Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2018

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN NGỌC ĐÔNG TẠI HỘI NGHỊ VỀ THỰC HIỆN QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ KHU VỰC PHÍA BẮC TRONG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TẠI CÁC ĐIỂM GIAO CẮT GIỮA ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG SẮT

Ngày 22 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (118 Lê Duẩn, thành phố Hà Nội), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì Hội nghị về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Tham dự Hội nghị, có đại diện Lãnh đạo và Chuyên viên các đơn vị: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Vụ ATGT, Vụ KCHT, Vụ Vận tải, Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP. Hải Phòng và thành phố Hà Nội, đồng chí Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Sau khi nghe Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và đại diện lãnh đạo Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc báo cáo về kết quả triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông kết luận như sau:

Bộ Giao thông vận tải ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm, phối hợp của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và Quy chế phối hợp về công tác đảm bảo TT ATGT tại vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trong thời gian qua, bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tình hình tai nạn giao thông đường sắt trong năm 2017 giảm cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).

Tuy nhiên, trong năm 2017 vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm còn diễn ra khá phổ biến, các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ còn quá nhiều, đặc biệt là còn tồn tại nhiều lối đi tự mở bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm, hệ thống đường gom, hàng rào hộ lan giữa đường sắt và đường bộ chạy dọc liền kề, hàng rào bảo vệ hành lang ATGT đường sắt chưa được đầu tư, xây dựng kịp thời... đây thực sự là nguy cơ tiềm ẩn đối với an toàn giao thông đường sắt.

Để đạt được mục đích, yêu cầu đã đề ra trong Năm An toàn giao thông 2018 và tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ và Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm TTATGT đường sắt, cụ thể:

1. Giao Cục Đường sắt Việt Nam

- Tập trung hoàn thành việc xây dựng các văn bản QPPL đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu, đặc biệt là các văn bản QPPL liên quan đến công tác bảo vệ KCHT đường sắt, trật tự an toàn giao thông đường sắt;

- Chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá tình hình tai nạn giao thông đường sắt tại các vị trí giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt để đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông bền vững.

- Đánh giá, lựa chọn các giải pháp để triển khai nâng cấp đường ngang biển báo lên đường ngang cảnh báo tự động (CBTĐ) có lắp đặt cần chắn tự động (CCTĐ); tiếp tục rà soát, xác định các vị trí đường ngang bị che khuất tầm nhìn, các điểm vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt để lên kế hoạch giải tỏa, cưỡng chế vi phạm;

- Tham mưu, trình Bộ Giao thông vận tải bổ sung, sửa đổi các nội dung Quy chế phối hợp cho phù hợp với tình hình mới để ký kết với UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, thực hiện trong quý I/2018;

- Tiếp tục triển khai kế hoạch làm việc với các địa phương để đôn đốc các chủ thể liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT, kịp thời báo cáo Ủy ban ATGT Quốc gia; Bộ GTVT những tồn tại, bất cập trong thực hiện Quy chế phối hợp; đôn đốc các địa phương và cơ quan quản lý đường bộ để tiếp tục triển khai xây dựng gờ, gồ giảm tốc cưỡng bức tại các vị trí giao cắt theo danh mục đã được phê duyệt theo thứ tự ưu tiên và hướng dẫn kỹ thuật tạm thời của Bộ Giao thông vận tải;

- Chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt trên các phương tiện thông tin đại chúng; nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp KHCN vào công tác quản lý, giám sát ATGTĐS.

2. Giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:

- Tiếp tục chủ động phối hợp với Ban ATGT các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, đặc biệt là chính quyền cơ sở và các đơn vị có liên quan để thống kê, rà soát, quản lý các loại giao cắt, loại hình phòng vệ, đề xuất nâng cấp, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế; phối hợp từng bước xử lý dứt điểm các công trình xây dựng trong phạm vi đường ngang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành ATGTĐS, phát quang tầm nhìn cả 2 phía đường bộ và đường sắt tại các vị trí giao cắt;

- Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cảnh giới, chốt gác cho địa phương, cung cấp trang thiết bị cần thiết cho các điểm cảnh giới hoặc chốt gác theo quy định tại Thông tư số 08/2014/TT-BGTVT; bố trí người cảnh giới tại các đường ngang biển báo có diễn biến phức tạp; phối hợp chính quyền địa phương triển khai cắm biển “Chú ý tàu hỏa” còn thiếu, thu hẹp tại các lối đi tự mở nguy hiểm; quản lý tốt đội ngũ nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, đặc biệt là đội ngũ nhân viên lái tàu, gác chắn đường ngang, cầu chung;

- Phối hợp với Vụ KCHT tổng hợp ý kiến đề xuất về phương án hướng dẫn kỹ thuật cho địa phương làm êm thuận bề mặt lối đi tự mở đảm bảo ATGT;

- Giao trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức, Doanh nghiệp đường sắt trong việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến đảm bảo TTATGT đã được phân công tại Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tai nạn chạy tàu do chủ quan gây ra.

3. Giao Tổng Cục Đường bộ Việt Nam: Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tiến hành kiểm tra, rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, vạch dừng còn thiếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; xây dựng gờ, gồ giảm tốc cưỡng bức theo thứ tự ưu tiên trong phạm vi quản lý.

4. Giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông:

- Phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Vụ ATGT tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải phê duyệt hướng dẫn kỹ thuật cho địa phương làm êm thuận bề mặt lối đi tự mở đảm bảo ATGT;

- Phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam xây dựng hoàn chỉnh dự thảo bổ sung, sửa đổi các nội dung Quy chế phối hợp cho phù hợp với tình hình mới để ký kết với UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua. Hoàn chỉnh nội dung dự thảo Quy chế phối hợp và báo cáo Lãnh đạo Bộ GTVT để tổ chức ký kết với các địa phương có đường sắt, thực hiện trong quý II/2018.

5. Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt:

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Bộ Giao thông vận tải trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 về các nội dung liên quan đến địa phương; phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua; đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Quy chế phối hợp cho phù hợp với tình hình mới để ký với Bộ Giao thông vận tải;

- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về đường sắt đến các tầng lớp nhân dân; khi làm thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp và người dân cần tính đến phương án đảm bảo ATGT khi đưa vào khai thác theo quy định của pháp luật về đường sắt, khi quy hoạch các khu dân cư cần lưu ý để không vi phạm đến hành lang an toàn giao thông đường sắt;

- Cương quyết không để phát sinh thêm lối đi tự mở; chủ động lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ các lối đi tự mở; trong thời gian chờ xóa bỏ, bố trí nhân lực cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; ưu tiên đầu tư kinh phí để thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương đã được phân định trong Quy chế phối hợp (xây dựng hàng rào, đường gom, bố trí cảnh giới, sửa chữa kết cấu mặt đường bộ vào đường ngang...);

- Chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thực hiện các biện pháp như: thu hẹp lối đi tự mở, tổ chức cảnh giới, đề xuất nâng cấp đường ngang theo quy hoạch đã phê duyệt; bổ sung biển báo hiệu đường bộ, cọc tiêu, vạch dừng, gồ giảm tốc tại các đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang có cần chắn tự động, đường ngang phòng vệ bằng biển báo; giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường sắt; triển khai thực hiện việc kết nối tín hiệu giao thông giữa đường bộ và đường sắt tại các đường ngang theo quy định;

- Giao trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT đã được phân công tại Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang ATGT đường sắt.

6. Đề nghị Cục Cảnh sát giao thông: tiếp tục chỉ đạo các đơn vị Cảnh sát giao thông địa phương tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về quy tắc giao thông tại các vị trí đường ngang có mật độ giao thông tăng cao.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ thông báo đến các cơ quan, đơn vị - liên quan biết và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông (để b/c);
- UBND các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và thành phố Hà Nội;
- Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an);
- Các cơ quan, đơn vị dự họp.
- Lưu: VP, ATGT.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Ngu
yễn Trí Đức

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 10/TB-BGTVT năm 2018 về kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại Hội nghị về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 10/TB-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 11/01/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Trí Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản