cách lấy dấu khởi động kiểu vòng dây và phải dùng dây dẫn chất lượng tốt để truyền tín hiệu khởi động.

4. Ghi vào sổ thực địa các mốc địa hình địa vật, sơ đồ vị trí búi dây, độ sâu thực tế của búi dây so với mặt nước.

5. Khi dùng máy kinh vĩ giao hội, thì nhật ký trắc địa phải ghi rõ giờ phút đo, để dễ đối chiếu với tài liệu địa chấn.

Điều 25. Thi công phương pháp đo sóng phản xạ điểm sâu chung

1. Thi công đo ghi theo số kênh của máy:

a) Thực hiện rải búi dây theo bố trí điểm thu đã thiết kế;

b) Đo ghi với phát sóng lần lượt tại các điểm thu;

c) Khi sang các chặng kế tiếp thì rải gối 1 đến 2 điểm thu.

2. Thi công cuốn chiếu:

a) Có búi dây thu bội, có số kênh thu là bội số N = 2, 3 hay 4 lần số kênh ghi, nối vào một chuyển mạch chọn đoạn thu dạng thanh trượt.

b) Chọn bội N theo khả năng trang bị, ví dụ khi dùng 24 kênh ghi thì có 48, 72 hay 96 điểm thu, còn chuyển mạch chọn đoạn có 24 cặp đường ra, số cặp đường vào tuỳ theo số điểm thu;

c) Dùng bậc cộng 6, ghi 12 kênh bằng máy ghi 24 kênh như Mark- 6 và bội số búi dây N= 2, thì sử dụng chế độ do cuốn chiếu (Roll up Mode) của máy.

3. Thi công điểm sâu chung trên mặt nước: thực hiện khi tàu chạy dọc tuyến theo dạng giả cuốn chiếu. Khi thi công chọn tốc độ thuyền và nhịp nổ thích hợp để tạo được phân bố đoạn thu trên tuyến có dạng cuốn chiếu.

4. Định vị điểm đo bằng GPS: Ghi nhật ký gồm thời gian và các địa vật đi qua để đối chiếu vị trí điểm đo theo bản đồ.

Điều 26. Thi công đo mặt cắt đứng, địa chấn lỗ khoan

1. Khi đo mặt cắt đứng và địa chấn lỗ khoan thuận, thả đãy máy thu xuống lỗ khoan đến đoạn cần đo sâu nhất, đo các chặng khi kéo cáp lên. Thực hiện phát sóng tại các điểm nguồn đã thiết kế.

2. Trong quá trình đo, nếu phải xê dịch các điểm nguồn, thì chọn điểm cùng hướng gần nhất, có điều kiện thu phát sóng tương tự điểm trước và phải bố trí quan sát gối ít nhất 1 điểm thu.

3. Khi đo địa chấn lỗ khoan ngược, đặt máy thu sóng tại các vị trí thiết kế, thả ống bắn mìn xuống lỗ khoan đến độ sâu cần đo sâu nhất, đo các điểm nguồn khi kéo cáp lên.

4. Ghi vào sổ thực địa tình trạng lỗ khoan, vẽ sơ đồ bố trí thực tế các điểm nguồn - điểm thu. Khi đo xong một quan sát, ghi vào sổ các số liệu theo quy định tại mục 3 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 27. Thi công đo chiếu sóng địa chấn

1. Thực hiện bố trí điểm thu và điểm nguồn như trong thiết kế của dự án;

2. Trong quá trình đo, nếu điểm nguồn đặt ở mặt đất và vì lý do nào đó buộc phải xê dịch, thì điểm nguồn mới phải đảm bảo khống chế được đối tượng cần chiếu sóng và phải bố trí quan sát gối ít nhất 1 điểm thu.

Điều 28. Công tác trắc địa xác định toạ độ và địa hình tuyến địa chấn

1. Khi đo địa chấn trên mặt đất (sóng khúc xạ và sóng phản xạ), công tác trắc địa thực hiện theo qui phạm trắc địa hiện hành, với nhiệm vụ bố trí tuyến theo thiết kế ra thực địa và thu thập mặt cắt địa hình ở tỷ lệ khảo sát của địa chấn.

2. Khi đo sóng khúc xạ trên mặt nước, xác định tọa độ hai đầu chặng đo bằng GPS hoặc kinh vĩ giao hội từ các mốc trên bờ, với sai số quy định tại Bảng 1 khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

3. Khi đo sóng phản xạ điểm sâu chung trên mặt nước, dùng định vị GPS kết hợp với ghi nhật ký đối chiếu địa hình địa vật trên bờ.

4. Khi đo chiếu sóng địa chấn, đo mặt cắt đứng, công tác trắc địa xác định độ cao và khoảng cách giữa các điểm đó tới miệng công trình khoan đào.

Điều 29. Công tác văn phòng thực địa

1. Sau mỗi ngày đo phải sao tài liệu từ máy đo ra phương tiện lưu trữ khác.

2. Kiểm tra, hiệu đính, hệ thống các sổ ghi thực địa, xác định đoạn tuyến lên bản đồ thi công.

3. Kiểm tra chất lượng băng ghi bằng cách duyệt trên máy tính, hoặc in ra bằng giấy. Chú ý phát hiện lỗi khởi động ghi cộng sóng, lỗi kênh không hoạt động, lỗi lắp ngược cực máy thu, từ đó chỉ đạo thi công tìm biện pháp khắc phục lỗi nếu có và đo lại các đoạn không đạt chất lượng.

4. Nhập tọa độ điểm nguồn, điểm thu sóng cho các tệp băng ghi: khi chưa có tọa độ trắc địa, thì nhập tọa độ X theo khoảng cách cộng đồn của điểm thu tính từ mốc 0 của tuyến. Khi đã có tọa độ XYZ đầy đủ, thì nhập các tọa độ này.

5. Vạch pha sơ bộ cho các sóng quan tâm: sóng đầu và các sóng ngang nếu quan sát được.

6. Lập biểu đồ thời khoảng, kiểm tra thời gian tương hỗ.

7. Phát hiện các băng ghi còn thiếu, các băng ghi có chất lượng xấu không đạt yêu cầu sử dụng để quyết định đo lại.

Điều 30. Đánh giá chất lượng thi công

1. Đánh giá chất lượng thi công dựa trên chất lượng băng ghi theo quy định tại Điều 31 Thông tư này và chỉ số băng đảm bảo chất lượng cho mỗi chặng đo.

2. Số băng ghi quy định của một chặng đo là số tệp số liệu cần có ứng với hệ quan sát và hướng phát xung nguồn đã thiết kế cho các điểm nguồn đó; các băng thừa chỉ dùng để tham khảo; loại bỏ các băng không rõ vị trí thu phát sóng.

3. Đánh giá chất lượng tài liệu băng địa chấn dựa theo các chỉ tiêu:

a) Vị trí thực địa của chặng đo, có ghi rõ ràng trong sổ thực địa;

b) Số kênh không làm việc trong tổng số kênh bố trí đo đạc;

c) Thời gian bắt đầu ghi, phải sớm hơn thời gian xuất hiện sóng;

d) Bức tranh sóng thu được trên băng ghi, phải thể hiện rõ đầu sóng đầu tiên;

d) Mức nhiễu ngẫu nhiên, có ảnh huởng đến việc xác định sóng và điểm gẫy đầu sóng hay không.

4. Các yếu tố điều chỉnh khi đánh giá chất lượng:

a) Không thể thi công hoàn chỉnh chặng đo theo thiết kế vì các yếu tố địa hình địa vật cản trở, như khi bố trí điểm nguồn bị vướng công trình dân sinh, đê điều, vách đá, vực sâu nguy hiểm;

b) Không thu được sóng do trạng thái đất đá có tính hấp thụ sóng mạnh, mà với phương tiện hiện có không khắc phục được, như trên vùng phá huỷ, đứt gãy, hang karst, đới phong hoá cực mạnh.

Điều 31. Đánh giá chất lượng băng ghi

1. Băng ghi loại tốt:

a) Số kênh không làm việc không quá 5% số kênh đo và không phải kênh của máy gối (máy đầu tiên và cuối cùng) và không nằm kề nhau;

b) Bức tranh sóng trên băng rõ ràng: Sóng đầu và điểm gẫy đầu sóng rõ ràng;

c) Biên độ nhiễu trước khi xuất hiện sóng đầu nhỏ hơn 1/3 biên độ của sóng đầu;

d) Đầu sóng đầu tiên hiện rõ ở 85% số kênh đo.

2. Băng ghi loại khá:

a) Số kênh không làm việc không quá 10% số kênh đo và không nằm kề nhau;

b) Đầu sóng đầu tiên hiện rõ ở 70% số kênh đo.

3. Băng ghi loại trung bình:

a) Số kênh không làm việc không quá 15% số kênh đo và không nằm kề nhau;

b) Đầu sóng đầu tiên hiện rõ ở 50% số kênh đo.

4. Băng ghi loại yếu:

a) Số kênh không làm việc không quá 20% số kênh đo, hoặc có 2 kênh không làm việc nằm kề nhau;

b) Đầu sóng đầu tiên hiện rõ ở 30% số kênh đo.

5. Các băng có chất lượng xấu, phải loại bỏ:

a) Băng ghi có trên 2 kênh không làm việc nằm kề nhau, hoặc không đạt chất lượng loại yếu nói trên;

b) Các chặng đo có trên 45% số băng ghi có chất lượng yếu sẽ phải đo lại.

Thông tư 04/2011/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo địa chấn trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và địa chất công trình do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 04/2011/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/01/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Linh Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH