Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 271/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ VỚI LÃNH ĐẠO CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG VÀ VÙNG TÂY NGUYÊN

Ngày 18 tháng 7 năm 2020, tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên về các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn từng địa phương, từng vùng. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Ngân hàng thương mại: Ngoại thương Việt Nam, Công Thương Việt Nam, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Bí thư, Chủ tịch, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch của 12 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Sau khi nghe các báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của lãnh đạo các tỉnh, thành phố; phát biểu của một số đại diện doanh nghiệp, của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; phát biểu của các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, cơ quan dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung, cùng với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và vùng Tây Nguyên (bao gồm 12 tỉnh, thành phố nêu trên) có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Trong thời gian qua, do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan như hệ thống kết cấu hạ tầng chậm phát triển, môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, sự liên kết giữa các địa phương trong từng vùng và giữa hai vùng còn yếu ... nên cả 12 tỉnh, thành phố đều chưa có sự phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Trong 06 tháng đầu năm 2020, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng GRDP của vùng KTTĐ miền Trung giảm 3,22% so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn nhiều so với cả nước và 03 vùng KTTĐ còn lại; vùng Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 2,72% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 12 tỉnh, thành phố, 03 địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng miền Trung tăng trưởng âm (thành phố Đà Nẵng giảm 3,61%, tỉnh Quảng Nam giảm 11,51%, tỉnh Khánh Hòa giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019); các tỉnh còn lại tăng trưởng GRDP rất thấp so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 06 tháng đầu năm 2020 của 12 tỉnh, thành phố thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước (trừ tỉnh Bình Định). Về các nội dung khác liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội 06 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất như đã nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo của 12 tỉnh, thành phố tại Hội nghị.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ biểu dương và đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố đã nỗ lực, tập trung thực hiện “mục tiêu kép” - vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống của nhân dân; đặc biệt là quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và trong việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2020.

II. ĐỊNH HƯỚNG TRONG THỜI GIAN TỚI

Để đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao trong năm 2020 và tạo điều kiện thuận lợi cho vùng KTTĐ miền Trung, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và vùng Tây Nguyên phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố, các Bộ, cơ quan tập trung thực hiện một số nội dung định hướng sau:

1. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, các tỉnh, thành phố vùng KTTĐ miền Trung, vùng Tây Nguyên và các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và trở thành một cực tăng trưởng của đất nước. Phải coi mục tiêu này là nhiệm vụ trọng tâm, là quyết tâm chính trị của từng tỉnh, thành phố. Cần xây dựng chương trình hành động và lộ trình thực hiện cụ thể, thiết thực, hiệu quả với những giải pháp đột phá để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong 06 tháng cuối năm với mục tiêu đặt ra là tăng trưởng kinh tế của hai vùng năm 2020 không thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế của cả nước (trong đó không có tỉnh, thành phố tăng trưởng âm) và phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả vốn ODA). Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại thành phố Đà Nẵng, yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào địa phương mình. Riêng thành phố Đà Nẵng phải thực hiện giãn cách xã hội với các biện pháp mạnh để chặn đứng dịch bệnh, không để lây rộng ra cộng đồng, phải coi chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên quan trọng, cấp bách nhất cần dồn mọi nguồn lực để thực hiện.

2. Các tỉnh, thành phố cần kiên quyết trong việc tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, công trình; kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, thu hút, đón đầu dòng vốn đầu tư từ nước ngoài dịch chuyển trên thế giới; tăng cường điều phối, kết nối và liên kết vùng, kết nối chuỗi giá trị; nghiên cứu, tranh thủ các điều kiện thuận lợi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) để đưa các sản phẩm thế mạnh vào chuỗi giá trị lớn toàn cầu. Đẩy mạnh phát triển mô hình quản lý, mô hình kinh tế hiện đại gắn với chính quyền điện tử và đô thị thông minh, đi đầu trong phát triển kinh tế số và kinh tế ban đêm.

3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cam kết đồng hành cùng với các tỉnh, thành phố vùng KTTĐ miền Trung, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và vùng Tây Nguyên vượt qua mọi khó khăn, thách thức; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật gây cản trở cho sự phát triển của địa phương. Từng địa phương phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí trong toàn bộ hệ thống chính trị nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, điều hành; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì:

- Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công của từng địa phương; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, phát sinh, bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020. Kiên quyết thực hiện cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp;

- Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, trong đó chủ động nghiên cứu, rà soát, và tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong quá trình lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của vùng, của quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới;

- Nghiên cứu xây dựng Đề án liên kết vùng để thúc đẩy liên kết thực chất giữa các tỉnh, thành phố trong phát triển kinh tế, du lịch, đầu tư hạ tầng chung, tránh chồng chéo và cạnh tranh trong vùng; nghiên cứu Đề án liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh;

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế điều phối hoạt động cho vùng KTTĐ miền Trung đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính, xem xét xây dựng cơ chế điều phối mới trên một số lĩnh vực quan trọng; tổ chức phân công đầu tư sản xuất rõ ràng, không phát triển trùng lắp, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh; sản phẩm đầu vào của địa phương này là sản phẩm đầu ra của địa phương khác trong vùng và liên vùng;

- Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách của vùng KTTĐ miền Trung và Tây Nguyên;

- Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa vào nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư.

2. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về nguồn vốn cho vay các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông và các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách khác.

3. Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hướng dẫn sớm các địa phương trong Vùng rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, nhất là đất rừng ở Tây Nguyên, bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và Vùng, sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch và pháp luật liên quan.

4. Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất lập Đề án chi tiết kết nối hạ tầng giao thông trọng điểm có tính lan tỏa, tạo liên kết vùng, kết nối khu công nghiệp, khu chế xuất, cảng biển và hành lang vận tải quốc tế.

5. Giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phát triển hạ tầng số hiện đại, ưu tiên triển khai hạ tầng mạng 5G trong các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột phá; hướng dẫn các địa phương xây dựng, phát triển chính quyền số gắn liền với đô thị thông minh.

6. Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và thành phố Đà Nẵng xây dựng Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng.

7. Các tỉnh, thành phố:

- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP , số 02/NQ-CP , số 42/NQ-CP , số 84/NQ- CP; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg , Chỉ thị số 11/CT-TTg và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác của Thủ tướng Chính phủ.

- Chỉ đạo đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp;

- Chỉ đạo quyết liệt, có chế tài mạnh để không xảy ra tình trạng trì trệ trong giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020; thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giao ban trực tuyến đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020 (Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ).

- Áp dụng ngay từ ngày 15 tháng 8 năm 2020 một số quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng; bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt).

- Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 108/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP .

IV. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỤ THỂ CỦA ĐỊA PHƯƠNG

Giao các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao sớm nghiên cứu, xem xét giải quyết cụ thể, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (tổng hợp kiến nghị và phân công Bộ, cơ quan chủ trì xử lý tại phụ lục kèm theo). Kết quả giải quyết báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 8 năm 2020.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan: KHĐT, GTVT, TNMT, LĐTBXH,
VHTTDL, TTTT, TC, CT, XD, NNPTNT, NHNNVN, UBDT;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
- Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐTCP, các Vụ, Cục: CN, NN, KTTH, KGVX, TKBT, TH, QHQT, KSTT, HCQT2;
- Lưu: Văn thư, QHĐP (2b)vmd

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

TỔNG HỢP KIẾN NGHỊ CỦA ĐỊA PHƯƠNG TẠI HỘI NGHỊ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỚI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ VÙNG KTTĐ MIỀN TRUNG, VÙNG TÂY NGUYÊN VÀ PHÂN CÔNG CƠ QUAN CHỦ TRÌ XỬ LÝ

(Kèm theo Thông báo số 271/TB-VPCP ngày 03 tháng 8 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ)

I. NHÓM KIẾN NGHỊ VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH

STT

Địa phương

Nội dung kiến nghị

Bộ chủ trì xử lý

Ghi chú

1

Thừa Thiên Huế

Kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế sớm thông qua các Đề án để tiếp tục hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền đảm bảo tiến độ theo Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ, cụ thể: (1) Mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế; (2) Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; (3) Thành lập thành phố Thừa Thiên Huế - thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2021.

XD, NV, TC, KHĐT

 

2

Đà Nẵng

UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương sớm tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hướng dẫn việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng quy định tại Nghị quyết số 119/2020/QH14; đồng thời, sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng (theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 44 và 45, Quốc hội khóa XIV vào tháng 4 và tháng 5 năm 2020).

NV, TC, KHĐT

 

3

Đà Nẵng

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm (theo Thông báo số 200/TB-VPCP ngày 08 tháng 6 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ). UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

KHĐT

 

4

Đà Nẵng

Về chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, thu hút khách. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, thực hiện một số nội dung sau: - Tiếp tục miễn thị thực cho 05 nước Tây Âu là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy sau khi hết thời hạn vào ngày 30 tháng 6 năm 2021 và xem xét miễn thị thực với thị trường Úc và Ấn Độ. - Miễn lệ phí visa đối với một số thị trường trong 03 - 06 tháng để thu hút du khách. - Đơn giản hóa thủ tục visa nhận tại cửa khẩu (VOA) không thông qua thủ tục duyệt công văn đối với thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) để phục hồi thị trường khách quốc tế sau khi mở lại các đường bay quốc tế.

NG, CA

 

5

Đà Nẵng

Theo quy định tại Nghị định số 79/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi Điều 16 của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất đến ngày 28 tháng 02 năm 2021. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến tình hình kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân bị giảm sút, trong đó, đối tượng nợ tiền sử dụng đất đa số là hộ nghèo, hộ dân bị giải tỏa, đền bù, nhận đất tái định cư nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, khó có khả năng tích lũy và trả nợ tiền sử dụng đất đến ngày 28 tháng 02 năm 2021. Thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn trả nợ tiền sử dụng đất thêm 01 năm (đối với các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 79/2019/NĐ-CP)

TC, TNMT

 

6

Quảng Nam

Kết quả thu NSNN phần địa phương được hưởng trong 4 năm 2017-2020, thì có 3 năm hụt thu (năm 2017, năm 2019 và dự báo năm 2020 hụt thu khoảng 7.000 tỷ). Đề nghị xem xét hỗ trợ ngân sách tỉnh Quảng Nam để bù hụt thu theo dự toán năm 2020. Đồng thời khi xây dựng mới các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ NSNN cần đánh giá phù hợp với tình hình thực tế và khả năng huy động các nguồn thu vào NSNN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ ổn định ngân sách mới.

TC

 

7

Quảng Nam

Tại Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì điều kiện chuyển nhượng QSDĐ trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo QH chi tiết đã được phê duyệt. Đồng thời giao Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện điều này nhưng đến nay vẫn chưa hướng dẫn. Vì vậy, đề nghị cho phép cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với các dự án đã cơ bản hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch. Việc xác định làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, giao Ban cán sự UBND tỉnh báo cáo từng trường hợp cụ thể với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xem xét quyết định.

XD, TNMT

 

8

Quảng Nam

Sâm Ngọc Linh là sản phẩm đặc hữu duy nhất và có giá trị rất cao của Việt Nam và được xác định là sản phẩm quốc gia. Do đó, đề nghị cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và thảo dược thiên nhiên tại tỉnh Quảng Nam theo chuỗi giá trị, bao gồm: cơ chế khuyến khích phát triển giống; vùng nguyên liệu; chế biến sản phẩm, hỗ trợ đầu tư xây dựng đường chiến lược phát triển vùng sâm tỉnh Quảng Nam

NNPTNT, CT

 

9

Quảng Ngãi

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban ngành Trung ương khẩn trương rà soát, khắc phục sự chồng chéo quy định trong các văn bản pháp luật, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để nắm bắt các cơ hội thu hút đầu tư đối với các tập đoàn lớn ở các nước tiên tiến, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc, trong đó Đông Nam Á là một trong những thị trường được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó.

KHĐT

 

10

Quảng Ngãi

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để có giải pháp hạ lãi suất, có cơ chế bù lãi cho các ngân hàng thương mại hoặc nới tăng trưởng tín dụng (có kiểm soát đúng mức) để các ngân hàng tìm nguồn bù lại khoản đã hỗ trợ doanh nghiệp. Các giải pháp cần rõ ràng, cụ thể và phù hợp tình hình thực tế để doanh nghiệp cảm thấy an tâm. Các ngân hàng thương mại cần giảm thiểu thủ tục không cần thiết và minh bạch, nhất quán quy trình thực hiện.

NHNN

 

11

Bình Định

Tỉnh Bình Định đang quy hoạch, xây dựng Khu đô thị Khoa học Quy Hòa (diện tích 242ha) và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo Long Vân (diện tích 110 ha), với định hướng trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Để Dự án trọng điểm này sớm được triển khai xây dựng, kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua Đề án và cho hưởng các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với Khu đô thị này; đồng thời, cho cơ chế, chính sách để hình thành một số doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm trí tuệ nhân tạo tại khu đô thị khoa học này để nơi đây thực sự trở thành điểm đến của các nhà khoa học trên thế giới.

KHĐT

 

12

Phú Yên

Các tỉnh miền Trung có tiềm năng lớn về phát triển du lịch và kinh tế biển. Để tạo động lực cho các tỉnh phát triển, kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách đẩy mạnh các tỉnh trong vùng tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch, phát triển kinh tế biển.

KHĐT

 

13

Khánh Hòa

Về thủ tục thông báo sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại và đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại quy định tại Điều 18 và Điều 20 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại: khi các DN có nhu cầu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chương trình khuyến mại, như: điều chỉnh thời gian khuyến mại; thay đổi hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại và hàng hóa dịch vụ dùng để khuyến mại; giá trị giải thưởng..., doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xác định về thời gian và nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung mà không để ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng đã tham gia chương trình khuyến mại trước khi sửa đổi, bổ sung. Do vậy, kiến nghị bổ sung quy định cụ thể thời hạn, nội dung được phép sửa đổi, bổ sung chương trình khuyến mại sau khi đã thông báo/đăng ký với cơ quan QLNN mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng đã tham gia chương trình khuyến mại trước khi sửa đổi, bổ sung.

CT

 

14

Khánh Hòa

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN , khách hàng phát sinh nợ gốc, lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ trước thời điểm 23/01/2020. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư số 01/2020/TT-NHNN , khoản nợ gốc, lãi quá hạn của khách hàng phát sinh trong khoản thời gian từ 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 ngày kể từ thời điểm hiệu lực của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN mới được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ trước thời điểm 23/01/2020. Như vậy, chỉ có khách hàng phát sinh nợ quá hạn trong khoảng thời gian nêu trên được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, hiện nay dịch COVID-19 còn kéo dài và diễn biến phức tạp, số lượng khách hàng vay vốn gặp khó khăn, dẫn đến không trả được nợ ngân hàng có xu hướng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa là địa phương có cơ cấu ngành dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng cao, cần thời gian dài để hồi phục kinh tế và các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trở lại bình thường, có hiệu quả như phương án vay vốn ban đầu để đảm bảo khả năng trả nợ. Do vậy, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét kéo dài thêm thời hạn cho cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí giữ nguyên nhóm nợ.

NHNN

 

15

Khánh Hòa

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực Bắc Vân Phong nói riêng và khu kinh tế Vân Phong nói chung để tạo động lực thu hút đầu tư

KHĐT

 

16

Khánh Hòa

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư tại KKT Vân Phong, cần thiết phải bổ sung thêm nguồn vốn ngân sách nhà nước để tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong Khu kinh tế đồng thời phát triển thêm diện tích đất tái định cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Do đó đề xuất Chính phủ xem xét đưa KKT Vân Phong vào nhóm các KKT ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư, xem xét bố trí lại một phần nguồn thu trên địa bàn (từ nguồn xuất nhập khẩu xăng dầu) để bổ sung nguồn vốn đầu tư hạ tầng và giải phóng mặt bằng một số dự án lớn trong Khu kinh tế (theo Thông báo số 159/TB-VPCP ngày 24/3/2017 của Văn phòng Chính phủ).

KHĐT

 

17

Khánh Hòa

Dịch bệnh do Covid-19 gây ra ảnh hưởng đến ngành vận tải hành khách của tỉnh. Lượng khách du lịch giảm kéo theo sản lượng vận chuyển giảm, gây sụt giảm doanh thu của các doanh nghiệp vận chuyển. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Bộ Tài chính miễn 100% phí trọng tải và lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa cho các doanh nghiệp trước mắt đến hết năm 2020.

TC

 

18

Khánh Hòa

Tại Điều 27 Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính Phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Tại khoản 3, Điều 18 Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Quy định tại 02 Nghị định trên mâu thuẫn lẫn nhau, dẫn đến việc không thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp. Vì vậy, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ xem xét lại về quy định miễn tiền thuê đất đối với dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp để tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các Nghị định, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp.

CT, TC, TNMT

 

19

Gia Lai

Hiện nay, lưới điện truyền tải theo quy định do EVN đầu tư, quản lý vận hành. Tuy nhiên, để giải phóng công suất cho các dự án nguồn năng lượng tái tạo hiện đang triển khai, thì lưới điện truyền tải hiện hữu không đáp ứng được. Như vậy, cần có quy định cụ thể về việc các nhà đầu tư hợp tác đầu tư và cơ chế hoàn trả vốn đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải công suất các dự án điện mặt trời, điện gió. Vì vậy đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy định về hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải công suất các dự án điện mặt trời, điện gió, bao gồm: Quy định trách nhiệm của các nhà đầu tư trong việc góp vốn hợp tác đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải công suất các dự án điện mặt trời nối lưới (phân chia theo tỷ lệ công suất truyền tải lên lưới điện). Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

CT

 

20

Gia Lai

Về thu thuế bảo vệ môi trường: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ có bốn đơn vị thuộc đối tượng kê khai thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ; riêng các đơn vị đóng trụ sở chính ở các tỉnh khác có phát sinh hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhưng chưa kê khai thuế BVMT tại địa phương chiếm khoảng 31% cả tỉnh (khoảng 284 tỷ đồng/năm). Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo giao Tổng Cục thuế xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế theo hướng có tiêu chí phân bổ số thu thuế bảo vệ môi trường cho các địa phương.

TC

 

21

Gia Lai

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và dự kiến khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển cho giai đoạn 2021-2025 để địa phương có căn cứ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân địa phương giai đoạn 2021-2025 và triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

KHĐT

 

22

Gia Lai

Về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí các công việc ở giai đoạn chuẩn bị dự án để lập báo cáo nghiên cứu khả thi (bao gồm cả dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật) theo khoản 10 Điều 6 của Nghị định 68/2019/NĐ-CP và được Bộ Xây dựng trả lời tại văn bản số 2893/BXD-KTXD ngày 06/12/2019 sẽ tăng thủ tục hành chính. Do đó đề nghị thẩm quyền thẩm định, phê duyệt (dự án lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật) giao cho Chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt. Theo khoản 3 Điều 10 của Nghị định 68/2019/NĐ-CP “Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán các công việc chuẩn bị để lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công thì cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư dự án thẩm định làm cơ sở trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt” quy định này không cần thiết. Các thủ tục xác định chi phí này căn cứ vào giá trị từ bảng khái toán chi phí phê duyệt cùng Báo cáo nghiên cứu khả thi để trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và các thủ tục liên quan.

XD

 

23

Gia Lai

Các dự án kêu gọi đầu tư hiện nay đang thực hiện bằng hình thức đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đang vướng bởi các quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Đề nghị Chính phủ xem xét sớm điều chỉnh Nghị định này, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư.

TC

 

24

Gia Lai

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xây dựng quy định và hướng dẫn triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo Nghị định số 6/2018/NĐ- CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Vì hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ có Chương trình quốc gia về Đổi mới Công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn, vướng mắc từ cơ chế chính sách đến hồ sơ thủ tục (hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa không có bộ phận nghiên cứu - triển khai để thực hiện các nhiệm vụ khi tham gia Chương trình, Quỹ).

KHCN

 

25

Đắk Lắk

Sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 27/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đã ban hành

 

26

Đắk Lắk

Xây dựng một số cơ chế, chính sách mới, có tính đột phá đặc thù cho Thành phố Buôn Ma Thuột, bảo đảm tính thống nhất, tương quan, tương đồng với các thành phố thuộc các địa phương khác trong cả nước. Trong đó, giai đoạn trước mắt ưu tiên rà soát, bổ sung một số quy định, một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Buôn Ma Thuột phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố trong giai đoạn tới

TC

 

27

Đắk Lắk

Sớm ban hành Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Đã ban hành

 

28

Đắk Lắk

Sớm ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; thông báo số dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 và có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, trong đó có tỷ lệ đối ứng ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 đối với nguồn vốn thuộc các Chương trình MTQG để HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm 2020 theo quy định.

KHĐT

 

29

Đắk Lắk

Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 và Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 của Chính phủ (phần nội dung có liên quan đến Nghị định số 161/2016/NĐ-CP) sẽ hết hiệu lực vào ngày 01/01/2021. Do đó, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và ban hành Nghị định mới thay thế để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025

KHĐT

 

30

Đắk Lắk

Tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định tại Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ theo Thông báo số 288/TB-VPCP ngày 10/8/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về thực trạng và giải pháp ổn định dân di cư tự do.

NNPTNT

 

31

Đắk Lắk

Tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho tỉnh Đắk Lắk cơ chế đặc thù được sử dụng diện tích đất lâm nghiệp nhưng không còn rừng và không có quy hoạch trồng lại rừng để bố trí đất ở và đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thực sự thiếu đất và tái định cư tại chỗ đối với dân di cư tự do theo Thông báo số 475/TB-VPCP ngày 25/12/2018 của Văn phòng Chính phủ

TNMT, NNPTNT

 

32

Đắk Lắk

Xem xét, bổ sung vốn đối với “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư của tỉnh vào lĩnh vực này trong thời gian tới.

KHĐT

 

33

Đắk Lắk

Xem xét hướng dẫn thực hiện chuyển tiếp đối dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ (đối với các dự án đã phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trước ngày Nghị định số 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, đảm bảo việc triển khai thực hiện đúng quy định hiện hành

KHĐT

 

34

Đắk Lắk

Chỉ đạo Bộ Nội vụ sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

NV

 

35

Đắk Lắk

Sớm tham mưu hướng xử lý giải quyết vấn đề nợ đọng của các HTX ngừng hoạt động không có khả năng trả nợ, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để làm cơ sở cho việc giải quyết dứt điểm các HTX tồn tại hình thức, ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh.

KHĐT

 

36

Đắk Lắk

Sớm ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 1203/QĐ-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ để địa phương có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện kịp thời, có hiệu quả chính sách nêu trên và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

KHĐT

 

37

Lâm Đồng

Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, ưu tiên bố trí đủ vốn cho các tỉnh Tây Nguyên sớm đầu tư hoàn thành các dự án ổn định dân di cư tự do để người dân sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, không để các đối tượng phản động xúi dục, kích động

KHĐT

 

38

Lâm Đồng

Tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020: Chính phủ đã chấp thuận dự án được bố trí vốn để khởi công mới trong năm 2020 không phải thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án. Kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư được quy định tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ đối với các dự án có nhu cầu để đầu tư hoàn thành dự án.

KHĐT

 

39

Lâm Đồng

Tiến độ giải ngân các dự án ODA còn chậm do các chủ đầu tư còn gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các quy trình, thủ tục của nhà tài trợ. Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo rút ngắn thời gian kiểm soát chi, quy trình rút vốn giữa Bộ Tài chính và Nhà tài trợ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA. Quan tâm xem xét giao bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 và năm 2020 cho dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên (13,6 tỷ đồng) từ nguồn vốn 10% dự phòng còn lại chưa phân bổ của địa phương

TC

 

40

Lâm Đồng

Để địa phương sớm có cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương: sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; Thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 cho địa phương để làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án giai đoạn sau làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2021

KHĐT

 

41

Lâm Đồng

Về đầu tư công: Đối với các dự án giải ngân chậm, các dự án đã hoàn thành không còn nhu cầu sử dụng vốn phải rút vốn, điều chuyển cho các dự án khác. Tuy nhiên, các dự án có nhu cầu cần bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì trong năm 2020 đã bố trí vốn đủ theo kế hoạch trung hạn được duyệt. Như vậy, muốn bổ sung vốn cho phải thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án. Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho địa phương được quyết định điều chỉnh kế hoạch năm 2020 trong hạn mức tổng kế hoạch năm 2020; việc điều chỉnh kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện vào tháng 11 hoặc tháng 12/2020.

KHĐT

 

42

Lâm Đồng

Về thu hút đầu tư: Ngày 28/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/NQ-CP về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, có một số quy định chưa rõ nên địa phương gặp khó khăn trong triển khai như: công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh phải tiến hành đấu thầu. Tuy nhiên, định nghĩa về công trình thương mại dịch vụ là chưa cụ thể (các dự án có mục tiêu chính là du lịch tham quan, du lịch nghỉ dưỡng có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này hay không. Để tiến hành đấu thầu, dự án có sử dụng đất phải nằm trong danh mục thu hồi đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đối với cấp tỉnh là HĐND tỉnh. Tuy nhiên, để trình HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất phải được cấp có thẩm quyền xác định ranh giới, địa điểm đầu tư... Hiện nay, địa phương đang gặp lúng túng trong quá trình triển khai xác định cơ sở để trình HĐND tỉnh danh mục dự án cần thu hồi đất khi chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Kính đề nghị các bộ ngành có hướng dẫn cụ thể để địa phương tổ chức thu hút đầu tư theo đúng quy định.

KHĐT

 

II. NHÓM KIẾN NGHỊ LIÊN QUAN ĐẾN QUY HOẠCH

1

Thừa Thiên Huế

Đồng ý Bổ sung quy hoạch dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây vào quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia: Dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây đã được tỉnh thống nhất lựa chọn vị trí nghiên cứu đầu tư dự án với tông công suất 4.000MW (gồm 05 tổ máy 800 MW) tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (thuộc Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) với diện tích khoảng 168,5ha. Hiện nay, tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây vào quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030

CT

 

2

Thừa Thiên Huế

Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam, trong đó có đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công văn số 8441/UBND-GT ngày 18/11/2019 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua Thừa Thiên Huế; đồng thời cho lập dự án bố trí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo phát huy hiệu quả khai thác, đồng thời tạo quỹ đất phát triển các dự án ven biển.

GTVT

 

3

Thừa Thiên Huế

Về chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp và đất ở đô thị năm 2020 trên địa bàn tỉnh không vượt so với chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ (theo Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ). Nhằm thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời để có quỹ đất phát triển công nghiệp, đô thị đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư sau dịch Covid 19, UBND tỉnh kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giữ nguyên chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp đến năm 2020 và cập nhật vào quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để tiếp tục phát triển.

TNMT

 

4

Thừa Thiên Huế

Về việc triển khai lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét xây dựng quy hoạch phân vùng quốc gia (giai đoạn 2021-2030) gắn kết với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; trong đó kính đề xuất phân vùng tỉnh Thừa Thiên Huế vào vùng Nam Trung Bộ nhằm phát huy đặc tính liên kết về kinh tế; xác lập và tăng cường vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm Trung khu vực Trung Bộ và tương quan với các Vùng kinh tế trọng điểm khác của quốc gia.

KHĐT

 

5

Quảng Nam

Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương lập quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý Vùng kinh tế trọng điểm (có thể Luật hoặc Nghị định) để tạo đột phá, làm động lực tăng trưởng khu vực miền Trung - Tây Nguyên

KHĐT

 

6

Quảng Nam

Cho phép Quảng Nam được quy hoạch và kêu gọi tư nhân xây dựng, quản lý vận hành luồng tàu 5 vạn tấn phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và hệ thống bến du lịch, tiếp nhận tàu du lịch đường biển quốc tế tại Chu Lai

GTVT

 

7

Phú Yên

Hiện tỉnh đang triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật quy hoạch 2017. Để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030.

KHĐT

 

8

Khánh Hòa

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt bổ sung đường cao tốc Buôn Mê Thuột - Nha Trang vào Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Việc phát triển thêm hệ thống đường cao tốc nối thành phố Buôn Mê Thuột với các trung tâm kinh tế, du lịch lớn, cảng biển là vô cùng quan trọng và cấp thiết, là tuyến đường kết nối Tây Nguyên với đồng bằng Duyên hải miền Trung, kết nối hành lang vận tải Đông - Tây, do đó đề nghị Bộ GTVT xem xét, sớm trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phê duyệt bổ sung đường cao tốc Buôn Mê Thuột - Nha Trang vào Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

GTVT

 

9

Gia Lai

Đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Pleiku làm cơ sở để triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không Pleiku. Đồng thời, nghiên cứu và triển khai đầu tư nâng cấp đồng bộ đường cất hạ cánh, sân đỗ và nhà ga để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng máy bay ngày càng tăng cao của nhân dân 02 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, các vùng lân cận và các lực lượng vũ trang Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn.

GTVT

 

10

Gia Lai

Về chuyển mục đích sử dụng rừng hồ thủy lợi Ia Mơ: Công trình thủy lợi Hồ chứa nước Ia Mơ (Bộ NNPTNT làm chủ đầu tư) đã xây xong công trình đầu mối, đã tích nước và đang hoàn thiện hệ thống kênh chính. Tuy nhiên, vùng tưới là 7.082,71 ha chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng đất nên chưa đưa vào khai thác được (diện tích rừng, đất lâm nghiệp sản xuất). Gia Lai kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc chuyển mục đích sử dụng rừng Vùng tưới Hồ thủy lợi Ia Mơ. Trên cơ sở đó UBND tỉnh lập Quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với mục đích sử dụng đất.

NNPTNT

 

11

Gia Lai

Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố để phục vụ cho việc lập Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2021 - 2025) cấp tỉnh; sớm ban hành NĐ và TT hướng dẫn triển khai lập Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh; kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định tại Điều 6 Luật SĐBS một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch.

TNMT

 

12

Gia Lai

Hiện nay, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Quyết định quy định thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, triển khai các dự án điện và quản lý, thực hiện các dự án điện cấp bách thuộc quy hoạch phát triển điện lực để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

CT

 

13

Kon Tum

Xem xét, bổ sung Quy hoạch đường tuần tra biên giới đất liền thành Quốc lộ.

GTVT

 

14

Kon Tum

Đề nghị Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh Kon Tum vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cụ thể: Quốc lộ 24 kéo dài từ thành phố Kon Tum đi Quốc lộ 14C; Tuyến đường từ cầu Tà Meo - Đường tỉnh 676 - Đường huyện 34 thành Quốc lộ 24D (đoạn qua địa bàn tỉnh Kon Tum)

GTVT

 

15

Kon Tum

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quan tâm xem xét, bổ sung đoạn Bờ Y - Ngọc Hồi vào Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

GTVT

 

16

Đắk Lắk

Xem xét, hỗ trợ cho các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên xây dựng quy hoạch du lịch vùng Tây Nguyên; tiến tới phối hợp xây dựng Quy hoạch du lịch khu vực Tam giác phát triển du lịch Căm pu chia - Lào - Việt Nam; đồng thời, có chính sách đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, khác biệt của các địa phương trong khu vực Tam giác phát triển.

VHTTDL

 

17

Đắk Nông

Về kiến nghị Bổ sung khu công nghiệp Nhân Cơ 2 và Quy hoạch tổng thể phát triển Khu công nghiệp quốc gia đến năm 2020. Hiện nay, hồ sơ đang trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm quyết định để tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện.

KHĐT

 

III. NHÓM KIẾN NGHỊ LIÊN QUAN ĐẾN CHƯƠNG TRÌNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ

1

Thừa Thiên Huế

UBND tỉnh đã có báo cáo Thủ tướng xem xét, thống nhất chủ trương cho phép Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài được thực hiện thí điểm phương án giao khu bay theo hình thức tăng tài sản cho ACV (phương án này được Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tại Công văn số 4164/BGTVT-KHĐT ngày 29/4/2020 về việc chủ trương nghiên cứu, đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài); với phương án này được thực hiện thì sẽ huy động, thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách, tạo điều kiện để ACV chủ động, cân đối được nguồn lực để thực hiện đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu, cấp bách tại Cảng hàng Không quốc tế Phú Bài; trước mắt ưu tiên cho 02 hạng mục: kéo dài đường cất hạ cánh và bổ sung hoàn thiện hệ thống đường lăn. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chấp thuận đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế.

GTVT

 

2

Thừa Thiên Huế

Hiện nay Tỉnh đang khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư, giải phóng, san lấp mặt bằng tại các vị trí đóng quân mới và khu tái định cư bàn giao đất sạch cho Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tổ chức triển khai đầu tư xây dựng, di chuyển các đơn vị. Để đảm bảo tiến độ di dời, Tỉnh Thừa Huế kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các thiết chế Quân sự tại vị trí mới đã được Bộ Quốc phòng thống nhất trong giai đoạn 2020-2023 để sớm di dời các đơn vị tại khu vực Mang Cá, bàn giao đất cho Tỉnh quản lý, trùng tu di tích, thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong việc bảo tồn di tích Kinh thành Huế.

QP

 

3

Thừa Thiên Huế

Hiện nay, UBND tỉnh đang lập hồ sơ đăng ký đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn III và IV trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định. Kính đề nghị Thủ tướng quan tâm, xem xét sớm phê duyệt tạo điều kiện cho Tỉnh trong việc kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư có quy mô trên địa bàn.

KHĐT

 

4

Thừa Thiên Huế

Về sử dụng vốn dư Dự án Cải thiện môi trường nước sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Hiện nay, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch năm 2020 được giao (776,14 tỷ đồng) và một phần vốn dự kiến từ nguồn kế hoạch năm 2019 đang làm thủ tục kéo dài (33,05 tỷ đồng), đưa tỷ lệ giải ngân đến hết năm 2020 đạt 95,3% kế hoạch được giao, tỷ lệ giải ngân từ khởi công đến kết thúc dự án đạt 69% so với tổng vốn nước ngoài được phê duyệt. Vốn kết dư của dự án là 6,25 tỷ JPY ~ 1.338 tỷ đồng từ nguồn vốn kết dư do đấu thầu, thay đổi tỷ giá và vốn dự phòng dự án chưa phân bổ. Theo Hiệp định vay đã ký, dự án kết thúc năm 2020. Do đó, cần gia hạn Hiệp định vay để thực hiện các hạng mục cần thiết nhằm phát huy hiệu quả dự án đầu tư. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chấp thuận đề xuất nêu trên của tỉnh Thừa Thiên Huế.

TC, KHĐT

 

5

Thừa Thiên Huế

Đối với Dự án đi dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế và di dời đất quốc phòng, Tỉnh đã đã phê duyệt giá trị bồi thường cho 576/2.941 hộ dân, UBND tỉnh cam kết đến 15/8/2020 giải ngân hết 800 tỷ từ nguồn bổ sung ngân sách Trung ương được Chính phủ giao, đến 30/10/2020 theo kế hoạch cần thêm 980 tỷ để chi trả di dời gần 2.400 hộ còn lại tại khu vực Eo Bầu và 4 phường Nội Thành. Để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ bố trí ngân sách Trung ương trong năm 2020 hoặc ứng vốn đầu tư công năm 2021 kinh phí 980 tỷ đồng để Tỉnh hoàn thành công tác di dời giai đoạn 1 (2.941 hộ dân), đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra trong năm 2020. Đồng thời, sau khi thực hiện xong việc di dời, tái định cư cho các hộ dân thì tỉnh cần phải tiến hành chỉnh trang, trùng tu, tôn tạo lại khu vực di tích, kinh phí thực hiện khoảng 1.000 tỷ đồng, kính mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ.

KHĐT

 

6

Thừa Thiên Huế

Quốc lộ 49 (QL.49) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 2.442 tỷ đồng, chiều dài tuyến 71,23 Km. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ việc đình hoãn một số công trình, trong đó có QL.49 nên dự án chỉ đầu tư được 10,6Km đoạn từ Km63+400-Km74+00 và dự kiến sẽ xem xét thực hiện vào giai đoạn sau khi điều kiện cho phép. UBND tỉnh đã có Công văn số 4576/UBND-GT ngày 02/6/2020 (đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính), kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí vốn đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 49, tỉnh Thừa Thiên Huế trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 từ nguồn của Trung ương bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải.

GTVT

 

7

Thừa Thiên Huế

Đường vành đai III và Cầu Nguyễn Hoàng nằm phía Tây thành phố thuộc Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014; thuộc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 24/6/2015. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí nguồn cùa Trung ương vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư Dự án cầu Nguyễn Hoàng và tuyến vành đai III với quy mô dài 9,7Km, rộng 43m Chiều dài L= 9,7Km , B=43m; tổng mức dự kiến: 2.700 tỷ.

KHĐT

 

8

Đà Nẵng

Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (giai đoạn 1): UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) để UBND thành phố Đà Nẵng và các bộ, ngành Trung ương có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

KHĐT

 

9

Đà Nẵng

Về sử dụng kinh phí từ nguồn thu chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng tại dự án của Công ty TNHH MTV Sông Thu. UBND thành phố Đà Nẵng đã có Công văn số 3012/UBND-QLĐTh ngày 27 tháng 4 năm 2016 trình Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến với Bộ Quốc phòng thống nhất hoàn trả và hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng với tổng kinh phí 600 tỷ đồng (gồm 300 tỷ đồng thành phố Đà Nẵng đã ứng trước để thực hiện dự án và 300 tỷ đồng hỗ trợ cho thành phố do trước đây thành phố đã có kế hoạch sử dụng nguồn thu này để đầu tư cho các dự án trọng điểm). Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kiến nghị trên của UBND thành phố Đà Nẵng.

QP

 

10

Đà Nẵng

Về gia hạn thời gian thực hiện Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng. Dự án Phát triển bền vững là Dự án ODA quan trọng, cấp bách đã được thành phố Đà Nẵng đưa vào Dự án công trình trọng lực trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, hiện nay Dự án vẫn còn một số vướng mắc cần phải gia hạn thời gian để hoàn thành. UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất và chỉ đạo Bộ Tài chính sớm thực hiện các thủ tục gia hạn ngày đóng túi dụng đến ngày 30/6/2023

TC

 

11

Đà Nẵng

Về giải ngân phần còn lại của vốn ngân sách trung ương cho các dự án phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Theo các thông báo tạm ứng của Bộ Tài chính thì các công trình phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 có tổng kế hoạch vốn 400 tỷ đồng (tạm ứng 200 tỷ đồng theo Công văn số 11561/BTC-ĐT ngày 18 tháng 8 năm 2016 của Bộ Tài chính; tiếp tục tạm ứng 200 tỷ đồng theo Công văn số 3586/BTC-ĐT ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Bộ Tài chính); đã giải ngân 334,105 tỷ đồng trong năm 2017, số vốn còn lại đến nay chưa được phép giải ngân là 65,895 tỷ đồng. Để có thể thanh toán khối lượng hoàn thành của các nhà thầu, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài, UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục giải ngân từ nguồn ứng trước ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu năm 2017 đối với các dự án phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 với tổng số vốn là 65,37 tỷ đồng

TC

 

12

Đà Nẵng

Dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị: UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất với đề xuất của UBND thành phố và Bộ Giao thông vận tải, cụ thể: Thống nhất chủ trương triển khai dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị theo hình thức PPP và kêu gọi ODA. Giao UBND thành phố Đà Nẵng là cơ quan chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

GTVT

 

13

Đà Nẵng

Dự án nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng: UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ: Thống nhất chủ trương đầu tư mở rộng nhà ga T1 về phía Nam với công suất hơn 10 triệu hành khách/năm để khai thác quốc nội, quốc tế và đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nhà ga hàng hóa công suất 100 ngàn tấn/năm; giao ACV lập thủ tục đầu tư, sớm triển khai dự án. Chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp tục xem xét bàn giao thêm đất khu vực phía Nam nhà ga T1 để thực hiện dự án (trước đây ACV đã thực hiện thủ tục giải tỏa, đền bù). Giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cảng hàng không miền Trung bàn giao khu đất đã xử lý dioxin nằm trong phạm vi 34ha cho ACV thực hiện các dự án (xây dựng hạ tầng khu đất đầu Bắc, nhà ga hàng hóa 100 ngàn tấn/năm; mở rộng sân đỗ máy bay).

GTVT, QP

 

14

Đà Nẵng

Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 14B (đoạn từ Túy Loan đến giáp Quảng Nam):

UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 14B (đoạn từ Túy Loan đến giáp Quảng Nam) và chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải ưu tiên đưa dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 trình phê duyệt làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo đúng quy định.

GTVT

 

15

Quảng Nam

Thống nhất cho phép tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý vận hành sân bay Chu Lai tương tự sân bay Vân Đồn - Quảng Ninh

GTVT

 

16

Quảng Nam

Đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng Trường dạy nghề cấp Vùng theo tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển phục vụ cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Quảng Nam đã nghiên cứu quy hoạch và đề xuất địa điểm để đầu tư xây dựng Trường nghề cấp Vùng).

KHĐT, LĐTBXH

 

17

Quảng Nam

Cảng Chu Lai - Trường Hải hiện tiếp nhận được tàu 20.000 tấn và đang được quy hoạch mở rộng đón tàu 50.000 tấn. Vì vậy kính đề nghị cho phép hàng hóa xe ô tô nguyên chiếc 16 chỗ ngồi được làm thủ tục nhập khẩu qua cửa khẩu cảng biển Chu Lai - Trường Hải.

GTVT, CT

 

18

Quảng Nam

Hiện trạng trên hai dòng sông Thu Bồn, Vu Gia (đoạn qua địa phận huyện Đại Lộc) còn tồn tại các bến đò kết nối vùng B thuộc huyện Đại lộc và vùng Tây Bắc thuộc huyện Duy Xuyên, như: Trung Phước, Tịnh Yên, Bến Dầu, Phú Thuận, Mỹ An, Thuận Mỹ. Hệ thống giao thông cầu đường còn thiếu và chưa đồng bộ dẫn đến nhiều rủi ro tai nạn giao thông đường thủy khó lường như vụ chìm xuồng tại, thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường mới đây vào ngày 25/2/2020 làm 06 người chết. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung danh mục dự án cầu Bình An, huyện Đại Lộc vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và bố trí kế hoạch vốn đầu tư dự án từ năm 2020.

KHĐT

 

19

Quảng Nam

Cho phép được lựa chọn các doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp và không phải qua thủ tục đấu thầu theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP về quy định đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; không bị ràng buộc bởi tỷ lệ lấp đầy 60% các khu công nghiệp hiện có theo quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.

KHĐT

 

20

Quảng Nam

UBND tỉnh đã ban hành đề án xây dựng 31.352 nhà ở cho người có công với cách mạng (trong đó xây mới 9.889 nhà, sửa chữa 21.463 nhà). Kinh phí thực hiện 825 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 742 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 83 tỷ đồng). Tổng số kinh phí ngân sách Trung ương đã được thanh, quyết toán là 641 tỷ đồng, ngân sách Trung ương còn dư, chưa giải ngân: 101 tỷ đồng. Với đặc thù là địa phương có rất nhiều đối tượng chính sách, người có công với cách mạng chưa được đầu tư, hỗ trợ. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện chính sách, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 03/10/2019 tiếp tục hỗ trợ đối với người có công với Cách mạng về nhà ở để giải quyết hỗ trợ cho 12.734 trường hợp tăng thêm, với tổng nguồn kinh phí cần hỗ trợ dự kiến khoảng 335 tỷ đồng, 100% sử dụng nguồn ngân sách ngân sách địa phương. Năm 2019, ngân sách tỉnh đã bố trí 100 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn về kinh tế hiện nay, khả năng đảm bảo huy động nguồn kinh phí còn lại là 235 tỷ đồng là rất khó khăn. Vì vậy, kính đề nghị cho phép sử dụng nguồn ngân sách Trung ương đã giao cho tỉnh thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng nhưng chưa giải ngân là 101 tỷ đồng và khoảng 100 tỷ đồng từ nguồn vốn sắp xếp cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp có thu trên địa bàn tỉnh để đảm bảo cân đối nguồn kinh phí hoàn thành mục tiêu hỗ trợ đối với người có công với cách mạng về nhà ở.

KHĐT, TC

 

21

Quảng Nam

Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trình phê duyệt danh mục dự án đầu tư công thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với công trình đường Quốc lộ 14G hiện đã xuống cấp để tăng kết nối Đông - Tây từ các huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Quảng Nam với các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng và thành phố Đà Nẵng. Đồng thời cho nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ 14E; Quốc lộ 14D và Quốc lộ 40B nối cửa khẩu Bờ Y, cửa khẩu Nam Giang với hệ thống cảng Đà Nẵng và cảng Chu Lai. Đầu tư ổn định luồng tàu Cửa Đại vì hàng năm đều bị bồi lấp nặng khiên hàng trạm tàu cá không ra khơi được.

GTVT

 

22

Bình Định

Cảng Hàng không Phù Cát đã và đang được đẩy mạnh đầu tư nâng cấp để đáp ứng việc khai thác các chuyến bay quốc tế đầu năm 2020. Hiện nay, Sân đỗ tàu bay đã được đầu tư mở rộng đáp ứng 07 vị trí đỗ; Nhà ga đã đầu tư hoàn thiện đáp ứng năng lực phục vụ 600 hành khách/giờ cao điểm, đáp ứng khai thác với công suất đến 1,5 triệu hành khách/năm. Bình Định, kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thành Cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trong các năm sắp đến và phù hợp với định hướng quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, xem xét quy hoạch xác định ranh giới giữa đất quốc phòng và dân dụng để tạo điều kiện sớm mở rộng sân bay Phù Cát.

GTVT

 

23

Bình Định

Tuyến đường Quốc lộ 19B đoạn qua tỉnh Bình Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 2054/QĐ-TTg ngày 23/11/2015). Tuyến đường này vốn được nâng cấp từ các tuyến Tỉnh lộ vào những năm 1980, hiện đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, các tuyến đường trên có quy mô nhỏ hẹp, hiện không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa... phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tỉnh Bình Định kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí vốn cho các dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 19B đoạn qua tỉnh Bình Định vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện.

GTVT

 

24

Bình Định

Dự án Tuyến đường Quốc lộ 19, đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1 có tổng mức đầu tư là 4.410 tỷ đồng, với cơ cấu vốn Trung ương hỗ trợ 70% và ngân sách địa phương 30%. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện đến hết năm 2020 với tổng mức đầu tư là 3.972 tỷ đồng (bao gồm: ngân sách Trung ương là 2.780 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 1.192 tỷ đồng). Đến nay, ngân sách Trung ương đã bố trí cho Dự án là 1.543,8 tỷ đồng (trong đó tạm ứng từ ngân sách Trung ương là 1.361 tỷ đồng); đồng thời, dự án này đã đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Trong khi phần vốn ngân sách tỉnh đã bố trí đủ cho giai đoạn 1, tuy nhiên phần vốn ngân sách Trung ương bố trí cho giai đoạn 1 (bố trí thông qua Bộ Giao thông vận tải) chưa đảm bảo theo quyết định phê duyệt dự án. Do đó, để đảm bảo nguồn vốn ngân sách Trung ương thanh toán khối lượng hoàn thành cho các đơn vị thi công cũng như hoàn trả tạm ứng, kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm bố trí kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 (thông qua Bộ Giao thông Vận tải) cho dự án là 2.597,2 tỷ đồng (để thanh toán khối lượng hoàn thành 1.236,2 tỷ đồng và hoàn trả tạm ứng 1.361 tỷ đồng).

GTVT

 

25

Bình Định

UBND tỉnh Bình Định đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực ga Quy Nhơn và vùng phụ cận. Theo đó, toàn bộ phần diện tích ga Quy Nhơn sẽ được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật; phần đất dọc theo đường sắt sử dụng để mở rộng đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn. Tại Thông báo số 286/TB-VPCP ngày 10/8/2019 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, theo đó giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xem xét, xử lý cụ thể việc di dời ga đường sắt Quy Nhơn ra khỏi nội thành theo quy định. Kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng phương án ngừng hoạt động tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn và di dời ga Quy Nhơn ra khỏi thành phố Quy Nhơn.

GTVT

 

26

Phú Yên

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ sớm nghiên cứu triển khai đầu tư dự án tuyến đường sắt từ Phú Yên lên Tây Nguyên. Tuyến đường sắt Tuy Hòa đi Tây Nguyên là tuyến giao thông hết sức quan trọng, là trục đường sắt duy nhất nối liền các tỉnh Duyên hải Miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên và đầu tư tuyến đường cao tốc qua các tỉnh Miền trung.

GTVT

 

27

Khánh Hòa

Để tạo điều kiện phát triển kinh tế liên vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, trong đó có tận dụng và phát huy sân bay Đông Tác, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo bổ sung thêm tuyến đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong - Nam Phú Yên trong giai đoạn 2021-2025.

GTVT

 

28

Khánh Hòa

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm bố trí vốn đầu tư hồ Đồng Điền phục vụ cấp nước trực tiếp cho Khu kinh tế Vân Phong theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 380/QĐ-TTg

KHĐT

 

29

Khánh Hòa

Kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ bổ sung vốn đầu tư các công trình quan trọng cho tỉnh Khánh Hòa thực hiện đường giao thông ven biển, đê kè phòng chống ứng phó biến đổi khí hậu nhằm kích thích kinh tế và tạo động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm.

KHĐT

 

30

Khánh Hòa

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, đồng ý cho tỉnh Khánh Hòa không thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% tổng mức đầu tư đối với dự án Kè chống sạt lở bờ Bắc thị trấn Diên Khánh theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ để đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô, đảm bảo mục tiêu đã được phê duyệt ban đầu (Nội dung này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4971/UBND-KT ngày 22/5/2020).

KHĐT

 

31

Gia Lai

Về đầu tư dự án đường cao tốc Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) - Pleiku (tỉnh Gia Lai: Theo đề nghị của 03 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Bộ Giao thông vận tải đã có ý kiến tại văn bản số 2188/BGTVT-KHDT ngày 12/3/2020, thì tuyến đường sẽ được nghiên cứu, đầu tư vào năm 2030; hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang triển khai lập quy hoạch mạng lưới đường bộ theo Luật Quy hoạch và sẽ nghiên cứu, điều chỉnh tiến trình đầu tư dự án trên. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai lập quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ và có cơ chế hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng dự án để thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư

GTVT

 

32

Gia Lai

Tỉnh Gia Lai còn 06 dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư để giao vốn kế hoạch năm 2020 trước 30/6/2020, đây là các dự án cấp bách sử dụng vốn dự phòng ngân sách trung ương và vốn hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 các dự án trên phải trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư nên các dự án này đã được HĐND tỉnh phê duyệt tại kỳ họp HĐND bất thường (ngày 08/5/2020) nên chưa hoàn thành phê duyệt dự án trước ngày 30/6/2020 theo quy định tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho kéo dài thời gian giao vốn đến 31/7/2020 như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản 4082/TTr-BKHĐT ngày 24/6/2020.

KHĐT

 

33

Gia Lai

Về Kế hoạch vốn đầu tư thực hiện Chương trình 135 năm 2020: tỉnh Gia Lai có 01 xã ĐBKK (xã Uar, huyện Krông Pa) và 90 thôn ĐBKK công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 4/12/2019; Quyết định số 958/QĐ-UBDT ngày 13/12/2019. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các xã, thôn ĐBKK đã được công nhận hoàn thành năm 2019 được tiếp tục thực hiện Chương trình 135 trong năm 2020 theo kế hoạch vốn đã được trung ương giao. UBND tỉnh Gia Lai đã có Văn bản số 871/UBND-NL ngày 20/4/2020 gửi Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành trung ương.

UBDT

 

34

Gia Lai

Công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Thul đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự án tại Quyết định số 4349/QĐ/BNN-XDCB ngày 25/10/1999; đã được đưa vào các quy hoạch: Quy hoạch sử dụng tổng hợp bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Ba; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã - hội vùng Tây Nguyên; Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây; các thủ tục chuẩn bị dự án đã được thực hiện đầy đủ, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được đầu tư. Dự án tưới cho 5.226 ha với tổng mức đầu tư là 4.000 tỷ đồng. Để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong vùng, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

NNPTNT

 

35

Gia Lai

Cánh đồng An Phú nằm trên địa bàn thành phố Pleiku có diện tích khoảng 500ha thường xuyên bị thiếu nước về mùa khô. Trong khi hồ chứa nước Tân Sơn, huyện Chư Păh có dung tích 4,4 triệu m3 nước nằm cách cánh đồng An Phú khoảng 18km (theo đường chim bay) ngoài đảm bảo cấp nước cho mục tiêu ban đầu, dự án còn có khả năng cung cấp nước 300ha cây trồng thuộc cánh đồng An Phú, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và hoạt động dịch vụ trên địa bàn huyện Đăk Đoa. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, bố trí vốn đầu tư dự án với số vốn là 160 tỷ đồng.

KHĐT

 

36

Gia Lai

Kinh phí thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2020: tại Thông báo số 474/TB-VPCP ngày 25/12/2018 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai; Thủ tướng đã có ý kiến giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ xem xét đề xuất nguồn vốn ngân sách trung ương báo các Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện (311,65 tỷ đồng). Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung kinh phí để địa phương thực hiện.

KHĐT

 

37

Gia Lai

Về cấp điện nông thôn: Hiện nay Bộ Công Thương đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Gia Lai giai đoạn 2015 - 2020 (theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020). Tuy nhiên đến nay chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Kiến nghị Bộ Công Thương bố trí vốn để sớm triển khai Dự án này.

CT

 

38

Đắk lắk

Xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung tuyến đường Cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang vào Quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 5014/UBND-TH ngày 10/6/2020 trình Bộ Giao thông vận tải).

GTVT

 

39

Đắk Lắk

Chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan sớm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án tuyến đường sắt lên Tây Nguyên để giảm áp lực cho đường bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực Tây Nguyên.

GTVT

 

40

Đắk Lắk

Xem xét, hỗ trợ kinh phí cho Căm pu chia làm đường giao thông từ huyện Cô Nhéc - tỉnh Mondulkiri đến cửa khẩu Đắk Ruê - Chi Miết; ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho tỉnh Đắk Lắk để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông thiết yếu tại khu vực cửa khẩu Đắk Ruê

KHĐT, TC

 

41

Đắk Lắk

Chấp thuận chủ trương chuyển 02 tuyến đường tỉnh ĐT.668 (tỉnh Gia Lai) và đường tỉnh ĐT.695 (tỉnh Đắk Lắk) thành quốc lộ, với tổng chiều dài 44,5km; chuyển tuyến đường tỉnh ĐT.697 (Tỉnh lộ 1) và tuyến đường tỉnh ĐT.696D (TL 16A), tỉnh Đắk Lắk thành Quốc lộ 26 kéo dài lên quốc lộ và bổ sung vào quy hoạch mạng lưới quốc lộ Việt Nam

GTVT

 

42

Đắk Nông

Về kiến nghị triển khai xây dựng đường cao tốc Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trong đó có đoạn qua tỉnh Đắk Nông (đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2): Hiện dự án được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp thẩm quyền quyết định dự án. UBND tỉnh Đắk Nông đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 334/BC-UBND ngày 24/6/2020, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án theo hình thức PPP trong năm 2020, để có thể triển khai dự án từ năm 2021. Trình Trung ương hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng và giao UBND tỉnh Đắk Nông thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư dự án.

GTVT

 

43

Đắk Nông

Về kiến nghị Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28, đoạn Gia Nghĩa - Quảng Khê và dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28, đoạn qua thị trấn Quảng Khê: Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để đề xuất đưa vào đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí hơn 700 tỷ đồng. Nội dung này đã được đồng chí Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải ủng hộ trong buổi làm việc giữa Bộ Giao thông vận tải và lãnh đạo tỉnh Đắk Nông (Thông báo Kết luận làm việc tại Thông báo số 256/TB-BGTVT ngày 19/6/2020). Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải giao cho tỉnh làm chủ đầu tư dự án trong bước triển khai thực hiện đầu tư dự án.

GTVT

 

44

Đắk Nông

Về kiến nghị đầu tư dự án Tuyến đường sắt đa dụng Đắk Nông - Chơn Thành: Hiện nay Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất đầu tư dự án theo hình thức PPP; theo quy định, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng đường sắt. Để dự án sớm triển khai thực hiện, UBND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành kết nối với đường sắt xuyên Á xuống cảng Thị Vải (tuyến Đắk Nông - Chơn Thành - Dĩ An - Lộc Ninh đến cảng Thị Vải). Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sẽ tổ chức vận động, thu hút, kêu gọi đầu tư các nhà đầu tư quan tâm đầu tư dự án.

GTVT

 

45

Lâm Đồng

Ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ các tuyến đường giao thông huyết mạch, nhất là các tuyến đường hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, như: tuyến Quốc Lộ 27, Quốc Lộ 28 (nối các tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông - Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận). Sớm đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương (nối tỉnh Lâm Đồng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), các đường tỉnh lộ nối với đường xương sống của Tây Nguyên

GTVT

 

46

Lâm Đồng

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm sớm giao bổ sung kế hoạch vốn năm 2020 từ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để đầu tư 2 hồ thủy lợi Đông Thanh và Ta Hoét trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

KHĐT

 

IV. NHÓM KIẾN NGHỊ VỀ THỦ TỤC NHẬP CẢNH CHO CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ ĐẦU TƯ VÀ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI

1

Quảng Ngãi

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc cho các dự án, công trình, doanh nghiệp lớn, trọng điểm, cấp thiết, trong đó có dự án thép Hòa Phát và Nhà máy lọc dầu Dung Quất tại Khu Kinh tế Dung Quất.

NG, CA

 

2

Khánh Hòa

Kiến nghị Bộ Công an tiếp tục xem xét, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh theo Thông báo 182/TB-VPCP ngày 15/05/2020 của Văn phòng Chính phủ (sau khi kiểm tra các yếu tố liên quan đến dịch bệnh) để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được sớm triển khai.

CA

 

3

Khánh Hòa

Kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục có hướng dẫn cụ thể đối với việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài (tiếp theo Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH ngày 02/02/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra) trong tình hình hiện nay để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

LĐTBXH

 

V. NHÓM KIẾN NGHỊ VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC

1

Thừa Thiên Huế

Về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng:

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có Công văn số 2931/UBND-NV ngày 09/4/2020 gửi Bộ Nội vụ thống nhất lựa chọn Phương án “Giao thành phố Đà Nẵng quản lý 608,9 ha thuộc Nam núi Hải Vân. Giao tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý 151,9 ha của hòn Sơn Chà”. Qua làm việc với các cơ quan, địa phương liên quan, Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 2486/TTr-BNV ngày 18/5/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Văn phòng Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến thành viên Chính phủ các nội dung có liên quan. Kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo việc xác định địa giới hành chính giữa 02 địa phương, tạo điều kiện cho địa phương ổn định phát triển kinh tế - xã hội.

NV

 

2

Đà Nẵng

Liên quan đến Bản án đối với tài sản thế chấp là các lô đất thuộc khu vực Sân vận động Chi Lăng thành phố Đà Nẵng. UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo xử lý kháng nghị phần dân sự Bản án liên quan đến Sân vận động Chi Lăng tại Bản án hình sự sơ thẩm số 332/2016/HSST ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án phúc thẩm số 30/2017/HSPT ngày 24 tháng 01 năm 2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

TP

 

3

Đà Nẵng

Trong thời gian vừa qua, TP Đà Nẵng đã huy động nhiều nguồn lực và áp dụng nhiều biện pháp để thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đến hiện nay, đã thực hiện truy thu được khoảng 636,5 tỷ đồng, chiếm 63,5% số tiền thất thu theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ). Tại điểm 3.3 Phần II của Kết luận số 2852/KL-TTCP đề nghị thành phố Đà Nẵng rà soát các trường hợp tương tự để thu hồi tiền về ngân sách (ngoài 46 dự án theo Kết luận của TTCP thì hiện nay còn khoảng 1.061 dự án tương tự). Đây là điều rất khó thực hiện và ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH của thành phố. Vì vậy, Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép TP Đà Nẵng dừng việc rà soát, xử lý đối với các trường hợp tương tự nêu tại điểm 3.3 Phần II của Kết luận số 2852/KL-TTCP, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, nhằm tạo điều kiện giải phóng nguồn lực từ hàng trăm dự án và các khu đất trên địa bàn thành phố để phát triển sản xuất kinh doanh, không để lãng phí tài sản của Nhà nước.

TTCP

 

4

Đà Nẵng

Về phân định đường địa giới hành chính còn đang chồng lấn giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. UBND thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm có kết luận giải quyết dứt điểm vì đã trải qua thời gian kéo dài quá lâu.

NV

 

5

Đà Nẵng

Liên quan đến Bản án đối với khu đất 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước. Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định: “Giao UBND thành phố Đà Nẵng thu hồi Khu đất 29ha thuộc Dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê và phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất này”. UBND thành phố Đà Nẵng nhận thấy khó khăn, vướng mắc, trong quá trình triển khai thực hiện. Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo thực hiện đối với những nội dung vướng mắc về thu hồi đối với Khu đất 29ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước theo Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

TP

 

6

Quảng Ngãi

Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ mặt hàng nông sản xuất khẩu, giảm bớt sự bấp bênh do phụ thuộc vào một thị trường; chủ động, can thiệp vào hệ thống các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Logistics, các hiệp hội, tập đoàn bán lẻ... hỗ trợ thu mua, bảo quản, tiêu thụ nông sản nói chung; đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan hướng dẫn, định hướng, vận động tiêu dùng nội địa nhằm hỗ trợ cho bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm.

CT

 

7

Bình Định

Hiện nay tình trạng nợ đọng vay vốn đóng mới tàu cá và mua bảo hiểm thân tàu khi đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ đang gặp nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho ngư dân. Kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết tình trạng trên, tạo điều kiện để bà con ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

TC, NNPTNT

 

8

Bình Định

Bên cạnh đó, kính đề nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ nâng cấp cảng cá Tam Quan (thuộc địa bàn thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) thành khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá ngừ đại dương và nâng cấp cảng cá Đê Gi (thuộc địa bàn huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) thành khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá từ phía Nam tỉnh chuyển ra.

NNPTNT

 

9

Gia Lai

Về việc chuyển giao cơ sở nhà, đất số 89 Hùng Vương, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai: Bộ Tài chính có Quyết định số 1095/QĐ-BTC ngày 26/6/2019; văn bản số 11240/BTC-QLCS ngày 24/9/2019; văn bản số 740/BTC-QLCS ngày 20/01/2020 về việc chuyển giao cơ sở nhà, đất số 89 Hùng Vương, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chưa bàn giao tài sản cho tỉnh Gia Lai quản lý theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm bàn giao nguyên trạng nhà, đất tại số 89 Hùng Vương, thành phố Pleiku về địa phương quản lý.

CT

 

10

Gia Lai

Về điều chỉnh dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2020: kết quả thực hiện thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua các năm đạt thấp, năm 2018 chỉ đạt 36,1% (71,4/198 tỷ đồng), năm 2019 chỉ đạt 40,5% (30,8/76 tỷ đồng). Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng Cục Hải quan xem xét giao dự toán thu sát với tình hình thực tế của địa phương, điều chỉnh giảm dự toán thu trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum thực hiện.

TC

 

11

Gia Lai

Đề nghị Trung ương bổ sung ngân sách cho các cơ sở khám chữa bệnh mà nguồn thu từ viện phí không đủ để chi lương. Bố trí kinh phí kết dư từ nguồn quỹ BHYT để đầu tư cho các cơ sở y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch Covid-19 cho tỉnh, tổng kinh phí 177 tỷ đồng (thực hiện theo Quyết định số 07/QĐ-BCĐQG ngày 30/3/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia). Đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành khung giá niêm yết chung cho vật tư y tế tiêu hao; cơ cấu giá dịch vụ kỹ thuật y tế theo hướng tính đúng tính đủ để các bệnh viện thống nhất thực hiện, đảm bảo cho việc tự chủ theo lộ trình hiện nay. Mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia.

YT

 

12

Kon Tum

Hỗ trợ kinh phí kịp thời trong trường hợp địa phương hụt thu năm 2020 do ảnh hưởng của tình hình hạn hán, thiên tai, dịch bệnh Covid-19.

TC

 

13

Đắk Nông

Về kiến nghị quy định một số loại cây công nghiệp, nông nghiệp lâu năm để xem xét tính chung vào tỷ lệ che phủ rừng: Hiện nay, UBND tỉnh Đắk Nông đang hoàn thiện nội dung các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực nông lâm nghiệp trên địa bàn để đón tiếp đoàn công tác của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến thăm và làm việc tại tỉnh (dự kiến trong tháng 7 và tháng 8/2020). UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét: Xây dựng, bổ sung các loài cây đa mục đích, cây đặc sản đưa vào trồng rừng sản xuất và trồng nông lâm kết hợp, như: Mít, bơ, sầu riêng, vú sữa, chôm chôm, hồng xiêm, nhãn, xoài

NNPTNT

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 271/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 271/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 03/08/2020
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản